XUNG ĐỘT TẠI DẢI GAZA: VÌ ĐÂU (1)

Thứ bảy - 31/01/2009 22:13

(NCTG) Chỉ ít ngày kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra, bạo lực lại bùng phát khiến mảnh đất Gaza: chưa kịp hồi sinh sau cuộc tấn công kéo dài 22 ngày của Israel, mảnh đất này đã lại bị "trả đũa", sau khi các phiến quân Palestine giết hại một binh sĩ của quân đội nước này và làm bị thương ba người khác trong vụ đánh bom ở khu vực biên giới Israel - Gaza.

Gaza, dải đất thiêng đau thương

Chiến sự đẫm máu từ cuối tháng 12-2008 lại đặt dải Gaza - cũng như đụng độ Israel - Palestine đã diễn ra từ nhiều thập niên nay - vào tiêu điểm sự chú ý của thế giới. Tuy nhiên, không phải ai cũng rành rẽ lịch sử và những nguyên nhân phức tạp của xung đột này. Dưới tinh thần: "Để bạn khỏi "quê" khi phải cất lời trong một đám đông. Sẽ có người, thay bạn, đặt những câu hỏi đơn giản nhất mà có thể bạn không dám đặt...", mạng tin điện tử [index] (Hungary) đã có loạt giải đáp bổ ích xung quanh vấn đề này. Với mục đích cung cấp thông tin ở mức phổ thông, xin giới thiệu đến độc giả!

* Dải Gaza thì có liên quan gì đến gas không?

Không, không liên quan gì đến khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, tình hình ở đó từ nhiều thập niên nay đã như thùng thuốc súng rồi.

* Tại sao lại gọi đó là Gaza?

Người ta gọi theo thành phố chính Gaza (tiếng Ả Rập nghĩa là "có gai"). Nó có diện tích 360m2, nằm giữa Israel và Ai Cập, bên bờ phía Đông của Địa Trung Hải. Tại một vùng đất nhỏ hẹp như vậy mà có tới 1,4 triệu người sinh sống (nghĩa là Gaza có mật độ dân số lớn vào bậc nhất trên thế giới). Hiện tại, Gaza và Cisjordan (tiếng Anh là West Bank, Bờ Tây) cấu thành các vùng lãnh thổ của Chính quyền Palestine.

* Tại sao vậy? Chính quyền Palestine là một nước?

Hãy gọi là một khu tự trị thì đúng hơn, đây là bước đầu trên con đường thành lập một nhà nước sau này. Nó có 4 triệu dân, nhưng gồm hai khu vực tách rời nhau. Chính quyền Palestine có hệ thống hành chính và chính phủ riêng, được 103 nước thừa nhận, có đại diện tại Liên Hiệp Quốc, nhưng vẫn không được coi là độc lập.

* Vì sao Gaza không độc lập?

Vì biên giới của nó bị Israel cũng như Ai Cập kiểm soát. Hệ thống nước, điện và viễn thông cũng nằm trong tay Israel. Trong những năm qua, khu vực này thường xuyên bị cấm vận và phong tỏa về kinh tế, việc xuất nhập cảnh của cư dân bị cấm đoán hoặc hạn chế. Tỉ lệ thất nghiệp rất cao, già nửa cư dân sống dưới mức nghèo khổ, nhiều khi họ mất điện, thiếu nước và thực phẩm. Đất nước chủ yếu sống bằng viện trợ quốc tế. Có thể coi Gaza như một trại tế bần xã hội khổng lồ, một trại tập trung với những khu nhà bằng đá, bởi hiện tại người Palestine bị xua đuổi từ những nơi khác về đây sinh sống.

* Thế tại sao Isarael lại tấn công một nơi mà cư dân đang phải sống thảm hại bằng viện trợ nhân đạo như vậy?

Ngày 27-12 năm ngoái, Israel bắt đầu tấn công Gaza vì từ nhiều năm nay, Israel đã phải chịu nhiều cuộc khủng bố bằng hỏa tiễn từ khu vực Gaza. Ngày 19-12-2008, lực lượng Hamas hiện đang làm chủ Gaza đã không gia hạn lệnh ngừng chiến kéo dài nửa năm. Trong thời gian ngừng chiến, người ta cũng ghi nhận được 239 cuộc tấn công bằng tên lửa, 185 cuộc tấn công bằng lựa đạn sang lãnh thổ Israel; chỉ nội trong ngày 14-12, có tới 24 phát hỏa tiễn được bắn sang Israel từ khu vực Gaza và Israel cũng đã trả đũa. Giờ đây, Israel muốn chấm dứt những cuộc tấn công mà họ phải chịu, nến thoạt tiên họ đã không kích và sau đó, đã đưa cả các lực lượng bộ binh vào Gaza.

* Bên nào thiệt mạng nhiều hơn?

Bên phía Israel có 14 người (trong đó có 10 binh sĩ và 1 người Beduin) thiệt mạng trong các cuộc tấn công tên lửa của Hamas, khởi đầu từ tháng 12-2008. Còn tại Gaza, tính sơ sơ, có chừng 1.200 người chết, ít nhất 2.000 người bị thương dưới các cuộc tấn công của Israel, nhưng con số chính thức thì không ai rõ.

* Vậy thì đây là một trận chiến không cân sức...

Đúng vậy. Một đạo quân được trang bị và huấn luyện tốt vào bậc nhất thế giới, với một lực lượng không quân hùng mạnh, đang đương đầu với Hamas, một tổ chức khủng bố chỉ có vũ khí cầm tay và tên lửa tầm gần, thiếu chính xác, nhưng được sự ủng hộ của Iran và Syria từ nhiều năm nay. Đây là cuộc chiến giữa David và Golat, nhưng trong câu chuyện này, cả David và Goliat đều "dính bùn".

* Thôi được, nhưng vẫn có sự khác nhau giữa họ chứ? Hamas bắn tên lửa loại nhỏ, và Israel đáp trả bằng những đợt oanh kích của máy bay F-16!

À, kể ra cũng không nên hình dung tên lửa của Hamas như những tràng pháo tết! Có lẽ bạn sẽ nhìn tình thế theo cái nhìn khác nếu hàng ngày bạn ra đường và không biết lúc nào sẽ phải chịu một trái tên lửa, rồi xe cứu thương kêu rầm rĩ. Cũng khủng khiếp như thế khi Israel oanh tạc Gaza và trong những nhà thương khốn cùng của Palestine, các bác sĩ cắt chân, tay hoặc gửi xuống nhà xác hàng loạt nạn nhân không thể cứu nổi.

* Nhưng tôi thấy TV chiếu cảnh ba cháu thiếu nhi Palestine thiệt mạng. Họ có lỗi gì trong chuyện này?

Các cháu chẳng có lỗi gì. Không quân Israel tấn công những nơi ẩn náu của tổ chức khủng bố Hamas, nằm rải rác trong các khu cư dân chi chít tại Gaza. Có thể nói rằng Hamas đã dùng cư dân như những tấm mộc sống. Ở Gaza không có hầm trú ẩn như ở Israel và như thế, con số nạn nhân là dân thường nhiều hơn rất nhiều. Trước các đợt không kích, Israel rải truyền hơn xuống vùng Gaza, thông báo rằng họ sẽ oanh tạc và kêu gọi cư dân Gaza hãy tiết lộ những nơi mà Hamas trú ẩn.

* Tôi nghĩ rằng chắc không mấy ai gọi điện tới Đại bản doanh quân đội Israel: "Xin thưa, ở tầng 2 khu nhà tôi sống có những kẻ khả nghi đang hò hét, đề nghị quý vị ném bom nhà số 17..."

Tất nhiên là không rồi. Đồng thời, theo các nhà phân tích, trong cuộc chiến không cân sức này, trẻ em bị thiệt mạng cũng là vũ khí. Hamas không có lực lượng phòng không và các chiến xa. Bù lại, họ có những tấm ảnh về cái chết thảm thương của nhiều trẻ em, để rồi cố gắng chuyển đến báo chí quốc tế càng nhanh càng tốt...

* Nhưng ở đây, dân Palastine vẫn là nạn nhân, phải thế không?

Nói thế này thì đúng hơn: cư dân là nạn nhân ở cả hai bên, và từ nhiều thập niên nay tình trạng này không có giải pháp chính trị nào khả dĩ. Cần nói thêm rằng dùng tên lửa để khiêu khích một cường quốc quân sự trên thế giới, dùng chiến tranh để "hưởng ứng" cuộc bầu cử sắp tới đây của Israel, thực ra không phải là một hành động khôn ngoan.

* Ai có lỗi ở đây?

Từ nhiều thập niên nay, không ai đưa ra được chân lý trong vụ này. Tôi cũng vậy...

H.Linh dịch, theo [index] – Còn tiếp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn