Minh họa: Internet
Chị vẫn sải những bước dài, tự nhủ không nghĩ đến đoạn đường về còn bao xa nữa cho đỡ nản lòng.
Cái lạnh 1ºC ở xứ này với nhiều người bản xứ thì chẳng thấm vào đâu. Nhưng chạm vào đôi má lạnh ngắt sau gần một giờ đi bộ ngoài đường của chị thì muốn rụt tay lại ngay. Cả đôi tay chị cũng phải giữ kín trong đôi bao tay lót lông thật ấm, chỉ thỉnh thoảng mở ra xoa lên má, lên trán cho bớt lạnh. Đôi chân vẫn miệt mài bước không ngừng. Lạ kỳ. Đôi chân ngày nào đi bộ không nổi nửa giờ mà giờ đây đi, đứng thoăn thoắt vài giờ đồng hồ. Không mệt mà chỉ thấy chân hơi cứng lại vì lạnh thôi.
Dòng xe vẫn vùn vụt lao qua hối hả. Không một tiếng còi. Cứ nghĩ có biết bao nhiêu người cùng đang đồng hành với mình là hết sợ. Những ngày chớm đông ở xứ này, trời bàng bạc, âm u. Nếu không ý thức được thực tại, thậm chí có thể tưởng rằng đang ở trong một cảnh phim cổ xưa nào đó. Những cành cây trụi lủi chĩa những đường nét nguệch ngoạc lên nền trời đang tối sập xuống.
Gần sáu giờ chiều. Đây đó đã có những nhà mở đèn trang hoàng mùa Giáng sinh. Giăng mắc trên cây, trên hàng rào, trên các loại cửa là đủ loại đèn màu, vàng, xanh, trắng, đỏ, đủ loại hình thù, hình ngôi sao, hình bông hoa, lại có cả những bóng đèn dài như quả chuông nhỏ. Tất cả đều lấp lánh, lung linh như sao trên trời. Giáng sinh đến nơi rồi.
Chị lục trí nhớ tìm xem Giáng sinh năm ngoái, năm kia chị làm gì. Chị thích treo những chùm đèn nhấp nháy trên cây mận ngoài sân, mắc một vài sợi dây đèn ở cửa sổ phòng ngủ của chị nhìn ra cây mận xanh mướt mát, một chút đồ trang trí ở phòng khách, phòng ăn và bếp cho không khí Giáng sinh tràn ngập căn nhà. Thêm một chút nhạc Giáng sinh truyền thống vang lên là sẵn sàng đón không khí Giáng sinh ùa vào nhà.
Những năm trước nữa nhà chị cũng có một cây thông Christmast rất lớn và năm nào cũng được trang hoàng lộng lẫy với đầy đủ lệ bộ phụ kiện tro trên cây. Nhưng năm nào cũng vậy lại thấy cũ mèm nên tự nhiên đem cho luôn. Nghĩ tới đây thì chị cũng nghĩ ra được Giáng sinh năm kia cả nhà chị dắt díu nhau đi bộ ra nhà thờ ở gần nhà dự lễ. Cả nhà năm người ngoại đạo ngồi ngay ngắn chính giữa sân khấu, giữa những con chiên chính thống thành kính đọc “Kinh Thánh” và cầu nguyện, cảm giác khá lạc loài.
Hôm đó con gái nhỏ của chị bị ốm, cô bé ho dốc từng cơn, cái mũ ông già Noel gật lên gật xuống theo nhịp ho của cô bé. Vậy mà cả nhà cũng ngồi chăm chú xem hết chương trình hoạt cảnh Chúa giáng sinh và múa hát ca ngợi Chúa. Còn năm ngoái, cả nhà chị lại thong dong xếp hàng bước vào Thánh đường Nhà thờ ở giữa trung tâm thành phố, cũng ngồi nghiêm trang dự lễ trong khi không hề biết đến Chúa là ai, cũng không thuộc một câu Kinh cầu nào.
Giáng sinh năm nay, chị đang ở xa nhà một vòng trái đất. Những dự định, những kế hoạch cứ thế chạy ro ro, dễ dàng, hệt như có một chương trình sắp đặt sẵn. Chị biết chị có lý do để đi, nhưng có lẽ chị không biết trước được là chị đã đi theo tiếng gọi thẳm sâu trong lòng.
Chị đã có những tháng ngày tự do đến thừa thãi, để tự vấn mình rốt cuộc mình ra đi vì cái gì. Chị đã có những lúc tê tái nhớ những ngày cũ, những khoảng thời gian bình dị của một ngày, nhớ mòn mỏi những công việc không tên đã làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần mỗi ngày, nhớ da diết cảm giác rộn ràng sắp bàn ăn chờ mọi người về quây quần quanh bữa cơm nóng ấm. Chị cũng có những đêm đôi mắt cứ chong chong không chịu nhắm, lại còn cái cảm giác nghiêng mãi về một bên đến mỏi giờ bỗng chỉ là hư không đôi khi làm chị chợt thức giấc giữa đêm, và nước mắt cứ thế tuôn tràn…
Chị lại rảo bước, đường về nhà bắt đầu ngắn lại, đã thấy thấp thoáng những khung cảnh quen thuộc, những ngôi nhà có những chiếc đèn ngoài hiên xinh xắn đã sáng. Vuốt mái tóc vừa được chăm sóc cẩn thận sau vài giờ đồng hồ, chị bất giác mỉm cười. Quả thực không phải chị cất công đi làm đẹp vì lý do điệu đà như chị vẫn thường làm như vậy trong mỗi dịp lễ quan trọng, mà là chị muốn sửa soạn thật trang trọng để chờ đón ngày lễ trọng đại nhất đối với chị trong thời điểm này. Ngày Chúa giáng sinh và ngày chị cũng sẽ được “tái sinh” trong một con người mới.
Những ngày này, chị cảm giác như đã ở một thế giới khác, xa cách ngàn trùng khơi với thế giới cũ chị đã sống. Cảm giác gần gũi nhất với thế giới cũ ấy và cũng là những khoảng thời gian thả lỏng cho cảm xúc nhất chính là những lúc thò hai tay ra khỏi chăm ấm gõ phím “nói chuyện” với những người vẫn còn đang ở thế giới đó. Nhiều khi, giữa mỗi đợt chờ tín hiệu từ người đang nói chuyện qua màn hình, tranh thủ nhét đôi tay vào chăn để sưởi ấm lại, mường tượng tới những gương mặt thân quen, lòng bùi ngùi chi lạ.
Có những hôm cũng là nói chuyện, nhưng chỉ là những câu nói rời rạc, cuộc nói chuyện có thể kéo dài bao lâu cũng được, người nói cứ nói, xong bấm nút “gửi” thì lát sau người kia mới nghe được. Nói chuyện kiểu này cũng không có cảm giác nghe được từng hơi thở, từng cái ừm, à như cuộc nói chuyện điện thoại thông thường. Đấy là sự tiến bộ của công nghệ, thật, những người như chị phải cảm ơn công lao của anh Mark Zukerberg đã sáng tạo ra loại hình nói chuyện khá tiện lợi này.
Vì các cuộc nói chuyện kiểu này có thể lưu lại bao lâu tuỳ ý, thích thì mở ra nghe lại và không sợ đối phương thấy mình đang quá tâm trạng. Tội nghiệp con bé còn dại, thường xuyên hỏi “
mẹ bị ốm hả”, “
sao giọng mẹ nghẹt vậy” mà chỉ cần trả lời đại “
ừ, mẹ đang bị viêm họng”, “
mẹ bị ho”… là tin ngay. Có khi nghe con gái nói “
bao giờ mẹ về”, “
con muốn mẹ về”… là mất tiếng luôn, không trả lời được, vì còn bận “xì mũi”. Mà làm sao có thể cất lời lên nổi khi nghe con nói “
mẹ ngủ sớm đi”, “
không nấu được cơm thì mẹ ăn gì”, “
mẹ mệt à”…
Chị đã vào đến nhà, lên phòng mình ở tầng trên. Ánh đèn vừa sáng lên là bao nhiêu cảm giác lạnh lẽo, mệt mỏi tan biến hết. Hình như chỉ có ở trong căn phòng này chị mới tìm thấy cảm giác của thế giới cũ, thế giới cách chị mười hai giờ nhưng lại đang nắm giữ tâm hồn chị. Nhưng cũng ở căn phòng này, có một sự thay đổi đã diễn ra và chính điều đó làm chị vơi bớt nỗi niềm xa cách. Đó là hàng đêm chị đã chăm chỉ cầu nguyện cho những điều tốt đẹp sẽ đến, cho bình an và hạnh phúc sẽ tới với chị.
Thật lạ lùng, chị đã tìm thấy lý do của sự ra đi ở chính nơi này, đó là sự tìm đến một điều kỳ diệu. Điều chị tìm thấy cũng lý giải hết thảy những điều bấy lâu chị không tài nào trả lời cho mình được. Thật may mắn và phước hạnh khi tất cả tưởng chừng như chỉ còn là vô vọng, tưởng chừng như kết thúc thì chị lại tìm thấy một sự khởi đầu.
Chị lấy điện thoại ra khỏi túi xách, mở danh bạ tìm một cái tên đứng đầu trong favorites rất lâu rồi chị không liên lạc, gửi đi một biểu tượng Giáng sinh kinh điển “Merry Christmas” với những nhánh thông màu xanh mướt. Ở nơi ấy, thời khắc Chúa giáng sinh đã đến trước mười hai tiếng. Chị chợt nhớ tới những câu chị biết được không phải từ người đã viết và nói ra những câu này “
những ngày này, chắc mẹ cũng buồn, con hãy dành ít ngày ở bên mẹ”, “
L. thế nào rồi, gầy hay béo…”.
Phải cách xa nửa vòng trái đất mới nhận ra những điều giản dị có ý nghĩa thế nào, có phải là quá xa xỉ, hay là quá ngốc nghếch. Đôi khi chính những ngốc nghếch, vụng dại hay sai lầm lại đem đến cho ta những kết cục tốt đẹp đến không ngờ.
“We wish you a merry Christmas and a happy new year”. Tiếng hát rộn ràng từ dưới nhà v
ọng lên. Sửa soạn đi lễ nhà thờ cho kịp giờ thôi. Chị tự nhủ và
khe khẽ hát theo“We want to wish you a merry Christmas, we want to wish you a merry Christmas…”. Giáng sinh năm nay chắc chắn là một khởi đầu hoàn hảo cho một chương mới tươi sáng trong cuộc đời mà chị đã phần nào hình dung trong đầu, chỉ còn là tiếp tục dấn bước trên con đường chị đã chọn nữa thôi.
Giáng sinh năm nay, điều kỳ diệu, phép nhiệm màu… đã đến!