LHP QUỐC TẾ TITANIC (BUDAPEST): MỘT VIỆT NAM ĐA DIỆN, LẮM SẮC MÀU...

Thứ bảy - 14/04/2007 20:16

(NCTG) Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Titanic lần thứ 14 tại Budapest, ngày hội điện ảnh thường niên lớn nhất của Hungary, đã khai mạc ngày 12-4 và sẽ kéo dài đến ngày 22-4-2007, với sự tham gia của 64 bộ phim đến từ 27 quốc gia.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của LHP này, ngoài những tác phẩm mời (được lựa chọn kỹ lưỡng), còn có thể đăng ký tham dự miễn phí qua trang chủ của LHP. Vì thế, bên cạnh những nền điện ảnh lớn của Châu Âu và Bắc Mỹ, người yêu chuộng bộ môn Nghệ thuật thứ bảy còn có dịp thưởng thức các tác phẩm đến từ nhiều mảnh đất xa xôi, như Úc, Nam Phi, Chile, Đài Loan, Nhật, Urugoay, Hàn Quốc... Đặc biệt, điện ảnh Việt Nam góp mặt với "Sống trong sợ hãi" (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, chủ nhiệm Đặng Tất Bình), sẽ được công chiếu 2 buổi trong tuần sau.

Giải thưởng chính của LHP Quốc tế Titanic - mang tên "Đập chắn sóng" (Hullámtörők) - đi kèm với khoản tiền 10.000 EURO, sẽ là cái đích tranh đua của 8 bộ phim và được một Ban giám khảo Quốc tế gồm 3 chuyên gia quyết định (Marit Kapla, giám đốc LHP Quốc tế Göteborg; Ronald Bergan, nhà phê bình điện ảnh người Anh; Pálfi György, đạo diễn Hungary). Bên cạnh giải này, vẫn có giải Khán giả và năm nay, lần đầu tiên, có giải của Ban giám khảo Sinh viên, gồm các đại diện giới trẻ.

* TÂM ĐIỂM LÀ NHỮNG BỘ PHIM!

Cho dù, lễ khai mạc chính thức của LHP bắt đầu vào tối 12-4 với sự có mặt của các quan khách (bộ trưởng Văn hóa và Giáo dục Hung Hiller István phát biểu chào mừng), nhưng thực sự, dân "nghiền" điện ảnh của Hung không mấy để tâm đến những thủ tục mang tính lễ nghi đó. Với họ, LHP đã bắt đầu từ hồi 4 giờ chiều, với những bộ phim tiếp nối nhau liên tục tại 4 rạp phim lớn và truyền thống của Budapest.

Rạp Toldi, một trong 4 rạp chiếu các phim của LHP lần này

Thập niên 80 thế kỷ trước, chỉ riêng thủ đô Budapest đã có tới hàng trăm rạp phim lớn nhỏ, trong hệ thống rạp do nhà nước quản lý và... bù lỗ đều đều. Sau khi Hungary thay đổi thể chế vào năm 1989 và bắt đầu theo cơ chế kinh tế thị trường, không còn chế độ "bao cấp" và số các rạp phim "quốc doanh" cứ giảm dần, đến giờ chỉ còn vỏn vẹn trên đầu ngón tay. Hiện tại, xu hướng xem phim tại các đại siêu thị (plaza), trong các rạp cùng một lúc có thể "đi" hàng chục bộ phim (multiplex) kiểu Hollywood ngày càng thắng thế; tuy nhiên, những bộ phim nghệ thuật, không (nhất thiết) chiều theo thị hiếu bình dân thì vẫn thường được chiếu tại các rạp riêng, không màu mè, mang dáng dấp của một thời đã qua. Và 64 bộ phim tham dự LHP kỳ này cũng được chiếu tại hệ rạp như thế.

Khác với "phong cách Hollywood" và gần gũi với nhiều LHP châu Âu, phim tại LHP Quốc tế Titanic lần thứ 14 - cho dù rất phong phú về thể loại, đáp ứng được đòi hỏi từ giới phê bình đến đông đảo khán giản yêu chuộng điện ảnh - nhưng đa phần đều có nội dung sâu sắc, nghiêm túc, mang tính đặc thù và nét đặc sắc của những quốc gia mà nó đại diện. Sẽ vô ích nếu chúng ta muốn tìm ở đây những ngôi sao giá bạc triệu, hoặc những bộ phim "hoành tráng", kinh phí khổng lồ, nhưng nhiều khi... rỗng tuếch hay thấy ở điện ảnh Hollywood; bù lại, khán giả sẽ có dịp tìm hiểu những vẻ đẹp đích thực và muôn màu muôn vẻ của thế giới điện ảnh, thường không nằm ở vẻ lòe loẹt bề ngoài...

* TẠI SAO TITANIC?

Lấy tên một con tàu sang trọng nhưng bất hạnh trong lịch sử đặt cho một LHP, có thể là "sái", "dớp", theo quan niệm người Việt. Nhưng đối với Hungary thì... không hề gì! Ít nhất là Ban tổ chức LHP cũng tìm ra được khá nhiều lý do để trả lời câu hỏi "tại sao Titanic". Chẳng hạn, Titanic, vì đây là một LHP có tầm cỡ, đặc biệt, hàm chứa rất nhiều bất ngờ. Và Titanic, vì bản thân từ này có nghĩa là một cái gì đấy quan trọng, vượt quá sức người.

Tuy nhiên, có một ý tưỏng mà Ban tổ chức đã nêu ra từ 14 năm nay, như một tiêu chí của Liên hoan. Ấy là, với con tàu Titanic rẽ nước vượt những đại dương xa xăm, khán giả có thể đến được nhiều miền đất lạ mà họ hằng mong đợi, thông qua ngôn ngữ của điện ảnh. Theo 9 mảng chủ đề được đặt bằng những tiêu đề gợi mở, LHP Quốc tế Titanic lần thứ 14 muốn mổ xẻ và hướng khán giả vào những mặt khác nhau - và nhiều khi, ít biết đến - của Nghệ thuật thứ bảy và của một thế giới đa diện. "Những ngày giận dữ" là chùm phim về giới trẻ đang tìm mình (và đánh mất mình) trong hoàn cảnh khắc nghiệt và bươn chải hiện tại. "Bề sâu của tội lỗi" bao gồm các phim hình sự mà bao trùm là sự bí ẩn chìm trong nội hàm xã hội tiềm ẩn. Trong LHP lần này, có lẽ phần được giới "sành" phim ảnh chờ đợi nhất là "Bán đảo Cao Ly", vùng đất được coi là có nền điện ảnh đương đại rất đặc sắc và lý thú. Loạt phim "Vòng quanh thế giới", năm ngoái được thử nghiệm rất thành công, lần này thêm sự có mặt của nhiều vùng đất mới và lạ. Dĩ nhiên, các nền điện ảnh lớn không thể thiếu vắng tại LHP: những tác phẩm mới nhất và được coi là mang tính cách tân nhất được chiếu ở loạt "Những dải cát ngầm Pháp", còn các đạo diễn độc lập Mỹ thì hiện diện ở "Tìm ra Châu Mỹ". Năm nay, nhạc Rock là một trong những tâm điểm của LHP Titanic, và luôn có mặt trong hai mảng phim "Âm nhạc cho mọi người" và "Đảo Anh quốc", cũng như trong một số bộ phim khác. Cuối cùng, "Xưởng phim" (chơi chữ: "xưởng", tiếng Hung, gần với chữ "tài liệu") gồm một chùm phim tài liệu mà các đạo diễn tham dự muốn chứng tỏ rằng thể loại này chẳng những thú vị không kém gì phim nhựa, mà còn đem lại vô số kiến thức không thể thiếu được về thế giới quanh ta.

Một cảnh trong bộ phim tài liệu về các cô dâu Việt theo "đặt hàng"

Không thể đi vào chi tiết, nhưng cũng cần điểm qua một số phim đang là ứng viên cho Giải thưởng chính "Đập chắn sóng". Ấy là, "London to Brighton" của nhà đạo diễn Paul Andrew Williams (Anh), bộ phim kinh dị được Peter Bradshaw, nhà phê bình điện ảnh khét tiếng khó tính của tạp chí "Guardian" coi là bộ phim Anh xuất sắc nhất năm 2006. Một đối thủ đáng gờm của phim này là "Flandres", tác phẩm mới của đạo diễn Bruno Dumont (Pháp). Khán giả mê thể loại hình sự, phải chăng sẽ bỏ phiếu cho "Ex drummer" của Koen Mortier (Hà Lan), và sẽ tìm được cả nhạc Rock và khôi hài đen trong đó. Bán đảo Cao Ly đại diện trong cuộc thi với bộ phim "Gwoemul" (đạo diễn Joon-ho Bong), về một quái vật biển - hệ quả của tình trạng ô nhiễm không khí - đe dọa một thành phố lớn (được cho là sự "trêu ngươi" của Nam Hàn trước Hoa Kỳ). Trong hành trình "vòng quanh thế giới", con tàu Titanic của LHP lần này dừng lại ở Argentina với bộ phim "L'antena" (đạo diễn Esteban Sapir), được đánh giá là "ít lời, nhưng đẹp tuyệt vời như một câu chuyện cổ tích cho trẻ em, về uy quyền toàn trị của truyền thông". Còn đại diện của "Tân thế giới" trong chuyến du hành này là "Wristcutters: A love story" (đạo diễn Goran Dukic), bộ phim hài về những kẻ tự sát.

* VIỆT NAM TRÊN BOONG TÀU TITANIC

Đến với LHP này, Việt Nam hiện diện chính thức với "Sống trong sợ hãi", bộ phim đã "gặt hái" tới 5 giải Cánh diều vàng 2005 (phim truyện nhựa hay nhất; nam diễn viên chính xuất sắc nhất, đạo diễn phim truyện nhựa xuất sắc nhất, nam diễn viên phụ xuất sắc nhất và biên kịch phim truyện nhựa xuất sắc nhất). Phim nhựa đầu tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên còn được giải Tài năng trẻ Châu Á tại LHP Quốc tế Thượng Hải 2006 và như thế, "Sống trong sợ hãi" đã đến Budapest với một "gia tài" kha khá, và được báo chí Hungary đánh giá "là một tác phẩm có thể liệt vào hàng những bộ phim kinh điển về chiến tranh của Việt Nam", "đồng thời, là rất mới trong hoàn cảnh của Việt Nam khi phim đề cập tới câu chuyện của người đàn ông hai vợ, từng đúng về phe "xấu" trong chiên tranh và sau đó, liên tục phải giữ thăng bằng giữa cuộc sống và cái chết".

Đã lâu lắm, khán giả Hungary mới có dịp xem phim nhựa Việt Nam (không kể những bộ phim của các đạo diễn hải ngoại, như Trần Anh Hùng hay Tony Bùi). Theo thông tin của Ban tổ chức, trong 13 kỳ LHP trước, Việt Nam cũng chưa bao giờ tham dự. Tuy nhiên, trong lần này, đề tài (và hiện thực) Việt Nam không chỉ xuất hiện trong "Sống trong sợ hãi", mà sẽ còn bàng bạc trong "Match Made", bộ phim tài liệu dài 48 phút của đạo diễn Mirabelle Ang, thuật lại chuyện các cô gái thôn quê được biến thành món hàng bán chạy - cô dâu Việt - tại đất Sài Thành như thế nào. Và nhất là, một khía cạnh mới của cộng đồng người Việt xa quê, cũng được phản ánh rất động lòng, rất đẹp và nhân bản, qua "Ra chơi" (2005), bộ phim nhựa đầu tay dài 177 phút của đạo diễn Úc Frank Michael, từng đoạt Giải bạc của Hiệp hội Điện ảnh Úc (2006) và nhiều giải tại các LHP Quốc tế.

Poster phim "Ra chơi"

"Ra chơi" là bộ phim đầu tiên được mời tham gia trong LHP lần này và, tính theo thời gian, nó cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên được ra mắt công chúng Budapest trong ngày đầu tiên của LHP Quốc tế Titanic. Trong khuôn khổ loạt phim "Những ngày giận dữ" (đề tài giới trẻ), phim là câu chuyện về 4 thanh (thiếu) niên bụi đời, vất vưởng tại vùng ngoại ô Sydney, trong khu có nhiều người Việt sinh sống. Dac Kien, Trinh, Lanh và Lucy, mỗi người một xuất phát điểm khác (kẻ vừa ra tù, người bỏ gia đình đi hoang vì hoàn cảnh gia đình, kẻ khác nghiện ngập thuốc phiện...), nhưng đều chung cảnh ngộ bên lề xã hội, phải giành giật với cuộc sống từng giây phút để có miếng ăn và sự sinh tồn. Sa cơ lỡ vận, vô gia cư, "bộ tứ" ấy đã phải làm nhiều nghề bị khinh bỉ và ghê sợ nhất, như đứng đường bán trao tay ma túy, đĩ điếm, trộm cắp..., nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, họ vẫn là những đứa trẻ hồn nhiên với mọi tình cảm yêu thương, thù hận, vẫn là những người bạn với tấm lòng và sự thủy chung.

Mỗi đô thị lớn đều có những câu chuyện cảm động của riêng nó, nhưng số phận của hai chàng trai và hai cô gái mà Frank Michael đặc tả trong phim đã đến độ khốn cùng, dưới đáy xã hội. Với mong muốn có được một mái ấm che thân, một bữa ăn no miệng, một công việc lương thiện, họ đã làm tất cả, với tất cả sự nỗ lực có thể... nhưng không phải ai cũng đạt được đích. Bộ phim là một cuộc hành trình nao lòng và tràn đầy cảm xúc, trong đó con người nhiều lúc chỉ còn lại một tia hy vọng duy nhất là nghị lực tinh thần. Đạo diễn Frank Michael, khi để tựa đề bộ phim bằng tiếng Việt (không dấu, Ra Choi), với lời lý giải rằng "ra chơi" cũng chính là sẵn sàng đương đầu với mọi cuộc chơi sinh tồn của đời sống, kể cả khi ở dưới đáy xã hội. Và chắc chắn rằng, gia đình và xã hội, với những bất công và sự kỳ thị, cũng phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc biến lũ trẻ trong trắng thành những kẻ tội phạm, để rồi từ đó, con đường hoàn lương vô cùng gian khổ...

*

Được thực hiện với kinh phí rất ít ỏi, "Ra chơi" đã rất thành công với diễn xuất chân thực, sống động (và có nhiều đoạn ấn tượng) của dàn diễn viên trẻ gốc Việt, có lẽ chưa mấy xuất hiện ở đâu khác. Tác động của bộ phim thật rõ rệt: không mấy khi khán giả Budapest chờ đến nốt nhạc cuối cùng trong phim lặng đi, đèn trong khán phòng sáng lên, mà ai nấy vẫn ngồi im tại chỗ. Một số người lặng lẽ rút khăn lau nước mắt...

Như thế, những nét của một Việt Nam mới, đa dạng và màu sắc, nhưng cũng rất nhiều nốt trầm, quãng lặng và nỗi buồn, với mọi dư vị ngọt ngào và khốc liệt, đã và sẽ được ghi nhận trong LHP Quốc tế Titanic lần này, thay vì hình ảnh đơn điệu và một chiều của Việt Nam trong chiến tranh hay thời kỳ "bao cấp" sau đó, mà người dân Hungary từng biết đến. Và đó là điện ảnh, như những người tổ chức LHP tâm niệm và chủ trương...

(*) Một phần của bài viết đã được trích đăng dưới dạng tinbài trên báo trực tuyến "VietNamNet".

H.Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn