TÌM HIỂU PHẬT GIÁO CHÁNH TÍN

Thứ hai - 30/05/2011 00:08

(NCTG) “Chữ mê tín định nghĩa rất dễ. Mê là mờ mịt, sai lầm. Tín là tin. Tin một cách mờ mịt sai lầm, không có lẽ thật gọi là mê tín (...). Đạo Phật đã lấy trí tuệ, lấy giác ngộ làm gốc thì tại sao trong đạo Phật chấp nhận mê tín được. Nhưng hiện nay Phật tử chúng ta đến với đạo Phật để mở sáng trí tuệ rất ít mà đến với đạo Phật bằng lòng tin, bằng cầu xin thì rất nhiều” (Hòa thượng Thích Thanh Từ).



Trong thời đại ngày nay, khi đời sống vật chất của con người đã phần nào đầy đủ, nhưng những vấn nạn của thế giới vẫn chưa được giải quyết được bởi các chủ thuyết chính trị, những phát kiến khoa học, ngày càng có nhiều người hướng niềm tin vào các tôn giáo, các tín ngưỡng.

Về căn bản, tất cả các tôn giáo đều mang tính hướng thiện, đều đưa ra những giải pháp hữu ích cho cuộc đời con người. Tuy nhiên, hiểu được đúng đắn cội nguồn và bản chất của các tôn giáo không phải là điều đơn giản. Nhất là khi, với năm tháng, con người thường chỉ quen với những biểu hiện đời thường của cái gọi là tôn giáo, chứ không nhiều người có điều kiện tìm hiểu một cách sâu sắc và đầy đủ về những giá trị quý báu của các tôn giáo.

Đây cũng là điều thường hay xảy ra với Phật giáo, một tôn giáo lớn trên thế giới, rất được ưa chuộng và truyền bá rông rãi vì tinh thần từ, bi, hỉ, xả… cao thượng. Nếu không được dẫn dắt từ căn bản, từ những vấn đề phổ thông (xử thế đời thường, hôn nhân, gia đình...) cho đến những vấn đề thâm thúy về bản thể luận và nhận thức luận, chúng ta rất dễ sa vào mê tín, chứ không phải chánh (chính) tín.

Trong một bài viết về chánh tín và mê tín trong đạo Phật, Hòa thượng, Thiền sư Thích Thanh Từ, một học giả nổi tiếng về Phật học, đã lý giải: “Nên biết nói tới Phật là nói tới sự giác ngộ bằng trí tuệ chớ không phải bằng lòng tin. Song ngày nay Phật tử đi đến chùa vì lòng tin nhiều hơn vì giác ngộ. Đó là cái đau của chúng ta. Nguyên đạo Phật là đạo giác ngộ mà Phật tử đến với đạo Phật bằng lòng tin thì đã làm mất hết giá trị của đạo Phật, thật đáng buồn”.

Mê tín sinh ra từ “lòng tin” ở đây được Hòa thượng Thích Thanh Từ giải nghĩa: “Chữ mê tín định nghĩa rất dễ. Mê là mờ mịt, sai lầm. Tín là tin. Tin một cách mờ mịt sai lầm, không có lẽ thật gọi là mê tín (...). Đạo Phật đã lấy trí tuệ, lấy giác ngộ làm gốc thì tại sao trong đạo Phật chấp nhận mê tín được. Nhưng hiện nay Phật tử chúng ta đến với đạo Phật để mở sáng trí tuệ rất ít mà đến với đạo Phật bằng lòng tin, bằng cầu xin thì rất nhiều”.

Tác hại của việc tiếp cận Phật giáo bằng lòng tin mê tín được ông nhấn mạnh: “Chánh tín, mê tín có những lợi hại hết sức rõ ràng. Qua đó, chúng ta thấy chánh tín là một sức mạnh của cuộc sống. Nếu người Phật tử hiểu đạo Phật đúng như vậy mới thấy giá trị của đạo Phật rất cao. Phật tử ngày nay vì chưa hiểu đúng nên đạo Phật bị đánh giá là mê tín. Đó là lỗi của những vị thiếu nghiên tầm, thiếu hiểu biết”.

Ðể tránh tình trạng “đạo Phật dạy một đàng, mà Phật tử làm một nẻo”, khiến Phật giáo từng có những thời kỳ bị coi và bị phê bình là một tôn giáo mê tín, không gì bằng hãy tìm hiểu và nghiên cứu những giáo lý của nó trên cơ sở chánh tín. Ðể phục vụ mục đích đó, không gì hơn là cần đọc “Phật giáo chánh tín” (*), một tác phẩm nổi tiếng về Phật giáo của Pháp sư Thánh Nghiêm, một Hòa thượng - học giả nổi tiếng người Trung Quốc.

Hòa thượng Thánh Nghiêm sinh năm 1930 ở Giang Tô, đỗ tiến sĩ ở Đại học Tokyo năm 1975, sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học Trung Quốc năm 1985, là tác giả nhiều cuốn sách về Phật giáo dưới dạng hỏi và đáp mà trong đó, “Phật giáo chánh tín” là một. Tác phẩm này được đánh giá là “một quyển sách vừa dễ hiểu, vừa sâu sắc, có thể đáp ứng nhu cầu hiểu biết về Phật giáo của quần chúng rộng rãi, đồng thời có thể đáp ứng yêu cầu nghiên cứu sâu của giới Phật học”.

GS. Hà Văn Tấn, Phân viện phó Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã nhận định rằng, “viết được một quyển sách đồng thời đáp ứng được cả hai yêu cầu như vậy, Pháp sư Thánh Nghiêm đã khiến chúng ta ngưỡng mộ trình độ uyên thâm và quảng bác về Phật giáo của Ngài”. Do đó, “Phật giáo chánh tín” được coi là sách gối đầu giường của bất cứ ai muốn tìm hiểu Phật học, vì bất cứ lý do gì và dưới bất cứ hình thức nào.

Như thế, “Phật giáo chánh tín” không chỉ có ích đối với  các chư vị Tôn túc, Tăng Ni, Cư sĩ, Phật tử mà nó còn là điểm tựa cơ bản cho nhu cầu học hỏi của mọi độc giả cầu thị trong và ngoài Giáo hội Phật giáo, trong đó, có những thành viên Hội Phật tử Việt Nam tại Hungary.

Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc!

(*) Có thể xem bản điện tử của sách trên một số địa chỉ Liên mạng, chẳng hạn ở đây hoặc ở đây.

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn