TĂNG GIÁ ĐIỆN: GẤP GÁP VÀ KHÔNG RÕ RÀNG

Thứ năm - 19/02/2009 00:55

(NCTG) Theo quyết định 21 của Thủ tướng, từ ngày 1-3 tới đây, giá điện bình quân tăng 8,92%. Một số phân tích cho thấy việc tăng giá điện là tất yếu và có thể chấp nhận. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thành công của chính sách này không xóa sạch hiệu quả của các chính sách khác.

EVN, từng chịu nhiều tai tiếng vì việc "bỏ của chạy lấy người" khi trả lại 13 dự án cho Nhà nước, trong khi được hưởng sự độc quyền trong điện lực và trong việc... không thực hiện bổn phận cung cấp điện cho người dân...

Lý do chủ yếu của việc tăng giá điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải thích là để thu hút đầu tư, trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng nhanh mà giá điện thì tăng chậm.

Trong một phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR), TS Nguyễn Đức Thành cũng chỉ ra rằng: Từ năm 1994 đến nay, giá điện bình quân tăng về danh nghĩa từ khoảng 500đ/kWh lên đến khoảng 950đ/kWh, tức là gần gấp đôi. Trong khi đó, mức tăng giá tiêu dùng trong cùng giai đoạn đã tăng khoảng 2,7 lần. Kết quả là giá điện có vẻ rẻ đi tương đối so với mặt bằng giá tiêu dùng nói chung. “Đây dường như là lý do để ngành điện lấy làm cơ sở cho nhu cầu tăng giá”.

Nhiều người từng đặt câu hỏi:

• Tại sao các ngành khác, càng tiêu thụ nhiều thì càng rẻ vì được hưởng chính sách ưu đãi, giảm giá; còn điện thì càng dùng nhiều càng bị phạt, trong khi chúng ta đang cố gắng vận hành theo cơ chế thị trường?

• Tại sao tăng giá điện? Phải chăng chỉ xuất phát từ chủ trương của EVN muốn độc quyền? Cứ thử cho cạnh tranh như ngành bưu điện xem giá có rẻ đi không và phục vụ có tốt không.

Theo các chuyên gia kinh tế năng lượng, vì nguồn năng lượng để sản xuất điện chủ yếu cho đến nay là năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí…), nên càng dùng nhiều thì nguồn tài nguyên càng bị mất đi.

Chính vì vậy, riêng đối với lĩnh vực năng lượng, việc tiêu dùng không được khuyến khích. Chỉ khi nào điện được sản xuất phần lớn bởi năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời chẳng hạn), mới có thể có khuyến khích sử dụng nhiều.

Ngoài ra, theo nhà kinh tế Đinh Tuấn Minh, “tài nguyên đất nước không phải là chỉ cho thế hệ này dùng mà còn phải có dự trữ cho các thế hệ sau dùng. Nếu hiện tại ta khai thác cạn kiệt thì tương lai ta sẽ phải trả giá. Đây là điều khiến ngành điện khác với ngành viễn thông”.

Như vậy, từ các phân tích trên, có thể thấy rằng tăng giá điện là điều tất yếu. Tuy nhiên, cũng không thể vì thế mà ngành điện có thể kêu gọi người dân “chấp nhận tăng giá đi thôi!” Bởi lẽ…

* … Thời điểm tăng giá đã hợp lý chưa?

Việc tăng giá điện (bắt đầu từ ngày 1-3-2009) diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang trì trệ và cần được kích thích, Chính phủ đang nỗ lực kích cầu. Chính vì thế, nó tạo cảm giác như một hành động không đồng bộ, thậm chí là đi ngược lại các chính sách hiện nay.

Theo tính toán của CEPR, do điện tăng giá, khu vực sản xuất (các doanh nghiệp) và khu vực hộ gia đình sẽ phải chi thêm tổng cộng khoảng 4.800 tỷ đồng/năm chi phí sử dụng điện. Đây chính là khoản tiêu dùng bị cắt đi. Do vậy, trên lý thuyết, chính sách kích cầu của Chính phủ đã bị vô hiệu hóa bởi chính sách tăng giá điện.

Đó là chưa kể tăng giá điện còn làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp - trừ phi lộ trình đủ dài để các doanh nghiệp có giải pháp dự trữ, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Do chi phí tăng, việc sản xuất của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn, góp thêm vào sự trì trệ của nền kinh tế.

Theo ước tính của Bộ Công thương, các ngành sản xuất có thể sẽ phải trả thêm khoảng 2.400-2.700 tỷ đồng tiền điện. Ngành sản xuất công nghiệp 3 ca với chi phí tiền điện cao, chiếm 40-50% giá thành sản xuất như cấp nước, điện phân, giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 3-4%. Ngành cán thép, xi măng giá thành ước sẽ tăng khoảng 0,4- 0,5%, từ 6000đ- 8000đ/tấn sản phẩm.

* Vẫn chưa hiểu cách làm của EVN!

Cho đến giờ phút này, EVN vẫn chưa đưa ra biểu giá mới, công bố chi tiết giá điện sản xuất, điện sinh hoạt là bao nhiêu, các mức như thế nào, v.v...

Thêm vào đó, dĩ nhiên là cũng không có cách nào để người tiêu dùng (gồm cả doanh nghiệp và các hộ gia đình) xác định được là giá điện mới có hợp lý hay không. Vì các số liệu về mức cải thiện năng suất, mức đầu tư, lãi, lỗ thực sự của ngành điện trong suốt thời gian qua đều không được công khai, cho nên mọi kết luận đều là phỏng đoán.

Ở nhiều nước, tăng giá phải theo một lộ trình được thông báo rộng rãi và kéo dài tới hàng tháng.

Với việc chỉ còn không đầy hai tuần nữa, giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,92%, trong khi toàn giới doanh nghiệp vẫn có tâm lý tin tưởng Chính phủ đang theo đuổi chính sách kích cầu, có thể e ngại rằng các doanh nghiệp của chúng ta chưa kịp chuẩn bị gì cả. Chưa kể, các mặt hàng thiết yếu nếu tăng giá đột ngột gần như luôn luôn gây hiệu ứng tăng giá đồng loạt trên toàn thị trường. (Điều này chỉ có thể tránh được nếu có lộ trình rõ ràng, dài hạn để giảm tính “đột ngột” xuống).

Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Công thương từng có văn bản đề nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng giá.

Việc tăng giá điện được báo trước chỉ hai tuần và không kèm theo những giải thích rõ ràng, hợp lý nào rất có thể gây tâm lý hoang mang cho thị trường và càng làm nền kinh tế lao đao. Chẳng lẽ EVN đang ở thế kẹt tới mức bắt buộc phải tăng giá gấp gáp như vậy?

Trong khi đó, đây không phải lần đầu tiên EVN được khuyến cáo về việc công khai cơ cấu tính giá điện và lộ trình tăng giá, đi kèm với đề án cải cách cơ cấu ngành điện.

Đoan Trang, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn