QUÁN CHÈ CHÉN

Thứ bảy - 15/11/2008 19:38

Một cái bàn con cũ kỹ, nước gỗ đã bóng lên vì thời gian. Trên đó có đủ thứ lặt vặt. Một chiếc đèn dầu nhỏ, có ngọn lửa leo lét bằng hạt đỗ, đến khi cần mới được khêu lên.

Lọ kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo bột. Cái kẹo bột dính đầy bột trắng, những mẩu tròn tròn ngắn ngủn thơm phức, nhìn đã thấy nước miếng tứa đầy trong miệng rồi. Một túm bánh giò lá chuối bóng mỡ. Túm bánh gai với vỏ lá xác xơ, nhưng hứa hẹn biết bao ngọt ngào. Một vỏ lon sữa bò xếp những cái đóm trắng xốp để châm thuốc lào. Một cái gạt tàn cáu cạnh, lổn nhổn đầu mẩu thuốc lá.

Những chiếc ghế gỗ để khách ngồi sát đất be bé, tôi nhớ ông tôi hay gọi là “đòn”, ngồi lên cứ cập kênh. Có nơi người ta làm ghế dài như ghế của học sinh, nhưng những ghế ấy không dễ chịu bằng ghế đòn.

Bao nhiêu năm đi xa Hà Nội, tôi vẫn nhớ những quán nước nhỏ xíu đơn giản như thế, có mặt khắp nơi, trên phố, bên đường quốc lộ, hay khắp những hang cùng ngõ hẻm của Thủ đô. Nhớ hơn, vì bác ruột tôi, chị gái của mẹ tôi, cũng từng mở một hàng nước vào những năm khó khăn của thời bao cấp, khi bác mới về hưu non. Người ta vẫn hay gọi những quán ấy là quán cóc, nhưng tôi lại nhớ một cái tên khác, ban đầu nghe cứ thấy buồn cười: quán chè chén! Nghĩa là, thức hàng chủ yếu, quan trọng nhất của quán là nước chè. Chè tươi, trà mạn được rót vào những chiếc chén con bé xíu xiu, chỉ đựng vừa đủ một hớp nước trong cơn khát, nhưng lại có thể chứa đựng cả mười lăm phút đồng hồ trầm ngâm nhìn đường phố của một người khách có vẻ như đang ngắm người qua lại mà mắt thì cứ ngơ ngác xa xăm, như lạc về một nơi lơ lắc… Tôi nhớ những chiếc chén gốm sứt sẹo, màu men đục, không mịn, nhưng vẫn được người nâng niu, ấp vào lòng bàn tay, đôi khi còn áp vào má để hơi nóng của nước chè bốc lên êm ái, mơn man trên mặt vào một buổi sáng mùa Đông rét buốt.

Sau khi ăn quà sáng bằng một bát phở hay bún riêu của quán gần đó, người ta không đứng dậy đi làm ngay, mà ghé vào hàng chè chén xin bà quán một chén chè. Cũng là một phút ngâm nga “câu giờ”, giữ cho mình một vài phút tĩnh tâm buổi sớm. Không tốn nhiều tiền, chỉ mất vài tờ tiền lẻ là mà lại được rất nhiều! Ngay từ thời còn bé ấy, tôi đã nghĩ, nếu không có những quán chè chén thì con người hẳn lúc nào cũng vội vã. Và không gì bắt họ dừng lại được một lúc giữa cuộc sống bận rộn hàng ngày. Bây giờ, khi trở về Hà Nội sau nhiều năm xa xứ, tôi càng thấy cái ý nghĩ tưởng chừng ngớ ngẩn trẻ con mà lại đúng thế! May sao, những quán chè chén vẫn còn! Các thức quà vặt đã khác đi nhiều, tất nhiên rồi! Những chiếc chén gốm cũ kỹ giờ được thay bằng cốc thủy tinh nhỏ. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ, cốc thủy tinh không thể áp vào má được, hơi nóng không giữ lâu và đều như chén gốm, không khiến ta cứ bâng khuâng, nấn ná mãi chẳng muốn rời ra như đang giữ trên má mình một bàn tay ấm áp của người thân vậy. Ghế đòn cũng không phải ghế gỗ nữa. Ghế nhựa thấp, không còn cập kênh mà sao tôi thấy ngồi không vững chãi bằng. Một cảm giác chênh vênh kỳ quặc đến với tôi khi nhìn dòng người xe nườm nượp đan nhau trên đường.

“Bệnh” hoài cổ luôn khiến tôi vô tình so sánh cái mới với cái cũ xưa, để rồi ngậm ngùi cảm nhận rõ bước đi dài của thời gian…

Nhưng mà, dù sao vẫn cứ còn quán chè chén, nghĩa là vẫn còn nơi cho người ta dừng lại trước mỗi buổi đi làm, trước khi tiếp tục công việc của đầu giờ chiều, hay dừng chân chờ đợi một người. Người khe khẽ trò chuyện với nhau, người lại ngồi một mình lơ đãng, người rít thuốc lào sòng sọc, nghe tiếng ống điếu kêu đã thấy đầy khoan khoái, người thì sôi nổi nói cười, chọc ghẹo bà chủ quán, ồn ào những câu chuyện vô thưởng vô phạt… Thế rồi, họ đứng dậy đi, quán lại có thêm ngay khách khác, không bao giờ vắng vẻ.

Nhớ năm xưa, sau khi thôi không bán chè chén, bác tôi làm rất nhiều nghề để nuôi ba con ăn học: đóng guốc, mở hàng xén… Thế mà tôi vẫn chỉ ấn tượng nhất hình ảnh bác ngồi sau chiếc bàn con có cái đèn dầu đo đỏ lửa kể cả ban ngày, miệng nhai trầu, dáng ngồi nhẫn nại, cứ như thể cả đời bác chỉ làm một nghề duy nhất ấy. Đúng rồi, bác tôi hình như là một trong những người phụ nữ cuối cùng của Thủ đô còn ăn trầu. Quán của bác có bán cả lá giầu không và trầu vỏ, mùi thơm cay, nồng nồng tỏa ra mỗi khi bác dùng chiếc dao bé tẹo tách cau, gọt trầu. Bác vui vẻ và chân thật, người gầy gò bé nhỏ, miệng lúc nào cũng tươi. Đôi khi tôi có cảm giác, bác có chút gì đó… ngây thơ ngơ ngác với cái tuổi không còn trẻ nữa hồi ấy. Nhiều món ăn bác không biết, nhiều nơi bác chưa đi qua, nhiều điều khiến bác thấy lạ lẫm… Thì con gái Hà Nội vừa lớn lên đã đi lấy chồng, sinh ba con trai, rồi đi làm, lo toan cho cả nhà vào những năm cả nước cùng nghèo khó, bác nào đã được đi đâu xa! Tôi rất thích được “lên phố” chơi với bác. Tôi không bao giờ quên được dáng tất bật của bác khi đón các cháu:

- Em ngồi xuống đây, để bác đi mua bát chè…

- Các anh đi đâu rồi, hả bác?

- Các người đi làm đi học cả, tối mới về…

Những người nhỏ tuổi hơn, ai bác cũng gọi là “em”, như cách xưng hô đặc trưng của một thời nào đó rất xa xôi của Hà Nội. Tôi yêu làm sao cách dùng từ của bác, là lạ mà gần gũi, nghe cứ thấy như lạc vào một quá khứ mà mình chỉ biết trong sách vở. Tôi thấy tôi được yêu thương, được chiều chuộng, được quý trọng, chỉ với một từ “em” dịu dàng ấy thôi.

Trong lòng tôi, bác còn là một trong những hình mẫu người phụ nữ Hà Nội lạc quan và nhẫn nhịn. Mãi đến khi đi học xa, đủ khôn lớn, qua thư mẹ viết, tôi mới hiểu đời bác nhiều vất vả đến thế nào, có những điều kể ra được, có những điều không thể nói hết. Không hiểu nụ cười hiền hậu của bác làm sao còn lại được sau tất cả những lo buồn khó nhọc mà bác đã trải qua? Có thể, chính cái vẻ ngây thơ ngơ ngác với đời lại khiến bác chịu đựng được những cay đắng một cách nhẹ nhõm hơn chăng?

Ngồi bán quán, tay cầm quai chiếc ấm tích có những hoa văn màu tím lấy từ cái giỏ ủ bọc một lớp bông chần, rót từng chén nước chè tươi mời khách, miệng nở một nụ cười dễ chịu, mắt thì lấp lánh ánh sáng, một thứ ánh sáng phát ra từ đâu đó trong tâm hồn. Tâm hồn ấy giản dị và tin người, vì thế mà thứ ánh sáng kia mới lôi cuốn làm sao! Quán chè chén của bác không lúc nào vắng khách. Và trong những năm tháng xa nhà của tôi, nỗi nhớ về bác trong tôi luôn gắn với nỗi nhớ về quán nhỏ, chè xanh, trà mạn, và cảm giác ấm sực lên khi áp vào má chiếc chén gốm màu vàng sậm mà ngoài kia gió bấc đã tràn về.

Thụy Anh, từ Liên bang Nga


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn