VỀ OLGA BERGGOLTZ

Thứ tư - 18/04/2007 17:42

(NCTG) Tôi cũng là một trong rất nhiều người Việt Nam hâm mộ nữ sĩ huyền thoại Olga Berggoltz.

Đọc bài viết này, tôi không đồng ý ở một điểm rằng có nhiều bài thơ của Olga viết với "ngôn từ ưu phiền, cay nghiệt, thậm chí dữ dằn, hoàn toàn không thích hợp với hình ảnh một Olga Berggoltz hiền hòa"...

Thực ra, với những gì Olga đã trải qua, những ưu phiền, cay nghiệt thậm chí rất dữ dội ta đọc được qua thơ bà là điều dễ hiểu. Song, không hề có thể nói về Olga như một hình ảnh con người "cay nghiệt, dữ dằn" - đằng sau những bài thơ kia vẫn hiển hiện một trái tim day dứt yêu thương, rất thiết tha với Đời, với Người và vẫn tràn đầy hy vọng.

Vì thế Olga trong những bài thơ tình mà người đọc Việt Nam từng biết đến qua các bản dịch của Bằng Việt và Olga trong những bài thơ đau đớn nhưng tha thiết này vẫn là một! Thậm chí ở bài thơ trên ("Tôi cũng cả ngày"), điều đó cũng vẫn rất rõ nét.

Xin được phép gửi lên đây bài thơ này qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Nga:

CẢ NGÀY TRONG CUỘC HỌP TÔI NGỒI...

Cả ngày trong cuộc họp tôi ngồi
Rồi biểu quyết, rồi nói điều giả dối
Lời hổ thẹn sao chưa làm tôi chết nổi?
Nỗi chán chường không khiến bạc đầu thêm?

Bước ra đường tôi ngồi xuống bậc thềm
Nơi tôi được là mình, ngồi thật lâu không nhúc nhích
Qua khe cổng cùng người coi sân chia điếu thuốc
Vào quán chiều chiêu vài ngụm vốtka
Nơi tủi cực này có nhiều uất ức được nói ra
Trong câu chuyện của hai phế binh héo hắt
Năm 43 từng là hai chàng trai anh dũng nhất
Chiếm lấy Krasnưi Bor - rừng thông đỏ máu rực trời

Thức tỉnh trong tôi hoài niệm chói ngời
Dĩ vãng hào hùng rũ tro tàn đứng dậy:
Những phạm binh đây như lại đang băng qua bãi mìn bỏng rẫy
Những trinh sát viên quả cảm phi thường

Ai đó được tung hô sau khốc liệt chiến trường
Số còn lại đã nằm đây lặng thầm mãi mãi
Máu đổ xuống đất lành không mưu toan lời lãi
Có hay đâu để chuộc mọi lỗi lầm
Chưa bao giờ phạm phải với lương tâm!

Khó nhọc thu trí tàn trong cơn giận tím bầm
Qua cơn say tôi kêu lên đau khổ:
“Lũ ngoan đạo kia, ta chán các người đến tận cổ
Và yêu sao ôi bao kẻ tội đồ!”
(1948-1949 - Thụy Anh dịch)

Nguyễn Thụy Anh, từ Liên bang Nga


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn