CHỦ NHẬT BUỒN”, CA KHÚC “CHẾT NGƯỜI” CỦA NGƯỜI HUNG (1)

Chủ nhật - 08/04/2007 05:32

(NCTG) Có một bài ca, xuất phát từ một xứ sở nhỏ bé nằm giữa lòng Đông Âu, đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng trên thế giới (trong đó có cả tiếng Việt và Quốc tế ngữ) và được hơn 50 ca sĩ thể hiện trong vòng 70 năm qua, kể cả những tên tuổi lớn như Billie Holiday, Sarah Vaughan, Ray Charles, Elvis Costello, Marianne Faithfull, Diamanda Galás, Sinéad O’Connor, Sarah McLachlan, Björk, Sarah Brightman…

“Chủ nhật buồn”, ca khúc buồn nhất của thế kỳ 20 theo một bình chọn tại Pháp

“Chủ nhật buồn”, ca khúc buồn nhất của thế kỳ 20 theo một bình chọn tại Pháp

Ca khúc ấy, có thời từng là khúc hát cửa miệng của nhiều kẻ si tình trước giờ tự vẫn. Cho dù chung cuộc, vào năm 1999, nước Pháp đã chọn nó là bản nhạc tình buồn nhất của thế kỷ XX, nhưng khi vừa chào đời và lan truyền, bài ca đã bị cấm ở nhiều nước vì không ít kẻ đã tự kết liễu cuộc đời dưới ảnh hưởng của nó.

Gần đây nhất, giai điệu bài hát đã vang lên trong bộ phim “Danh sách Schindler” (Schindler’s list), từng được 10 giải Tượng vàng Oscar của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, khiến không ít khán giả đứng tuổi bồi hồi nhớ lại thời thanh xuân.

Đó là ca khúc “Chủ nhật buồn” (Szomorú Vasárnap), nhạc của Seress Rezső, lời thơ của Jávor László và Seress Rezső, ra đời cách đây 73 năm, được coi là thương hiệu tầm cỡ thế giới bậc nhất của Hungary trong âm nhạc, kể từ ngày đó tới giờ.

Cho dù, lạ thay, ngày nay, ở chính quê hương của “Chủ nhật buồn” (Hungary), cũng không mấy ai còn nhớ đến ca khúc. Thanh niên không nhớ, đã đành. Nhưng lớp trung niên cũng chỉ còn biết đến nó qua lời kể của các bậc phụ huynh.

Có chăng, chỉ một số rất ít thuộc lớp người đứng tuổi, thỉnh thoảng lẩm nhẩm lại giai điệu bài ca để hoài niệm quá khứ một thời. Một thời để yêu và một thời để nhớ…

*

Mùa thu năm 1933. Jávor László, một chàng trai Budapest 26 tuổi, thợ đẽo đá kiêm phóng viên hình sự tờ “Báo 8 giờ” (8 Órai Újság), khi ấy hoàn toàn vô vọng với tình yêu đặt ở nơi một thiếu nữ đã là vợ kẻ khác.

Trong buổi hẹn hò bí mật cuối cùng, chàng trai tuyên bố chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ này, đối với chàng, cô gái không còn tồn tại nữa. Jávor László xin cô gái cho phép chàng giữ một kỷ niệm về mối tình với cô: lưu khuôn mặt cô trong chiếc mặt nạ thạch cao để có thể âu yếm, cưng nựng ngay cả khi đã xa cô!

Bài thơ “Chủ nhật buồn” đã ra đời như thế, nếu chúng ta có thể tin được huyền thoại về nó. Và tại sao lại không tin? Cho dù, một lời lý giải khác cũng đã được đưa ra, ít thi vị hơn nhiều: “Chủ nhật buồn” được lấy cảm hứng sau một đêm thứ Bảy lu bù và nhà thơ chợt tỉnh giấc vì nhận ra anh không còn một xu dính túi!

Dầu sao đi nữa thì tác phẩm cũng được “ra lò”, được phổ nhạc và ngay tháng Mười một năm ấy, cả nước Hung đã chìm trong cơn sốt “Chủ nhật buồn”.

Các bà các cô quý phái ngồi phủ phục bên chiếc máy hát cũ, nước mắt tuôn trào vì nỗi buồn “thiên thu” của bài hát. Cùng lúc đó, các cô sen cũng cố nghe lỏm và sụt sùi, trong khi đang dọn nhà, lau chùi hoặc nấu nướng.

Kể từ khi văn hào Đức Goethe viết tác phẩm Werther, chưa ai có thể khiến cả châu Âu hướng về mốt… đau buồn tập thể, dẫn đến… tự sát, như thế! Không có gì đáng ngạc nhiên khi Jávor, chàng trai thất tình, bỗng nổi tiếng với bài thơ “Chủ nhật buồn”, đã nói với ký giả tờ “Nhật ký Pest” khi nghe phong thanh về thành công “chết người” của mình: “Giờ, người ta nghĩ đến tôi như kẻ đào mồ với chiếc xẻng trong tay“. Và nhận xét ấy là chính xác! Bởi lẽ “Chủ nhật buồn” luôn đi kèm với những câu chuyện buồn đau tan nát.

Báo chí Hung đương thời đã đăng tải một số mẩu chuyện thú vị, nhưng rùng rợn, liên quan đến ca khúc. Tại một tiệm ăn ở Budapest, một thực khách lăm lăm khẩu súng ngắn và dọa… tự tử, nếu dàn nhạc Tzigane không chơi ngay lập tức “Chủ nhật buồn”. Và sau khi được nghe bài ca có sức mạnh thần bí, ông ta gục xuống bàn, nức nở kể lại nỗi buồn của mình dù chẳng ai đề nghị.

Thậm chí, một làn sóng tự sát điên rồ đã diễn ra. Cô gái Kis Eszter, trước khi uống độc dược còn cẩn thận và trau chuốt để bản nhạc “Chủ nhật buồn” lên gối. Một chàng trai nghèo tỉnh lẻ, trái tim nhạy cảm không chịu nổi nỗi u sầu trong bài ca, cũng qua đời vì nhồi máu cơ tim.

Ledig László, một nhân viên ngân hàng 23 tuổi, thì dùng súng bắn thẳng vào tim khi đi trên một chiếc taxi, vào đúng một ngày Chủ nhật, vì đêm trước anh đã thức đến sáng và nghẹn ngào trước giai điệu “Chủ nhật buồn”.

Jávor László tại Paris, theo lời mời của những người hâm mộ “Chủ nhật buồn”

Người ta nói nhiều đến “Chủ nhật buồn” như một bài ca có ma lực vô cùng đặc biệt, khiến người nghe ảo não, sầu muộn đến độ phải tự tìm đến cái chết. Không thể biết được đâu là sự thật, đâu là chứng cuồng tầm cỡ thế giới, và đâu là món nghề quảng cáo của sự kinh doanh nghề sân khấu.

Quả thực, cạnh thi thể nhiều người tự vẫn, có bản nhạc của ca khúc, nhất là ở Hung. Nhưng xứ sở này, dù có “Chủ nhật buồn” hay không, cũng đã được liệt vào hàng những quốc gia hàng đầu thế giới trong các thống kê về số người tự sát.

Bởi vậy, cái tít in chữ đậm trên trang nhất tờ “Thời báo New York” (The New York Times) - “Dân Hung tự tử hàng loạt dưới tác động của một bài ca” - có lẽ là quá cường điệu.

Thời kỳ 1935-36, khi bài hát ra đời, nhân loại đang đứng trước cuộc Thế chiến sắp bùng nổ và cuộc khủng hoảng kinh tế đang ở độ trầm trọng. Khi tìm hiểu nguyên do và bản chất của hiện tượng “Chủ nhật buồn”, những luận văn “nặng ký” đã không quên điều đó.

Tuy nhiên, như mọi người đều nhận thấy, giai điệu đơn điệu, lặp đi lặp lại theo cung đô thứ của bài ca, đã thể hiện một cái gì đó đáng kể. Và quả thực, mỗi thời đại đều có một “bài ca chết người” của mình.

Khi đã rời quê hương, “giáo chủ” Phân tâm học Sigmund Freud, đã nhận thấy sự chứng thực cho thuyết “Sonntagsneurose” (Chứng loạn thần kinh chức năng ngày Chủ nhật) của ông trong bài ca này.

Ở Mỹ, những câu lạc bộ “Chủ nhật buồn” mọc lên như nấm, và đúng lúc nghị sĩ Steven Carl đòi cấm bài hát ở Washington vì sự ủy mị trong ca khúc có thể gây tác động xấu đến giới trẻ, thì ở Paris, người ta dựng tượng tác giả bằng sáp. Coco Chanell thành công trên toàn thế giới với mốt “áo tử thần” màu đen tuyền, và giới mỹ thuật châu Âu chế ra loại đàn dương cầm “Chủ nhật buồn” hình sọ người.

Chỉ vài năm sau khi bài thơ của Jávor László ra đời, “Chủ nhật buồn” - kèm giai điệu của Seress Rezső - đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng; bản nhạc và những chiếc đĩa hát “Chủ nhật buồn” tràn ngập thị trường thế giới, reo rắc không khí buồn đau, chết chóc khắp châu Âu, Mỹ, Phi và cả Trung Quốc…

Xem tiếp Phần 2 của bài viết.

Nguyễn Hoàng Linh - Còn tiếp


 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn