Nhà văn Kertész Imre, giải Nobel Văn Chương 2002
Có thể được xem như phần tiếp theo của “Không số phận”, cuốn tiểu thuyết
“Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” của nhà văn Kertézs Imre mang
lại một bầu không khí u ám đặc quánh và một câu hỏi chắc hẳn thuộc vào
những câu hỏi đen tối nhất mà người ta có thể nghĩ tới: sau
những thảm
họa tận cùng, liệu việc sinh ra đời những đứa con còn là điều nên làm
nữa hay không? Điều đó đồng nghĩa với việc tra vấn về ý thức đạo đức của
sự tiếp nối dòng dõi trong hoàn cảnh thế giới đã suy sụp đến mức không
thể cứu vãn hay phục hồi được nữa.
Tiểu thuyết là bức tranh tinh thần của một con người từng trải qua trại
tập trung phát-xít, với anh ta, điều kỳ diệu của sự sống sót không đồng
nghĩa với một tinh thần nhẹ nhõm sau này, và xét đến cùng, anh ta luôn
luôn vẫn ở đằng sau hàng rào dây thép gai của trại tập trung.
Vẫn do dịch giả Giáp Văn Chung chuyển ngữ như “Không số phận”, có thể
coi “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” là một cách mở rộng câu nói
của một triết gia phương Tây, cho rằng sau
Auschwitz (
trại tập trung hủy
diệt người Do Thái của phát-xít Đức) mà còn làm thơ thì thật là man rợ.
Tất nhiên, cũng có thể phản đối ý tưởng này nếu nghĩ rằng nếu khéo léo
trong tương lai thì những gì xấu xa, ghê rợn của quá khứ, con người sẽ
dần sửa chữa được. Như sự hồi sinh của cây cối vào mùa xuân mỗi năm, mọi
thứ đều có thể sống lại, tìm được đà phát triển mới, và với một ý thức
rõ ràng, sáng suốt, người ta sẽ hiểu ra rằng tương lai nằm ở phía trước.
Thế nhưng, cũng giống như mùa đông rồi thế nào cũng quay trở lại, thực
tế của lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng sau một hành động man rợ rồi sẽ đến một hành động man rợ khác, và người ta vẫn thường nói - mà không cần phải là một triết gia - thật đáng buồn là những điều tồi tệ lại phổ biến hơn những điều tốt đẹp.
Có lẽ vấn đề chủ chốt nằm ở chỗ nhìn nhận và tiếp nhận thảm họa như thế nào. Nhân vật nhà văn trong “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”, chắc hẳn không giống nhiều người “nuốt trôi” được thảm họa để mà sống tiếp, mặc dù luôn luôn phải đối mặt với rất nhiều dằn vặt đương nhiên, đã lựa chọn cho mình một vị thế cực đoan về phía tiêu cực: “
Tôi không biết tại sao ở tôi mọi thứ, mọi lúc, tất cả đều khác so với người khác, hay nếu tôi có biết đi nữa, thì cũng sẽ đơn giản hơn nếu tôi nghĩ rằng mình không biết” (tr.16).
Từ đầu đến cuối tác phẩm, nhân vật chính để cho tuôn trào một dòng thác ngôn từ, nhưng không phải một dòng thác dữ dội mà, đúng như tên cuốn sách, một bản “kinh cầu” lầm rầm những suy nghĩ sâu kín và cay đắng, những cuồng nộ của nội tâm được kìm giữ trước sự hiện diện vô hình của một vị Chúa. Bản “kinh cầu” của “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời” được điểm xuyết, nhấn mạnh liên tục bằng những từ “
Không” đầy kiên quyết. Cứ mỗi lần từ “
không” này được xướng lên, ta lại tiếp tục bước vào một mảng của bức tranh tinh thần buồn thảm, cứ thế mãi cho tới từ “
Amen” ở cuối tác phẩm.
Ðộc giả cần chuẩn bị trước khi bước vào thế giới này, cái tinh thần u ám này, như người vợ của nhân vật chính nói trong con người anh ta “
có bao nhiêu sức hủy hoại”, rằng ở bên anh ta, “
chờ đợi nàng không phải là cuộc sống mà là sự lụi tàn” (tr.187). Nhưng cuốn
tiểu thuyết-bài kinh này cũng đầy khả năng an ủi, làm người đọc cảm phục trước tiếng nói của lương tri được phát ngôn thật thẳng thắn và can đảm. Sự cứu rỗi không đến từ bên ngoài, không nằm trong sự quên đi quá khứ hay khả năng tự xoa dịu mà nó nằm trong chính cái cách người ta biết chấp nhận nỗi đau và để cho nó ăn mòn ta, từ bên trong, từng tí, từng tí một, không chỉ để nhắc nhở rằng ta vẫn còn đang sống mà còn để hiểu được rằng đôi khi có một quyết định cực đoan như cái chết lại là sự lựa chọn hợp lý hơn.
(*) Giáp Văn Chung dịch, NXB Lao động và Công ty Nhã Nam, 2011