RÚT GỌN CÁC TÁC PHẨM KINH ĐIỂN, MỘT GIẢI PHÁP "PHẠM THƯỢNG"?

Thứ bảy - 21/04/2007 12:17

(NCTG) Đâu là điểm chung giữa "Anna Karenia" (Leon Tolstoy), "Hội chợ phù hoa" (William Thackeray), "David Copperfield" (Charles Dickens), "Bá tước Monte Cristo" (Alexandre Dumas) và "Middlemarch" (George Eliot)? Câu trả lời có lẽ đơn giản: chúng đều là những tác phẩm văn học kinh điển. Tuy nhiên, một điểm chung nữa là các tiểu thuyết trên đều... tràng giang đại hải, ít ai có đủ kiên nhẫn đọc hết!

Léon Tolstoy, tác giả "Chiến tranh và hòa bình", "Anna Karenina" và "Phục sinh", đều là những kiệt tác lớn và... tràng giang đại hải!

Được viết với văn phong cổ điển, nặng nề và dài lê thê, đối với người thời nay, những kiệt tác trên thực sự khó đọc. Ngay ông chủ Malcolm Edwards của Origon, một tập đoàn sách lớn, nổi tiếng với các thương hiệu Origon, Gollanz, Weidenfeld & Nicolson và Phoenix, cũng cho biết rằng không làm sao ông đọc hết được tiểu thuyết "Middlemarch". Tập đoàn Origon đã mở một cuộc thăm dò dư luận và kết quả điều tra cho thấy nhiều đọc giả "thường dân" than phiền những tác phẩm cổ điển vừa dài, vừa diễn biến chậm và nhàm chán! Và, theo nhận định của các biên tập viên Origon, hoàn toàn có thể lược bỏ, rút gọn đi chừng 40% mà vẫn giữ được giá trị của những cuốn sách ấy.

Xuất phát từ nhu cầu đưa các tiểu thuyết lớn của văn học cổ điển thế giới đến tay người đọc thời này, tập đoan Origon đã quyết định tung ra thị trường loạt sách rút gọn, mà "nạn nhân" sẽ là nhũng cái tên đã nhắc ở trên. Được biết, những ấn bản ấy sẽ được đưa ra thị trường lần đầu tiên vào tháng 5-2007, và danh sách mang tên Compact Editions này sẽ lên tới 50-100 cuốn. Với nội dung đã được rút gọn và tóm tắt (chừng 30-40%), giá của sách là 6,99 bảng Anh (tức là đắt hơn giá sách "thật", là 5,99 bảng!)

Tuyên bố của tập đoàn Origon - được tờ nhật báo "The Times" (Anh) đăng tải ngay trước khi Hội chợ sách London mở cửa - đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ và trái ngược trong giới chuyên môn và độc giả. Các chủ hiệu sách ở London lên tiếng phản đối dữ dội, theo họ, "nếu ai không có thời gian đọc "Anna Karenia" thì cũng được, không sao, nhưng chớ có đọc bản rút gọn và chớ có ảo tưởng là thông qua loại sách đó mà hiểu được bản chính". Một số độc giả thì cho rằng việc in những cuốn rút gọn là xúc phạm họ, như thể họ không thể tự bỏ đi những đoạn mà họ coi là không cần đọc.

Tuy nhiên, tập đoàn Origon cũng có lý lẽ riêng của mình: theo họ, với những ấn bản ngắn gọn hơn này, những kiệt tác kể trên không hề bị "giảm giá trị". Bởi lẽ, nếu ai có khả năng, xin mời cứ mua nguyên bản và đọc nó; bằng không, bản rút gọn hoàn toàn đem lại cho người đọc những kiến thức cơ bản về (giá trị của) các tác phẩm lớn!

*

Tại Hungary, vấn đề "phổ cập hóa" những tác phẩm cổ điển cho học sinh cũng gặp khó khăn tương tự. Một học sinh lớp 7, khi đọc một câu thơ trong thi phẩm "Sông Tisza" (A Tisza) của nhà thơ Petőfi Sándor, đã kêu lên vì khó hiểu: "Thơ thẩn như dở hơi, chả có nghĩa gì cả!" Nhiều nhà giáo cũng cho biết ngay một nhà văn cổ điển nổi tiếng, rất được ưa chuộng và được đọc rất nhiều, như Jókai Mór, giờ cũng ít được học sinh đọc kỹ: kể cả tác phẩm lớn "Con trai người có trái tim đá" (A kőszívű ember fiai, được dịch giả Lê Xuân Giang chuyển ngữ), được đưa vào chương trình giảng dạy Văn học trong nhà trường ở Hung, cũng bị giới trẻ chê là "nuốt không trôi"!

Thực ra, từ một thế kỷ trước, ngay các nhà văn lớn của Hung cũng đã có nhiều thử nghiệm làm "nhẹ nhõm" các tác phẩm kinh điển cho trẻ em dễ đọc. Nếu không có sự "góp mặt" của Arany János trong tác phẩm kinh điển "Tấn thảm kịch nhân thế" (Az ember tragédiája), có lẽ chẳng mấy ai đọc được Madách Imre. Năm 1940, nhà văn lớn Móricz Zsigmond cũng tìm cách "biên tập" tác phẩm của một nhà văn cổ điển khác, ông Kemény Zsigmond, sao cho dễ đọc hơn.

Các tác phẩm kinh điển nước ngoài thì được biên soạn lại cho hợp với thanh thiếu niên, điển hình là các cuốn "Robinson Crusoe" (Daniel Defoe), "Gulliver du ký" (của Jonathan Swift, được Karinthy Frigyes, nhà văn lớn viết cho thiếu nhi viết lại), hay "Don Quijoté" (Miguel de Cervantes, nhà văn Radnóti Miklós viết lại thập niên 30 thế kỷ trước). Như vậy, có lẽ hay hơn là cách làm của một số nhà xuất bản hiện nay: họ rút gọn bằng cách bỏ một đoạn văn, rồi tóm tắt nội dung đoạn ấy.

Ấn bản "Robinson Crusoe" dành cho thiếu nhi tại Hungary

Ở đây, có nhiều vấn đề song song. Các tác phẩm kinh điển thường quá dài: thực ra, giới trẻ vẫn có thể đọc "Chúa tể của nhẫn" hay "Harry Potter" rất dài, mà không thấy ai phàn nàn. Nhưng nếu những đoạn dài mà lại không "hấp dẫn", thì rất khó lôi cuốn người đọc, nhất là giới trẻ. Kèm theo đó, văn học cổ điển viết bằng văn phong cổ, dùng nhiều từ và điển tích cổ, rối rắm, cũng khiến không ít người đọc "hoảng hồn" mà bỏ cuộc.

Phải chăng, một giải pháp "khả thi" ở đây là có những nhà văn lớn chịu khó "biên soạn" lại các kiệt tác cổ điển một cách cẩn trọng, cho phù hợp với thời đại và độc giả hiện nay, mà vẫn giữ được giá trị của chúng? Như Karinthy Frigyes, Radnóti Miklós hay Arany János, Móricz Zsigmond từng làm cách đây 1-2 thế kỷ?

Hoàng Linh tổng hợp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn