Quanh năm, “L. Blumenhaus” - một cửa hàng hoa nhỏ thuộc phần Tây Berlin chỉ có một ngày bán hoa cẩm chướng đỏ. Một ngày trong ba trăm sáu mươi lăm ngày - đó là ngày Valentine.
Một ngày cuối năm, trong lúc ngoài trời vần vũ tuyết rơi, Kathy, nhân viên “L.Blumenhaus” tiếp một vị khách còn khá trẻ đến đặt hoa. Anh ta vừa khẩn khoản, vừa cương quyết yêu cầu nhất định phải có đủ ba mươi ba bông cẩm chướng màu đỏ vào đúng ngày Lễ Tình nhân.
Ngày Lễ Tình nhân, hoa hồng đỏ bao giờ cũng đắt, thậm chí rất đắt. Trong khi giá cẩm chướng hầu như không thay đổi. “
Một lão chồng keo kiệt đây” - Kathy thầm nghĩ.
- Cửa hàng chúng tôi không bao giờ bán cẩm chướng, dù là đỏ hay vàng cũng thế - Kathy cho biết. - Nhưng nếu ngài đặt trước thì tất nhiên chúng tôi sẵn sàng.
- Tôi sẽ trả trước toàn bộ tiền, giá cả không thành vấn đề. Nhưng tôi muốn các ngài đảm bảo chắc chắn phải là cẩm chướng đỏ và không thay thế bằng hoa nào khác.
Vị khách có đôi mắt xanh biếc và chiếc cằm cương nghị. Đặc biệt, giọng nói và phong thái của người khách có cái gì đó rất cuốn hút khiến Kathy thoáng ân hận vì đã có những ý nghĩ thiếu thiện chí về anh ta. Rồi, không biết có phải do thời tiết ảm đạm, do vắng khách, hay vì một lý do nào khác, mà Kathy bỗng trở nên cởi mở.
- Lạ nhỉ? - Kathy gợi chuyện. - Thời xa xưa, cẩm chướng đỏ là loài hoa của trinh nữ Maria, nhưng bây giờ, nó chỉ còn có ý nghĩa tượng trưng cho sự tranh đấu. Cho phép tôi hỏi, ngài có chút gì liên quan đến những danh từ như “
xã hội chủ nghĩa” không?
Vị khách phá ra cười. Nụ cười làm gương mặt xa lạ bỗng rạng rỡ, xóa nhòa khoảng cách chủ và khách. Anh nheo mắt, hóm hỉnh:
- Không biết điều gì khiến ngài có sự liên tưởng thú vị đến thế? Ngài có vẻ như là, nói như thế nào nhỉ, nhà ngoại cảm?
Kathy cũng cười. Cô vui vẻ giải thích:
- Cẩm chướng đỏ sau này được coi như biểu tượng của người lao động. Ngài có biết là cho đến bây giờ, mặc dù đã không còn chính thể DDR (CHDC Đức), không còn XHCN, nhưng cứ đến ngày mùng một tháng Năm, phần Đông Đức người ta vẫn còn tuần hành với những bông cẩm chướng đỏ trên tay không?
- À ra thế! - vị khách cười.
Kathy tiếp lời:
- Với tôi, cẩm chướng chỉ là một tuyên ngôn của tình bạn thuần khiết cũng như sự trung thành. Tôi thích nó, nhưng khách hàng của tôi thì không. Nhiều người cho rằng, cẩm chướng là thứ thuộc về nghĩa địa. Nhưng ngay cả điều ấy cũng không làm nó trở nên được ưa chuộng vì người ta thường chỉ chọn cho người đã khuất những loài hoa mà khi còn sống, người thân của họ từng nâng niu.
Cô quan sát vị khách để tìm một phản ứng trên gương mặt rất ưa nhìn, rồi tiếp tục:
- Cho nên, người đến đặt cẩm chướng đỏ tuyệt đối không nhiều. Đằng sau chắc chắn phải có một lý do.
- Cám ơn ngài cho tôi một bài học sơ đẳng rất thú vị về hoa cẩm chướng đỏ.
Anh tiếp lời, chậm rãi:
- Với tôi, cẩm chướng đỏ chỉ có một ý nghĩa duy nhất thôi: “
Hãy ở lại bên tôi”.
Kathy vẫn nhìn anh ta chăm chú và khích lệ. Và rồi, như để đáp lại cô, anh ta thừa nhận:
- Quả thật, ngài đã đoán đúng. Vợ tôi là người Đức gốc Nga. Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên trong một trại hè của sinh viên. Cô ấy trắng muốt, gần như trong suốt và rất giản dị, chỉ cài duy nhất một bông hoa cẩm chướng đỏ trên ngực áo trong lễ hội Mùa Hè.
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi biết cô ấy sẽ không thể đi qua cuộc đời tôi như một người xa lạ. Cô ấy nhất định sẽ ở bên tôi vĩnh viễn. Hoặc sẽ làm cho tôi tan nát, hoặc ngược lại, sẽ làm cho tôi hạnh phúc. Ngài đã bao giờ có cảm giác ấy chưa?
“
Mình đã bao giờ có cảm giác ấy chưa, ngay từ cái nhìn đầu tiên đã biết rằng, đời mình sẽ tan nát hoặc hạnh phúc chỉ vì một người?” - Kathy tự hỏi, nhưng không thốt nên được lời nào
- Cũng như cô ấy yêu hoa cẩm chướng đỏ, tôi yêu cô ấy mà không bao giờ tự hỏi tại sao - anh ta mỉm cười, tiếp lời. - Nếu lúc nào ta cũng rành rẽ được tại sao mình yêu thì chắc đó không thuần túy chỉ là tình yêu nữa.
“
Thật hạnh phúc cho người nào thuộc về anh ấy!” - Kathy chợt thấy nhói lòng vì một ý nghĩ bỗng ào đến, rất rõ rệt đến mức cô cảm thấy nóng bừng hai má.
- Ngày Lễ Tình nhân, ngài biết rồi đấy, hoa hồng đỏ rất đắt. Thậm chí quá đắt vì cả thế giới phát điên lên vì nó. Ngài đã may mắn có một lý do chính đáng để không phát điên lên vì tình.
- Nói chuyện với ngài thật thú vị - vị khách nhã nhặn. - Tôi không dám đòi hỏi, nhưng rất tuyệt nếu hôm đó, ngài giao hoa đến sớm cho vợ tôi. Sẽ rất lãng mạn nếu cô ấy tỉnh dậy với những bông cẩm chướng còn đẫm hơi sương như vừa được hái ở ngoài vườn.
- Ôi, tôi rất muốn. Nhưng quả thật thật ngày lễ nói chung chúng tôi rất bận rộn. Thậm chí tôi thường từ chối giao hoa vào những ngày đó - Kathy bối rối và cảm thấy hết sức ái ngại.
- Vậy các ngài có thể đến muộn, miễn là đừng quá muộn vì sẽ không ai mở cửa. Cô ấy không thích người lạ bấm chuông vào buổi tối...
Rồi, anh ta nói thêm:
- Tôi phải đi công tác gấp ở Phi Châu, nên không thể tự mua hoa cho vợ tôi. Đã năm năm nay, chưa bao giờ cô ấy không nhận được hoa cẩm chướng đỏ vào ngày Lễ Tình nhân.
Không biết có phải do hai tiếng “
Phi Châu”, hay do một điều gì khác mà cuối cùng Kathy nhận lời, phá vỡ nguyên tắc cô tự đặt ra là không bao giờ nhận giao hoa vào dịp lễ.
Cô tính tiền, viết hóa đơn và yêu cầu khách ghi địa chỉ của người nhận hoa. Cô biết anh ta tên là Leo và vợ là Jan.
Trước khi tạm biệt, Leo còn nhắc lại:
- Làm ơn đừng lỡ hẹn nhé! Năm năm nay, tôi chưa bao giờ quên một ngày lễ nào, nhất là ngày Valentine. Cô ấy yêu hoa lắm.
Kathy gật đầu. Cô thầm nghĩ, chỉ riêng với sự chung tình nhường này, Leo đã xứng đáng để cô không thể thất hứa, nhất là khi anh đã trả tiền rất hậu so với dịch vụ chuyển hoa Fleurop (*).
Thế mà chính hôm đó, cô đã không thể hoàn thành lời hứa. Đơn giản là trong khu giao hoa, không còn lấy một bông cẩm chướng nào. Hóa ra, không chỉ có hồng đỏ, mà cẩm chướng đỏ cũng dường như cũng được tôn vinh trong ngày Lễ Tình nhân.
Cô rất đỗi ân hận vì đã không cẩn thận đặt hàng trước. Do không bao giờ bán hoa cẩm chướng nên cô không có kinh nghiệm, rằng ngày này, cẩm chướng cũng được săn lùng nên nó trở nên khan hiếm.
Thế là cô đành thay thế bằng hoa hồng đỏ, dù nó đắt gấp mấy lần hoa cẩm chướng mà cô vẫn rất áy náy vì đã không làm đúng một giao kèo khi người ta đã tin tưởng đặt vào cô.
Ngày Lễ Tình nhân, khách hàng rất đông, cô và hai nhân viên túi bụi từ sáng vẫn không ngơi tay. Cho nên khi một người nhân viên dứt ra khỏi công việc để đi giao hoa thì trời đã ngả sang chiều. Anh chàng người Ba Lan đi khá lâu. Khi anh ta về đến nơi thì Kathy đã chuẩn bị đóng cửa, đang ngồi tự thưởng cho mình ngày Lễ Tình nhân một cơ thể rã rời cùng tách cà phê phải hâm lại đến lần thứ mấy.
- Kathy, chị không biết tôi vừa giao hoa đến chỗ nào đâu! Chị đoán đi! - dù mệt mỏi, anh chàng người Ba Lan không giấu được vẻ hồi hộp và kích động khi nói với nàng.
- Đoán gì nào? Thì cùng lắm là nhà rất khó tìm. Trong rừng chứ gì? - Kathy đùa.
- Không, còn tệ hơn trong rừng ấy.
- Bệnh viện? Hay nhà thương điên?
- Không - anh Ba Lan chậm rãi. - Chị không thể hình dung được đâu. Đó là... nghĩa địa!
- Hả? - Kathy kêu lên, thoắt thấy rùng mình. - Anh không đùa đấy chứ?
- Tôi bấm chuông nhưng không có ai ra mở cửa. Tôi đành quấy rầy một nhà hàng xóm, định gửi bó hoa ở đấy vì đằng nào cũng thế, đã quá muộn cho một ngày Lễ Tình nhân. Bà hàng xóm mở của cho tôi và cho biết cô ấy chết rồi, mới chôn cất được mấy hôm. Tôi đã hỏi địa chỉ để mang ra nghĩa địa. Dẫu sao cũng còn hơn là không biết làm gì với chỗ hoa ấy!
Rồi, anh ta nói thêm:
- Chỉ có điều, trời lạnh và tối quá, tôi quệt bó hoa vào thành xe nên bị gẫy mất một bông. Nhưng tôi vẫn đặt tất cả lên mộ của cô ấy.
Kathy im lặng. Một cái gì đó như là giọt nước rất lạnh chạy dọc sống lưng.
Ít ngày sau, trong một nghĩa trang nhỏ ở ngoại vi thành phố Berlin, nơi trồng rất nhiều cây sồi đã rụng hết lá vẫn đang oằn mình dưới những tảng tuyết cuối mùa, có một người phụ nữ trẻ tìm đến. Cô đi quanh quẩn tìm kiếm rất lâu nơi những bia mộ mới dựng, đọc từng cái tên, và sau đó đặt lên ngôi mộ của thiếu phụ tên Jan một bó hoa cẩm chướng màu đỏ.
“
Hãy tha lỗi cho tôi”, cô thầm thì. Chỉ có những hàng dương âm u vắng gió và những loài chim lười trú đông âm thầm ngại hót trong buổi chiều lạnh giá.
Kathy nhận ra một điều, mộ của Jan trống trơn. Ngoài ba mươi ba đóa hồng đã tàn và lên mầu tái nhợt từ ngày Lễ Tình nhân, mộ Jan không một ngọn nến, không một vật trang trí nào. Chủ nhân của nó, Leo, hẳn đi vắng vẫn chưa về. Có vẻ Jan không có ai thân thuộc khác ngoài Leo.
Cô bỗng thắt lòng, chợt nhớ đến đôi mắt xanh và nụ cười ấm áp của Leo. Người đàn ông đắm say ấy sẽ như thế nào khi người đàn bà của anh đã yên nghỉ mãi mãi dưới lòng đất. Anh có bao giờ còn mua cẩm chướng đỏ cho ai nữa trong ngày Lễ Tình nhân?
*
Bẵng đi ít lâu, khi tuyết đã bắt đầu tan hết, và những cụm thủy tiên, tuy-líp đã chui lên khỏi mặt đất để đón xuân, vị khách kia quay trở lại.
Leo mặc đồ đen, nét mặt hoang vắng bước vào gian hàng hoa. Dù mới gặp mặt một lần, nhưng Kathy nhận ra anh ngay. Cô lúng túng mãi mới thốt nên được một lời chia buồn thay cho lời chào.
- Tôi đến để cám ơn chị đã mang hoa ra mộ cho vợ tôi. Và tôi muốn cám ơn cũng như trả tiền cho việc đó.
Leo nói giản dị. Giọng anh trầm xuống tưởng đến mấy cung bậc.
- Ồ không! Điều đó hoàn toàn không cần thiết. Tôi thậm chí còn rất muốn xin lỗi anh. Tôi rất ân hận vì hôm đó không thể mua được hoa cẩm chướng như anh dặn.
Cả hai đều không nhận ra, là họ đã thay đổi cách xưng hô so với lần trước.
- Và chị đã thay bằng hoa hồng đỏ? - Leo chậm rãi hỏi.
- Vâng, tôi xin lỗi, là vì...
Kathy cảm thấy nghẹn lời. Cô không nói tiếp được khi nhìn vẻ mặt của Leo lúc đó. Nỗi buồn thăm thẳm của người đàn ông từng rất vững chãi khiến cô càng cảm thấy mình không thể tự tha thứ nổi cho mình.
- Trong số ba mươi ba bông ấy, có một bông bị gẫy, đúng không?
- Sao anh biết? - Kathy kêu lên khe khẽ.
- Vợ tôi báo mộng cho tôi như vậy trong một giấc mơ. Nhưng cô ấy không trách gì đâu. Jan thậm chí còn biết ơn.
Leo dừng lời. Mắt anh trống rỗng. Đôi vai từng rất vững chãi như đang rũ xuống.
- Tôi đã không thể về được khi cô ấy gặp tai nạn. Khi đi làm tình nguyện viên ở Châu Phi, cô ấy rất lo sợ tôi sẽ bị phơi nhiễm Ebola, nhưng hóa ra, lại chính là cô ấy...
Họ đứng bên nhau, im lặng đến vài phút. Rồi, u buồn như lúc Leo mới đến, họ chạm vào tay nhau, chủ và khách, như những người bạn.
- Uống với tôi một tách cà phê nhé. Anh sẽ thấy dịu lại. Rồi chúng ta sẽ ra thăm mộ Jan. Tôi muốn đi với anh.
Leo đón tách cà phê nóng giẫy trên tay Kathy, gương mặt anh hơi giãn ra một chút. Đôi mắt xanh mênh mông của anh vẫn đượm buồn nhưng đã thoáng điều gì như là một tia vui.
Bóng tối đã nhẹ nhàng trùm lên những căn nhà ngoài phố. Trong cửa hàng, mùi hoa cứ lớp lớp dâng lên như sóng. Ly nồng nàn nhức nhối. Dạ lan hương nồng sâu. Huệ rải một lớp hương thanh tao mà kín đáo. Và diên vĩ âm thầm như muốn tự giấu mình đi...
Chợt, ánh mắt Leo chạm vào chiếc bình thủy tinh ở một góc phòng. Trong đó, là những bông hoa cẩm chướng đỏ vẫn còn tươi rói.
“
Nếu ngài muốn mua hoa cẩm chướng, ngài phải đặt trước vì nhà hàng chúng tôi không có bán!”.
Ký ức chợt xô về. Anh bỗng nhớ đến những bông cẩm chướng đã khô trên mộ Jan mà anh vẫn tự hỏi không biết là của ai mang đến cho nàng.
Leo bước tới, anh sờ tay vào những cánh hoa, rồi quay lại nhìn Kathy. Ánh mắt họ chạm nhau.
Không nói thêm điều gì, Kathy bước tới, can đảm và dịu dàng, lặng lẽ ôm lấy Leo. Nước mắt cô nhè nhẹ lăn xuống như những giọt sương, khi Leo khẽ khàng ôm lấy bờ vai run rẩy của cô.
*
Leo làm việc ở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nên ngay sau đó, anh đã lại lên đường, đến một vùng xa xôi nghèo đói nào đó với những sứ mệnh không giống với phần đông những người bình thường khác.
Nhưng nỗi ám ảnh về sự thất hứa thì theo đuổi Kathy mãi. Nhất là gương mặt đượm buồn đến hoang lạnh của Leo khiến cô không thể nào tha thứ cho mình. Phải, không có sự hoán vị nào, sự thay thế nào làm ta quên đi một dấu ấn đã quá hằn sâu. Cho dù đó là một sự thay thế hoàn hảo.
“
Với tôi, cẩm chướng đỏ chỉ có một ý nghĩa duy nhất thôi: “Hãy ở lại bên tôi”.
Cô có biết hay không biết, rằng anh đã đi ngang qua đời cô không giống bất cứ một người nào khác trên đời này, hoặc sẽ làm cô tan nát, hoặc sẽ mang lại hạnh phúc đến cho cô.
Nhưng kể từ đó, vào dịp Lễ Tình nhân, cửa hàng hoa “L. Blumenhaus” bao giờ cũng có cẩm chướng đỏ.
Chú thích:
(*) Fleurop AG, một công ty chuyên đảm nhiệm chuyển hoa tươi có quy mô trên toàn thế giới do Max Hübner (1866-1946), chủ một cửa hàng hoa ở Berlin, sáng lập vào ngày 17-9-1908.