Vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa: CẦN MỘT NỖ LỰC TỔNG HỢP

Chủ nhật - 07/12/2008 10:07

Khoảng 50 năm qua, Trung Quốc có chừng 60 công trình nghiên cứu quy mô nhằm chứng minh Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của mình. Hiện công cuộc tuyên truyền của Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục cả trong nước lẫn quốc tế. Trong khi đó, các nghiên cứu của phía Việt Nam vừa ít hơn vừa không được công bố rộng khắp, mặc dù chúng ta có đủ bằng chứng để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo này.

HS - TS là máu thịt của Việt Nam!

Hiện tại, cả Malaysia, Philippines và Brunei cũng đều có ý muốn xác lập chủ quyền đối với ít nhất là một phần của quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, những lý lẽ họ đưa ra chủ yếu là từ khía cạnh địa lý (khoảng cách địa lý giữa Trường Sa và lãnh thổ các nước này), thay vì có bằng chứng trên bình diện lịch sử.

Theo pháp lý quốc tế, sự gần kề về địa lý không có giá trị, (trừ phi hòn đảo/ quần đảo đang xét nằm trong lãnh hải của một quốc gia; theo quy định hiện nay là 12 hải lý tính từ đất liền) (*). Không thiếu trường hợp đảo/ quần đảo nằm gần nước này nhưng lại thuộc chủ quyền nước khác, ví dụ Greenland gần Canada nhưng lại thuộc Đan Mạch.

Do đó, về căn bản, Malaysia, Philippines và Brunei không có nhiều cơ sở để sở hữu Hoàng Sa - Trường Sa (HS - TS).

Chỉ hai nước có sử liệu liên quan tới HS - TS, là Việt Nam và Trung Quốc. Vì thế, trong việc xác lập chủ quyền đối với HS - TS, Việt Nam và Trung Quốc là hai bên tham gia chính với nhiều luận cứ hơn cả, và cả hai đều dựa vào tư liệu lịch sử.

* Những bằng chứng trong sử cũ: hoàn toàn vững chắc

Căn cứ trên sử liệu, đặc biệt là cổ sử (tức những ghi chép từ khi Việt Nam độc lập - năm 1945 - trở về trước), thì HS - TS chắc chắn thuộc về Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân - người đã tìm đọc khá nhiều cổ sử Trung Quốc cũng như phần nửa trong số các tài liệu của Trung Quốc từ giữa thập kỷ 1950 đến nay - khẳng định: "Sử liệu của Việt Nam chắc chắn và liên tục hơn sử liệu Trung Quốc, mặc dù xuất hiện trễ hơn. Các học giả Trung Quốc cho rằng từ thời Đông Hán, Trung Quốc đã có những biên chép về chủ quyền đối với HS - TS. Tuy nhiên, sử liệu của họ về vấn đề này không rõ ràng và thuyết phục như của Việt Nam".

Ông Quân nói rõ hơn rằng từ đời Hán đến cuối đời Thanh, Trung Hoa có khoảng 120 tựa sách có đề cập đến HS - TS. Nhưng nói chung, những tư liệu cổ sử này là biên chép dạng "du ký" của các nhà hàng hải theo kiểu "trông thấy thì ghi lại", chứ không phải chính sử và không nhằm mục đích xác lập chủ quyền đối với HS - TS.

Trong khi đó, mặc dù sử liệu ở Việt Nam muộn hơn nhưng hầu hết các biên chép đều nằm trong các bộ sử chính thống do Quốc sử quán biên soạn, như “Đại Nam nhất thống chí”, “Đại Nam thực lục”...

Từng nghiên cứu sâu về HS - TS từ trước năm 1975, TS Sử học Nguyễn Nhã cũng cho rằng, căn cứ trên cổ sử, "chỉ Việt Nam mới có cơ sở vững chắc để khẳng định HS - TS là của mình". Chính vì thế mà, khi tranh chấp HS - TS với Trung Quốc, vào hai năm 1932 và 1947 chính quyền thực dân Pháp đã đề nghị đưa vấn đề ra một trọng tài quốc tế để phân xử mà Trung Quốc đều từ chối.

* Sau năm 1945: vẫn đủ cơ sở

So với cổ sử thì sử liệu của nước ta trong thời kỳ cận và hiện đại có một ít sơ hở bị Trung Quốc lợi dụng, chủ yếu do hoàn cảnh chiến tranh khiến sự quan tâm và việc xác lập, duy trì chủ quyền trên HS - TS gặp khó khăn.

Lý lẽ mà phía Trung Quốc thường đưa ra để xác lập chủ quyền đối với HS - TS là một công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai ngày 14-9-1958 “tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc”. 

Tuy nhiên, như những phân tích của một số nhà luật học của Việt Nam, chẳng hạn TS Luật Đại học Sorborne Từ Đặng Minh Thu, hay ông Lưu Văn Lợi - nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng ban Biên giới - thì công hàm này không có giá trị pháp lý vì nhiều lý do, trong đó có lý do hai quần đảo HS - TS thời gian đó thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn cũ (Việt Nam Cộng hòa) chứ không thuộc miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Ngoài ra, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi tuyên bố sẽ tôn trọng lãnh hải của Trung Quốc không hề có ý định nói đến chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Tóm lại, căn cứ sử liệu và những công trình nghiên cứu cá nhân của các học giả, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định HS - TS là của Việt Nam.

* Hiện nay: kém quy mô

Điều đáng nói là trong khi sử liệu của Trung Quốc yếu lý hơn sử liệu Việt Nam, thì sự chuẩn bị của họ cho việc xác lập chủ quyền đối với HS - TS lại rất quy mô, bài bản và đã bắt đầu từ lâu. Ngay từ sau khi thống nhất và ổn định đất nước (năm 1949), chính quyền Trung Quốc đã huy động các học giả tiến hành các nghiên cứu mới và hệ thống hóa sử liệu cũ với mục đích chứng minh HS - TS thuộc về Trung Quốc.

Nhiều trung tâm nghiên cứu về Biển Đông và HS - TS được thành lập. Và khoảng 60 công trình của cả cá nhân và tập thể ra đời, dày dặn, bề thế, chẳng hạn “Nam Hải chư đảo địa danh tư liệu hối biên” (Trần Sử Kiên chủ biên, 1987), “Trung Quốc Nam Đảo chư đảo địa lý - lịch sử - chủ quyền” (tập thể tác giả, Lữ Nhất Nhiên chủ biên, 1992), hay “Nam Hải chư đảo địa danh luận cảo” (Lưu Nam Uy, 1996). Nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Anh để đưa ra thế giới.

So với khối lượng đồ sộ đó, các công trình nghiên cứu của giới học giả Việt Nam vừa ít, không được phổ biến sâu rộng ngay cả trong nước, vừa là những nỗ lực cá nhân rời rạc.

Có thể kể ra một vài tác phẩm gần đây như “Cuộc tranh chấp Việt - Trung về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” (tác giả Lưu Văn Lợi, năm 1995), hay cuốn “Hoàng Sa, Trường Sa - lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế” (Nguyễn Q. Thắng, 2008). Trước đó, vào các năm 1974 và 1975 cũng có một số nghiên cứu độc lập của các học giả Việt kiều như của các ông Võ Long Tê, Trần Minh Tiết.

Trong khi nhiều công trình của phía Việt Nam được Trung Quốc tổ chức dịch để giới học giả tham khảo và phản biện (tập san “Sử Địa”, chuyên đề về HS - TS, ra đời năm 1974 thì năm 1978 có bản tiếng Trung), thì không một tác phẩm nào của phía Trung Quốc được dịch sang tiếng Việt.

Dường như các nhà nghiên cứu Việt Nam đang phải làm việc trong tình trạng đơn lẻ, thiếu hẳn sự hỗ trợ từ một cơ quan phối hợp chung, cũng như thiếu sự trao đổi, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Điều này nguy hiểm, bởi không có gì đảm bảo giữa các công trình nghiên cứu sẽ không chứa đựng những mâu thuẫn, sơ hở, gây bất lợi cho chúng ta.

Một trong số rất hiếm nhà nghiên cứu đã đọc tài liệu của phía Trung Quốc (tự tìm đọc), ông Phạm Hoàng Quân, cho biết: "Do dựa vào nguồn sử liệu không chắc chắn, các học giả Trung Quốc dễ bị mâu thuẫn, kiểu như người nói không thật lúc trước thì lúc sau dễ quên mất điều mình nói. Còn Việt Nam, với sử liệu đầy đủ căn cứ, chúng ta không được để có sơ hở, mâu thuẫn nào".

"Nhưng, cần phải hệ thống hóa lại sử liệu cho thật chặt chẽ, thống nhất, và có một cơ quan phối hợp chung để đảm bảo các công trình nghiên cứu đã (hoặc sẽ) công bố không có những lý luận đối nghịch nhau".

* Trong ngoại giao

Hiện tại, trong dư luận quốc tế, chưa quốc gia nào có tuyên bố chính thức ủng hộ Việt Nam hay Trung Quốc trong vấn đề HS - TS.

Có một sự thực là, tranh chấp biên giới, lãnh thổ, lãnh hải là chuyện thường xảy ra trong quan hệ quốc tế. Nhưng với việc nhân loại ngày càng văn minh hơn, chủ nghĩa vô chính phủ đã suy giảm, và việc tấn công quân sự ít khả năng xảy ra.

Mặc dù có ý thức xây dựng tư liệu và diễn giải lịch sử theo hướng chứng minh HS - TS của mình, Trung Quốc vẫn không tránh khỏi mắc phải nhiều sơ suất.

Ngoài ra, việc sử dụng vũ lực để chiếm hữu là trái với Hiến chương LHQ (ra đời từ năm 1945). TS Sử học Nguyễn Nhã nhấn mạnh: “Bất cứ giải pháp nào chỉ dựa vào sức mạnh quân sự cũng không có giá trị pháp lý”.

TS Luật Từ Đặng Minh Thu cũng từng viết trong một tham luận năm 1998: "Việt Nam phải thường xuyên lên tiếng phản đối và khẳng định chủ quyền đối với HS - TS. Việt Nam cũng nên công khai đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề HS - TS ra trước Tòa án Quốc tế. Nếu Trung Quốc thật tình tin tưởng rằng mình có căn bản pháp lý vững chắc để khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo này, thì Trung Quốc không có lý do gì để từ chối một giải pháp pháp lý".

Việc đưa vấn đề ra Tòa án Quốc tế không đơn giản, vì nó đòi hỏi sự đồng thuận của cả hai bên. (Tòa không chấp nhận một nước đơn phương kiện một nước khác). Dù vậy, ngay cả khi không làm được điều đó, chúng ta vẫn có thể thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm tuyên truyền, vận động thế giới công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với HS - TS.

* Tất cả đều phải tham gia

Nhìn vào những gì phía Trung Quốc đã và đang làm, có thể thấy việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo HS - TS đòi hỏi không chỉ những nỗ lực ngoại giao hay các nghiên cứu trên giấy, mà cần sự phối hợp đồng bộ các lĩnh vực. Phải có sự tham gia của các nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu (lịch sử, địa lý, thậm chí sinh học, khí tượng học), giới luật gia, truyền thông báo chí.

Tóm lại, chúng ta cần một chương trình hành động bền bỉ trong cả nước, dưới sự điều hành và điều phối thống nhất của Nhà nước.

Cuối cùng, cũng vì tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải là chuyện không hiếm gặp trong quan hệ quốc tế, nên chính phủ nào cũng cần trang bị cho nhân dân thông tin và kiến thức cơ bản về lãnh thổ, lãnh hải của nước mình, để người dân có ý thức bảo vệ Tổ quốc. Điều này sẽ tạo nên một “mặt trận” nữa bên cạnh các “mặt trận” ngoại giao hay nghiên cứu.

HS - TS đã là của Việt Nam từ trong lịch sử, và mỗi người trong chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ sự thật lịch sử đó. (**)

Mỗi người dân Việt đều phải có ý thức và trách nhiệm bảo vệ sự thật lịch sử: HS - TS là của Việt Nam!

 (*) Công ước LHQ về luật biển năm 1982 quy định các quốc gia ven biển có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải không quá 12 hải lý (1 hải lý = 1,852 km) tính từ đường cơ sở.

Đường cơ sở là đường tiếp giáp thực tế của đất và nước, hay đường thẳng nối hai điểm thuộc đất liền, được chọn khi chúng nổi lên trên mặt nước và xa bờ nhất khi mực nước thủy triều là thấp nhất.

(**) Một phần bài viết đã được đăng tải tại chuyên san “Tuần Việt Nam” của “VietNamNet”.

THAM KHẢO:

* "Ngoài các tài nguyên như phốt phát, cát trắng, hải sản, tài nguyên quan trọng nhất ở HS - TS là dầu khí. Từ năm 1972, một số công ty dầu khí phương Tây đã thăm dò và phát hiện ra vùng chung quanh HS - TS có một trữ lượng dầu cực lớn, như ở Trường Sa là tương đương hơn 100 tỷ thùng" (Học giả Nguyễn Q. Thắng)

* "Các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã xuất hiện liên tục từ đầu thời Chúa Nguyễn sang thời Tây Sơn rồi tới triều Nguyễn... Việt Nam còn có cả châu bản, hội điển chép những hành động của nhà nước chiếm hữu, thực thi chủ quyền như vẽ bản đồ, cắm mốc, dựng bia, xây miếu thờ, trồng cây, đào giếng… của thủy quân triều Nguyễn" (trích tham luận của TS Sử học Nguyễn Nhã tại Hội thảo quốc tế Việt Nam học, Hà Nội, tháng 12-2008)

* Từ điển Anh - Hán năm 1968 của Khải Minh Thư Cục, Trung Quốc, định nghĩa Hoàng Sa: "Paracel Islands, Group of islands and reefs in South China Sea, Annam, Federation of Indochina", nghĩa là "Hoàng Sa là một nhóm đảo và dải san hô ở Nam Hải Trung Hoa, An Nam, Liên bang Đông Dương" (tư liệu của học giả Phạm Hoàng Quân)

Đoan Trang


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn