GS. Ngô Bảo Châu: “VĂN HÓA MẠNH NHẤT TRONG TÔI LÀ VĂN HÓA VIỆT”

Thứ bảy - 13/02/2016 00:21

(NCTG) “Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi thưc sự thấy mình có rất nhiều kỷ niệm gắn bó với chốn này. Có thể chỉ là những ký ức vụn vặn như ăn bát chè bà ngoại nấu, những lúc đọc sách với ông, thấy mẹ khóc vì nhà hết gạo hay lang thang đi chơi với bạn bè… Có những cảm giác chỉ có thể diễn tả bằng tiếng Việt”, chia sẻ của GS. Ngô Bảo Châu.

Bên cây cầu cổ nhất tại Budapest bắc ngang con sông Danube

Bên cây cầu cổ nhất tại Budapest bắc ngang con sông Danube

Không nhiều người biết GS. Ngô Bảo Châu đã từng học một năm thứ tiếng được coi là khó, kỳ quặc và phức tạp nhất thế giới - tiếng Hung -, cũng như chỉ thiếu chút nữa, ông đã từng sang Hungary du học nếu như bức tường Berlin và hệ thống chính trị thời đó ở Đông Âu không sụp đổ.

Có lẽ, nếu như vậy mọi chuyện có thể đã diễn theo một hướng khác. Vừa qua, nhân chuyến du lịch lần đầu tiên trong đời tại Budapest, Hungary trong những ngày trước Tết Nguyên đán, GS. Ngô Bảo Châu đã có một cuộc trò chuyện thân mật “ngoài lề” với PV báo NCTG.

 
*

- Giới trẻ hiện nay ít theo đuổi ngành toán học vì nghĩ rằng môn toán rất khô khan. Giáo sư nghĩ thế nào về suy nghĩ này? 

Hoàn toàn ngược lại: người làm toán, nhất là nghiên cứu toán lý thuyết đòi hỏi phải có rất nhiều cảm xúc!

Khi đã theo đuổi một chủ đề, ta phải luôn tìm tòi để khám phá, chinh phục, mất công mất sức rất nhiều nhưng cảm giác được đền bù bằng cách nhìn thấy cái đẹp trong đó, cảm giác mình là người đầu tiên đặt chân tới một nơi chưa mấy ai biết đến thật là tuyệt vời, gây “nghiện” nặng đến mức khi công trình hoàn tất, phải chia tay với đứa con tinh thần của mình, tôi thấy hẫng hụt một thời gian trước khi đi đến quyết định theo đuổi một cái gì khác.

- Theo giáo sư, bí quyết của thành công trong toán học là gì? 

Cũng không khác gì bí quyết thành công trong bất cứ một lĩnh vực nào khác: sự đam mê, nỗ lực bản thân trong công việc và yếu tố may mắn. Tôi cảm thấy mình rất may khi gặp được những người thầy tốt đã dạy dỗ tôi cả về mặt kiến thức lẫn kỹ năng nghiên cứu, khi được sống và làm việc trong một môi trường lành mạnh cũng như được sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè. 

- Ngoài chuyên môn, mấy năm gần đây giáo sư còn rất quan tâm đến các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa... Giáo sư có thể chia sẻ thêm về điều này? 

Tôi nghĩ con người ta dù có làm gì đi chăng nữa cũng phải có hiểu biết toàn diện về mọi lĩnh vực. Những quan tâm đó không làm mất nhiều thời gian, cũng như không làm ảnh hưởng gì đến công việc của tôi cả.

Nghiên cứu toán học có ưu điểm rằng tôi có thể nghĩ về nó ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời điểm nào, bất cứ đang làm gì. Do sự kết nối thông tin đại chúng, sự chia sẻ về chính kiến, suy nghĩ của tôi đã làm thay đổi suy nghĩ của một số người cũng như tôi tìm được rất nhiều bạn đồng hành về tư tưởng.

Điều đó làm tôi thấy vui vì chia sẻ toán học khó hơn và ít người hiểu được mình hơn!
 
Nếm món xúp cá (halászlé) “quốc hồn quốc túy” của Hungary
Nếm món xúp cá (halászlé) “quốc hồn quốc túy” của Hungary

- Sau hơn 17 năm sống ở Pháp, được mệnh danh “nói tiếng Pháp giỏi hơn người Pháp”, khi sang Mỹ, giáo sư cũng tham gia nghiên cứu văn học Mỹ cận hiện đại, dịch thuật thơ và sách báo. Vậy văn hóa Pháp hay Mỹ ăn sâu vào con người giáo sư hơn? 

Tôi cảm thấy văn hóa mạnh nhất trong tôi là văn hóa của dân tộc Việt Nam. Cũng như học âm nhạc phải bắt đầu từ nhỏ, văn hóa thấm sâu vào chúng ta từ những năm tháng tuổi thơ. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, tôi thưc sự thấy mình có rất nhiều kỷ niệm gắn bó với chốn này.

Có thể chỉ là những ký ức vụn vặn như ăn bát chè bà ngoại nấu, những lúc đọc sách với ông, thấy mẹ khóc vì nhà hết gạo hay lang thang đi chơi với bạn bè… Có những cảm giác chỉ có thể diễn tả bằng tiếng Việt mặc dù bình thường tôi nói tiếng Việt ít hơn tiếng Anh. Chính vì vậy năm nào tôi cũng về Việt Nam và cố gắng làm một chút gì đó có ý nghĩa. 

- Câu hỏi cuối cùng, ấn tượng của giáo sư về Budapest trong mấy ngày qua? 

Tôi không ngờ Budapest lại đẹp và sinh động như vậy. Mặc dù đã đi rất nhiều nơi, thăm nhiều thành phố đẹp trên thế giới, có lẽ do “duyên ngầm” với nước Hungary mà tôi cảm thấy rất thoải mái ở đây.

Càng ngạc nhiên hơn khi được biết nước Hung với dân số quá khiêm tốn và nhỏ bé như một cái chấm trên bản đồ thế giới lại là nước có tỷ lệ - tính theo đầu người - số người được giải Nobel, cũng như số huy chương thể thao trong các kỳ Thế vận hội cao nhất thế giới.

Tôi hy vọng sẽ có dịp quay lại Hungary và có thời gian tìm hiểu sâu sắc hơn về đất nước này. 

- Xin cám ơn giáo sư, chúc giáo sư mạnh khỏe và hẹn gặp lại! 

NCTG


 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn