CÔ ĐƠN CƯỜI NGẠO GIANG HỒ

Thứ sáu - 02/01/2015 23:06

(NCTG) “Thích “Tiếu ngạo giang hồ” không phải vì những chiêu thức kiếm thuật “vô chiêu thắng hữu chiêu” của “Độc cô cửu kiếm”, cũng không phải vì mối tình hội ngộ ngẫu nhiên mà gắn kết trọn đời giữa Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh, cũng không phải vì những cuộc tranh cãi hài hước bất tận của Đào Cốc Lục Tiên… mà thích vì tinh thần “cô đơn cười ngạo giang hồ” mà Kim Dung thể hiện trong tác phẩm này”.


Bìa sách “Tiếu ngạo giang hồ” (bản dịch mới), một trong những tác phẩm kiếm hiệp kinh điển


Giữa rừng tác phẩm nay đã trở thành “kiếm hiệp cổ điển” của Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Ngọa Long Sinh, Gia Cát Thanh Vân, Trần Thanh Vân, Ôn Thụy An, Huỳnh Dị, Ưu Đàm Hoa, Thương Nguyệt… mình vẫn thích nhất những tác phẩm của Kim Dung.

Và trong những tác phẩm của Kim Dung, vẫn thích nhất “Tiếu ngạo giang hồ”. Thích “Tiếu ngạo giang hồ” không phải vì những chiêu thức kiếm thuật “vô chiêu thắng hữu chiêu” của “Độc cô cửu kiếm”, cũng không phải vì mối tình hội ngộ ngẫu nhiên mà gắn kết trọn đời giữa Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh, cũng không phải vì những cuộc tranh cãi hài hước bất tận của Đào Cốc Lục Tiên… mà thích vì tinh thần “cô đơn cười ngạo giang hồ” mà Kim Dung thể hiện trong tác phẩm này.

Viết về “Tiếu ngạo giang hồ” mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau. Vũ Đức Sao Biển viết trong tập tiểu luận: “Kim Dung giữa đời tôi”: “Tiếu ngạo giang hồ” lặng lẽ đưa người đọc đi vào cuộc hành trình tìm về những suối nguồn tư tưởng phương Đông, một phương Đông lãng mạn bay bổng “khi lên cao chín ngàn dặm, nương mây cưỡi gió mà bay” như Trang Tử đã viết trong “Nam hoa kinh”.

“Tiếu ngạo giang hồ” có cái u uẩn trầm mặc đầy suy niệm của những ngôi chùa, những đạo quan, những rừng tùng bách, bóng trăng sáng trên Trường Giang, cơn mưa tuyết mùa đông trên Ngọc Nữ phong. Xuyên suốt tác phẩm là tiếng đàn, tiếng sáo của khúc Tiếu ngạo giang hồ, tiếng ca buồn của Mạc Đại tiên sinh trong khúc Tiêu Tương dạ vũ. Tác phẩm còn là sự tập hợp của nhiều kiến thức về y học, dược học, địa lý học, tửu học, giải phẫu học, võ học, xã hội học…
”.

Nguyên Nguyên trong “Thử đọc lại Kim Dung” phân tích “Tiếu ngạo giang hồ” từ góc độ âm dương ngũ hành. Nguyễn Duy Chính thích thú với bản dịch tiếng Việt mới của “Tiếu ngạo giang hồ” dựa trên bản thảo đã sửa chữa, nhuận sắc của Kim Dung…

Riêng đối với mình, “Tiếu ngạo giang hồ” là tác phẩm diễn tả những nỗi cô đơn và cô độc. Các nhân vật trong “Tiếu ngạo giang hồ”, xét cho cùng đều là những nhân vật sống với cái tôi cô độc của mình, với những tâm sự cô đơn triền miên, dù ở nhiều sắc thái khác nhau.

Hãy bắt đầu bằng một nhân vật như trong huyền thoại, nhân vật không hề xuất hiện trong “Tiếu ngạo giang hồ” mà chỉ được nhắc đến qua những lời truyền tụng của võ lâm: Độc Cô Cầu Bại.

Độc Cô Cầu Bại luyện kiếm thuật tới mức thượng thừa, nhưng sống suốt đời cô độc, chỉ mong một lần được bại dưới tay ai đó. Con người cả đời chỉ giành phần thắng, cầu mong được nếm vị cay đắng của thất bại mà vẫn không thể, hẳn là con người cô độc nhiều nhất. Cô độc ở chính niềm vinh quang của mình, cô độc vì những lời ngợi khen, tán tụng. Cô độc vì không tìm được ai là đối thủ xứng tầm.

Truyền nhân của Độc Cô Cầu Bại là Phong Thanh Dương, thái sư thúc tổ của Lệnh Hồ Xung. Mười trưởng lão Ma giáo chết dưới kiếm của Phong Thanh Dương, nhưng chính bản thân Phong Thanh Dương cũng vĩnh viễn ẩn cư nơi hậu động với dòng chữ đề trên cửa: “Qua đây là phải giết không tha”. Xuất hiện chỉ để truyền thụ lại kiếm pháp “Độc cô cửu kiếm” cho Lệnh Hồ Xung, sau đó Phong Thanh Dương lại mãi mãi mất tăm, tiếp tục sống đời hạc nội mây ngàn, náu mình dưới con mắt nhân gian.

Cũng tự chọn cho mình một cuộc sống cô độc là Mạc Đại tiên sinh. Huỳnh Ngọc Chiến gọi Tiêu Tương Dạ Vũ Mạc Đại tiên sinh chưởng môn phái Hành Sơn là “Cánh độc hạc u hoài”. Người kiếm khách cô đơn thoắt ẩn thoắt hiện, mỗi lần rút kiếm là mỗi lần tiếng hồ cầm ai oán lại nổi lên. Thân phận một chưởng môn trong Ngũ nhạc kiếm phái mà lênh đênh phiêu lãng như gió như mây. Đằng sau tiếng hồ cầm ai oán nỉ non, có phải là một tâm sự u hoài không thể trải lòng?

Độc Cô Cầu Bại, Phong Thanh Dương, Mạc Đại đều có nỗi cô độc của những cao nhân kiếm thuật. Kiếm pháp của họ gắn liền với nỗi cô độc. Trong từng đường kiếm lóe lên thấy có thứ ánh sáng lạnh người của nỗi cô độc không thể bày tỏ cùng ai. Thân mang tuyệt học thượng thừa nhưng họ đã thật sự quay lưng lại với đời sống thế gian.

Ở một phía khác, những con người như Nhâm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, “ngụy quân tử” Nhạc Bất Quần thật ra đều là những con người cô đơn. Cô đơn trong cách sống, cô đơn trong những âm mưu và tội ác của mình. Đều ở trên ngôi cao giáo chủ Ma giáo, khi bị lật đổ, Nhâm Ngã Hành nhiều năm cô đơn trong tù ngục dưới đáy Tây Hồ, ôm hận âm thầm chờ ngày trở về giành lại ngôi vị.

Kẻ đối đầu Đông Phương Bất Bại mà Nhâm Ngã Hành nể trọng nhất đã chọn cho mình con đường nhanh chóng nhất để sớm luyện thành tuyệt học võ công: dùng Tịch Tà kiếm pháp để tự biến mình thành kẻ ái nam ái nữ, cũng từ đó tránh mặt với cả thế gian.


Đỉnh Tây nhạc Hoa Sơn

Ở vị trí là chưởng môn phái Hoa Sơn, Nhạc Bất Quần vẫn sục sôi tham vọng một ngày kia làm minh chủ võ lâm, để đến phút cuối của cuộc đời mình thân bại danh liệt, gia đình, môn phái tan nát: con gái chết, vợ tự sát, đệ tử không còn. Nhưng trong bao năm nuôi tham vọng dưới cái lốt “quân tử kiếm”, cũng là bấy nhiêu năm Nhạc Bất Quần đối diện với những toan tính, mưu mô trong nỗi cô đơn của chính mình.

Và còn những mái đầu xanh tuổi trẻ cô đơn. Lệnh Hồ Xung là đứa trẻ mồ côi, được cưu mang, dạy dỗ. Cuộc đời tưởng đã mở rộng trước mắt chàng: sư phụ và sư mẫu thương yêu, sư đệ quý mến, và có mối duyên thanh mai trúc mã với cô tiểu sư muội ngây thơ. Nhưng chàng đã bị đẩy đến tận cùng của nỗi đau mất mát: sư phụ đuổi khỏi môn phái, tiểu sư muội yêu người khác, thân mang thương tích hiểm nghèo, bị hàm oan, bị nghi ngờ. Đó là nỗi cô đơn của một con người tưởng đã với tay chạm vào hạnh phúc.

Ngược hẳn lại là nỗi cô đơn của chính Doanh Doanh. Có ai ngờ một Thánh cô trẻ tuổi xinh đẹp, quyền uy, quần hào luôn run sợ lại cảm thấy cô đơn. Đó là nỗi cô đơn của cô tiểu thư có trong tay tất cả, mà thiếu vắng tình cha, thiếu vắng một người để che chở, yêu thương. Đó cũng là nỗi cô đơn của một trái tim thổn thức vì yêu mà phải che giấu dưới vỏ bọc lạnh lùng nghiệt ngã, là nỗi cô đơn của sự hờn ghen khi biết rằng tiểu sư muội Nhạc Linh San vẫn là một bóng hình khó xóa nhòa khỏi trái tim Lệnh Hồ Xung.

Chính Nhạc Linh San và Lâm Bình Chi cũng là một đôi lứa cô đơn. Giữa tình yêu và khát vọng trả thù, Lâm Bình Chi đã chọn khát vọng báo thù nhà, từ đó tự đẩy mình vào cuộc sống cô đơn, âm thầm nuôi tham vọng và lặp lại đúng những gì Nhạc Bất Quần đã làm. Nhạc Linh San chỉ là nạn nhân cho những mơ ước của chính mình. Cô gái sống vì tình yêu, chết cũng vì tình yêu đó, đã trải qua những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình trong cảm giác cô đơn cùng cực của người vợ trẻ, thiếu vắng tình yêu.

Nhưng Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh rồi sẽ hết cô đơn. Nhạc Linh San có cái chết để giải thoát bản thân mình. Chỉ còn một người vĩnh viễn sống cô đơn nơi cửa Phật, sống với một tình yêu giấu kín suốt đời. Đó là ni cô trẻ tuổi Nghi Lâm. Tình yêu âm thầm với Lệnh Hồ Xung của Nghi Lâm là nỗi đau thấp thoáng trong suốt tác phẩm, và vẫn còn dư âm khi tác phẩm khép lại những trang cuối cùng.

Điều gì giúp con người thoát khỏi định mệnh cô độc và cuộc sống cô đơn? Kim Dung vẫn nêu lên những giá trị đã cũ: tình bằng hữu tương giao, tình yêu an ủi và những cơ duyên hội ngộ. Từ góc nhìn đó thì Độc Cô Cầu Bại hay Phong Thanh Dương vĩnh viễn không cô độc vì đã có truyền nhân là Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh cũng đã không còn cô độc nữa từ khi gặp được nhau trên cõi đời này. Lưu Chính Phong và Khúc Dương trưởng lão, kẻ bên chính, người bên tà, vẫn có một tình bạn tri âm tri kỷ, đủ đế hào sảng thốt lên rằng: “Người đời ai là không chết? Được một người tri kỷ thì chết cũng hài lòng”.

Khúc “Tiếu ngạo giang hồ”, khúc nhạc của tình bạn cô đơn, vượt lên trên những định kiến, những hận thù, ngăn cách, cất lên từ đầu tác phẩm, nhưng âm điệu của nó vang vọng suốt những tháng ngày thăng trầm của Lệnh Hồ Xung, vang lên trong những cuộc đấu kiếm và đấu trí khốc liệt, vang lên trong những cuộc chém giết, vang lên trong ánh mắt, nụ cười của Doanh Doanh. Cho đến khi kết thúc tác phẩm, “Tiếu ngạo giang hồ” lại trở thành khúc nhạc vui của hạnh phúc và tình yêu.

Thế mà vẫn ngậm ngùi khi đọc “Tiếu ngạo giang hồ”. Vẫn nhớ mấy câu thơ trong bài “Hòa Hàn lục sự tống cung nhân nhập đạo” của Lý Thương Ẩn trong bản dịch ngày xưa của Hàn Giang Nhạn:

Phụng nữ điên cuồng thành cửu biệt
Nguyệt nga sương độc hảo đồng du
Đương thì nhược ái Hàn công tử
Mai cốt thành hôi hận vị hưu

(Phụng nữ điên cuồng biệt cố nhân
Nguyệt nga còn vướng nợ hồng trần
Nhớ xưa luyến ái Hàn công tử
Xương trắng thành tro hận chửa tan)

Vẫn nhớ một chữ “ngạo” trong “Tiếu ngạo giang hồ”. Ngạo giang hồ đã là một điều ít ai làm được. Mà từ chính nỗi cô độc và cảm giác cô đơn của mình, cười ngạo giang hồ lại càng khó có ai. Tác phẩm kết thúc ở một đám cưới vui, sóng yên gió lặng chốn võ lâm. Từ nay biết có còn ai cô đơn cười ngạo giang hồ?

Hà Thanh Vân, từ TP. HCM


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn