Sinh năm 1968 tại Hưng Nguyên, Nghệ An, hiện sống tại Hà Nội và San Francisco,
tác giả là Tiến sĩ Ngữ văn (chuyên ngành Văn học Nga).
“Mưa Hoa” gồm 43 bài, thể thơ tự do, không có chương mục. Thơ của Hoàng Thị Vinh không bóng bẩy mượt mà. Đơn thuần như những cảm xúc bật ra thành thơ. Nghe đồng hồ báo thức - thành thơ. Ngắm trăng Tahoe – thành thơ. Đi giữa sa mạc – thành thơ. Bắt một ánh mắt của chàng trượt tuyết băng qua – thế là thành thơ. Đi đâu cũng thấy thơ.
Đúng như lời giới thiệu của Bằng Việt – tập thơ là những cung bậc quyết liệt của tình yêu. Người đọc sẽ thấy tập thơ rất đa dạng. Từ những tình cảm e thẹn như: “
Không dám gặp anh / Em chạy về nhà / Vào buồng úp mặt khóc” (“Không Dám”), cho đến những cảm xúc mãnh liệt đến hoang dại “
Khi ôm em trong tay / Ta muốn rú lên như sói hoang / Muốn gầm lên như hổ đói” (“The Dream That Night”).
Những tình cảm muôn màu muôn vẻ của người phụ nữ, kiêu hãnh như “
Mười bảy tuổi không có sừng trâu / Em cưỡi xe bẻ cong góc phố” (“Mười Bảy”) , lụy như “
Em yêu anh!!! / Em gào tan cả giọng” (“Mờ mịt phía – Không –Anh”), hay buồn “
Vứt toẹt vào sọt rác / Dăm bảy lần lì đổ không đi!” (“Buồn cho xếp xó”), và nhiều hơn nữa.
Đối với tôi, “Mưa Hoa” là những ngạc nhiên thích thú khi hân hạnh được cầm trong tay tập thơ do tác giả tặng. Được sự đồng ý của chị, xin gửi đến bạn đọc chùm thơ “Mật Mã Tình Yêu”, “Người Đàn Bà Sưu Tập Nhà” và “Người Đàn Bà Mất Ngủ”.
Hai bài thơ đầu được in trong “Mưa Hoa”, bài thứ ba tác giả tiết lộ sẽ có mặt trong tập thơ sẽ ra mắt bạn đọc thời gian sắp tới. Trân trọng giới thiệu đến độc giả NCTG!
Hạnh Mai giới thiệu
*
NGƯỜI ĐÀN BÀ MẤT NGỦ
Chị đẹp và sang
Sống trong ngôi nhà đẹp và sang
Tiện nghi ngập giữa thành phố đẹp
Chị dắt chó dạo mỗi sáng.
Sao mắt chị thâm quầng
Đã ba ngày từ đêm con chim kêu.
Không bão mưa, trời chưa sáng hẳn.
Không phải chim non chờ chim mẹ chưa về
Không phải thiên nga lẻ đôi khản giọng
Khu nhà an toàn như dinh tổng thống
Chim làm sao kêu bất trắc trong đêm?
Giờ chim ở đâu?
Sao kêu bất bình thường
Sao như gọi ai
Sao kêu trẻ, rõ ràng đến thế,
Con chim kêu đêm?!
Không phải tình yêu,
Không phải tuổi trẻ,
Không phải người đàn ông năm nào đứng đợi ngoài hiên,
Sao người đàn bà mất ngủ?
MẬT MÃ TÌNH YÊU
Sau lần đầu gặp mặt
Anh gọi em là Hoa sen.
Trái tim ngân vàn muôn nốt nhạc
Tâm hồn ngào ngạt hương. Hoa sen.
Anh hỏi
Có điều gì còn giấu dưới những cánh thơm
Mà mắt em nhìn bối rối
Hoa sen ơi!
Hoa sen!
Bật tung cửa lâu đài tình yêu
Ta dắt tay nhau
Vào vườn hoa bí mật
Em vẫn mải mê say hương hoa
Anh đến bên nhắc nhỏ
Hoa sen!
Em ào nắm tay anh
Chạy về phía chân trời hồng hoa nở
Chân trời hoa hạnh phúc.
HOA SEN
NGƯỜI ĐÀN BÀ SƯU TẬP NHÀ
Người đàn bà phù phiếm mộng mơ
Đi khắp bốn phương tìm bình yên chiếc tổ
Trong những ngôi nhà nhỏ xíu
Những ngôi nhà trang trí cho nhà
Người ta chưng vào tủ, lên tường, thắp nến...
Chị âu yếm gọi là “Nhà tổ bình yên”
Nhà đẹp nhà giàu phải có đồ trang trí
Nhà có đẹp chủ nhà mới vượng.
Đi đến bất cứ đâu
Chị cũng đi tìm mua bằng được
Nhà Nhật Bản nhỏ xíu xinh đẹp
Nhà châu Phi cửa nhỏ không trần
Nhà châu Âu tuyết lạnh kín tường
Nhà Bắc Mỹ tiện nghi hiện đại
Nhà Trung Quốc mấy nghìn năm mái ngói...
Hay nhà cổ tích cô tiên xanh, Bạch Tuyết bảy chú lùn
Bà phù thuỳ đến quả bầu ma lễ...
Chị mua đủ.
Nhà là nhà, sắp đầy các tủ.
Về Việt Nam chị không mua được nhà!
Mái tranh thân thương nhường nhà mái ngói
Sao không ai bán nhà deco
Nhà Việt mái tranh vách đất
Lối đi vào lu nước, buồng cau
Trẻ chơi trong sân, gà ăn thóc, lợn chạy rông?
Mái tranh mẹ già vào thơ ca, giấc ngủ. Ở đâu?
Thế giới mê nhà deco kiểu đó
Nhà mái tranh, mái ngói có tiếng cười.
Chị thèm có ngôi nhà mái cong thuần Việt
Tìm đâu ra.
- Nhà đây, ai mua nhà tôi bán cho.
Chi ơi, mua nhà có tiền là mua được.
Biệt thự, chung cư, liền kề, tập thể
Nhà nát, nhà nợ ngân hàng... thoải mái mà mua.
- Tìm lâu rồi mà không thấy,
Nhà deco để trang trí cơ mà!
- Nhà nào mà chẳng là đồ trang trí!
Sắp hết nửa đời đi tìm tổ bình yên
Nếu Tình yêu là chẳng thể bình yên
Xin nói lại, không tìm bình yên nữa
Tổ bình yên xây trên móng “chẳng yên bình”
Nhà nào mà chẳng là đồ trang trí!
Còn nữa nửa đời.