Hồi tôi mới học xong đại học, một ông anh họ xa làm việc trong ngành công an, có lẽ thấy mặt mũi tôi ngơ ngác quá bèn gọi lại hỏi han. Rồi anh tôi có khuyên đại ý rằng, nếu như ai đó muốn em “hy sinh” cho họ thì hãy quên ngay ý tưởng đó đi. Khi em hy sinh cho một ai đó là em sẽ phụ thuộc vào chính người nhận sự hy sinh của em.
Sau này nghĩ lại, tôi vẫn mỉm cười về lời khuyên của anh tôi. Đó là lời khuyên rất có ích. Sự phụ thuộc tinh vi vào kẻ nhận được hy sinh của bạn có khi chính bạn cũng không đủ tỉnh táo để nhận ra: bạn sẽ ngầm đòi hỏi người nhận sự hy sinh của mình phải hành động hay sống sao cho xứng đáng với nó.
Điều này tôi đã biết từ trước đó.
Tôi tình cờ đọc một bài thơ trong tập “Người Làm Vườn” của nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore. “Một buổi sớm trong vườn hoa cô gái mù đến tặng tôi một vòng hoa bọc trong lá sen. Tôi quàng vòng hoa vào cổ nước mắt rưng rưng. Tôi hôn nàng và nói: “Nàng mù như những bông hoa”. Chính nàng cũng không biết quà tặng của nàng đẹp đến nhường nào”.
Cô gái mù trong bài thơ đã hành động dâng tặng và cô không có gì đáng để chúng ta phải thương hay xót xa. Khi tết và mang tặng vòng hoa, cô gái hiển nhiên “nhắm mắt” để không cần biết tới vẻ đẹp rực rỡ của những đóa hoa, nhất là không cần biết tới giá trị của vòng hoa mình sẽ mang tặng.
Cô chỉ biết rõ một điều: tấm chân tình của cô khi tặng vòng hoa. Cô không đòi hỏi sự “xứng đáng” mà chỉ tin rằng người nhận vòng hoa đẹp đã nhận tấm chân tình của cô. Đó là tính cao quý và không vụ lợi của hành động hy sinh.
Nhưng hành động hy sinh đích thực chỉ có thể đến từ sự hiểu biết thông tin, tri thức và quyền tự do lựa chọn của mỗi cá nhân. “Hy sinh” từ sự lừa dối và ngộ nhận là sự hy sinh oan uổng. Trường hợp anh tôi cảnh báo là sự hy sinh nhỏ bé và có phần ngộ nhận, không giống như cô gái mù trong bài thơ của R. Tagore.
Trong cuộc sống, tôi từng biết nhiều trường hợp hy sinh. Những liệt sĩ đã hy sinh sự sống của riêng mình để bảo vệ Hoàng Sa (tháng 1-1974), Trường Sa (tháng 4-1988), bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc trước những cuộc chiến tranh do bọn bá quyền Trung Quốc chủ mưu và phát động suốt từ những năm 1979 đến 1986, luôn được dân tộc muôn đời ghi nhớ.
Những ai dửng dưng, cố tình phủ nhận sự hy sinh ấy, không chỉ là phản bội, vong ân bội nghĩa mà còn là những kẻ trục lợi ngang nhiên trên xương máu của chiến sĩ đồng bào.
Những hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay thứ ba bị không tặc tấn công ngày 11-9-2001 tại nước Mỹ đã quyết định đâm xuống mặt đất để bảo vệ cho tòa nhà Thượng viện tại thủ đô Washington D.C khỏi âm mưu khủng bố là sự hy sinh cao quý.
Và nếu bạn đã không chọn một chỗ đứng cao hơn, một đời sống đầy đủ tiện nghi vật chất cho cá nhân mình trong một xã hội đầy những bất công và dối trá, đó là lựa chọn dựa trên sự hiểu biết và sáng suốt của cá nhân.
Tôi cũng nghe nhiều “lời khuyên” từ nhiều lớp người, rằng phụ nữ nên biết nhịn nhục, chấp nhận chung sống với những ông chồng nát rượu, vũ phu hoặc vô trách nhiệm, có khi là cả ba đặc điểm đó hợp lại, để “hy sinh” cho con cái có đủ một gia đình trọn vẹn.
Chứng kiến những bà mẹ cả cuộc đời nhàu nát tã tượi vì sự hy sinh đó và tiếp tục khuyến cáo các thế hệ sau mình “hy sinh”. Chứng kiến những bà mẹ ở góa cả đời để nuôi con khôn lớn, đến khi cưới dâu về lại cảm thấy chính mình bị bỏ rơi trước hạnh phúc của các con. Mẹ chồng nàng dâu trở thành “đối thủ” và nhiều gia đình nhỏ tiếp tục tan vỡ vì lý do này.
Tôi chỉ đồng ý với một người bạn gái. Chị nói đại ý rằng, bản thân người đàn bà phải được sống hạnh phúc cuộc đời của cá nhân mình thì mới có thể nuôi dạy những đứa con hạnh phúc.
*
Nhật ký Đặng Thùy Trâm bị cắt xén, sửa đổi trước khi ra mắt công chúng là một câu chuyện đã cũ. Tôi tin rằng ngay cả người in sách và người mua rồi đọc sách cũng đều mong muốn được đọc một bản đầy đủ, trung thực, sinh động với những gì tác giả đã viết, không bị “chỉnh lý” theo hướng có thể làm biến dạng ở chỗ này, chỗ nọ.
Một số người sống muốn “biên tập” cuốn nhật ký để xuất bản rộng rãi và xem đó là “hành động bình thường”, cho dù mục đích là để tạo ra một hình ảnh về người quá cố đúng như ý muốn của người sống, hay còn tệ hơn, để phục vụ động cơ riêng của người sống, đều là hành động xâm phạm tới sự riêng tư của người đã khuất.
Nhật ký của những nhân vật được biết tới vì những lý do nào đó sở dĩ trở thành tài sản văn hóa chung của loài người là do nó được xuất bản trung thực và đầy đủ. Nếu không giữ được nguyên trạng bản thảo, xin đừng bao giờ xuất bản nhật ký của ai đó chỉ để thỏa mãn động cơ riêng và sự hiếu kỳ của người còn sống.
Bây giờ tôi vẫn không có thời gian để đọc lại bản “đầy đủ” Nhật ký Đặng Thùy Trâm và cũng không tin rằng đó đích thực đã là bản đầy đủ. Đặng Thùy Trâm cũng như nhiều người tốt khác, từ cả hai phía của cuộc chiến tranh, đã hy sinh khi thực hiện bổn phận của người công dân, cho dù bổn phận ấy trong thời điểm mà cô sống không được định nghĩa một cách rõ ràng, đầy đủ, trung thực.
Nhưng ngày nay, chúng ta hiểu rằng, một đời sống và một xã hội tốt đẹp là tạo ra điều kiện để mỗi con người có quyền sống trọn vẹn cuộc sống của cá nhân mình chứ không phải luôn miệng đòi hỏi sự hy sinh như một sáo ngữ.