ĐIỆN ẢNH HUNGARY ĐĂNG QUANG TẠI KỲ OSCAR THỨ 88

Thứ hai - 29/02/2016 15:12

(NCTG) Bộ phim truyện đầu tay “Con trai của Saul” (Son of Saul) của đạo diễn Hungary Nemes Jeles László đã đoạt giải Oscar ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” sau khi vượt qua các đối thủ nặng ký khác trong lễ trao giải tại nhà hát Dolby ở Los Angeles, Mỹ vào rạng sáng thứ Hai 29-2 (giờ Hungary).

Đạo diễn Nemes Jeles László lên nhận giải sau lời tuyên bố mà Hungary đã chờ đợi từ 35 năm nay: “The Oscar goes to The Son of Saul” - Ảnh: Chris Pizzello (AP/MTI)

Đạo diễn Nemes Jeles László lên nhận giải sau lời tuyên bố mà Hungary đã chờ đợi từ 35 năm nay: “The Oscar goes to The Son of Saul” - Ảnh: Chris Pizzello (AP/MTI)

Điện ảnh Hungary đã chờ 35 năm để được nghe lại câu nói: “Và giải Oscar thuộc về... Hungary”. Trước đây, Hungary đã 8 lần lọt vào “chung kết”, và lần duy nhất đoạt ngôi vị quán quân là từ năm 1981 với bộ phim “Mephistó” của đạo diễn nổi tiếng Szabó István 

Tượng vàng Oscar đã được nam tài tử Hàn Quốc Lee Byung Hun và nữ minh tinh người Colombia, Sofia Vergara trao cho đạo diễn trẻ Nemes Jeles László (sinh năm 1977), người đã có gần 17 năm trong nghề và đã đạt được nhiều thành công với những bộ phim ngắn.
 
Phút đăng quang tại Nhà hát Dolby (Los Angeles, ngày 28-2-2016) - Ảnh: Chris Pizzello (AP/MTI)
Phút đăng quang tại Nhà hát Dolby (Los Angeles, ngày 28-2-2016) - Ảnh: Chris Pizzello (AP/MTI)

Trái với những lần nhận giải trước đây khi luôn thể hiện bản lĩnh tự tin, lần này, Nemes Jeles László đã tỏ ra rất cảm động, giọng anh hơi run trong lời cám ơn - đặc biệt khi anh nói những lời đề tặng bộ phim cho diễn viên chính Röhrig Géza và toàn thể đoàn làm phim.

Theo Nemes Jeles László, đó là “những người vẫn tin tưởng vào bộ phim, khi không ai tin”. Và bộ phim “là nói về niềm hy vọng”, khi “trong những thời khắc đen tối nhất của nhân loại, có lẽ vẫn có trong chúng ta một tiếng nói nội tâm để giúp chúng ta vẫn là con người”.
 
Cùng diễn viên chính Röhrig Géza trong khi làm phim - Ảnh: Laokoon Filmgroup
Cùng diễn viên chính Röhrig Géza trong khi làm phim - Ảnh: Laokoon Filmgroup

“Con trai của Saul” ra mắt tại LHP Quốc tế Cannes trung tuần tháng 5 năm ngoái và lập tức đoạt bốn giải - khi đó, tất cả mọi người đều nhắc đến nó như một ứng viên Oscar của Hungary. Từ đó, phim liên tục đoạt những giải thưởng danh giá của điện ảnh thế giới.

Tại Hungary, bộ phim kể từ khi được công chiếu đã trở thành hiện tượng điện ảnh thu hút nhiều người xem nhất, đặc biệt là sau khi phim được Quả cầu vàng (Golden Globe) và lọt vào chung cuộc của hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” của giải Oscar.
 
Đoàn làm phim tại cuộc họp báo ở Budapest sau khi giành Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại LHP Quốc tế Cannes (Pháp) - Ảnh: Kovács Tamás (MTI)
Đoàn làm phim tại cuộc họp báo ở Budapest sau khi giành Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại LHP Quốc tế Cannes (Pháp) - Ảnh: Kovács Tamás (MTI)

Nội dung của “Con trai của Saul” không xa lạ với Hungary: tấn thảm kịch của người Do Thái ở Hungary trong Đệ nhị Thế chiến, khi con số nạn nhân đến từ nước này chiếm tỷ lệ 1/10 trong tổng số nạn nhân của nạn diệt chủng holocaust do Đệ tam Đế chế gây ra.

Đây cũng là đề tài chính trong sự nghiệp sáng tác của văn hào Hung Kertész Imre, người Hung duy nhất đoạt giải Nobel Văn chương (2002), với những tác phẩm khắc họa sâu sắc nỗi đau holocaust như “Không số phận” hay “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”.
 
Cùng các diễn viên trong một cảnh quay - “Con trai của Saul” không đặc tả những cảnh hãi hùng của holocaust, mà để khán giả tự hình dung khổ nạn của người Do Thái - Ảnh: Laokoon Filmgroup
Cùng các diễn viên trong một cảnh quay - “Con trai của Saul” không đặc tả những cảnh hãi hùng của holocaust, mà để khán giả tự hình dung khổ nạn của người Do Thái - Ảnh: Laokoon Filmgroup

Tuy nhiên, trong tác phẩm của mình, đạo diễn Nemes Jeles László đã tiếp cận đề tài theo hướng mới, khác với những bộ phim kinh điển cùng đề tài trước đây như “Bản danh sách của Schindler” (Schindler's List, 1993) hay “Nghệ sĩ dương cầm” (The Pianist, 2002).

Được thực hiện với phần kịch bản của Clara Royer, một nhà văn nữ người Pháp gốc Do Thái - Hungary, “Con trai của Saul” tập trung mô tả sự lựa chọn đầy cam go giữa bản năng phải tìm mọi cách để sống sót trong đại nạn, và bổn phận làm con người có lương tri.

Theo một số bình luận điện ảnh, con đường mới mà Nemes Jeles László vạch ra trong sự khai thác đề tài holocaust sẽ còn được nhiều đồng nghiệp tán thưởng, và có lẽ đó cũng là một lý do khiến trước đó, bộ phim được dự đoán là sẽ nhận giải Oscar với xác suất 99%...

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn