SỰ NỐI TIẾP CỦA “KHÔNG SỐ PHẬN”

Thứ bảy - 19/03/2011 14:25

“Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” là tác phẩm quan trọng thứ hai của Kertész Imre, sau “Không số phận”, một bản án đặc biệt viết với một bút pháp độc đáo của một nhà văn lớn, có sức ám ảnh mạnh mẽ và sâu sắc, đối với chế độ toàn trị phát-xít.


Nguyên bản tiếng Hungary của tác phẩm


LTS: Sau “Không số phận” (1), lại thêm một tiểu thuyết của nhà văn Hungary Kertész Imre (Giải Nobel Văn chương 2002) được ra mắt độc giả Việt Nam: “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” (Kaddis a meg nem született gyermekért) (2). Đây là một cuốn sách chẳng những gắn liền với những truyền thống Do Thái (Kertesz Imre gốc Do Thái) xét về thể loại, mà trên góc độ cấu trúc, tác phẩm cũng được đặt trên cơ sở di sản văn học Do Thái.

Do vậy, “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” là một tác phẩm quan trọng, nhưng đồng thời cũng khó đọc vì những khái niệm xa lạ, trừu tượng, vì thủ pháp nghệ thuật và bút pháp, cách hành văn không quen thuộc đối với bạn đọc Việt Nam. Bài giới thiệu sau đây của dịch giả Giáp Văn Chung hy vọng sẽ đem đến một số thông tin cần thiết, giúp ích cho việc tiếp cận dịch phẩm này.

*

Kertész Imre không phải là một tên tuổi xa lạ đối với bạn đọc Việt Nam, nhất là khi tác phẩm “Không số phận” của ông ra mắt vào tháng 10-2010, và bây giờ như một sự tiếp nối tiểu thuyết “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” đến tay bạn đọc bổ sung những nét rõ ràng hơn một diện mạo văn học độc đáo của văn học Hungary.

Kertész Imre sinh ngày 9-11-1929 tại Budapest trong một gia đình gốc Do Thái. Năm 1944, khi mới mười bốn tuổi ông bị đày vào trại tập trung Auschwitz, rồi trại Buchenwald. Năm 1945, sau khi các trại tập trung này được quân đội đồng minh giải phóng, ông trở về Budapest, tiếp tục đi học và tốt nghiệp trung học năm 1948. Từ năm 1953, ông làm nghề viết văn và dịch thuật tự do. Năm 2002, Kertész Imre đã được trao giải Nobel văn chương “vì một sự nghiệp văn học nói lên trải nghiệm mỏng manh của cá nhân, đối lập với sự độc đoán tàn bạo của lịch sử”.

Sau tiểu thuyết “Không số phận”  (1975) và truyện vừa “Thất bại” (1988), năm 1989 Kertész Imre cho ra đời tiểu thuyết “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”  như một tiếp nối cay đắng của “Không số phận”, tác phẩm đã đưa ông lên đỉnh cao văn chương. Trong “Kinh cầu…”, Kertész đã cố gắng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Sau trải nghiệm Lò thiêu con người ta có thể sống như thế nào? Câu hỏi được giải đáp trong một tiểu thuyết tự sự, mang đậm tính tôn giáo, cay đắng và nghiệt ngã nhưng thấm đẫm tinh thần nhân văn, trong đó nhân vật chính là nhà văn - người vừa trải qua địa ngục trần gian Auschwitz - sau những dằn vặt đau đớn, đã thốt lên tiếng “Không!”: quyết định không sinh con. Ông ý thức được rằng sau những gì đã trải qua trong nỗi nhục nhã của lịch sử, người đã tận thấy Lò thiêu, nạn nhân của Holocaust, không có quyền trao số phận Do Thái cho một con người, cho đứa con chưa ra đời của vợ chồng ông, vì những gì đã xảy ra với ông và hàng triệu thân phận Do Thái khác, có thể tái diễn bất cứ lúc nào, với bất cứ ai trong một chế độ toàn trị kiểu phát xít.    

“Kinh cầu...” vì vậy chính là quá trình nhìn lại quá khứ, sự tái hiện mang tính tự sự về những gì đã xảy ra trong cuộc đời nhà văn, qua đó ông nhớ lại những sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời mình, trong cuộc hôn nhân ngắn ngủi và quá trình đi đến quyết định dứt khoát thốt ra tiếng “Không!” đau đớn xuyên suốt tiểu thuyết kia.


Bìa ấn bản Việt ngữ của dịch giả Giáp Văn Chung


Đọc “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”, thoạt tiên người đọc có cảm giác bị đưa vào một mê hồn trận: ý tứ trùng lắp, câu văn dài lê thê, vòng vèo, có khi từng đoạn phản nghĩa nhau, vừa khó hiểu, vừa khó nắm bắt ý tưởng đích thực. Xin được trích một đoạn tiêu biểu:

Không!, tôi nói, mặc dù, liên quan đến kiểu không của người Do Thái, cũng có đủ lý do cho điều đó, tôi nói, vì chỉ cần mường tượng ra một cuộc trò chuyện gây quẫn bách và nhục nhã, tôi nói, chúng tôi nói, tôi nói, tưởng tượng tiếng khóc của một đứa bé, tiếng thét lên của đứa con của chúng ta (của em), chúng tôi nói, tôi nói, đứa bé đã nghe thấy một điều gì đó, và nó thét lên rằng, chúng tôi nói, tôi nói, rằng “Con không muốn làm một người Do Thái!”, bởi rất có thể tưởng tượng được và rất có thể lý giải được, rằng đứa trẻ không muốn trở thành người Do Thái, và rằng tôi khó trả lời nổi, đúng, vì làm sao có thể bắt buộc một sinh linh trở thành người Do Thái, xét về mặt này, tôi nói, tôi luôn luôi cúi đầu trước nó (trước em), vì tôi không thể cho nó (cho em) một thứ gì, cả lời giải thích, cả niềm tin, cả súng đạn cũng không, vì đối với tôi tính chất Do Thái của tôi không có ý nghĩa gì nữa, đúng hơn với ý nghĩa là tính chất Do Thái nó không có ý nghĩa gì, với ý nghĩa là kinh nghiệm nó là tất cả, với tính chất Do Thái: nó là một người đàn bà trọc đầu mặc áo choàng ngủ màu đỏ ngồi trước gương, như một kinh nghiệm: nó là cuộc đời tôi, sự sống sót của tôi, phương thức tồn tại tinh thần mà tôi sống và duy trì như một phương thức tồn tại tinh thần, và với tôi điều đó là đủ, tôi hoàn toàn bằng lòng với điều đó, vấn đế là liệu nó (em) có thỏa mãn với điều đó hay không” (tr,144-145).

Để tiếp cận lối hành văn mới lạ này và cách tư duy “phức tạp” của Kertész, chúng ta phải tìm đến với nghệ thuật âm nhạc cổ điển. Cách viết, hay nói cách khác là văn phong, ngôn ngữ của tác phẩm này chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách âm nhạc Fuga (fugue), còn gọi là tẩu khúc hay tẩu pháp, một trong những dạng quan trọng nhất của các thể loại đối âm (counterpoint), một thể loại âm nhạc đa bè, đa âm, cầu kỳ, đã phát triển qua hàng trăm năm và đạt tới đỉnh cao trong thế kỷ 18, đặc biệt trong các tác phẩm của Johann Sebastian Bach và Georg Friedrich Handel. Bản chất của thể loại âm nhạc này là sự lặp lại, đuổi nhau của nhiều âm, nhiều bè qua nhiều nhịp trong một tiết nhạc ngắn hay một chương dài hơn, có thể nói bè nọ đuổi bè kia liên tục, trên nền của những âm thanh khác gần gũi với nó.

Cách viết ảnh hưởng của thể loại nghệ thuật này nhiều khi câu văn cuồn cuộn, lại thường trùng lặp, được nâng cấp độ lên dần dần, có khi lại bị níu kéo lại. Nhà văn thường xuyên luận nghĩa, giải thích, phản ứng, đúng như trong tác phẩm ông đã viết: “... không thể né tránh những lời giải thích, chúng ta thường xuyên phân bua và giải thích, cuộc sống cũng đòi hỏi chúng ta lời giải thích, cái hiện tượng và cảm thức phức hợp không thể giải thích này, môi trường của chúng ta đòi hỏi lời giải thích, và cuối cùng chúng ta đòi hỏi lời giải thích từ chính chúng ta...”.  

Cả cuốn tiểu thuyết như một bản Kaddish (kinh cầu đọc cho người đã chết của người Do Thái), nó không chỉ gắn bó với truyền thống Do Thái về mặt định danh thể loại nghệ thuật, mà cả trên phương diện cấu trúc nó cũng trung thành với những di sản văn học Do Thái, đồng thời là phương pháp kỹ thuật tuân theo những tiêu chuẩn của thể loại này, vì sự giải thích bằng lời các học thuyết bằng văn bản, sau đó là sự lưu giữ bằng văn viết, sự giải nghĩa tiếp tục là phương pháp đặc trưng của truyền thống Do Thái. Và như vậy, rõ ràng tác giả đã lựa chọn cách viết phức tạp này một cách hoàn toàn có chủ ý, nhằm đạt đến hiệu quả nghệ thuật tối đa.

“Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” là tác phẩm quan trọng thứ hai của Kertész Imre, sau “Không số phận”, một bản án đặc biệt viết với một bút pháp độc đáo của một nhà văn lớn, có sức ám ảnh mạnh mẽ và sâu sắc, đối với chế độ toàn trị phát-xít.

Ghi chú:

(1) Kertész Imre: “Không số phận” (Giáp Văn Chung dịch, Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam và NXB Lao Động, 2010)

(2) Kertész Imre: “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” (Giáp Văn Chung dịch, Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam và NXB Lao Động, 2011)

(*) Bài viết đã đăng trên tuần báo “Văn Nghệ”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.

Giáp Văn Chung, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn