VỀ “VUA HỀ” CHARLIE CHAPLIN

Chủ nhật - 08/04/2007 19:44

Hỏi: Tôi nghe “vua hề” Charlie Chaplin, ngoài tài làm phim câm, còn làm cả… phim nói và sáng tác nhạc. Trong đó, có một bài hát của ông dường như đã được đặt lời Việt? Xin cho biết chi tiết. (Một độc giả)

NCTG: Sir Charles Spencer Chaplin (1889-1977), một gương mặt vĩ đại của nền điện ảnh thế giới, nổi tiếng với những bộ phim câm như “Cơn sốt vàng” (The Gold Rush, 1927), “Ánh sáng thị thành” (City Lights, 1931), “Thời đại tân kỳ” (Modern Times, 1936), v.v… Tuy nhiên, không phải ông chỉ làm phim câm: năm 1936, khi kiệt tác “Thời đại tân kỳ” của Charlie Chaplin được giới thiệu thì nền điện ảnh thế giới đã có những bộ phim “có lời” được chừng 10 năm và sở dĩ Chaplin không đưa lời thoại vào chỉ để giữ gìn tính chất “câm lặng” của anh chàng lang thang mà ông thủ vai (Chaplin từng thổ lộ: “Tôi sớm hiểu là lời nói sẽ khiến tôi đánh mất sự hùng biện của vai diễn này“).

Chàng lang thang câm lặng lừng danh nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới

Sau mốc 1936, Charlie Chaplin còn làm 5 bộ phim “có lời”, trong đó có 3 bộ nổi tiếng: “Kẻ độc tài” (The Great Dictator, 1940), “Ông Verdoux” ( Monsieur Verdoux, 1947) và “Ánh đèn sân khấu” (Limelight, 1952). Trong bộ phim cuối “Nữ bá tước ở Hương Cảng” (A Countess from Hong Kong, 1967), Chaplin chỉ xuất hiện trong giây lát, hai vai diễn chính thuộc về các tài tử lừng danh Sophia Loren và Marlon Brando.

Là một nghệ sĩ rất đa tài và đă năng trong lĩnh vực điện ảnh, phải nói bản thân Charlie Chaplin nhiều khi đã thay thế vai trò của cả một… xưởng phim! Bởi vậy, ông cũng không xa lạ với vai trò người sáng tác nhạc và viết nhạc phim cho chính phim của ông: theo các sử liệu, Chaplin chơi thông thạo một số nhạc cụ, trong đó có  vĩ cầm và cello, ông còn hay chơi đại phong cầm khi khách khứa, bạn hữu tới thăm nhà ông tại California.

Ca khúc được người Việt quen biết nhất mà Charlie Chaplin sáng tác là bản “Mãi mãi” (Eternally) trong “Ánh đèn sân khấu” (”Limelight”, 1952), bộ phim cuối cùng được ông thực hiện tại Mỹ (sau khi sang London dự ra mắt phim, Chaplin bị cấm trở lại Hoa Kỳ vì FBI nghi ông… thân cộng sản!):

ETERNALLY

I ‘ll be loving you, Eternally
With a love that ’s true, Eternally
From a start with my heart, it seems I ‘ve always know
The sun would shine, when you were mine and mine alone

I ‘ll be loving you Eternally
There ‘ll be no one new, my dear for me
Tho ‘ the sky should fall, remember I shall always be
Forever true and loving you Eternally

“Ánh đèn sân khấu” là một bộ phim rất cảm động, được nhiều người cho là cuốn phim “có lời” nổi tiếng nhất của Charlie Chaplin. Phim kể về một ca sĩ, nghệ sĩ hài hước (do chính Chaplin thủ vai) đã về già, tài năng tàn lụi, hết duyên, pha trò không còn khiến người xem cười nổi. Tuy nhiên, ông đã cứu sống một nữ diễn viên ballet trẻ tuổi, đang muốn tự vẫn vì chán nản sau những thất bại. Được sự chỉ bảo của người ca sĩ già, cô vũ nữ đã thăng tiến và thành công trong sự nghiệp.

Ca khúc động lòng “Mãi mãi” trong phim, thường được gọi theo tên bộ phim là “Ánh đèn sân khấu”, hoặc “Ánh đèn màu”, và được nhiều nhạc sĩ Việt Nam đặt lời Việt. NCTG xin giới thiệu các version tiếng Việt của Nguyễn Xuân Mỹ (người đầu tiên đặt lời Việt cho bài hát), Phạm Duy, Anh Hòa và một tác giả vô danh.

ÁNH ĐÈN MÀU
(Lời Việt của Nguyễn Xuân Mỹ)

Đời ca hát ngày tháng cho người mua vui
Đời son phấn làm mất bao ngày thơ ngây
Cùng bên ánh mầu sắc lạc lõng trong tiếng đàn hát đêm khuya
Rồi bao nếp nhăn về với tháng năm đời lãng quên rồi

Buồn trong tiếng nhạc lắng cho đời mê say
Cười trong ánh đèn sáng cho người mua vui
Rồi khi ánh đèn tắt lặng lẽ cô đơn
Chìm theo bóng đêm, người ta lãng quên bẽ bàng

(Giờ đây vắng tan rồi, khách ra về, ơi ánh đèn
Nhìn cảnh vắng hoang tàn kiếp con ve khi cuối mùa
Nào đâu phút huy hoàng, phút say sưa theo tiếng đàn vui ca)

Kìa khi ánh đèn tắt ơi đời vui ca
Đời thương khóc làm mướn ánh đèn ban đêm
Nào ai biết đời sống bạc bẽo sau tiếng đàn hát trong đêm
Đời ca hát thuê - Đời qua phấn son - Đời sống không nhà

Về theo nét tàn úa đâu còn duyên xưa
Người năm trước nào nhớ bóng người đêm xưa
Đời cam sống một bóng lặng lẽ cô đơn
Đời xa tiếng ca nào ai tiếc thương bẽ bàng

ÁNH ĐÈN SÂN KHẤU (NGƯỜI CA NHI)
(Lời Việt của Phạm Duy)

Đời nghệ sĩ giang hồ
Sống mỗi đêm vì ánh đèn.
Đèn vụt tắt đi rồi
Phấn son kia cũng phai mầu.
Đời mình sẽ đi vào
Chốn tối tăm và u sầu bơ vơ.

1. Là giun dế nhỏ bé
Trong bụi cỏ lau.
Mà đi mơ tình lớn
Yêu vòm trăng sao.
Là con sâu nằm kín ở trong tổ kia mà ước giang hồ.
Là ta mỗi đêm
Đàn sâu khấu soi
Một kiếp u hoài.

Là nghệ sĩ nghèo khó
Yêu nàng minh tinh.
Từng đêm mơ được chết
Trong vòng tay xinh,
Được là ngư phủ với giọng hát Trương Chi.
Được ôm lấy vai
Mỵ Nương thắm tươi suốt đời.

2. Màn nhung đen mở với ánh đèn mầu soi
Để em tung mở tiếng ca ngọt làn môi.
Đời thiêu thân thẳng lao vào ánh đèn soi đầm ấm đêm nồng
Để đom đóm kia, nhiều khi chết tan, cả xác lẫn hồn…
Đời ca nhi mờ tối dưới mặt trời vui
Chỉ bừng lên vào lúc ánh đèn mờ soi
Tỏa hào quang rực rỡ vào mắt môi ai
Người ca sĩ mong đừng tan bóng đêm, suốt đời…

Màn nhung đen mở với ánh đèn mầu soi
Để em tung mở tiếng ca ngọt làn môi
Đời thiêu thân thẳng lao vào ánh đèn soi đầm ấm đêm nồng
Để đom đóm kia nhiều khi chết tan, cả xác lẫn hồn…
Còn xuân xanh để khiến cho đời mê man
Rồi nhan sắc giọng hát phai cùng thời gian
Người ca sĩ chờ khi đèn tắt trong đêm
Màn buông xuống cho đời quên lắng lo, ráng quên…
(Người ca sĩ mong đừng tan bóng đêm, suốt đời…)

TÌNH TÔI
(Lời Việt của Anh Hoa)

Tìm đâu những giờ phút êm đềm bên em,
Ngồi bên nhau mà hát theo đàn thâu đêm.
Trời về khuya vầng trăng lạc lõng nhìn em cặp mắt mơ màng,
Lòng tôi xốn xang, dìu em bước sang bờ cõi thiên đàng.

Tìm đâu thấy hình bóng yêu kiều năm xưa,
Kề bên nhau mà lắng nghe đàn say sưa.
Giòng thời gian lặng lẽ bạc bẽo, em ơi!
Thời gian vẫn trôi, mà riêng lứa đôi lỡ làng.

Bạc đầu vẫn chung tình,
Khó quên đi một bóng hình.
Kỷ niệm cũ đâu rồi,
Những khi ta ngồi trên đồi?
Lời nguyện ước lâu dài
Đã bao năm qua vẫn còn, em ơi!

Chiều hôm nay ngồi nhớ bao ngày xa xôi,
Dạo vài cung đàn hát mơ màng trên môi.
Để lòng mơ hình bóng người cũ giờ đây ở chốn xa vời.
Người trinh nữ ơi!
Còn chăng nét môi giọng hát yêu đời?

Chiều hôm nay gửi đến phương trời xa xôi,
Vài lời ca lả lướt, nỗi lòng của tôi.
Dù thời gian tàn ác bạc bẽo, em ơi!
Mà riêng có tôi tìm em khắp nơi, khuất rồi.

ÁNH ĐÈN
(Lời Việt: khuyết danh)

Màn đêm buông dần xuống ánh đèn bừng lên
Là em đem điệu hát cho người vui thêm
Đời em đã là món quà quý đẹp trong làn mắt của ai
Mà khi nếp nhăn vùi theo tháng năm đời chóng quên dần

Đàn buông khúc trầm lắng tâm hồn mê ly
Người mơ theo nhịp bước quên thời gian đi
Để mình em thầm tiếc ngày tháng xa xưa
Nhìn theo bóng đêm niềm vui khó quên dáng hình

Ngày ngày ấy muôn màu tóc huy hoàng còn rỡ ràng
Mình em với tháng năm sắc hương hầu đã phai nhòa
Còn đâu phút ban đầu tiếng ca u hoài nức nở muôn thương

Đàn buông khúc trầm lăng tâm hồn mê ly
Người mơ theo nhịp bước quên thời gian đi
Để mình em thầm tiếc ngày tháng xa xưa
Nhìn theo bóng đêm lòng em xốn xang lỡ làng!

“Rồi khi ánh đèn tắt lặng lẽ cô đơn - Chìm theo bóng đêm, người ta lãng quên bẽ bàng”

NCTG


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn