Tạp ghi: NGUYỄN HUY THIỆP VÀ “CÒN LẠI TÌNH YÊU”

Chủ nhật - 21/03/2021 01:54

(NCTG) “Chỉ một mình mình tốt thôi thì nguy hiểm lắm... Người tốt bao giờ cũng yếu đuối và dễ vỡ. Những người tốt phải liên kết lại với nhau, như thế thì bọn xấu mới không làm hại được. Cái đó gọi là chính trị…” (Nguyễn Huy Thiệp)

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021)

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021)

Mình được biết đến tên Nguyễn Huy Thiệp ở ngoài này, có lẽ khoảng 1988 gì đó, theo một con đường rất vòng vèo, là qua tờ “Đoàn Kết” của Hội Người Việt Nam ở Pháp, vào thời điểm ấy mặc dù là báo của hội “yêu nước” nhưng có nhiều điểm rất tiến bộ (một số “yếu nhân” của “Đoàn Kết”, về sau chủ trương tờ “Diễn Đàn Paris” rất chất lượng, và vẫn hoạt động tới bây giờ dưới hình thức báo mạng).

Hồi đó, chưa có mạng Internet nên báo chí Việt Nam “lọt” ra ngoài này đều rất quý hiếm, thường là những tờ nhàu nát và úa vàng vì bọc tượng, vòng xương, phông Thái, áo ki-mô-nô rởm... các kiểu của Việt Nam, và khi đến tay mình thì không rách đầu cũng rách đuôi, muốn đọc cái gì cũng khó nhọc. Nên việc tìm hiểu thông qua một “nguồn” trung gian ở Pháp, Đức, Mỹ hay Gia... là giải pháp có phần khả dĩ hơn với bọn thích đọc như mình.

Một thời gian ngắn sau, mình được đọc thêm của Nguyễn Huy Thiệp và một số thông tin, bình luận về ông trong một “hợp tuyển” dày mang tựa “Trăm Hoa Vẫn Nở Trên Quê Hương” của 27 tác giả ở hải ngoại biên soạn, về cái gọi là dòng “văn học phản kháng” thời “cởi trói” trong nước. Lúc đó, Nguyễn Huy Thiệp đã rất nổi với “Không có vua” cùng bộ ba “Vàng lửa”, “Phẩm tiết” và “Kiếm sắc” bị phê phán rất dữ vì “xuyên tạc lịch sử”.

Thật sự, mình nghĩ cả sự nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp bó gọn trong hơn 10 truyện ngắn của ông, mà có lần mình nhận xét một cách... thoải mái, là “điển hình của kiểu viết cực kỳ du côn, đểu, và đọc thấy ngấm vào da thịt cái sự “sướng”. Chỉ với ngần ấy tác phẩm, với mình, Nguyễn Huy Thiệp đã trở thành một trong vài tác gia quan trọng nhất của Việt Nam thời hậu chiến (mà như vậy thì kể ra văn học ta sau 1975 cũng không quá “khá giả”).

Nhưng không hiểu sao, càng về sau, những gì ông viết mà mình rất thích ban đầu lại càng rơi rụng đi trong mình. Mà đọng lại, lại là những dòng “sến súa” sau đây trong “Còn lại tình yêu” (1989, kịch bản văn học, chắc để đọc, in sách, chứ không nhằm diễn) rất “mềm mại”. Đả động đến đủ thứ khái niệm to tát - tình yêu, cách mạng, sự phản bội, chính trị, bạo động, người tốt kẻ xấu… - mà đọc vẫn thấy dịu, và có lúc muốn.. chảy nước mắt.

Có lẽ là từ khi có cảm nhận ấy, cũng lâu rồi, gần 15 năm trước, tức là mình đã đi vào tuổi già... Vĩnh biệt Nguyễn Huy Thiệp!
 
Nguyễn Huy Thiệp, người vẫn cô đơn “cả khi chết đi rồi” - Ảnh: Thiên Điểu (tuoitre.vn)
Nguyễn Huy Thiệp, người vẫn cô đơn “cả khi chết đi rồi” - Ảnh: Thiên Điểu (tuoitre.vn)

“Mọi sự rồi sẽ qua đi. Các cuộc cách mạng rồi sẽ qua đi, rất nhiều biến cố rồi sẽ qua đi, những người anh hùng và cả những tên đê tiện rồi sẽ chết… Chỉ có tình yêu còn lại. Mãi mãi, chỉ có tình yêu còn lại”.

“… muốn được như các nước văn minh… trước hết cần những nhà kỹ thuật, nhà sản xuất, nhà bác học… Nhà chính trị chỉ cần ít thôi, vài người ra trò là đủ… Điều cần nhất phải có những người tốt bụng, không làm hại ai cả. Chúng ta phải có cả một dân tộc lương thiện, cả một cộng đồng lương thiện. Được như thế, nước ta còn hơn cả nước Pháp…”.

“… người ta chưa hiểu… có thể là vì người ta dốt nát và đểu cáng nữa. Để có được sự tiến bộ, bao giờ cũng vậy, cần rất nhiều người tốt phải chết đi, phải hy sinh. Lẽ đời là như thế… Bao giờ những người tốt cũng phải chết đi để dọn đường cho chân lý đến…”. 
“Cũng rất nhiều người tốt… Tuổi trẻ nói chung là tốt. Mà đồng bào ta cũng toàn người tốt, họ chỉ bị đói thôi”.

“… mình phải nhớ mình là con người để biết yêu thương. Giá trị duy nhất và vĩnh cửu của đời sống con người là tình yêu thương. Tình yêu thương làm trong sạch tâm hồn, nó nâng đỡ con người lên, nó làm cho con người can đảm. Con người không còn sợ cái chết nữa. Con người liên kết với nhau bằng phương tiện duy nhất và vĩnh cửu là tình yêu thương ấy”.

“Chỉ một mình mình tốt thôi thì nguy hiểm lắm... Người tốt bao giờ cũng yếu đuối và dễ vỡ. Những người tốt phải liên kết lại với nhau, như thế thì bọn xấu mới không làm hại được. Cái đó gọi là chính trị…”.

“Khi biết rằng mình sẽ sống trong tâm tưởng người đời thì cái chết không còn đáng sợ nữa. Lại nữa, khi mà mình chết đi, mình biết rằng cái chết mình dọn đường cho những người tốt can đảm lên thì thấy thanh thản”.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Nguyễn Huy Thiệp
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn