GIÃ TỪ BÙI NGỌC TẤN, NHÀ VĂN CỦA ÁNH SÁNG TRONG LAO TÙ

Thứ sáu - 19/12/2014 03:21

(NCTG) “Có lẽ lại phải viết thôi. Viết về tuổi trẻ bị đánh mất. Viết về tuổi già xót xa tuổi trẻ. Về nỗi xót thương nhau trong những trái tim mệt mỏi, những mái đầu tóc bạc đang tính đếm những ngày còn lại...” - nhà văn Bùi Ngọc Tấn, trong một dịp trả lời phỏng vấn cách đây mười ba năm, đã nói như thế với nhà thơ Phạm Tường Vân. Lúc ấy, cuốn tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” của ông vừa được in trong nước, nhưng ngay sau đó chưa kịp phát hành đã bị thu hồi.


Nhà văn Bùi Ngọc Tấn - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nghe bản audio tại đây.

Chỉ ít lâu sau, độc giả hải ngoại đã được tiếp cận với tác phẩm ấy, theo những bản in ở nước ngoài. Ngay lập tức, nó gây chấn động trong văn giới, và những người yêu văn học. Hơn thế nữa, sách còn rơi vào tâm điểm sự chú ý của những ai quan tâm đến lịch sử và đời sống chính trị Bắc Việt Nam thập niên 60-70 thế kỷ trước, với biết bao đau thương và khổ ải cho các nạn nhân của những vụ án dàn dựng, ngụy tạo, có thể biến bất cứ ai trở thành “người tù dự khuyết”.

Đã có nhiều nhà phê bình, khi ấy, cho rằng nếu được dịch ra những ngôn ngữ thông dụng trên thế giới, “Chuyện kể năm 2000” có thể lọt vào mắt xanh những ông hàn của Hàn lâm viện Thụy Điển, để tác giả nó nhận Giải Nobel Văn chương. Người ta không ngại ngần đặt tiểu thuyết vào hàng những tác phẩm hay nhất của văn học thế giới về cảnh tù ngục, trại tập trung, “lao cải”... trong thể chế độc tài toàn trị, nơi người tù phải giành giật từng khoảnh khắc để giữ nhân tính.

Và sáng hôm qua, 18-12, vào hồi 6 giờ 15 phút giờ Việt Nam, tác giả cuốn sách có thể coi là xuất sắc nhất của văn học Việt Nam bốn thập niên trở lại đây, đã qua đời bên người vợ hiền tại tư gia ở Hải Phòng sau hơn nửa năm chống chọi với chứng bệnh ung thư phổi, hưởng thọ 81 tuổi. “Người hiền của văn chương Việt” (lời Phạm Tường Vân) đã ra đi mãi mãi, để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng độc giả...
 
*

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934 tại Thủy Nguyên, Hải Phòng trong một gia đình mà ông gọi là “địa chủ nhỏ” vì dường như cha mẹ có hơn 10 mẫu ruộng, theo hồi tưởng của nhà văn. Là con trai út sau ba người anh, thuở nhỏ ông học giỏi: thi tiểu học, ông đỗ đầu Liên khu Việt Bắc trong những năm đầu của cuộc chiến chống Pháp, khi tản cư cùng cha mẹ lên Bắc Giang, Thái Nguyên.

Thời gian học trung học, Bùi Ngọc Tấn tiếp tục học giỏi nhất lớp và được nhận học bổng toàn phần. Gần bảy chục năm sau, nhà văn ở ngưỡng bát thập còn nhớ rằng, phần thưởng đầu đời dành cho ông vì học lực xuất sắc cũng liên quan tới văn học: đó là một chiếc cặp da do thầy Hoàng Ngọc Phách - tác giả “Tố Tâm”, được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam - khi đó là Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu tặng.

Năm 1954, Bùi Ngọc Tấn có mặt trong Đội Thanh niên Xung phong về tiếp quản Hà Nội. Cuối năm, ông từ chối đi học kỹ thuật ở nước ngoài để về báo “Tiền Phong” trên cương vị một phóng viên. Những sáng tác đầu tiên của ông bắt đầu từ đó, và sau này đã được in rải rác ở nhiều nhà xuất bản đương thời như “Văn học”, “Lao động”, “Thanh niên”, “Phổ thông”...

Cuối năm 1959, dưới ảnh hưởng những dư chấn của cuộc đàn áp Nhân văn Giai phẩm diễn ra cùng thời đối với giới văn nghệ sĩ Bắc có tư tưởng cởi mở, Bùi Ngọc Tấn được chính quyền “khuyên” hãy về quê Hải Phòng để “thâm nhập công nông”, nhằm “viết tác phẩm của đời mình”. Ông chuyển về làm biên tập viên ở báo “Hải Phòng Kiến thiết” và tập trung viết báo để chăm lo cho gia đình sáu người.

Cũng trong thời gian này, Bùi Ngọc Tấn có dịp làm quen và thân thiết với nhà văn đàn anh Nguyên Hồng của đất Cảng, cùng một lãnh đạo đảng ở Hải Phòng là ông Hoàng Hữu Nhân, người có lòng và quan tâm đến giới sáng tác, về sau trở thành ân nhân của họ Bùi trong những năm tháng cơ cực sau khi ra tù và không có công ăn việc làm.

Tính đến cuối năm 1968, tức là 15 năm đầu của đời sáng tác, Bùi Ngọc Tấn “in được một số truyện ngắn, có ba tiểu thuyết sắp sửa trình làng, hai kịch bản phim chưa quay nhưng đã ký hợp đồng với Cục Điện ảnh và đã được tạm ứng một phần ba nhuận bút”, theo hồi tưởng của ông. Đó là những sáng tác mà như ông thú nhận: “Đều theo trường phái “tụng ca”, bây giờ nghĩ lại thấy xấu hổ. Nhưng đó là sự ngây thơ chân thành của một thời”.

Tháng 11 năm ấy, đột ngột nhà văn bị bắt với tội danh “tuyên truyền phản cách mạng”, rồi bị đưa đi tập tập trung cải tạo trong vòng năm năm. Kỳ thực, ông là nạn nhân của cái gọi là vụ án “Xét lại, chống Đảng, làm tay sai cho nước ngoài”, một vụ thanh trừng đại quy mô diễn ra trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, dẫn tới hậu quả nhiều văn nghệ sĩ không liên quan cũng trở thành những “người tù không án”.

Không biết có tội gì và cũng không hề được đưa ra xét xử, Bùi Ngọc Tấn bị giam cầm trong hoàn cảnh cùng cực, chứng kiến vô số cảnh đời bi thảm trong hệ thống tù ngục Bắc Việt Nam cho đến tháng 4-1973 mới được thả. Về sau, ông tâm sự: “Thật chẳng ngờ tôi đã phải sống cạn một kiếp tôi để rồi viết về chính nó”, và lời cảm thán ấy của ông đã được đăng trên tờ báo “Tiền Phong” ở trong nước sau đó hơn sáu chục năm.

Gần một ngàn năm trăm trang bản thảo của Bùi Ngọc Tấn đã bị thu khi ông bị bắt giữ, và sau này ông cũng không được trao trả lại. Thời gian ông trong các trại cải tạo lao động, vợ ông bị đuổi khỏi trường đại học - kẻ làm điều này, theo nhà văn, cũng chính là người đã ra chỉ thị bắt ông, và sau đó cấm ông làm việc khi đã được ra tù: Giám đốc Công an Hải Phòng.

Ra tù mùa xuân 1973, nhà văn bị thất nghiệp trong hai năm và đã trải qua nhiều nghề để kiếm sống như bốc vác, thợ sắt, buôn bán, kéo xe bò và cả… viết chui, như ông thuật lại. Đến tháng 5-1975, nhờ sự giúp đỡ của ông Hoàng Hữu Nhân, khi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bùi Ngọc Tấn mới được trở lại làm việc chính thức tại một cơ sở đánh cá ở Hạ Long, trong vai trò nhân viên theo dõi thi đua khen thưởng.

Ròng rã trong suốt hai thập niên kể từ khi ra tù cho đến những năm chuẩn bị hồi hưu, Bùi Ngọc Tấn đã buộc phải gác bút. Như những gì ông thuật lại sau này, thời gian đó không chỉ không được phép viết, mà ông còn luôn bị công an văn hóa sách nhiễu, theo dõi, lục lọi, khám xét liên miên, ngay cả những trang nhật ký cũng bị thu giữ.

Phải đến năm 1993, tức là tròn một phần tư thế kỷ kể từ ngày bị bắt giữ rồi đưa đi cải tạo, cái tên Bùi Ngọc Tấn mới tái xuất hiện trên tạp chí “Cửa Biển” (Hải Phòng) với bài viết “Nguyên Hồng, thời đã mất”. Những hồi ức về nhà văn đàn anh thân thiết ấy, cũng như những văn sĩ thế hệ ông còn trở lại trong tập hồi ký “Một thời để mất” (năm 1995), là cuốn sách đầu ông được in sau “kiếp nạn”.
 
*

Trong hai chục năm cuối đời, Bùi Ngọc Tấn đã ra thêm được chừng năm đầu sách, trong đó đáng chú ý là những chân dung văn học trong tập “Rừng xưa xanh lá”, cùng nhiều truyện ngắn rất sắc nét. Ngoài các giải thưởng trong nước, năm 2012, tiểu thuyết “Biển và chim bói cá” của ông được tặng thưởng giải thưởng lớn cho tác phẩm đề tài biển tại Liên hoan “Sách và biển” được tổ chức hàng năm ở Pháp.

Tuy nhiên, nếu có một tác phẩm khiến Bùi Ngọc Tấn được “lưu danh hậu thế”, trở thành một tác gia lớn của văn học Việt Nam, thì đó chính là “Chuyện kể năm 2000” đã nhắc tới ở đầu bài. Cuốn tiểu thuyết mang tính chất tự sự và ghi dấu ấn những năm tháng tù đày, cải tạo của tác giả, được Bùi Ngọc Tấn khởi viết tháng 6-1990 tới tháng 11-1991 thì xong bản thảo đầu tiên và tới cuối năm 1997 thì hoàn tất với nhiều sửa chữa, chỉnh lý.

Theo lời kể lại của tác giả, do đã “hết sức ngấm đòn” vì từng bị thu hàng ngàn trang bản thảo nên ông đã phải viết “Chuyện kể năm 2000” trong hoàn cảnh bí mật tuyệt đối - nếu bị phát hiện, bản thảo có thể bị tịch thu bất cứ lúc nào. Nhà văn đã không thể cho bất cứ ai xem bản thảo trong thời gian chấp bút, và đến khi hoàn tất cũng chỉ dám đưa hai người bạn văn nghệ chí cốt là Lê Bầu và Dương Tường đọc và góp ý.

Bùi Ngọc Tấn hồi tưởng: “Tôi viết trong khi vẫn đi làm ở một xí nghiệp đánh cá, viết trong lúc rỗi ở xí nghiệp, viết trong những ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, viết đêm, nghĩa là tranh thủ mọi thời gian. (...) Viết được mấy chục trang đầu tiên, tôi đưa (nhà văn) Nguyễn Quang Thân đọc. Anh nói với tôi một câu tôi không chờ đợi, thật bất ngờ, có sức động viên tôi rất lớn: “Cái này của toàn nhân loại mày ạ”.

Sau khi thử đưa bản thảo ở một hai nơi và bị từ chối, tháng 2-2000, sách được ra mắt ở NXB Thanh Niên trong sự ngỡ ngàng của chính tác giả. Nhưng chỉ một tháng sau, chính quyền đã ra quyết định “đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy” sách, và trong vòng mười bốn năm từ bấy tới nay, theo nhà văn, sách vẫn chưa hề có quyết định được phép tái bản hay lưu hành, mặc dù ông đã nhiều lần đưa ra đề nghị thảo luận về điều đó.

Tuy nhiên, “Chuyện kể năm 2000” với nội dung làm lay động lòng người và sức mạnh ngút ngàn của sự thật, đã nhanh chóng vượt khỏi vòng kiềm tỏa và cấm đoán của chính quyền. Sách được in chui, được sao chép và lưu hành rộng rãi như chính tác giả cho biết, và điều rất đáng kể là nó đã vượt biên giới Việt Nam, sang các xứ sở xa xôi với hơn mười ấn bản Việt ngữ ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada hay Đức.

Dày hơn 600 trang, “Chuyện kể năm 2000” thuật lại cuộc sống tù ngục của nhân vật chính - nhà văn Nguyễn Văn Tuấn, hóa thân “gần như không thêm bớt” của tác giả, cùng những bạn tù được khắc họa rất sắc nét, như Ngọc hay Già Đô, người mà tác giả cho hay là sự tổng hợp của nhiều người trong tù và ngoài đời, như triết gia Trần Đức Thảo, hay nhà văn Tuân Nguyễn, cũng là một nạn nhân bi thảm của vụ án “Xét lại, chống Đảng”.

Nhưng điểm khác biết và có lẽ nổi trội hơn nhiều tác phẩm kinh điển khác của dòng văn học phản án thế giới tù ngục, trại tập trung cải tạo, là ở chỗ “Chuyện kể năm 2000” đã cho thấy nỗ lực nhân văn của người tù trong cảnh cùng cực để không đánh mất mình, và thông qua đó, đem lại niềm tin cho con người. Như chia sẻ của Phạm Tường Vân, người đã thực hiện trong ba năm ròng những cuộc phỏng vấn kỳ công nhất về Bùi Ngọc Tấn:

Điều lớn nhất tôi nhận được từ cuốn sách ấy là gì? Phải chăng là một niềm tin vững chắc để dấn bước vào những vùng u tối nhất của đời sống, rằng nếu hấp lực của việc viết có đẩy mình tới đâu, thì vẫn có cách đi xuyên qua nghịch cảnh mà không đánh mất phẩm giá. Dẫu có phải đối diện và trở thành nạn nhân của sự u tối và tàn bạo đến thế nào, thì nhất quyết không để sự ngu dốt vô minh nuốt chửng để trở nên cay nghiệt, hằn thù”.

Với góc nhìn rất nhân bản ấy, có lẽ không ngạc nhiên, khi tình yêu được mô tả hết sức nguyên sơ và thánh thiện giữa người tù và người phụ nữ anh yêu cũng là một nét động lòng và để lại dư vị mạnh mẽ trong lòng người đọc. Một độc giả có dịp tương giao với tác giả trong những năm cuối đời của ông đã nhận xét, Bùi Ngọc Tấn vẫn giữ nguyên vẹn “những gì đẹp đẽ nhất trong con người - yêu và được yêu”:

Điều ngạc nhiên nhất đối với tôi là khi gập cuốn sách lại, những căm phẫn nghẹn ngào về chế độ xã hội dường như lại nhường chỗ cho tình yêu.

Những chương viết về tình yêu của Bùi Ngọc Tấn với người phụ nữ dịu hiền, luôn nâng niu, đi bên ông suốt chặng đường đời, hay một chút lãng mạn với người phụ nữ bí ẩn gìn giữ những trang bản thảo đánh máy của ông là minh chứng về tình yêu như lẽ tự nhiên, đẹp giản dị, mà người ta nương náu vào đó để tìm nguồn sống trong tận cùng của khổ sở đớn đau, để có sức mạnh đối chọi với bạo lực và cường quyền.

Những tháng năm ngục tù không giết chết yêu thương trong ông, mà ngược lại nó làm ông thêm yêu tự do, và tiếp tục viết như khẳng định quyền tự do của mình, mặc dù nhiều năm trong tù và khi ra khỏi ngục tù, quyền tự do ấy bị cướp đoạt. Trong một bản nhạc buồn, đen tối, không lối thoát, đâu đó có những nốt nhạc tình được êm ái cất lên...
”.

Những nốt nhạc long lanh ấy, chắc chắn sẽ còn được lưu giữ và âm vang trong từng trang viết của Bùi Ngọc Tấn, về con người, tình yêu, về quyết tâm vượt qua nghịch cảnh gian nan và đen tối, vượt qua mọi tàn ác và phi nhân của bất cứ thể chế toàn trị nào... Kể cả khi, tác giả của nó, đã giã từ dương thế trong một ngày giáp lễ Giáng sinh - ngày hội của tình yêu thương - năm 2014 đầy biến động này...

Và kể cả khi, đại đa số báo chí trong nước, khi đưa tin về sự ra đi của ông, đã phải bỏ trống khoảng thời gian ông bị tù tội và đày ải như thể nó chưa từng tồn tại, cũng như, buộc phải “lờ” đi tác phẩm chính yếu của một đời người - “Chuyện kể năm 2000” - trong danh sách những sáng tác tiêu biểu của “người tù không án” Bùi Ngọc Tấn…

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Bùi Ngọc Tấn
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn