NGÀY XUÂN, NGHE LẠI “LY RƯỢU MỪNG”, NHỚ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG

Thứ bảy - 06/02/2016 03:39

(NCTG) “Ly Rượu Mừng” không chỉ cất lời chúc đầu năm, mà còn thổ lộ những nguyện cầu thiêng liêng và sâu thẳm, cho một nước Việt không còn cảnh tang thương, để người mẹ già “từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa” sớm thấy lại được “bước con về hòa nỗi yêu thương”.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 - 1991) - Ảnh tư liệu

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929 - 1991) - Ảnh tư liệu

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi

Đó là câu hát mở đầu trong bản “xuân khúc” được coi là kinh điển nhất trong lịch sử Tân nhạc Việt Nam: “Ly rượu mừng”. Thậm chí, đã có người cho rằng, trong danh sách mấy trăm bài hát tự cổ chí kim của Việt Nam về ngày Tết, cần phải nhớ “Ly rượu mừng” “trước hết và hơn cả”, vì vắng nó, sẽ không có Tết, và nó phải là giai điệu mở đầu mọi chương trình Xuân.

Tác giả của bài hát, ca nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, là một trong những tên tuổi hàng đầu của Tân nhạc Việt Nam. Ông sinh năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội trong một gia đình nghệ thuật mà song thân đều là những nghệ sĩ chơi nhạc cổ truyền. Chị của ông là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy, và em gái của ông là Phạm Thị Băng Thanh, tức danh ca Thái Thanh.

Ngoài ra, ông còn có một người anh cùng cha khác mẹ là Phạm Đình Viêm, về sau là ca sĩ Hoài Trung của Ban Hợp Ca Thăng Long nổi danh từ giữa thập niên 50 thế kỷ trước tại đất Sài Gòn hoa lệ, gồm Hoài Bắc Phạm Đình Chương, Hoài Trung, Thái Hằng, Thái Thanh và sau đó, thêm Khánh Ngọc, vợ ông. Nhận định về giọng ca Phạm Đình Chương, nhà văn Mai Thảo từng viết:

Bao nhiêu năm vẫn chỉ một con người, vẫn chỉ một phong cách. Ở giữa Hợp Ca Thăng Long lẫy lừng như vì sao ở giữa, hoặc cây Tây-ban-cầm ôm trước ngực ngoài tiền trường mênh mông lỗi lạc một mình, Phạm Đình Chương với những ca khúc ở mãi cùng lòng người, và Hoài Bắc với tiếng hát nam tôi cho là hay nhất, vẫn là Hoài Bắc Phạm Đình Chương của một con đường, một cõi nhạc riêng”.

Phạm Đình Chương đa phần tự học nhạc từ năm 13 tuổi và trên cương vị một nhạc sĩ, ông bắt đầu sáng tác năm 18 tuổi với ca khúc đầu tay “Ra đi khi trời vừa sáng” (năm 1947) khi đó ông cùng các anh em đang tham gia kháng chiến và gia nhập Ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV. Năm 1951, đại gia đình ông di cư vào Sài Gòn và bắt đầu tham gia đời sống văn nghệ cùng Ban Hợp Ca Thăng Long nổi tiếng.

Trong cả sự nghiệp âm nhạc, Phạm Đình Chương chỉ sáng tác trên dưới sáu mươi ca khúc, nhưng theo nhận xét của nhà thơ Du Tử Lê, “nếu tính phần trăm số lượng ca khúc trở thành bất tử của ông, từ sáng tác đầu tay, tới sáng tác sau cùng, tỷ lệ đó, không dưới tám mươi phần trăm tổng số sáng tác”. Và đó là “những viên kim cương âm nhạc, bất hoại; hầu hết đã được thời gian thực chứng”.

Sáng tác của Phạm Đình Chương, ngay từ giai đoạn đầu, đã bao gồm nhiều ca khúc để đời như “Ly Rượu Mừng”, “Xuân Tha Hương”, “Thuở Ban Đầu”, “Tiếng Dân Chài” và đặc biệt, “Trường ca Hội Trùng Dương” với bộ ba “Tiếng Sông Hồng”, “Tiếng Sông Hương” và “Tiếng Sông Cửu Long” cuồn cuộn và đầy chất hào sảng, hứng khởi về ba con sông lớn tượng trưng cho ba miền của quê hương. 

Cùng “Con Đường Cái Quan” và “Mẹ Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy, “Hội Trùng Dương” là biểu hiện đẹp nhất của dòng nhạc “tình ca quê hương, tình tự dân tộc” nửa đầu thập niên 50 thế kỷ trước, theo cách phân loại của Phạm Duy. Thời gian sau đó, Phạm Đình Chương tiếp tục tỏa sáng với những bản tình ca vẫn được hát thường xuyên tới ngày nay, mà như lời nhạc sĩ Cung Tiến, là “những khúc hát làm thăng hoa ái tình”, 

Đặc biệt, Phạm Đình Chương còn được coi là một “phù thủy” trong việc phổ nhạc cho những vần thơ, biến chúng thành bất tử, như “Mộng Dưới Hoa” (thơ Đinh Hùng), “Nửa Hồn Thương Đau”, “Ngợi Ca Tình Yêu”, “Dạ Tâm Khúc” và “Đêm Màu Hồng” (thơ Thanh Tâm Tuyền), “Mắt Buồn” (thơ Lưu Trọng Lư), “Màu Kỷ Niệm” (thơ Nguyên Sa), “Người Đi Qua Đời Tôi” (thơ Trần Dạ Từ) hay “Đôi Mắt Người Sơn Tây” (phổ thơ Quang Dũng).

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi được hỏi, đã cho rằng Phạm Đình Chương bên cạnh Phạm Duy và Cung Tiến là những người phổ thơ xuất sắc nhất của Tân nhạc Việt Nam. Sau này, khi định cư tại Cali vào năm 1979, trong những sáng tác cuối cùng, ông vẫn tiếp tục phổ thơ: “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn”, “Quê Hương Là Người Đó”, “Khi Tôi Chết, Hãy Đem Tôi Ra Biển”  của Du Tử Lê, hoặc “Hạt Bụi Nào Bay Qua” của Thái Tú Hạp.

Không chỉ sáng tác, Phạm Đình Chương còn “đích thực là linh hồn của Ban Hợp Ca Thăng Long, từ buổi đầu tới phút cuối”, như lời nhạc sĩ Phạm Duy khẳng định lúc ông ra đi. Đặt hết tâm huyết và tài tổ chức, điều hợp vào Hợp ca này, Phạm Đình Chương đã “có công đầu trong nỗ lực dẫn dắt nghệ thuật ca diễn của nền tân nhạc Việt, từ sông lạch đơn ca, chảy ra đại dương hợp ca nhiều giọng”, vẫn theo đánh giá của Du Tử Lê. 

Phạm Đình Chương qua đời vào mùa hè 1991 tại Hoa Kỳ, hưởng dương 62 tuổi. Năm 1998, tro cốt của ông, cùng của người anh Hoài Trung Phạm Đình Viêm đã được gia đình rải ngoài biển, có lẽ theo ý nguyện của ông khi phổ nhạc thi phẩm nổi tiếng của nhà thơ Du Tử Lê: “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển - Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi - Bên kia biển là quê hương tôi đó - Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì...”.
 
Thái Thanh cùng Hoài Trung (trái) và Hoài Bắc trong Ban Hợp Ca Thăng Long - Ảnh tư liệu
Thái Thanh cùng Hoài Trung (trái) và Hoài Bắc trong Ban Hợp Ca Thăng Long - Ảnh tư liệu

Trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Đình Chương, “Ly Rượu Mừng” là một ca khúc có vai trò và số phận đặc biệt. Được sáng tác năm 1952 ngay sau khi tác giả vừa cùng gia đình di cư vào Sài Gòn, chắc chắn đây là bài hát được vang lên nhiều nhất của Phạm Đình Chương, nhất là trong những dịp Tết đến, Xuân về, nhưng ở trong nước, nó đã bị cấm ngặt kể từ sau biến cố tháng 4-1975, cho tới tận đầu năm nay, tức là gần 41 năm.

Không phải ngẫu nhiên, khi ca khúc được cấp phép trở lại cách đây ít ngày, nhiều người đã thốt lên, đây là ly rượu mừng xuân mà sau hơn bốn thập niên mới được rót và chúc tụng nhau. Cũng là tròn một phần tư thế kỷ sau khi tác giả qua đời, ước vọng: “Nước non thanh bình - Muôn người hạnh phúc chan hòa - Ước mơ hạnh phúc nơi nơi - Hương thanh bình đang phơi phới” mới được chính thức cất lên trên quê hương ông.

Khác với hai ca khúc nổi tiếng cùng chủ đề mùa xuân của tác giả - “Đón Xuân” với tiết tấu nhanh, vui tươi, ước vọng một mùa xuân thái hòa không còn buồn khổ, và “Xuân Tha Hương” bâng khuâng, day dứt và luyến nhớ quê mẹ -, “Ly Rượu Mừng” rộn ràng, tưng bừng với giai điệu valse sống động. Nhạc phẩm dễ hát, ca từ cũng không có gì cao siêu, nhưng mang đậm tính ký ức, yêu thương và dịu dàng, khát khao và đằm thắm.

Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời...


Chỉ trong một vài câu ngắn gọn, lời chúc lành đầu xuân đã được vang lên với nhiều giai tầng trong xã hội, và ở những đoạn tiếp tới, tác giả đã không quên một ai. Ca khúc chỉ hàm chứa một chữ “Xuân” ở câu mở đầu, và tất cả phần sau chỉ toàn những lời chúc và mong mỏi, cho con người và cho quê hương. Đặc biệt, cả bài hát không hề có những biểu tượng hay hình ảnh ngày tết thường gặp trong mọi ca khúc về ngày tết.

Trong “Ly Rượu Mừng”, không hề thấy tả quang cảnh ngày tết với hoa đào, hoa mai, tràng pháo tết. hay bánh chưng xanh như lệ thường. Không có gì gợi nhớ hình ảnh “cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng”, “nhìn xác pháo bên thềm”, hay cảnh phố phường đông đúc với những cặp nam nữ tay trong tay “khăn san bay lả lơi trên hai vai” như của Đoàn Chuẩn trong “Gửi người em gái miền Nam” sáng tác sau đó vài năm. 

Điểm đặc biệt và cũng là đặc sắc này, có lẽ trong toàn bộ lịch sử Tân nhạc Việt Nam, chúng ta chỉ có thể tìm trong một ca khúc khác về mùa xuân, đó là “Mừng Xuân” của Phạm Duy, sáng tác sau Phạm Đình Chương 22 năm. Cả hai nhạc phẩm, tựu trung, không có gì khác ngoài những mong mỏi của con người được sống bình yên, được yêu thương, và cao hơn, xa hơn thế, đất nước được phú cường, tránh cảnh bom rơi đạn lạc:

Mừng Xuân tới bằng tiếng sáo vui 
Với tiếng cười yêu mến đời. 
Mừng Xuân tới bằng tiếng vỗ tay 
Vang khắp trời mây. 

Xin mừng anh chiến sĩ nơi tiền phương 
Giữ đất cho Việt Nam hùng mạnh. 
Nơi đồng xanh chúc bác dân cầy luôn 
Lúa tốt, hoa mầu tươi suốt năm 

Xin cho phố xá nơi thành đô 
Giới bán buôn làm to lời nhiều 
Chúc cho một nước dân đủ no 
Chúc cho một nước luôn tự do. 

Mừng Xuân tới bằng tiếng hát vang
Dưới mái trường hay giữa đàng 
Lời ca hát từ núi xa xăm 
Ra tận đại dương...


Ra đời trong bối cảnh chiến tranh và được hát lên liên tục trong hơn hai thập niên sau đó, khi cuộc chiến Việt Nam ngày một leo thang, lòng người ly tán, “Ly Rượu Mừng” không chỉ cất lời chúc đầu năm, mà còn thổ lộ những nguyện cầu thiêng liêng và sâu thẳm, cho một nước Việt không còn cảnh tang thương, để người mẹ già “từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa” sớm thấy lại được “bước con về hòa nỗi yêu thương”:

Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình, hòa bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi.

Nhấc cao ly này
Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình
Muôn người hạnh phúc chan hoà
ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình đang phơi phới.


Mùa xuân 1975, “Ly Rượu Mừng” đã có mặt chính thức lần cuối cùng tại quê hương Việt Nam trong cuộn băng tuyển chọn các ca khúc đặc sắc về Xuân, phát hành thường niên do cơ sở băng đĩa của nhạc sĩ Ngọc Chánh tuyển chọn. Để rồi, như đại đa số các tác phẩm của giới văn nghệ sĩ miền Nam, bài hát đã phải có một giấc ngủ dài bốn thập niên, trong khi nó vẫn được thầm thì trên khóe môi nhiều người khi xuân về.

Những ai còn sở hữu hoặc có dịp nghe “Ly Rượu Mừng” trong bản thu âm dạo ấy, còn nhớ nó chính là nhạc phẩm mở đầu cuốn băng với phần trình diễn của Ban Hợp Ca Thăng Long, sau những âm giai còn đọng lại trong ký ức nhiều người: “Tiếng pháo nổ tại phòng trà Đêm Mầu Hồng; tiếng trống của đội lân Nhân Nghĩa Đường Chợ Lớn; tiếng Đại Hồng Chung của Viện Hóa Đạo; tiếng chuông Nhà Thờ Đức Bà...”.

Bên thềm năm mới, hãy cùng nhau nghe lại những giai điệu của ký ức ấy, nhớ về những mùa xuân năm ấy, và cùng nhau “nhấc cao ly này” để cùng mỏi mong cho một nước Việt “ngày mai sáng trời tự do”, khi “muôn người hạnh phúc chan hòa”, và “hương thanh bình đang phơi phới”, như tâm nguyện của Phạm Đình Chương, người nhạc sĩ lớn, đã từ giã chúng ta vào một ngày cách đây tròn một phần tư thế kỷ...

(*) Có thể nghe bản thu âm của bài viết tại đây.

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn