Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Hẹn em quán nhỏ
Rượu rưng rưng ly đỏ tràn trề
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công viên lá đổ
Công viên lá đổ
Chờ mong em gắng khổ từng giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Ngồi quen ghế đá
Không em ôi buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Tóc vàng sợi nhỏ
Chờ mong em chín đỏ trái sầu...
Kinh thành Paris, với những nét tráng lệ và ám ảnh trong thơ của Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, nhạc của Phạm Trọng Cầu, Ngô Thụy Miên, một lần nữa được Phạm Duy khắc họa rất bay bổng và trữ tình trong ca khúc “Mùa thu Paris”, sáng tác năm 1959 dựa trên một thi khúc của Cung Trầm Tưởng.
Trong hai phần trước của loạt bài viết, khi điểm qua sự nghiệp sáng tác tình ca của Phạm Duy, chúng tôi đã nhắc tới “Cô hái mơ”, ca khúc đầu tiên của người nhạc sĩ, phổ thơ Nguyễn Bính, và “Kiếp nào có yêu nhau”, một bản nhạc tình nổi tiếng phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh. Thật ra, trong kho tàng ca khúc của Phạm Duy và nhạc tình nói riêng của ông, có không ít những tác phẩm mà phần lời là thơ của các tác giả khác, đã nổi danh hoặc chưa được biết đến khi Phạm Duy phổ nhạc.
Như lời chia sẻ của Phạm Duy, “
khởi sự là một người soạn ca khúc, (...) tôi cứ mãi mãi là người soạn ca khúc (...) và tôi chỉ nghĩ rằng nếu tiếp tục soạn ca khúc thì phải thăng hoa nó lên, nghĩa là phải làm sao cho cả hai phần nhạc và lời càng ngày càng tiến bộ”. Ca từ của Phạm Duy rất giàu chất thơ, và có lẽ cũng là một may mắn của ông khi trong mỗi giai đoạn sáng tác, mỗi loại ca khúc, ông đều có những người bạn tri âm - những thi sĩ mà thơ của họ đã được ông chắp cánh trong những nhạc phẩm.
Lý giải về việc đã phổ (và phổ rất thành công) rất nhiều thi phẩm, Phạm Duy cho hay: “
Ca khúc của tôi, như mọi người đã biết, về phần lời ca, đa số là do tôi soạn, còn một số là những bài thơ (...) khi được tôi phổ nhạc. Lý do tôi thích phổ thơ cũng rất là giản dị. Trước hết, tôi yêu thơ từ ngày còn bé. Lớn lên, tôi có nhiều bạn là thi sĩ làm thơ hay và làm cho tôi càng yêu thơ hơn lên. Cuối cùng, tôi có một người tình rất yêu thơ tiền chiến và làm 300 bài thơ tình tặng tôi”.
Và rốt cuộc, trong hành trình phổ nhạc những bài thơ hay mà chính Phạm Duy cho rằng “
xét ra cũng thật là dài”, ông đã có nhiều duyên nợ với những tác giả Thơ Mới lừng danh như Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ,
Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Đoàn Phú Tứ, Bích Khê... Kết quả là không ít bản tình ca hết sức lãng mạn và thành công đã được ra mắt thính giả yêu nhạc, như bản “Hoa rụng ven sông” Phạm Duy sáng tác năm 1958 trên cơ sở thi phẩm “Còn chi nữa” của Lưu Trọng Lư:
Giờ đây trên sông hoa rụng tơi bời!
Giờ đây em ơi cơn mộng tan rồi!
Lòng anh tan hoang thôi vỗ tình ơi
Ngày như theo sông bóng xế chiều rơi..
Còn đâu em ơi! Còn đâu ánh trăng vàng
Còn đâu ánh trăng vàng, mơ trên làn tóc rối?
Còn đâu em ơi! Còn đâu bước chân người
Còn đâu bước chân người, mơ trên đường chiều rơi?
Còn đâu đêm sang lá đổ rộn ràng!
Còn đâu sương tan trăng nội mơ màng?
Còn đâu em ngoan, tóc rối ngổn ngang
Tuổi em đôi mươi, xuân mới vừa sang...
Còn đâu em ơi! Còn đâu giờ nhung lụa?
Mộng trùm trên bông, tình nồng trong gối...
Còn đâu em ơi! Còn đâu mùi cỏ dại?
Chút tình thơ ngây, Không còn trên đôi má...
“Ngậm ngùi”, một thi phẩm nổi tiếng của Huy Cận cũng được Phạm Duy phổ nhạc vào năm 1961. Bản phổ rất sát lời và dung dị, nhưng hết sức thành công và bất chấp việc hai tác giả ở hai đầu chiến tuyến đối nghịch, nhạc phẩm này đã được nhiều thế hệ ca sĩ miền Nam thể hiện như một lời an ủi, thương yêu đằm thắm của cặp tình nhân trong cảnh chiến chinh leo thang, với mộng ước về những ngày thanh bình “trăm con chim mộng về bay đầu giường”:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây
Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em - mộng bình thường...
Ngủ đi em - mộng bình thường...
Ru em sẵn tiếng, thùy dương đôi bờ
Ngủ đi em, ngủ đi em.
Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.
Cũng trong những năm tháng ấy, một nhạc phẩm nổi tiếng khác của Phạm Duy cũng được ra đời phỏng theo một bài thơ mà ông được người tình - Lệ Lan (Alice) - gửi tặng, ca khúc “Tôi đang mơ giấc mộng dài”. Bài hát rất điển hình cho cảm hứng của loạt “nhạc tình cảm tính” thời kỳ 1956-1966 của Phạm Duy, khi cặp trai gái sau khi đã tìm nhau, có nhau, mê man trong cuộc tình bên nhau trong một giấc mộng dài bất tận, nhưng đã lo lắng, ái ngại trước viễn cảnh phải xa nhau để rồi phải van vỉ đừng xa nhau:
Tôi đang mơ giấc mộng dài
Ðừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh.
Tôi đang nhìn thấy màu xanh ở trên cây cành trôi xuống thân mình
Tôi đang nhìn thấy màu hồng ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn
Từ bình minh tươi mát, về hoàng hôn thơm ngát
Làn gió đưa hương đời vào chứa chan lòng tôi.
Tôi nghe từ cõi đời vui vượt qua đêm dài lên tới sao trời
Tôi nghe từ cõi lòng người lời nói bồi hồi tìm kiếm ngọt bùi
Và nhìn thấy trong tim, tình yêu nở những con chim
Nở những con chim tuyệt vời.
Ðừng lay tôi nhé cuộc đời,
Tôi còn trẻ dại, cho tôi mơ mộng.
Trong hồi tưởng, Phạm Duy đã đặc biệt có nhiều cảm xúc với ca khúc trên, gọi nó là bài ca mà ông có được khi “tình yêu đã đem trăng sao đến” cho cuộc đời ông. Tạ Tỵ, trong tác phẩm “Phạm Duy còn đó nỗi buồn” (năm 1971) nói về cuộc đời Phạm Duy, đã cho rằng “Tôi đang mơ giấc mộng dài” là “bài tình ca hoan lạc nhất” trong đời sáng tác đến đầu thập niên 70 của người nhạc sĩ lớn.
Thế hệ trí thức miền Nam du học tại Pháp thập niên 50 đã mang về nước hình ảnh một Paris mà như lời một nhà văn, không đặt chân tới nơi đó, không thể lãng mạn, không thể làm thơ và sáng tác được. Từng có dịp theo học nhạc lý ở Kinh thành Ánh sáng, Phạm Duy hẳn rất tâm đắc và chia sẻ được với những sắc thái tình cảm của thi sĩ Cung Trầm Tưởng, khi đó còn chưa được biết đến nhiều, với chùm thơ của ông về cảm hứng Paris, trong đó những “mối tình dị chủng” (chữ Phạm Duy) giữ vai trò không nhỏ.
Như chính ông thú nhận: “Đã có dăm ba cuộc tình với những cô em xanh mắt bồ câu... thứ tình dị chủng rất nhẹ, dễ vào dễ ra, dễ bén dễ tan. Tôi không ngờ những cuộc tình tạm bợ này, về sau, giúp tôi rất nhiều khi tôi phổ nhạc những bài thơ của Cung Trầm Tưởng. Tôi chỉ cần nhớ lại hình ảnh tôi và những mỹ nhân tóc vàng sợi nhỏ đó là có thể dễ dàng gợi ra cảnh “Mùa thu Paris, trời buốt ra đi, hẹn em quán nhỏ”... hay cảnh “tiễn em về xứ mẹ”... tại nhà “ga Lyon đèn vàng, cầm tay em muốn khóc, nói chi cũng muộn màng”...
Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia lỵ
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
(...) Hôn nhau phút này
Chia tay tức thì
Em ơi khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em
Sao rơi rớt rụng
Vai em ướt mềm
Em ơi khóc đi em, khóc đi em, khóc đi em.
(...) Hỡi em người xóm học
Sương thấm hè phố đêm
Trên con đường anh đi
Lệ em buồn vương vấn.
Tuyết rơi phủ con tầu
Trong toa em lạnh đầy
Làm sao em không rét
Cho ấm mộng đêm nay?
Nơi em có trăng soi
Anh một mình ở lại
Trời mùa đông Paris
Suốt đời thèm trăng soi...
Sống trong cảnh đất nước phân ly, lòng người ly loạn, trong những tháng năm dài của đời sáng tác, Phạm Duy đã có không ít ca khúc phổ thơ về những cuộc tình khổ đau chồng chất trong chiến chinh, mà có lẽ cảm xúc mãnh liệt nhất và bi tráng nhất đã được ông đặt ở “Áo anh sứt chỉ đường tà”, phổ thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan. “Người nghệ sĩ còn phải nói lên tiếng nói con tim của những người đang hy sinh hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình để đi chiến đấu”, Phạm Duy hồi tưởng như vậy về bài ca trong hồi ký của ông.
Từng là bạn hữu thân thiết của nhau trong những tháng năm kháng chiến, quá thấu hiểu nét đau thương của chiến tranh, nên Phạm Duy đã có một tác phẩm xác tín nhất trong số các bản phổ thơ “Màu tím hoa sim” của nhiều nhạc sĩ khác, mà ông vẫn tự hào là, đồng thời nó là bài hát khó hát nhất, đã được nhiều giọng ca lớn thể hiện, trong đó, có lẽ nam danh ca Elvis Phương đã có cách thể hiện dữ dội nhất, biến ca khúc - và cả thi phẩm gốc - trở nên bất tử trong lòng người hâm mộ:
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
Nhưng không chết người trai chiến sĩ
Mà chết người gái nhỏ miền xuôi
(…) Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ vàng
Chiếc bình hoa ngày cưới
Đã thành chiếc bình hương
Nhớ xưa em hiền hoà
Áo anh em viền tà
Nhớ người yêu mầu tím
Nhớ người yêu mầu sim.
Giờ phút lìa đời
Chẳng được nói một lời
Chẳng được ngó mặt người...
(…) Ôi một chiều mưa rừng trên chiến trường Đông Bắc
Ba người anh được tin người em gái thương đau
Và tin dữ đi mau, rồi tin cưới đi sau.
Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim
Tím cả chiều hoang biền biệt...
Trong những năm cuối của cuộc chiến Việt Nam, vẫn đề tài ấy, Phạm Duy tiếp tục có những sáng tác rất động lòng phổ thơ nhiều tác giả khi đó còn ít được biết đến, như “Tưởng như còn người yêu” (thơ Lê Thị Ý), “Còn chút gì để nhớ” (thơ Vũ Hữu Định), “Chuyện tình buồn” (thơ Phạm Văn Bình), “Thầm gọi trên nhau trên trên chiến trường tồi tệ” (thơ Ngô Đình vận)... Nhưng có lẽ tang thương nhất, khắc nghiệt và đánh động lương tâm nhất vẫn là “Kỷ vật cho em”, phổ từ bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương:
Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân .
Em một chiều dạo phố mùa Xuân,
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anhh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăn trốị..Em ơi!
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về...
Tuy nhiên, dầu sao đi nữa, nhạc tình phổ thơ của Phạm Duy đọng lại cho đến ngày nay và có lẽ mãi mãi, về căn bản vẫn là những ca khúc chất chứa tình cảm thuần túy mà người nhạc sĩ đã phổ thơ một cách xuất thần, khiến có người đã dùng từ “phù thủy” khi nhắc tới nghệ thuật thơ phổ nhạc của ông. Đặc biệt, mối giao tình của ông với thi sĩ Phạm Thiên Thư, đã khiến ông có những bản tình ca thấm đượm chất “Đạo” như “Ðưa em tìm động hoa vàng”, “Gọi em là đóa hoa sầu”, hoặc rất được giới trẻ ưa thích như “Ngày xưa Hoàng Thị” (năm 1970):
Như phai nhạt mờ
Ðường xanh nho nhỏ
Như phai nhạt mờ
Ðường xanh nho nhỏ
Hôm nay tình cờ
Ði lại đường xưa đường xưa
Cây xưa còn gầy
Nằm quay ván đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mây màu
Âm vang thuở nào
Bước nhỏ tìm nhau tìm nhau
Xưa tan trường về
Anh theo Ngọ về
Nay trên đường này
Ðời như sóng nổi
Xóa bỏ vết người
Chân người tìm nhau tìm nhau
Ôi con đường về
Ôi con đường về
Bông hoa còn đẹp
Lòng sao thấm mềm
Ngắt vội hoa này
Nhớ người thuở xưa thuở xưa...
Cũng trong thời gian ấy, khi Phong trào Nhạc Trẻ nở rộ ở miền Nam, Phạm Duy lập tức có được một loạt bản nhạc tình trẻ trung, nhẹ nhàng, trên nền những thi phẩm ngộ nghĩnh, lạ cả về ý lẫn tứ của tác giả trẻ Nguyễn Tất Nhiên. “Thà như giọt mưa”, “Em hiền như ma-soeur”, “Hai năm tình lận đận”, “Cô Bắc kỳ nho nhỏ”... dường như được dành riêng và trước hết cho
cố danh ca Duy Quang, với phong cách trong trẻo nhưng truyền cảm, có khi sâu lắng và đầy trải nghiệm, đi vào lòng nhiều thế hệ khán thính giả.
Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ
Này cô em tóc demi garcon,
Chiều hôm nay xuống đường đón gió,
Cô có tình cờ,
Nhìn thấy anh không?
Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ
Này cô em có nụ cười ngây thơ
Thành khi không quãng đường im gió,
Không gió lấy gì lang thang,
Cô có thương thầm anh không?...
Những thập niên cuối đời, khi Phạm Duy thử nghiệm nhiều dòng nhạc khác và tình ca không còn là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông, thì đâu đó, vẫn có thể thấy hình bóng những cuộc tình trong thơ phổ nhạc của Phạm Duy. Chẳng hạn, trong “Tình cầm”, phổ thơ thi sĩ Hoàng Cầm, nói về mối tình ở tuổi hoàng hôn - “Nếu anh còn trẻ như năm cũ - Quyết đón em về sống với anh - Những khi chiều vàng phơ phất đến - Anh đàn em hát níu xuân xanh”, mà Phạm Duy đã sáng tác thêm một khổ thơ rất đồng điệu với bài thơ gốc:
Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc Xuân xưa.
Nhưng thuyền em buộc trên sông hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ.
Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến Thu xa
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha...
Hoặc, tình yêu khi “những ngày âu yếm đã phai rồi - sao mang trở lại một trời oan khiên” và những vết thương lòng chưa lành, vẫn “chưa liền vết sâu”, như trong bản “Vết sâu”, phổ thơ Nguyên Sa:
Khi em
Khi em mở cửa bước vào
Em bước vào
Hồng non trên má
Hồng đào, hồng đào trên môi.
(...) Mang anh
Mang anh trở lại ưu phiền
Nỗi ưu phiền.
Ngày em đem tới một trời
Một trời oan khiên.
Mang anh trở lại ưu phiền
Nỗi ưu phiền.
Chỗ nhăn hạnh phúc chưa liền vết sâu
Hãy còn vết đau
Chưa liền vết sâu...
*
Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc tới vài trăm ca khúc do Phạm Duy đặt lời Việt trên nền những giai điệu nổi tiếng của ngoại quốc, từ những bản nhạc cổ điển, bán cổ điển, tới những bản tình ca đi cùng năm tháng của nước ngoài. Cần nói rằng, nhiều thế hệ giới trẻ Việt Nam đã tiếp cận nhạc ngoại quốc qua phần ca từ rất đẹp và sát ý, trung thành với bản gốc và đi vào lòng người yêu nhạc của Phạm Duy.
Một trong những bản nhạc đó, dù đã ra đời cách đây chừng sáu chục năm nhưng tới giờ vẫn là khúc ca nằm lòng của những cặp trai gái yêu nhau - đó là
“Chủ nhật buồn” của nhạc sĩ Hungary Seress Resző, được coi là “
bản tình ca buồn nhất của thế kỷ 20”, được Phạm Duy đặt lời Việt hết sức trung thực và tài tình từ đầu thập niên 50, khi ông qua Pháp du học và được nghe bản Pháp ngữ của ca khúc.
Đây cũng là bài hát đã được vang lên trong ngày đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng, từ giã cuộc đời dài hơn 9 thập niên trên cõi tạm, với những hỉ, nộ, ái ố của kiếp người:
Chủ nhật buồn, đi lê thê
Cầm một vòng hoa đê mê.
Bước chân về với gian nhà,
Với trái tim cùng nặng nề.
Xót xa gì? Oán thương gì?
Đã biết nuôi hương chia ly.
Trót say mê đã yêu thì
Dẫu vô duyên còn nặng thề.
Ngồi một mình, nghe hơi mưa,
Mặc lệ tràn câu thiên thu.
Gió hiên ngoài nhắc một loài
Dế giun hoài ru thương ru.
Ru hỡi ru hời!...
“Chủ nhật buồn” với lời Việt của Phạm Duy kể như khép lại
loạt bài gồm ba phần để tưởng nhớ và tiễn biệt người nhạc sĩ lớn của nền nhạc Việt Nam. Con người mà về cá nhân ông có thể có những ý kiến đánh giá khác biệt, nhưng sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của ông - trong đó có mảng tình ca bất tử - sẽ mãi mãi là một phần của di sản văn hóa Việt Nam...