Đạo diễn Đặng Nhật Minh: NĂM NĂM LÀM ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Thứ sáu - 09/02/2007 14:25

(NCTG) “Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên cảnh tượng những bàn tay vẫy vẫy những lá đơn cùng gương mặt của những người nông dân chạy về phái tôi, đặc biệt gương mặt của một bà cụ chạy trước đám đông. Suốt đời tôi không thể nào quên được gương mặt ấy” - đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh hồi tưởng về hình ảnh bi thương của những cuộc khiếu kiện mà ông được chứng kiến, trên tư cách một Đại biểu Quốc hội, cách đây hơn chục năm.


Bìa sách “Hồi ký Điện ảnh” của đạo diễn Đặng Nhật Minh

LTS:Trong vòng vài năm gần đây, văn đàn và thị trường sách Việt Nam đã nóng lên với một số đầu sách hồi ký, tự truyện như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, nhật ký Nguyễn Văn Thạc (“Mãi mãi tuổi hai mươi”), hay “Lê Vân: Yêu và sống” (nhà thơ Bùi Mai Hạnh chấp bút). “Cơn sốt sách” tự truyện, hồi ký còn có thể lên cao trong thời gian tới, khi một số nghệ sĩ có tiếng như Thanh Hoa, Thanh Lam... cũng tuyên bố sẽ ra sách về đời mình, và nghề viết thuê tự truyện cũng ra đời để phục vụ nhu cầu của các tác giả và độc giả.

Dư luận và xã hội Việt Nam, nhiều khi bị bối rối trước những biển thông tin - có lúc xô bồ - của các hồi lý, tự truyện đương đại, cũng như sự ồn ào của báo chí (nhiều khi với mục đích rõ rệt là để “lăng-xê” sách và “định hướng” người đọc), nên có lúc đã có những phản ứng khen chê lẫn lộn, mâu thuẫn (thậm chí, có cái nhìn không thật thiện cảm) trước việc một số nhân vật có ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực của họ muốn chia sẻ những gì họ đã trải qua trong cuộc đời và sự nghiệp. Cho dù, mặc dù không phải là sử liệu, nhưng mảng hồi ký, tự truyện nhiều khi mang đến cho độc giả những thông tin rất bổ ích và xác tín về quá khứ, điều mà những cuốn giáo khoa lịch sử không phải lúc nào cũng dễ dàng đem lại.

Là một nước theo truyền thống Á Đông, Việt Nam không quen với “thói thường” của xã hội phương Tây, khi việc đưa những sự kiện mang tính cá nhân lên trang sách một cách thẳng thắn, sòng phẳng được coi là hết sức bình thường. Tuy nhiên, nước ta cũng đã có những tác phẩm hồi ký - tự truyện rất quan trọng của giới văn nghệ, như “Những ngày thơ ấu” (Nguyên Hồng), “Cát bụi chân ai”, “Chiều chiều”... (Tô Hoài), các bộ hồi ký của Phạm Duy, Trần Văn Khê, Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sến... Trong số đó, gần đây, phải kể đến “Hồi ký Điện ảnh” của đạo diễn Đặng Nhật Minh (Nhà xuất vản Văn nghệ TP.HCM, năm 2006).

Đạo diễn Đặng Nhật Minh (sinh năm 1938), tác giả những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam như “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”... đã đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước, sinh năm 1938 tại Huế. Thân phụ ông là GS, BS Đặng Văn Ngữ, một nhà khoa học lớn của Việt Nam, nên gia đình muốn hướng cho ông theo học ngành Y để nối nghiệp cha.

Tuy nhiên, nhờ hàng loạt sự kiện ngẫu nhiên trong cuộc đời, Đặng Nhật Minh lại khởi đầu với vai trò biên dịch cho các bộ phim nói tiếng Nga, rồi phiên dịch cho các lớp đào tạo điện ảnh của Liên Xô dành cho người Việt, để rồi đến năm 1965, ông có dịp ra mặt lần đầu tiên trong vai trò đạo diễn với bộ phim (tài liệu) về các kỹ sư địa chất.

Từ đó, các bộ phim của ông, dù số lượng không nhiều, nhưng rất “tinh” và luôn là những cột mốc đáng kể trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, ít nhiều đã là thông điệp nhân văn của Việt Nam trên trường quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà, vào năm 2006, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã được nhận Giải “Thành tựu trọn đời vì những đóng góp nổi bật cho điện ảnh châu Á” tại Liên hoan phim Quốc tế Gwangju (Nam Hàn) và thời báo “Nihon Keizai Shimbun” (Nhật Bản) cũng từng đánh giá rằng [ông] “bằng nghệ thuật điện ảnh, đã nói lên được tâm tư tình cảm của dân tộc mình - và cũng là của các dân tộc châu Á - ra với thế giới”.

“Hồi ký Điện ảnh” của Đặng Nhật Minh, ngoài việc thuật lại sự nghiệp điện ảnh của nhà đạo diễn một cách sinh động, còn hàm chứa rất nhiều thông tin quý về xã hội Việt Nam một thời, thông qua những hoạt động có liên quan đến bộ môn “Nghệ thuật thứ bảy”. Trích đoạn sau đây (một chương trong hồi ký) là một minh chứng cho điều đó, và cũng cho thấy rằng một cuốn hồi ký, nếu hàm chứa những nội hàm xã hội và lịch sử nghiêm túc, sẽ có chỗ đứng trong người đọc.

NCTG xin chân thành cám ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh đã gửi tư liệu và cho phép báo đăng tải một trích đoạn hồi ký. Tựa đề do NCTG tạm đặt. (NCTG)


Đạo diễn Đặng Nhật Minh, một bậc thầy của Điện ảnh Việt Nam

Năm 1993 với tư cách là Tổng Thư ký Hội Điện ảnh tôi được Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật đề cử làm Đại biểu Quốc hội khóa IX (1993-1997). Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu tôi về ứng cử tại tỉnh Thanh Hóa. Tại đây Mặt trận Tổ quốc Tỉnh lại giới thiệu tôi về ứng cử tại đơn vị bầu cử gồm ba huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, những huyện nghèo nhất trong Tỉnh. Danh sách ứng cử có 5 người để bầu lấy 3 (ngoài tôi có một hiệu trưởng trường cao đẳng, một bí thư Đảng ủy của ngành Giáo dục, một nữ giảng viên trường cao đẳng, một giáo viên cấp 3 phổ thông). Tôi đã trúng cử với một tỉ lệ bầu khá cao cùng với anh giáo viên cấp 3 và nữ giảng viên cao đẳng.

Tôi nghĩ tôi được bà con nông dân bầu chắc chắn không phải vì tôi là đạo diễn phim (tôi toàn làm phim nhựa nên ở nông thôn bà con chẳng bao giờ được xem). Vả lại chuyện phim ảnh chẳng phải là chuyện đáng quan tâm đối với những người nông dân chân lấm tay bùn... Tôi được bầu có lẽ vì khi đọc lý lịch bà con biết tôi là con của giáo sư bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã đẩy lùi căn bệnh sốt rét hiểm nghèo cho họ và đã hy sinh tại chiến trường Trị Thiên trong khi đang nghiên cứu chống sốt rét cho bộ đội (mà đại đa số cũng là con em họ).

Buổi họp đầu tiên của Quốc hội khóa IX tại hội trường Ba Đình đã để lại cho tôi một kỷ niệm không bao giờ quên. Sau cuộc họp buổi sáng khi vừa lên xe rời khỏi hội trường tôi nhìn thấy không biết bao nhiêu bà con nông dân từ những tỉnh xa đứng dọc bên đường tay cầm những tờ đơn trắng vẫy vẫy theo đoàn xe của các đại biểu quốc hội. Những chiếc xe hòm kính nối đuôi nhau lặng lẽ lướt qua không một xe nào dừng lại. Đến góc vườn hoa cạnh quảng trường Ba Đình tôi vỗ vai lái xe đề nghị dừng xe. Khi vừa thấy xe tôi đi chậm lại rồi dừng hản, lập tức cả đoàn người chạy ùa lại, tay giơ cao những lá đơn.

Nhưng không chờ tôi kịp bước xuống xe, đoàn người đã bị công an cản lại. Lúc đó tôi hiểu ngay rằng nếu tôi tiến về phái họ dù chỉ vài bước thôi, lập tức sẽ xẩy ra những cuộc giằng co xô xát. Tôi bèn lên xe quay về hội trường Ba Đình. Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh chưa về, ông còn đang ở lại hội trường hội ý công việc. Tôi gặp ông đề nghị cử người ra nhận đơn khiếu nại của bà con. Những lá đơn đó đã được nhận để chuyển đến Văn phòng Quốc hội. Từ đó về sau mỗi lần quốc hội họp tôi không nhìn thấy những bàn tay vẫy những lá đơn đứng hai bên đường cạnh hội trường Ba Đình nữa. Văn phòng Quốc hội đã bố trí một địa điểm để nhận đơn thư khiếu nại của cử tri tại một phố nhỏ cách xa hội trường.

Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên cảnh tượng những bàn tay vẫy vẫy những lá đơn cùng gương mặt của những người nông dân chạy về phía tôi, đặc biệt gương mặt của một bà cụ chạy trước đám đông. Suốt đời tôi không thể nào quên được gương mặt ấy. Tôi cũng không bao giờ có thể quên được ánh mắt của những người nông dân trong những lần tiếp xúc ở địa phương, nhìn thẳng vào chúng tôi, những người mà họ cho là đại diện cho họ ở một cơ quan quyền lực cao nhất. Những ánh mắt hừng hực lửa hy vọng như muốn nuốt chửng lấy chúng tôi. Bây giờ nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung rõ mồn một mhững ánh mắt đó mà cảm thấy đau lòng.

Thực ra năm năm ngồi ở cơ quan quyền lực cao nhất đó, tôi chẳng có quyền lực gì như bà con tưởng. Những vướng mắc khiếu kiện của bà con tôi chỉ biết phản ánh lại với những cơ quan cấp trên ở Tỉnh để xem xét, thế là xong nhiệm vụ, có muốn làm gì hơn cũng không đựơc. Đôi khi phản ánh xong, người ta cho biết vụ việc này họ đã biết rồi và đã xem xét trả lời rồi.

Thời gian đầu tôi rất hăng hái phát biểu trong các kỳ họp của Quốc hội. Nếu không nhầm thì tôi là người đầu tiên phát biểu rằng tham nhũng là quốc nạn và đề nghị Quốc hội thành lập một Ủy ban đặc biệt để chuyên trách việc chống tham nhũng, nhưng ý kiến này đã không được chấp nhận. Có thể nói suốt nhiệm kỳ đó cụm từ “tham nhũng là quốc nạn” được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong các kỳ họp của Quốc hội, nhưng tình hình vẫn không gì lay chuyển, thậm chí còn trầm trọng hơn. Tôi nhớ một nữ đại biểu người dân tộc đã phát biểu như sau làm cả hội trường phải bật cười: “Bà con cử tri điạ phương tôi nói rằng: chống tham nhũng có nghĩa là khi tham nhũng hơi xiêu thì chống lại cho nó thẳng” (!)

Dần dần tôi nhận ra rằng những người hay phát biểu trong các kỳ họp thường là những đại biểu không nắm chức vụ gì quan trọng trong bộ máy nhà nước và bộ máy Đảng. Đa số họ là những giáo viên, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, các cựu chiến binh... Tôi nhớ những ngày đầu nhiệm kỳ có một nữ đại biểu còn trẻ, giám đốc Sở ở một tỉnh phía Nam phát biểu rất hăng hái. Những phát biểu của chị rất sắc sảo, táo bạo làm tôi hết sức ngạc nhiên. Nhưng đến giữa nhiệm kỳ bỗng nhiên không thấy nữ đại biểu đó phát biểu gì nữa. Thì ra chị mới được đề bạt làm Thứ trưởng một Bộ trong Chính phủ.

Là một người làm trong lĩnh vực điện ảnh lại là Ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tôi đã cố gắng để Quốc hội và Chính phủ quan tâm đến lĩnh vực văn hoá nói chung và điện ảnh nói riêng. Tôi đã đề nghị Chính phủ có chương trình Chấn hưng điện ảnh nhằm vực dậy nền điện ảnh có nguy cơ tan rã khi phải đối mặt với nền kinh tế thị trường. Với chương trình chấn hưng đó (gồm 200 tỉ trong 10 năm) lẽ ra điện ảnh Việt Nam đã có thể trang bị cho mình một cơ sở vật chất kỹ thuật đàng hoàng nếu biết tính toán một cách khôn ngoan và thiết thực. Nhiều máy móc mua về không đồng bộ, tản mạn mỗi nơi một chút (3 cơ sở trong ngành đều được cấp máy làm kỹ xảo khá đắt tiền nhưng không nơi nào sử dụng được. Cho đến nay phim Việt nam cần làm kỹ xảo vẫn phải đưa sang nước ngoài thuê làm).

Đôi khi tôi cảm thấy xót xa cho những đồng tiền của nhà nước bị chi tiêu một cách lãng phí, kém hiệu quả nhưng cảm thấy bất lực. Hội Điện ảnh cũng như những người nghệ sĩ không bao giờ được tham khảo hoặc hỏi ý kiến. Trước tình hình phim nhựa bị phim video lấn át, nhân Quốc hội thông qua Luật thuế sửa đổi và bổ sung, tôi đã đề nghị miễn hẳn mọi thứ thuế cho việc sản xuất, phát hành cũng như xuất nhập phim nhựa 35mm, đối với phim video giảm thuế từ 8% xuống 4%. Đó là những gì tôi có thể làm cho ngành điện ảnh trong thời gian có mặt ở Quốc hội.

Trong năm năm làm đại biểu Quốc hội với những cuộc tiếp xúc với bà con cử tri trước và sau mỗi kỳ họp thực sự là những chuyến đi thâm nhập thực tế rất bổ ích đối với tôi. Tôi đã hiểu thêm rất nhiều về đời sống của người nông dân, tâm tư nguyện vọng, những nỗi khổ, nỗi thiệt thòi của họ để thể hiện trong những bộ phim của mình sau này.

“Tôi gọi đây là Hồi Ký Điện Ảnh bởi những gì được viết ra trên những trang giấy này chủ yếu nói về những việc làm của tôi trong điện ảnh. Nó không đi sâu vào việc kể lại tỉ mỉ tiểu sử, nhưng cung không bỏ qua những giai đoạn, những sự kiện, những người thân đã có ảnh hưởng đến cuộc đời cũng như tác giả của tôi trong điện ảnh.

Viết hồi ký là một việc mà từ lâu tôi rất ngại ngùng. Viết làm sao trung thực với chính mình mà không động chạm đến ai, quả là khó. Nhưng nếu không viết ra thì ngay đến những người thân ruột thịt trong gia đình cũng không sao hiểu được mình đã làm gì, tại sao làm như vậy và những gì đã đến với mình trong cuộc đời đầy biến động này... Dầu sao, nếu gạt bỏ đi những cái chủ quan của người viết, mà chắc là không tránh khỏi, vẫn còn lại cái gì đó hữu ích đối với những ai muốn tìm hiểu đôi chút về một thời làm phim nước ta.”

Đạo diễn Đặng Nhật Minh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn