Những hiệu sách: MỘT GÓC TUỔI THƠ XƯA

Chủ nhật - 07/03/2021 21:09

(NCTG) “Không thể ảo tưởng rằng những hiệu sách sẽ trở lại thời vàng son xưa, nhưng mỗi lần dắt con đến mua sách, lại mong ít nhất chúng vẫn luôn tồn tại trong đời sống tinh thần và mang đến tri thức, ở bất cứ đâu, và còn thêm nhiều thế hệ nữa” - ước mong của tác giả Bùi Uyên từ Paris khi ghi lại ký ức về những hiệu sách.

Hiệu sách “Gibert Jeune” chuẩn bị phải đóng cửa

Hiệu sách “Gibert Jeune” chuẩn bị phải đóng cửa

Mới cuối năm ngoái, xuất hiện lời kêu cứu của hiệu sách Anh ngữ “Shakespeare & Company” huyền thoại kêu gọi độc giả mua sách ủng hộ sau 1 năm mất đến gần 90% doanh thu. Thì vài hôm trước, nghe tin tất cả 4 hiệu sách “Gibert Jeune” có mặt từ cuối thế kỷ 19, đã gắn liền với hình ảnh quảng trường Saint Michel, sẽ đóng cửa vào tháng Ba này.

Chỉ mới gắn bó với thành phố này gần chục năm, kỷ niệm chưa có độ dày, nhưng những tin này khiến tôi cảm thấy không kém phần thấy mất mát. Những lần đi dạo phố qua khu Latin chi chít hiệu sách, cũng như bất cứ hiệu sách lớn nhỏ nào bắt gặp vô tình trên phố, tôi luôn dừng chân dù chẳng có mục đích tìm kiếm cụ thể, nhưng vẫn nán lại rất lâu, và thường chẳng bao giờ bước ra tay không. Đến khi con bắt đầu học mẫu giáo, ngoài chuyện hàng tuần đến thư viện, tôi giao hẹn với mình hàng tháng và dịp nghỉ lễ, dẫn con đi hiệu sách. Và cửa hiệu đầu tiên cô con gái 3 tuổi bước vào, chính là một trong những cửa hàng “Gilbert Jeune” ấy, nhìn ngay ra đài phun nước Saint Michel.

Dù không phải là một người đọc nhiều, nhưng những hiệu sách, cả cũ và mới, luôn là địa chỉ ưa thích nhất của tôi khi rảnh rỗi và đi một mình. Bước qua cánh cửa hiệu sách, như bước qua cánh cửa thần kỳ của Doremon, thời gian trôi ngoài kia hoàn toàn không còn có khái niệm. Những hiệu sách không chỉ là mối quan tâm của hiện tại, mà là nơi gợi nhớ tuổi thơ.

Những hàng thuê truyện

Từ tuổi biết đọc, buổi chiều nghỉ học và 3 tháng hè nhàn rỗi được lấp chỗ trống bởi biết bao chuyến đi về lùng sục những hiệu cho thuê sách truyện gần nhà. Cứ dần hết các truyện “nhiều chữ” lại đến truyện tranh, hết kho truyện hàng sách này, lại mò tìm những địa chỉ mới, bán kính ngày càng xa dần, ngay cả trong những ngóc ngách nhỏ. Có mảng kiếm hiệp Kim Dung hay “Tam Quốc” thì tôi lại không ham, nhưng vẫn từng đọc lẻ tẻ nhờ việc… bố tịch thu truyện đọc trong giờ của học sinh!
 
Hàng thuê truyện bên ngõ nhỏ, giống nhà tôi xưa - Ảnh: Internet
Hàng thuê truyện bên ngõ nhỏ, giống nhà tôi xưa - Ảnh: Internet

Khi lớn hơn, bắt đầu có tiền dành dụm nhịn ăn sáng, thì con đường đi học về dọc phố Bà Triệu cũng là những địa chỉ các hiệu sách gắn với tôi và lũ bạn học. Chưa kể khu phố sách Lý Thường Kiệt, hiệu sách Kim Đồng vẫn ở đó vài chục năm sau, là nơi tôi ngóng đợi từng ngày ra các tập truyện tranh, truyện dài kỳ, từ (tứ quái) “TKKG”, “Kính Vạn Hoa”, đến “Conan”, “Bảy viên ngọc rồng”, “Teppy siêu quậy”, “Ninja loạn thị”... Lũ bạn học phân công xen kẽ mua truyện cho tiết kiệm, đến lượt đứa nào mua thì đứa đó được đọc đầu tiên, đứa còn lại chầu chực xung quanh đợi đến lượt. Bố mẹ thì thi thoảng mua cho những quyển sách lớn có tính giáo dục hơn.

Cửa hàng ô mai bé xíu đầu ngõ của gia đình, cũng kiêm bán cả dăm ba quyển truyện, đa phần mẹ chọn mua từ hiệu sách Kim Đồng, nên tất nhiên hai chị em được đọc ké, trước khi bày bán, hoặc giữ lại sau khi sách ế, phủ bụi và cong như bánh đa vì nắng gió. Có năm, chính nhà mình cũng là một địa chỉ thuê truyện nho nhỏ cho lũ trẻ quanh khu phố. Bọn bạn cùng phố vào mượn, đọc tại chỗ hay mang về rôm rả. Nhưng chỉ sau 1 mùa hè, bao tập truyện cổ tích các nước, đến các truyện “Mít Đặc”, “Không gia đình”, “Những tấm lòng cao cả”... mà hai chị em yêu thích, hay nhiều bộ truyện “Tiếu lâm Việt Nam”, “Thần thoại Hy Lạp”, “Tây Du Ký”... đều nếu không nát bươm thì cũng “một đi không trở lại”, làm cửa hàng thuê truyện phải mau chóng đóng cửa, nếu không muốn... mất hết “gia tài”.

Hiếm hoi những hiệu ngoại văn - sách cũ

Bắt đầu làm quen với tiếng Pháp, cũng là lúc tôi mon men đến hai hàng sách ngoại văn hiếm hoi thời những năm 90 của Hà Nội nằm ngay dốc phố Bà Triệu. Mục đích là để “săm soi” chọn được một cuốn từ điển bỏ túi để mang đi học, và một cuốn đại từ điển nhiều từ nhất để tra cứu - công cụ không thể thiếu trong cái thời chưa có Internet ấy. Có lẽ để chờ mua được cũng khá lâu, nên tôi suốt ngày lượn qua, nâng lên hạ xuống so sánh quá nhiều, thành “nhẵn mặt” góc tiếng Pháp của mấy cửa hàng đó. Nhưng thực ra số lượng sách truyện cũng ít, chỉ đa phần là từ điển, sách học ngoại ngữ. Tôi cũng mua về vài quyển sách truyện song ngữ để tập đọc và dịch trong lúc chờ mua được quyển từ điển to đùng ấy quý giá, khi học lên lớp 9.

Nhưng hiệu sách làm tôi vừa tò mò, vừa có phần e dè và “kính nể” nhất, rốt cục lại là hiệu sách cũ ở cuối con phố Bà Triệu. Tôi vẫn nhớ dáng ông chủ hiệu hồi đó tầm trung niên, cao lớn, với hàng ria rậm và cái vẻ có vẻ kiêu bạc, thường làm tôi có cảm giác sợ hơn là gần gũi. Hoặc có lẽ là do bác ta thường quen với những người sành sỏi am hiểu để trao đổi, hoặc vào tìm tên sách cụ thể như tìm một sách quý. Chứ thừa biết lũ học trò, hiểu biết thì ít, chỉ láo liên tìm sách rẻ hay hỏi những câu ngô nghê làm mất thời gian. Nên tôi lần nào đi ngang cũng liếc đầy thèm thuồng cái giá sách cao đến trần toàn những gáy sách sẫm phủ màu thời gian, còn sàn nhà cũng la liệt sách chồng chéo, mà ít dám vào hỏi tìm mua sách. Hình như cũng có lần đánh liều vào hỏi những bộ sách như “Ba người lính ngự lâm”, thì bị ông chủ với cái vẻ kiêu kiêu, phán cái giá làm con bé học trò lủi thủi quay xe luôn. Sau này được biết đó là hiệu sách ở số nhà 180, nổi tiếng khắp đất Hà Thành, của ông chủ rất am tường nhưng cũng rất “ngông, tên Dư, giờ vẫn còn hoạt động.
 
Hiệu sách ở 180 Bà Triệu, nổi tiếng khắp đất Hà Thành - Ảnh: Internet
Hiệu sách ở 180 Bà Triệu, nổi tiếng khắp đất Hà Thành - Ảnh: Internet

Rồi sau này học lên cấp 3, tôi vẫn tiếp tục thói quen của một đứa ít tiền chỉ lùng sục hàng sách cũ. Nghe nói có hiệu sách của nhà sưu tầm nọ kia trong nhà riêng, đã lần tìm địa chỉ rồi lại e dè không dám đến. Hồi đó, và ngay cả đến bây giờ, vẫn thấy mình chỉ là kẻ amateur, không hiểu biết gì sâu sắc, cũng không tìm kiếm gì cụ thể, để dám lại gần những người am tường như thế. Chỉ loanh quanh những hiệu sách bình dân.

Bình dân sách vỉa hè

Thời gần những năm 2000, Hà Nội đầy những vỉa hè trải bạt bán sách cũ, hoặc sách in lậu. Chắc tôi chưa điểm mặt hết các vỉa hè đó, nhưng cứ nghe ngóng ở đâu là lại tìm cách mò đến, những khu vực quanh những trường đại học gần nhà, từ Bách khoa, Kinh tế, dọc đường tàu Giải Phóng, đến quanh khu Thanh Xuân, Cầu Giấy nơi trường Đại học Quốc gia và Sư phạm, và tất nhiên, không thể bỏ qua khu phố đường Láng thời ấy được mệnh danh “phố sách cũ”, khi các cửa hàng san sát nhau. Mà chỉ chục năm sau, thì thay vào đó là những hàng cầm đồ mật độ ken dày không kém hiệu sách ngày xưa!

Nhớ nhất cái hình ảnh mỗi khi sà vào các sạp sách trải bạt trên mép vỉa hè bụi mù, luôn vào tầm giờ đi học về lúc nhập nhoạng tối, đèn đường khi mờ khi tỏ, tên sách nhiều khi nhìn chẳng ra. Có lúc đang xem thì công an đuổi chủ sạp vơ sách chạy vội, còn lũ khách đứng lơ ngơ đợi. Thế mà dường như chả có đứa nào tranh thủ cầm sách đi mất. Những sách cũ thường là sách học phần mềm máy tính, hay những sách đại cương của các trường, thường tôi không quan tâm. Sách truyện thì đa phần lại là sách in lậu, qua sạp hàng nào cũng có na ná nhau, giá lậu tuy đã rẻ hơn sách xịn, nhưng cũng vẫn quá túi tiền lép kẹp mà nhiều dự định. Mà đôi khi còn hâm, thích mua quyển sách cũ cũ giấy đen đen. Cứ nghe đồn sách “ngày xưa” dịch cẩn thận, chất lượng hơn. Thế nên mua được thì ít, mà niềm hy vọng “bắt được vàng” vẫn cứ đeo bám, nên bao năm trời, lê la không biết bao nhiêu nơi, mà chẳng hề chán, dù nhìn lại, kết quả thu được chả là bao nhiêu.
 
Sách vỉa hè - Ảnh: Internet
Sách vỉa hè - Ảnh: Internet

Xa xỉ sách chuyên ngành, nghệ thuật

Đến khi vào đại học, sách chuyên ngành hay nghệ thuật thường không hy vọng có được ở hiệu sách cũ, thì nhóm mấy đứa bạn thân lại lê la những hiệu sách xây dựng ở Vân Hồ, sách ngoại văn ở Tràng Tiền, Hai Bà Trưng. Sách hội họa ở đó rất đắt, xem quyển nào cũng mê mẩn, chỉ muốn mang về hết, nên cả buổi chọn đầy tay, rồi đến lúc phải ra quầy thu ngân thì... chân mới chạm đất! Lại nâng lên hạ xuống, cuối cùng thì có khi 3 đứa gộp lại mới đủ mua một cuốn sách, còn lại thì tranh thủ ngắm cho no nê, ghi lòng tạc dạ tháng sau hay lúc nào làm thêm kiếm được chút ít, sẽ quay lại rinh về. Thế nên những quyển sách đẹp đẽ quý giá ấy, chúng tôi chuyền tay nhau quay vòng, hoặc tìm mượn được của giáo viên, thì họp nhau lại mượn máy quét về scan ngày đêm những quyển dày cả mấy trăm trang: đứa này mệt lại thay phiên đứa kia cặm cụi scan tiếp, từng trang, rồi lưu vào đĩa CD cóp cho nhau.

Gần hai chục năm qua rồi, sách e-book chất lượng đẹp, hình ảnh trên mạng tìm kiếm ra cả ngàn, những quyển sách cũ, những tệp dữ liệu scan xộc xệch, hình ảnh chất lượng không được tốt, gần như chẳng mấy khi được mở ra. Nhưng mỗi lần qua những hàng sách cũ, hay nhớ về những công sức kiếm tìm tài liệu xưa, lại thấy thông cảm những đứa sinh viên như tụi mình, không khá giả, lại chọn một ngành học tốn kém. Những đứa đa phần gia đình chẳng ai liên quan đến nghề kiến trúc, hội hoạ nghệ thuật càng không - không phải con nhà nòi có điều kiện tiếp xúc với nghề, hay cảm thụ nghệ thuật. Nên như ngọn cỏ dại khát mưa, cái gì cũng mới mẻ, cái gì cũng háo hức muốn học, muốn biết, mà thấy thứ không biết mênh mông vô tận, như những núi sách trùng điệp không có tiền mua kia, và hàng vạn điều không biết ngoài trang sách.
 
Góc nghệ thuật của hiệu sách gần nhà tôi
Góc nghệ thuật của hiệu sách gần nhà tôi

Những hiệu sách cũ ở Pháp

Đường học dài quá mọi dự tính, cái thú lê la hiệu sách cũ vẫn mang theo sang tận bên này. Khác ở chỗ ở đây sách cũ bạt ngàn, cửa hiệu nào cũng hàng ngàn hàng vạn cuốn, chia những thể loại rõ ràng, đa dạng, nên dễ tìm kiếm hơn. Nhìn những núi kiến thức ẩn dấu trong hàng ngàn đầu sách xếp san sát kia, kết tinh bao trí tuệ nhân loại, vừa choáng ngợp, sung sướng háo hức, vừa cảm giác xấu hổ vì cái mình đọc, cái mình biết, chao ôi chỉ là hạt bụi, cả đời chắc không đọc hết một giá sách kia!

Để bây giờ, hiệu sách luôn là không gian mình yêu thích và luôn cảm thấy thân thuộc khi bước vào. Và hình ảnh của những thùng sách gỗ xếp tràn ra đầy vỉa hè, trước khung kính hiệu sách, trở thành “điểm cộng” thêm thiện cảm khi ngang một góc phố. Vì vậy, chuyển đến sống ở thành phố ngoại ô này nhiều năm, khi phát hiện một hiệu sách mới mở ở ngay trung tâm, rồi sau là khám phá vài hiệu sách cũ khá lớn vô vàn sách đủ chuyên đề, và cả một kho đĩa than cũ, tự nhiên thấy gắn bó và yêu thành phố này hơn hẳn. Cũng từ đó lui tới thường xuyên, ít vào Paris hơn.

Sách giấy và những hiệu sách ngày càng chật vật bám trụ trước thời đại Internet và mua hàng qua mạng. Nhìn những hiệu sách ở đây chống chọi trước nguy cơ đóng cửa, tự hỏi giờ những hiệu sách cũ ở quê nhà, có còn tồn tại? Có còn ai tìm mua sách cũ? Hay đã trở thành chuyện “muôn năm cũ” của những thế hệ chớm già như mình?
 
Những hiệu sách khu Jourdain nơi tôi hay ghé qua gần chỗ làm
Những hiệu sách khu Jourdain nơi tôi hay ghé qua gần chỗ làm

Không thể ảo tưởng rằng những hiệu sách sẽ trở lại thời vàng son xưa, nhưng mỗi lần dắt con đến mua sách, lại mong ít nhất chúng vẫn luôn tồn tại trong đời sống tinh thần và mang đến tri thức, ở bất cứ đâu, và còn thêm nhiều thế hệ nữa. Như bà ngoại ngày xưa mắt long lanh hoài niệm về căn thư viện của cụ mà bà thường ở lì cả ngày sau giờ học, đã bị đốt sạch từ hồi “cải cách ruộng đất”. Như mẹ ngày ấy mua sách cho mình và hay “đặt hàng” tặng sách dịp sinh nhật mẹ. Để giờ mình chia sẻ cho con niềm hân hoan mỗi khi bước chân vào một hiệu sách, như mẹ chúng từ thơ bé đến tận hôm nay.

Bùi Uyên, từ Paris - Tháng 3-2021


 
 Từ khóa: sách, hiệu sách
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn