Cầu Dvortsovyi tại Saint Petersburg
“Đêm trắng
Con thiên nga trắng khoác bộ lông vệt đen
trong đầm nước trắng
Đêm trắng
Hãy thiếp đi trên ngực anh đây
Chú chó đói lang thang sân ga
Tìm một mái nhà
Người ăn xin
Đi dọc kênh đào Obvod
Đêm trắng
Mọi điều trần trụi đến tận cùng
Vị đắng những dòng thơ
Vị đắng những đôi môi
Và vị đắng của niềm tin tuổi trẻ…”
Bài hát với những lời thơ mang vị đắng của Rozenbaum luôn vang lên trong tôi mỗi lần đến thủ đô phía Bắc của nước Nga - thành phố hoa lệ và mang phong vị cổ kính hơn cả Matxcơva, cho dù so với Matxcơva, Saint Petersburg là một thành phố còn rất trẻ, mới ngoài 300 năm tuổi. Ngoài những danh thắng người ta vẫn thường nhắc đến, là niềm tự hào của người dân nơi đây, những Ermitazh, Cung điện Mùa đông, Vườn Mùa hè, v.v..., thì Saint Petersburg mê hoặc tôi bằng những chiếc cầu của mình.
Lần nào cũng vậy, rời ga xe lửa, việc đầu tiên tôi làm là rảo bước trên những chiếc cầu vắt ngang những kênh đào chẳng chịt của thành phố, và việc cuối cùng sau tất cả những “sự vụ” cần giải quyết, lại là thả bước trên chiếc cầu lớn nhìn xuống dòng Neva phóng khoáng đang điềm tĩnh chảy – cầu Dvortsovyi. Một lần, tôi đã lẩn thẩn nghĩ, nếu muốn đi hết các cây cầu ở Saint – Peterburg, tôi có thể phải mất trọn một năm trời đi và đi hối hả! Bởi ở đây có đến trên 800 cây cầu, và dù ngắn hay dài, chúng đều có những đặc trưng riêng, những hoa văn diêm dúa tỉ mẩn riêng, đến cả thời khắc mở ra để sông đón tàu lớn vào, cũng rất khác nhau.
Mùa này, những cây cầu sắt sơn đen đang có một viền trắng tuyết. Khi đêm xuống, đèn trên cầu bật sáng, thì bạn đã lạc vào một thế giới lung linh. Nếu đêm ấy tuyết rơi thì bạn hẳn sẽ có một đêm trắng! Đêm sáng vì tuyết. Và đêm trắng vì người thao thức những chuyện không đâu, khi mà dòng sông dưới kia, bầu trời trên kia đều đang hắt xuống, rọi lên thứ ánh sáng trong vắt tưởng chừng không có thật.
Thực ra, nói đến đêm trắng ở Saint Peterburg là người ta nói đến những đêm mùa hè, cao trào rơi vào ngày hạ chí, 22-6, đêm dài tưởng như vô tận. Người nườm nượp đổ về bờ sông Neva, đợi giờ khắc cầu mở. Gió từ sông thổi lên lạnh buốt. Thành phố phương Bắc này bao giờ cũng giữ hơi giá lâu và nhiều hơn Matxcơva. Thế nhưng khách đến đây thăm cầu vẫn thấy lòng ấm áp, vì xung quanh là bao nhiêu gương mặt người hớn hở. Người ta uống bia lạnh, nói chuyện râm ran. Và chờ đợi.
1 giờ 35 phút sáng. Cầu Dvortsovyi có lẽ là chiếc cầu đầu tiên từ từ nâng mình lên cao, và đoạn giữa tách đôi chậm rãi, như hai cánh tay bê tông khổng lồ bắt đầu mở rộng. Một tiếng reo đồng thanh của đám đông. Với tất cả sự ngưỡng mộ. Không phải ngưỡng mộ một nền kỹ thuật tiên tiến đã sai khiến được bê tông cốt thép, mà là niềm hân hoan của những tâm hồn rất khác nhau, gặp nhau trong một giây phút kỳ lạ trên dòng sông nổi tiếng, ở một thành phố mang trong mình biết bao điển tích, biến cố lịch sử.
Một lần, trong niềm hân hoan như thế, tôi cùng một nhóm bạn đánh bạo xuống một chiếc ca-nô nhỏ, và phóng đi giữa những tay cầu lần lượt đưa tay lên nền trời mờ sáng. 1giờ 40. 1giờ 50. 2 giờ. 2 giờ 30… Cứ thế, nhịp nhịp cầu mở ra, những đoàn tàu chở hàng cao lớn đang chuẩn bị tiến vào. Đêm trắng, nhưng nước sông vẫn đen thẫm. Mặt dưới của những chiếc cầu là một vài người công nhân đang loay hoay điều khiển một cơ chế máy móc bí ẩn nào đó. Họ vui vẻ vẫy tay chào chúng tôi.
Qua cơn phấn khích, chợt nhìn lại phía sau, đã thấy thêm hơn chục chiếc ca-nô nối đuôi nhau lướt sóng trên sông Neva, rẽ vào những kênh đào nhỏ. Ở đó có những chiếc cầu bé hơn, trầm lặng hơn, với những chiếc đèn đường cổ kính không được thắp sáng, nhưng ánh sáng vẫn cứ từ đâu đó hắt ra, như thể hắt ra từ mỗi người khách đi qua cầu vậy. Những lan can màu đen họa tiết cầu kỳ, dáng cầu bắc qua kênh duyên dáng nhẹ nhõm. Nền trời màu tím. Những chiếc cầu như thế này hình như dành cho những nụ hôn. Có thể, chính nơi đây, cô gái nhỏ Nastya của Dostoyevsky đã hẹn gặp chàng trai mơ mộng của những đêm trắng không thể nào quên được trong đời mình.
Cứ thế cho đến khi sáng bảnh. Những chiếc cầu từ từ đóng lại.
Cố đô Saint Petersburg trong những đêm trắng
Trở lại với bài thơ của Rozanbaum, bài thơ về những đêm trắng có dư vị đắng cay, vẫn vang lên trong tôi mỗi khi rảo bước trên những cây cầu. Đằng sau những nét hoa lệ vàng son, đằng sau những cây cầu đẹp đẽ, những tòa nhà to lớn lộng lẫy tưởng chừng chỉ có những người say men tình yêu đang sống, thì thành phố này cũng giữ trong mình những điều làm nên vị đắng của trang viết các nhà văn.
Nhà văn Nga Nikolay Nekrasov đã từng viết trong một cuốn sách của mình về Petersburg như sau: “Những tòa nhà đồ sộ kỳ diệu, nơi trước đây tôi chỉ nhìn thấy vàng son nhung lụa, những bức tượng và tranh quý, giờ tôi thấy cả những tầng thượng và tầng hầm, nơi không khí ẩm ướt và tệ hại, nơi bí bức và tăm tối… nơi có cả đói nghèo, bất hạnh và tội ác.”
Những cây cầu có hàng lan can mềm mại này không nói, nhưng biết hết những điều ấy. Vì thế mà đi trên chúng, nghe thấy những tiếng cười, và cả những tiếng thở dài…
Thụy Anh
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn