“Sao lại có thể phũ phàng, tàn nhẫn đến như vậy?!” - Ảnh: Internet
Nhạc sĩ, thi sĩ Đoàn Chuẩn thật tài hoa khi đặt tên cho ca khúc của mình.
Người Hà Nội nào mà không từng ngắm một hàng cây của khu phố cổ mình ở, thậm chí một gốc cây thân thương thôi nhưng vẫn thấy lá đổ muôn chiều. Buồn, bâng khuâng, thất vọng, hy vọng… nhưng mãi mãi là kỷ niệm. Không có cây làm sao có những bài thơ, văn, ca khúc tài hoa đến như vậy.
Cây xanh Hà Nội đã là một phần cuộc sống, một góc tâm hồn của người Hà Nội, cũng như người dân của bất cứ đô thị nào:
Ta còn Em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn Em góc phố mồ côi mùa đông
Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố
Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường.
Có đôi trẻ yêu nhau để rồi hát lên:
Mầu hoa phượng thắm như máu con tim…
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương…
Lại có đôi trẻ yêu nhau, vụng dại khắc lên trên cây tên mình, rồi phải xa nhau:
Bây giờ em có đi qua đó
Xóa hộ cho tôi cái tên đầu.
Rồi bao nhiêu cặp tình nhân, ngồi bên nhau giữa thiên nhiên xanh đẹp, chia nhau một túm vải, một túm hồng bì. Người con trai vùi từng hạt xuống đất, ba mươi năm nữa anh dắt em về đây, có thể ở đây là một rừng cây đấy. Em dịu dàng múc từng gáo nước, tưới cho những mầm xanh hy vọng.
Cây Hà Nội cần được đối xử như những con người. Các bạn đã che chở, cống hiến, làm đẹp cho Hà Nội. Dẫu các bạn đã già nua, mục ruỗng cũng phải được đối xử như những con người hữu ích đã cống hiến trọn đời mình cho cuộc sống.
Nhìn các bạn đổ lỏng chỏng, thân rụng cành rơi, ứa nhựa đỏ như máu mà đau xót kinh hoàng. Sao lại có thể phũ phàng, tàn nhẫn đến như vậy?!
Một văn hóa từ chức đang chờ các “Ngài” đấy. Hãy công khai, minh bạch và dũng cảm lên bởi các “Ngài” đã đốn vào niềm tin và hy vọng của người dân.
Hà Nội lá đổ muôn chiều hay hoang vắng muôn chiều?