Nhà thơ Nguyễn Mỹ và thủ bút của ông - Ảnh tư liệu
Nhà tôi lúc đó ở một làng quê sơ tán, thường bất ngờ được đón các đoàn công tác, các đơn vị bộ đội hành quân vào Nam hay ra Bắc thường nghỉ lại 1-2 ngày. Cứ mỗi lần các anh về làng, không chỉ thanh niên mà lũ trẻ chúng tôi như ngày hội, cứ chạy tung ta tung tăng khắp nơi thăm các anh, sung sướng nhìn súng đạn, máy bộ đàm, quân trang, quân dụng...
Đã hơn 40 năm rồi, trí nhớ hồi trẻ thơ vẫn cứ khắc sâu hình ảnh các anh, đôi lúc cứ thầm hỏi: những con người dạo ấy bây giờ ở đâu? Chắc rất nhiều anh đã vĩnh viễn nằm lại dọc đường hành quân hay ở chiến trường.
Một trong số các anh để lại trong tôi nhiều dấu ấn nhất là nhà thơ Nguyễn Mỹ. Tôi nhớ mãi vào một ngày cuối hè năm 1968, một người cao to đẹp trai mang trang phục người lính rất nghiêm, nói giọng Nam đến thăm nhà tôi nơi sơ tán. Anh điềm tĩnh, ít nói, nhưng dễ chịu lúc tiếp xúc và khiến tôi có cảm tình ngay.
Anh tự giới thiệu tên là Mỹ, công tác ở NXB Phổ thông, anh biết nhà tôi qua người anh họ tôi (nhà thơ Xuân Hoài). Anh bảo rất vội vì sắp sửa phải đi công tác xa đơn vị đang nghỉ ở làng bên cạnh, Anh muốn ghé thăm làng Tiên Điền và mộ cụ Nguyễn Du. Nhà tôi có chiếc xe đạp rất tàng, nhưng phải để dưới hầm để tránh bom đạn, nghe anh nói vậy mẹ tôi kéo xe lên cho anh mượn.
Anh không biết đường nên tôi dẫn anh đi. Thật khổ sở xe không có chỗ ngồi đằng sau, tôi ngồi trước khung xe, nào được đi trên con đường huyện lộ, mà phải đi vòng vèo qua các làng để tránh vào đường lớn và cầu. Trên trời máy bay Mỹ luôn gầm rú, đâu đó lại có tiếng bom nổ, có khi rất gần. Chúng tôi phải dừng lại nhiều lần trú máy bay Mỹ. Trên đường đi hai anh em chuyện trò vui vẻ, có lần anh hỏi:
- Ngày nào cũng có bom đạn như thế này các em sống thế nào, làm sao đi học được?
- Bom đạn thì mặc nó, chúng em vẫn sống vẫn đi học bình thường. Ban ngày còn đỡ anh ạ. Ban đêm ngoài máy bay quần đảo suốt đêm với pháo còn sáng hơn cả ban ngày. Từ ngoài biển tàu chiến bắn pháo và tên lửa suốt đêm. Hầu như ngày nào quê em cũng người chết và bị thương.
- Em học giỏi không? Lớn lên em thích làm nghề gì? Có thích làm nhà báo, nhà văn không?
- Dạ, em học bình thường thôi ạ, thậm chí còn yếu môn văn. Làm sao mà em làm được những nghề đó. Muốn làm nghề đó học giỏi chưa đủ mà còn phải có năng khiếu nữa phải không anh? Em chỉ mong lớn lên được làm người lính hay y tá để băng bó và chăm sóc những người bị thương. Quê anh ở đâu?
- Quê anh ở Phú Yên, xa lắm. Ở đấy chiến tranh cũng rất ác liệt - vừa nói, anh vừa đăm chiêu nhìn về phương Nam xa xôi
Anh nói “
xa lắm”, nhưng lúc đó tôi không hình dung nổi, chỉ nghĩ quê anh ở bên kia dãy núi Hồng Lĩnh đã là rất xa đối với tôi rồi.
Đến nhà lưu niệm Nguyễn Du thấy cảnh hoang tàn, cửa đóng, những cây thông già, hàng phi lao vẫn ru với gió. Lá thông, lá phi lao rụng đầy sân, lối đi và mái ngói. Anh trầm ngâm suy nghĩ và chậm rãi đi một vòng khu vườn, hình như anh muốn tìm một cái gì.
Sau đó chúng tôi ra mộ cụ Nguyễn Du. Anh lấy làm ngạc nhiên vì cụ Nguyễn Du là thi sĩ lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng nằm ở một nghĩa địa bình thường như trăm làng quê khác ở miền Bắc. Mộ chỉ đắp cao hơn một chút, không xây bia, chỉ có 4 cây khuynh diệp trồng 4 hướng. Anh đứng ở gần mộ cụ trầm ngâm rất lâu, tôi không nghe rõ lời cầu khấn của anh. Cảnh chiều tà, mặt trời đỏ lửng ở những rặng tre phía Tây, gió nồm thổi đưa vị nồng của cát và muối.
Chiều hôm đó mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn cơm, anh không kịp ăn mà chỉ xin mẹ tôi một bi-đông nước chè rồi ngồi lúi húi chép tặng tôi bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” và còn cho tôi 2 gói lương khô, như để cám ơn tôi. Hồi đó tôi mới học lớp 5, môn văn không phải là môn tôi thích nên văn thơ cũng ít để ý đến (bây giờ nhớ lại tôi thấy tiếc vô cùng bản chép tay của chính tác giả).
Mãi sau này Hiệp định đình chiến năm 1973 ký kết, những bài thơ hay được in riêng từng bìa cứng trang trọng như “Việt Nam máu và hoa” của Tố Hữu, “Việt Nam đường sáng tuyệt vời” của Chế Lan Viên (không biết tôi có nhớ đúng tựa đề của bài thơ không?), “Cuộc chia ly màu đỏ” của Nguyễn Mỹ…
“Cuộc chia ly màu đỏ” Nguyễn Mỹ viết vào ngày cuối thu năm 1964 ở Đồng bằng Bắc bộ. Có lẽ đó là bài thơ hay nhất, thành công nhất trong cuộc đời thi ca của anh và là một trong những bài thơ hay của thi ca Việt Nam hiện đại. Mang âm hưởng lãng mạn cách mạng với những thi liệu rất thực, rất bình dị và gần gũi, bài thơ mô tả người vợ trẻ tiễn đưa chồng ra trận.
Dù tác giả không cố viết về nỗi buồn của cuộc chia ly, nhưng người đọc vẫn thấy bùi ngùi. Trong “Cuộc chia ly màu đỏ”, cụm liên từ “
tươi như cánh-nhạn-lai-hồng” này không biết tác giả viết loại cây nào mà rất lạ, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều bàn cãi, mà tác giả đã hy sinh ngày 16-5-1971 trên bờ sông Dakta, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Thật kỳ lạ những qui luật thiên nhiên nghiêm ngặt và cực kỳ chính xác như Trái đất quay quanh mặt trời, hệ Mặt Trời quay trong giải Thiên Hà, nước chảy từ nơi có thế năng cao xuống nơi có thế năng thấp… Những qui luật của xã hội; dù chỉ là con người qui định với nhau cũng không kém phần nghiêm ngặt.
Màu đỏ là một trong 7 màu quen thuộc mà con người nhìn thấy, có bước sóng khác nhau. Thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, màu hồng, màu đỏ là biểu tượng của cách mạng, được mọi người yêu thích nhất và đã trở thành màu đẹp nhất. Cả một thời tuổi thơ của tôi ai cũng ngợi ca màu đỏ, màu hồng.
Chẳng riêng nhà thơ Nguyễn Mỹ trong “Cuộc chia ly màu đỏ”, từ “
màu đỏ”, “
màu hồng” được nhắc đến hàng chục lần, mà ngay cả “cây cổ thụ” của thi ca Việt Nam thế kỷ 20 Chế Lan Viên cũng có nhiều bài thơ ngợi ca màu đỏ, màu hồng. Ðiển hình là trong bài “Người đi tìm hình của nước”, nhà thơ quá say sưa với màu “
hồng” mà quên đi đất nước đã có mấy nghìn năm lịch sử, đã viết: “
Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”. Ðâu phải ở thế kỷ 20 đất nước mới phôi thai!
Nhưng tôi thấy màu “áo đỏ” trong bài thơ “ Cuộc chia ly màu đỏ” hơi lạ. Bài thơ ra đời sau khi chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, thời kỳ này rất ít ai mặc áo trắng vì sợ máy bay Mỹ phát hiện, còn màu đỏ của áo quần chỉ dành mặc cho những người đã mất khi khâm liệm mà thôi. Vậy mà thi phẩm Nguyễn Mỹ lại tả về màu áo đỏ tươi của cô gái trẻ lúc tiễn đưa chồng ra trận, điều này lại càng không có. Phải chăng nhà thơ nhìn thấy màu khác nhưng quá yêu màu đỏ nên viết lên bài thơ như vậy!
Chiến tranh đã đi qua lâu rồi, nhưng mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn cảm thấy như chuyện của ngày hôm qua, vẫn làm tôi đau và nhức nhối. Đó là bao cuộc tiễn đưa, để rồi mãi mãi không bao giờ gặp lại. Đó là tuổi thơ của thế hệ chúng tôi đầy thiếu thốn, chết chóc, đau thương, lòng thương yêu nhau vô bờ bến giữa con người với con người. Ðó mãi mãi là niềm thương, nỗi nhớ, là miền sâu thẳm nhất của lòng tôi.
Anh Nguyễn Mỹ ơi, cuối cùng ai cũng phải chết để trở về cát bụi. Nhưng anh ra đi sớm quá, tuổi 36 còn đầy hứa hẹn cho đời nhiều bài thơ hay. Tôi thương tiếc anh cùng nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Thi và biết bao anh chị khác đã ngã xuống trên chiến trường. Các anh chị đã góp phần xây nên nền văn học thời chiến, góp phần không nhỏ cho công cuộc thống nhất đất nước. Cho lớp trẻ hôm nay biết đất nước đã đi qua một thời như thế!
Bây giờ, mỗi lần nhớ đến anh, nhớ về thời thơ ấu, tôi lại ngân nga bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” của anh.
Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đã bừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng. Những tâm hồn cao đẹp
Nắng vẫn còn ngời trên mắt lá si
Và người chồng ấy đã ra đi...
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau!”
Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa, giữa đêm gió rét...
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly...
(9-1964)