LOA KÈN THÁNG TƯ

Thứ tư - 22/04/2015 17:55

(NCTG) “Càng giản dị loa kèn càng đẹp. Đơn giản vì loa kèn vừa có sắc vừa có hương, một mùi hương không nồng như cô gái đẹp bôi nước hoa hạt dẻ mà dịu dàng, kín đáo nhưng không kém phần quyến rũ. Lấy một cái bình sặc sỡ để cắm loa kèn chẳng khác nào giết nó!”.

LOA KÈN THÁNG TƯ

Đặc trưng của Hà Nội là mùa nào thức ấy. Hoa cũng vậy. Mỗi tháng đều có một loài hoa chủ đạo chứ không như Đà Lạt hoa nở quanh năm. 

Xưa ông Nguyễn Xuân Sanh có câu “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”, ý nói nhìn đĩa quả là thấy bốn mùa trôi qua như thế nào. Thực ra không cần nhìn quả chỉ cần nhìn hoa bán trên đường phố là biết Hà Nội đang ở mùa nào. 

Vì hoa chỉ có từng mùa nên bao sự tinh khiết, sự đắm say đều như được chưng cất lại. 

Loa kèn là một loại hoa như vậy. 

Cuối tháng Ba khi những làn gió xuân cuối cùng phơn phớt thổi là lúc loa kèn bắt đầu thấp thoáng trên đường phố Hà Nội. Có lẽ vì thế mà nhiều người gọi loa kèn là hoa gọi hè. Nhìn thấy loa kèn nở là biết đã cuối xuân sang hạ. 

Sang đến tháng Tư thì loa kèn tràn ngập và hầu như nhà nào ở Hà Nội ít nhất cũng cố lấy một lần cắm bình hoa loa kèn vì khác với hoa hồng, hoa ly có quanh năm; hoa loa kèn chỉ nở duy nhất một vụ và kéo dài trong khoảng một tháng,. 

Loa kèn có hai loại: loại đơn và loại chùm. Loại đơn là mỗi cành là một hoa, còn chùm thường năm, sáu hoa trên một cành. 

Người sành chơi thường chọn kèn chùm. Vì loa kèn chỉ đẹp nhất khi nó mới chúm chím, cắm vào bình sau một buổi chiều bắt đầu những nụ to hé mở. Kèn chùm có bông to, bông vừa và nụ. Nụ màu xanh nhạt khi to dần sẽ chuyển sang màu trắng. 

Vì thế một bình hoa kèn chùm khi một số những bông nở to thì vẫn còn những bông khác hé nở và những cái nụ bé thành chúm chím. Trên nền lá xanh là những hoa và nụ với hai màu xanh, trắng điểm những nhị vàng đan nhau nhìn mát cả mắt. 

Còn kèn đơn, tâm lý người mua thường chọn hoa đều như nhau nên khi nở là đồng loạt nở, lúc ấy nhìn lọ hoa nở tóe toàn màu trắng thì không được duyên cho lắm. 
 
1429718297 nv

Lại nói cùng là hoa nhưng trồng ở đất khác nhau cũng cho nhan sắc khác nhau. Cuối tháng Ba đầu tháng Tư chủ yếu là kèn Đăm, tức là trồng ở làng Đăm, Tây Tựu. Người sành hoa sẽ thấy kèn Đăm bói sớm nhưng thân ngắn và hoa không trắng muốt, cũng không thơm lắm, túm lại là hơi thô. Vì ngắn nên kèn Đăm chỉ cắm được ở những bình thấp mà thôi. 

Kèn Nhật Tân thường xuất hiện muộn hơn vào cuối tháng Tư nhưng đẹp thôi rồi. Cành dài thanh mảnh, lá xanh và hoa trắng muốt trông rất yêu kiều. Không hiểu sao nhìn những bông loa kèn Nhật Tân lại cứ liên tưởng đến những cô gái Hà Nội xưa, cổ cao thanh mảnh, duyên dáng áo dài thong dong đi bộ trên hè phố cổ... 

Kèn Nhật Tân mua về, tỉa bớt lá rồi lựa một cái bình pha lê, thủy tinh hoặc gốm, bình phải cao và khá rộng miệng thì mới đẹp. Đặc biệt loa kèn không ưa cắm vào những bình gốm nhiều màu sắc. Càng giản dị loa kèn càng đẹp. Đơn giản vì loa kèn vừa có sắc vừa có hương, một mùi hương không nồng như cô gái đẹp bôi nước hoa hạt dẻ mà dịu dàng, kín đáo nhưng không kém phần quyến rũ. Lấy một cái bình sặc sỡ để cắm loa kèn chẳng khác nào giết nó! 

Đang bước đi ngoài nắng, bước chân vào phòng mắt như chợt dịu lại lại vì bình hoa loa kèn duyên dáng ở góc phòng. 

Và, sau những ồn ào của phố xá, của bụi đường, hương hoa dịu nhẹ như giúp ta thanh lọc tâm hồn một lần nữa... 

Và vì hoa chỉ nở rộ trong khoảng một tháng nên những ai vô tình, quay đi quay lại là đã hết một mùa hoa.... 

Ghi chú (của NCTG): 

(*) Bài thơ “Buồn xưa”. 

Bài và ảnh: Vĩnh Quyên, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn