Zoya, người nữ anh hùng quen thuộc với lớp trẻ miền Bắc một thời
Theo sử sách chính thống, Zoya sinh tại Tambov năm 1923, vào Đoàn Thanh niên Cộng sản (Komsomol) năm 1938. Trong những ngày đầu của cuộc chiến Vệ quốc chống phát-xít Đức, cô tình nguyện gia nhập du kích. Tháng 11-1941, cùng đồng đội, cô đã tiến hành những cuộc đốt phá các khu nhà mà quân Đức ở tại gần thủ đô Moscow. Ngày 27-11-1941, bị quân Đức bắt và tra tấn tàn nhẫn, cô vẫn không khai các đồng đội của mình. Ngày 29-11-1941, Zoya bị treo cổ tại quảng trường chính của làng Petrishchevo (ngoại ô Moscow).
Câu chuyện về tấm gương anh hùng của cô nữ sinh trung học Zoya đã được một tờ báo viết lại, và khiến Stalin thích thú đến mức ông truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô cho Zoya (như thế, Zoya là người phụ nữ Liên Xô đầu tiên được danh hiệu cao quý nhất dành cho một quân nhân). Về sau, hình tượng Zoya được “điển hình hóa”, được đưa vào sách giáo khoa của Liên Xô và các nước XHCN trong vùng Đông Âu; câu chuyện Zoya cũng được thêm thắt nhiều chi tiết, khiến không ít người cho rằng có một phần không nhỏ của huyền thoại Zoya là sản phẩm của bộ máy tuyên truyền Stalinist.
Trung tuần tháng 9-2008, trong một hội nghị được tổ chức nhân 85 năm ngày sinh Zoya, một giáo sư địa phương là Vladimir Dyachkov đã đề xuất việc phong thánh cho Zoya, vì cô đã sống trong sạch suốt đời, đã hy sinh anh dũng và tạo nên “phép màu” khi nhiều chàng trai, cô gái đã noi gương cô, cầm tấm ảnh cô ra trận, và Liên Xô, nhờ thế, đã chiến thắng trong cuộc chiến. Cho dù các lãnh đạo Giáo hội địa phương tỏ ra dè dặt trước “sáng kiến” này, nhưng đề xuất của giáo sư Vladimir Dyachkov đã được sự đồng tình của một nhóm ở Tambov: nhóm này muốn đề đạt trực tiếp ý nguyện của họ lên Giáo trưởng (Giáo hội Chính thống Nga) và tổng thống Dmitry Medvedev.
Đài kỷ niệm Zoya tại bến tàu điện ngầm Partizanskaya (Du kích) tại Moscow
Trong Giáo hội Chính thống Nga, một ủy ban trực thuộc Giáo phận Moscow có nhiệm vụ xem xét các vấn đề “phong thần”: theo thể lệ thì các viên chức thuộc giáo phận địa phương sẽ chuyển đề xuất và các tư liệu về người đã khuất cho ủy ban này. Ủy ban sẽ tìm hiểu kỹ càng cuộc sống trần thế - cũng như thu thập lời khai của các nhân chứng về sự nghiệp, hoặc những “phép màu” (nếu có) của “ứng viên” -, rồi đưa ra quyết định. “Phép màu” không phải là điều kiện tiên quyết của việc phong thánh: một người tử đạo có thể được phong thánh nếu trả qua những thử thách nặng nề mà vẫn giữ đức tin của mình. Trong trường hợp của Zoya, vấn đề đức tin sẽ gặp trở ngại, vì Zoya là một người cộng sản, có thể giả thiết rằng cô vô thần – các lãnh đạo tôn giáo Tambov nhấn mạnh như vậy.
Trong cuộc thăm dò dư luận do tờ “Sự thật Komsomol” (Komsomolskaya Pravda) tổ chức, đa số những người được hỏi đều đồng thanh phản đối đề xuất phong thánh cho Zoya. Tuy nhiên, điều này không khiến “nhóm Tambov” chùn bước: họ vẫn tiếp tục thực hiện cuộc vận động với hy vọng Zoya sẽ trở thành vị thánh cộng sản đầu tiên của Giáo hội Chính thống!