LÒNG “ÁI QUỐC”, HAY CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CỰC ĐOAN Ở NGA?

Thứ hai - 12/01/2009 10:28

“Trong lịch sử, thông thường, những thời kỳ khủng hoảng kinh tế thường khiến chủ nghĩa dân tộc lớn mạnh trên đất Nga. Giờ đây, hiểm họa của chủ nghĩa dân tộc ở Liên bang Nga sẽ còn trở nên nguy hiểm hơn, khi chỉ một số ít cư dân Nga muốn phê phán và chống lại nó!”.

Một nạn nhân mới của chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga?

Sẽ là vội vã nếu quy cái chết thương tâm mới đây của sinh viên Việt Nam Tăng Quốc Bình là hậu quả của chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang ngày một bành trướng ở mức độ đáng lo ngại tại Liên bang Nga. Tuy nhiên, nếu đặt sự kiện ấy vào tổng thể của những hành vi bạo lực, những vụ án mạng do các phần tử, các tổ nhóm tự xưng là "ái quốc", "quốc gia" của Nga thực hiện trong vòng 5 năm gần đây, có thể nhận thấy một thực tế rất rõ rệt: chủ nghĩa dân tộc - hiểu theo nghĩa tiêu cực - đang là mối đe dọa không thể bỏ qua đối với người ngoại quốc ở Nga, và thậm chí, với cả thế giới Phương Tây mà Nga ít nhiều vẫn theo xu hướng đối đầu.

Nhằm vào sắc dân "ngoại"

Trong năm 2008, đồng thời với sự bùng nổ của các nhóm theo chủ nghĩa quốc gia, những vụ án mạng xuất phát từ lý do phân biệt chủng tộc tăng mạnh ở Liên bang Nga, nơi mà đa số cư dân tỏ ra khó chịu trước sự hiện diện của những "kẻ lạ" trên xứ sở họ.
 
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, đã có 93 vụ án nhằm vào dân ngoại quốc diễn ra ở Liên bang Nga, trong đó, theo các số liệu chính thức, 54 vụ có kết cục là án mạng. Tính đến tháng 9-2008, theo con số của tổ chức dân sự Sova, có tới 75 người ngoại quốc bị thiệt mạng và 291 người bị thương trong những cuộc tấn công mang sắc thái bài ngoại. Tiêu điểm của những hành vi bạo lực này là thủ đô Moscow, nơi chỉ trong tháng 3-2008 đã có tới 24 án mạng, và thứ hai là cố đô Saint Petersburg, được coi là trung tâm truyền thống của những phần tử tân phát-xít (thành phố này cũng là nơi cách đây gần 5 năm, sinh viên Việt Nam Vũ Anh Tuấn bị sát hại, gây xôn xao dư luận Việt Nam và Nga).

Trong khi một số những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc tập trung hành động theo các tổ, nhóm, thì đa số các cuộc tấn công nhằm vào người ngoại quốc lại được tiến hành theo hình thức flash mob, rất "ngẫu hứng" và đơn giản: trên các diễn đàn Liên mạng, một vài phần tử cực đoan "hẹn hò" một thời điểm và địa điểm, sau đó, những kẻ có mặt tại đó hành hung bất cứ người ngoại quốc đầu tiên nào rơi vào tay chúng. Vì những thủ phạm đa phần không quen biết nhau và sau đó lập tức giải tán, chính quyền - nếu có muốn - cũng rất khó làm sáng tỏ vụ việc.

Những “kẻ thù” mới - cũ

Theo người đứng đầu Văn phòng Nhân quyền Moscow, thời gian qua, cái đích chủ yếu của những cuộc hành hung do giới cực đoan gây ra là những người lao động và nhập cư đến từ vùng Trung Á, trong số đó, đáng chú ý là dân Kyrgyzstan, nước Cộng hòa thân Nga nhất, lại thường xuyên trở thành nạn nhân. Sau họ, đến người dân các xứ Uzbekistan, Tajikistan và Azarbaijan. Dân vùng Caucasus, theo Hồi giáo, cũng là "tâm điểm" của sự hành hung: cùng các sắc dân Trung Á, họ bị gọi bằng cái tên khinh thị "bọn đen", ám chỉ màu tóc, màu mắt và ngoại hình khác với dân Slavic của họ.

Bên cạnh 15 triệu người nhập cư, những cộng đồng thiểu số tôn giáo hoặc sắc tộc cũng phải chịu đựng các hành vi bạo lực và xua đuổi. (Trước khi lên nhậm chức tổng thống, ông Dmitry Medvedev từng là đề tài "đàm tiếu" trên các diễn đàn của những kẻ cực đoan về xuất xứ Do Thái giả định của ông). Thậm chí, những năm gần đây, vì lý do cạnh tranh, người Hoa và người Việt cũng bị cư dân Nga coi là những "kẻ thù" mới, còn người Phi thì trước sau vẫn bị coi thường, khinh miệt vì quá khứ thuộc địa của họ.

Tại Liên bang Nga, một cái nhìn được đa số chấp nhận là người ngoại quốc "cướp việc" khỏi tay cư dân Nga. Việc chính phủ Nga cấm đoán người ngoại quốc kinh doanh tại các khu chợ (quyết định này từng gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng Việt Nam tại Liên bang Nga), cũng như mới đây, thủ tướng Vladimir Putin - viện cớ cuộc khủng hoảng tài chính - tuyên bố cắt giảm con số người nước ngoài được làm việc tại Nga, càng là lý do khiến cư dân nước này nghĩ rằng, "người lạ" là nguyên nhân của những khó khăn mà họ phải chịu.

Tâm thức đại cường Nga

Giới tinh hoa (elite) Nga, từ nhiều thế kỷ nay, vẫn thường tìm nguồn cảm hứng và những hình mẫu cho mình từ thế giới Phương Tây. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga - Georgia và khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đem tới một bước ngoặt ghê gớm trên phương diện này: hầu như chưa bao giờ, tình cảm ái quốc, chủ nghĩa dân tộc Nga lại trỗi dậy mạnh mẽ như thế trong cả những giai tầng có học nhất, những người trước nay vẫn tự coi mình là theo chủ nghĩa tự do và thân Phương Tây. Không phải ngẫu nhiên mà tờ "Newsweek" đã nhận định: trong lịch sử Nga, rất hiếm khi giới tinh hoa tinh thần của Nga lại có sự tán đồng hoàn toàn với thường dân, và hơn nữa, với chính quyền (trong trường hợp này là Văn phòng Tổng thống), về sự vĩ đại của "Nước mẹ Nga".

Thống kê của Trung tâm Levanda (Moscow) năm 2007 cho thấy 65% cư dân Nga đánh giá "căn bản là tích cực" về Hoa Kỳ. Sau khủng hoảng quân sự ở Georgia (tháng 8-2008), tỉ lệ này giảm xuống còn 7%. Tháng 7-9 năm ngoái, chỉ số ưa chuộng của thủ tướng Putin tăng 8 điểm và đạt mức 88%; con số này ở tổng thống Medvedev là 13 điểm và 83%. Theo bà Natalia Zorkaya, phân tích viên của Trung tâm Levada, những con số này cho thấy "tâm thức đại cường Nga" đang lên mạnh trong người dân Nga: sau cuộc chiến vùng Caucasus, một làn sóng phấn chấn đã tràn ngập xã hội Nga và ai nấy đều hy vọng rằng, nước Nga giờ đây đã có khả năng đứng vững trên cương vị một siêu cường.

Ông Aleksei Venediktov, TBT đài "Eho Moskvi" (Tiếng vọng Moscow) cũng nhận định rằng, tâm trạng ái quốc, chủ nghĩa dân tộc đang trào dâng ở mức độ khủng khiếp trong các thành viên elite của xã hội Nga. "Hiện tại không có một người nào ở Nga chấp nhận việc tổ quốc của họ lại tỏ ra yếu ớt, hay đóng vai trò lệ thuộc trên thế giới. Ai nấy đều muốn đất nước giàu mạnh, phú cường", ông nhận xét. Với tinh thần ấy, Đảng Cộng sản Nga còn đi xa hơn nữa, khi gọi nữ tài tử Olga Kurilenko - người thủ vai nữ trong bộ phim James Bond mới đây nhất - là "không yêu nước và phản bội những lý tưởng XHCN", "mang lại sự hổ thẹn cho người dân Slavic", chỉ vì trong phim, cô "dám" có quan hệ tình ái với điệp viên 007 người Anh!

Xu hướng dân tộc nguy hiểm

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan - được thể hiện trong những hành vi bạo lực nhằm vào các sắc dân nhập cư, các sinh viên (thậm chí cả giới ngoại giao) Á, Phi sinh sống tại Liên bang Nga, trong sự sách nhiễu của chính quyền nhằm vào người ngoại quốc, trong tâm thức bài ngoại và ác cảm với Phương Tây ngày càng gia tăng trong cư dân bản địa - có nguồn gốc từ đâu? Bản chất của nó, cũng như mối quan hệ giữa nó với quan điểm chính thức của chính quyền Nga, đã được tác giả Laure Mandeville - phóng viên đối ngoại của tờ "Le Figaro" (Pháp) - mổ xẻ trong bài phân tích "Làn sóng dân tộc chủ nghĩa tại Nga" (Russie: la vague nationaliste), đăng trong tập “Chính trị Quốc tế, 2006-2007” (Politique internationale, 2006–2007).

Phải chăng, đây là niềm tự hào của dân tộc Nga bị thương tổn, nay được chính quyền làm sống lại (như nhận định của các tổ chức nhân quyền Nga), hay trái lại, là yếu tố khiến tất cả các chính khách Nga, từng bước một, trở thành "người ái quốc" thông qua những động thái mang tính cấp tiến (kỳ thực là cực đoan) của xã hội? Như tác giả Laure Mandeville nhìn nhận, hai hiện tượng này, trong thực tế, đã củng cố lẫn nhau, trên nền một nhóm quyền lực elite - chủ yếu được tạo dựng bởi những cựu nhân viên an ninh chính trị - vẫn chưa từ bỏ sự ham mê KGB và tâm thức "nước lớn", cũng như, vẫn còn lưu giữ những ác cảm với Phương Tây và cái nhìn mang tính ác ý với những nhân vật trên chính trường quốc tế.

Sự thay đổi và gia tăng của tâm trạng dân tộc, ái quốc trong người dân Nga, cơ sở để chủ nghĩa dân tộc có đất nảy nở, có những cội rễ rất sâu xa. Trong thập niên 90 thế kỷ trước, cả một thế hệ dân Nga đã sống qua sự phấn chấn có phần ngây thơ trước những lý tưởng Phương Tây, tâm trạng này, về sau, đã chuyển sang cảm giác thất vọng và trách móc nặng nề, sau khi Phương Tây không để tâm tới sự phản đối của Nga trước việc oanh tạc Serbia và cuộc chiến Iraq. Ngoài ra, một quan niệm khác cũng rất lan truyền trong xã hội Nga, theo đó, những lời khuyên, tư vấn kinh tế của Phương Tây trong thập niên 90 chỉ nhằm mục đích làm suy yếu và tan rã Đế chế Nga.

Sau những thất bại quân sự tại Afghanistan và Chechnya, giờ đây, người Nga có thể tự hào trước thắng lợi trong cuộc chiến chớp nhoáng với Georgia. Cho dù cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng ảnh hưởng bất lợi đến thị trường Nga, nhưng Điện Kremlin hiện tại có thể bằng lòng khi thấy rốt cục, Phương Tây và Hoa Kỳ cũng bị "trừng phạt" một cách xứng đáng. "Putin đã gây dựng một thứ chủ nghĩa dân tộc nhà nước tại Liên bang Nga: ông khiến người dân hy vọng rằng nước Nga sẽ lại trở thành một đấu thủ quan trọng trên trường quốc tế", đó là ý kiến của phó giám đốc Trung tâm Công nghệ Chính trị, ông Aleksei Makarkin.

Chủ nghĩa ái quốc mới - một hình thái của chủ nghĩa dân tộc Nga - còn cuốn theo cả những nhân vật mà trước kia, họ chưa hề có những quan điểm như thế. Chẳng hạn, ông Vyacheslav Igrunov, sáng lập viên Đảng Yabloko (Quả táo, một tổ chức theo chủ nghĩa tự do) và tổ chức nhân quyền Memorial (Hồi tưởng), người từng bị tù đày trong thập niên 80 vì tội "hoạt động chống chính quyền Xô-viết": giống như nhiều đồng sự của mình, vị nhân sĩ có tư tưởng tự do và được coi là "nhân vật bất đồng chính kiến kinh điển" ấy đã tỏ ra thất vọng trước Phương Tây sau khi NATO ủng hộ "quân xâm lược Georgia" ở vùng Nam Ossetia.

Một nhà bất đồng chính kiến khác, hiện là nghị sĩ trong sắc áo Đảng Nước Nga Thống Nhất, ông Sergei Markov, thì cho rằng Phương Tây đã đánh mất sự xác tín trong mắt giới trí thức Nga khi họ ủng hộ nền độc lập của Kosovo, nhưng lại không làm điều đó với Nam Ossetia. Ông Markov cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại, mà theo ông là một thất bại của các nguyên lý thị trường tự do, cũng khiến uy tín của Phương Tây suy giảm nặng nề, và ông khẳng định: nước Nga "cần đưa những nguyên tắc riêng của chủ nghĩa dân tộc và ái quốc để đối mặt với thái độ hung hãn bài Nga của Phương Tây".

Vai trò của Ban lãnh đạo Nga

Trên một cái nền như thế, sự lan tràn của những quan điểm bài ngoại, phân biệt chủng tộc ngày càng là mối lo tại Liên bang Nga, nhưng chính quyền Nga lại chưa có đối sách và sự quan tâm cần thiết để xử lý các vụ án này. Giới bình luận chính trị Nga cho rằng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan hoành hành ở Nga có những nguyên nhân chính, là sự thiếu vắng của khái niệm khoan dung (tolerancia) trong hệ thống giáo dục; là sự lan tràn của những biểu hiện bài ngoại, cực đoan trên báo giấy và báo điện tử; và sự bất lực của chính quyền Nga. Rất nhiều khi, các hành vi bạo lực của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc chỉ bị coi là ẩu đả thông thường ngoài phố, chứ không được nhìn nhận như một biểu hiện của sự bài ngoại. Thống kê cho thấy chỉ trong chừng một phần ba số trường hợp, các thủ phạm mới phải chịu bản án thích hợp, vì vậy, chức năng "răn đe" từ những phán quyết ấy nói chung không đạt được mức độ cần thiết.

Theo quan điểm của phe đối lập, sở dĩ chính quyền Nga đã không làm gì đáng kể để giải quyết tình thế, vì đối với họ, sự gia tăng của sắc dân nhập cư cũng là một vấn đề chính trị và trong thực tế, những quan chức ở các cấp đa phần cũng "đồng cảm" với những kẻ cực đoan. Thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng ban lãnh đạo Nga đã làm rất nhiều để nuôi dưỡng và củng cố tinh thần dân tộc này. Hè năm ngoái, lãnh tụ Vladimir Putin đã hứa hẹn sẽ hỗ trợ về mặt nhà nước cho những bộ phim và chương trình TV có nội dung ái quốc. Ngoài ra, Điện Kremlin vẫn tiếp tục ủng hộ những phong trào thanh niên theo tư tưởng dân tộc (nhiều khi cực đoan), chủ yếu được hình thành sau cuộc "Cách mạng da cam" Ukraine năm 2004.

Xu hướng dân tộc trong Điện Kramlin thực ra hàm chứa những nguy cơ không thể bỏ qua. Chính quyền Nga thường nhìn nhận các sự kiện theo hướng coi đó là những hành vi bạo lực của một số tổ, nhóm cực đoan riêng rẽ. Trong khi, giới bình luận chính trị đã chỉ ra rằng, đây chính là những chiến dịch có tổ chức và có quy mô của những phần tử cực đoan ngày càng lớn mạnh tại Liên bang Nga: theo ước tính, có hơn 200 nhóm và 70 ngàn tên "đầu trọc" hoành hành ở xứ sở này, nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa là phân nửa cư dân Nga, ở một mức độ nào đó, đều có quan điểm bài ngoại hoặc phân biệt đối xử với sắc dân ngoại quốc.

Cũng không thể bỏ qua một thực tế là trong vài năm gần đây, các nhóm tân phát-xít được phép tổ chức tuần hành trên đường phố Moscow vào ngày 4-11 thường niên (ngày lễ mới, mang tên Ngày Thống nhất Dân tộc, thay thế ngày 7-11 kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười trước đây). Trong khi chỉ vài trăm người tham dự các hoạt động của những chính đảng đối lập dân chủ, thì con số những kẻ dân tộc cực đoan có mặt tại dịp tuần hành lên tới hàng chục ngàn! Thêm đó, nếu trước đây những biểu hiện dân tộc chủ nghĩa kiểu ấy chỉ hay xảy ra ở những vùng sâu, vùng xa, thì hiện tại, hoạt động này đã được chấp thuận ở ngay trung tâm các thành phố lớn, cho thấy xã hội Nga ngày càng tỏ ra "đồng cảm" với xu hướng nguy hiểm này.

Trong lịch sử, thông thường, những thời kỳ khủng hoảng kinh tế thường khiến chủ nghĩa dân tộc lớn mạnh trên đất Nga. Giờ đây, hiểm họa của chủ nghĩa dân tộc ở Liên bang Nga sẽ còn trở nên nguy hiểm hơn, khi chỉ một số ít cư dân Nga muốn phê phán và chống lại nó!

(*) Một phần bài viết đã đăng trên “Tuần Việt Nam”.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: cực đoan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn