KHI NGHỆ THUẬT QUA MẶT VÀ NHẠO BÁNG CHÍNH TRỊ

Thứ bảy - 31/01/2009 21:35

Chính phủ Cộng hòa Czech đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi tất cả những ai bị phật ý bởi quần thể kiến trúc sắp đặt do nước này chủ trì, mới khánh thành hôm 12-1 tại tòa nhà trung tâm của EU ở Bruxelles. Trong cuộc họp báo ở thủ đô Vương quốc Bỉ, phó thủ tướng Czech Alexander Vondra cũng cho biết: điêu khắc gia Czech David Cerny, người đã đánh lừa và nhạo báng cả Châu Âu, sẽ phải chịu một hình phạt.

David Cerny cạnh một tác phẩm đầy bê bối trước đây

* TẤT CẢ CHỈ LÀ MỘT TRÒ LỪA!

Trên cương vị chủ tịch luân phiên của EU, Cộng hòa Czech đã đặt hàng một tác phẩm tạo hình - mang tên "Entropa", với ngụ ý mỉa mai những định kiến của thế giới đối với EU -, dự tính với sự tham gia của 27 điêu khắc gia của 27 quốc gia thành viên EU: mỗi người cần mô tả tổ quốc mình một cách hình tượng.

Được nhận "bầu chủ" cho dự án trị giá 50 ngàn Euro này là điêu khắc gia Czech David Cerny, một bậc thày của nghệ thuật đương đại Czech, tác giả nhiều tác phẩm đầy bê bối và gây tranh cãi trong những năm qua. Trong số đó, được nhắc tới nhiều nhất là quần thể tượng (hoạt động như một đài phun nước) đặt trên đảo Kampa ở thủ đô Praha: trên nền một cái hồ hình Cộng hòa Czech, ông tạc hai người đàn ông đứng và... tiểu tiện xuống hình đất nước. Một tác phẩm khác cũng bị nhiều lời ra tiếng vào là tượng Thánh Venceslas - vị thánh bảo hộ của Czech - trên một chú ngựa chết, được đặt tại Cung điện Lucerna ở trung tâm thủ đô Praha. Bức tượng này là phiên bản châm biếm của pho tượng người kỵ sĩ nổi tiếng đặt ở quảng trường Venceslas – đáng nói là trong vài tuần, tác phẩm của Cerny đã được "ngự" tại phía bên kia của quảng trường, đối diện với bản "gốc".

Hình ảnh đất nước bị... "lăng nhục"

Trong dịp này, David Cerny cũng không chịu “thúc thủ” và tiếp tục tiến hành những ý tưởng nghệ thuật hết sức táo bạo và gây sốc của ông. Thay vì tìm kiếm và liên hệ với 27 điêu khắc gia trên toàn Châu Âu, ông chỉ tập hợp một vài trợ lý người Tiệp và thực hiện tác phẩm theo ý của mình. Tuy nhiên, khi hoàn thành, Cerny đã đặt ra những cái tên giả mạo, như thể họ là các đồng tác giả thực sự của tác phẩm.

Có điều, bê bối lớn hơn cả nằm ở chỗ, đại đa số các quốc gia của EU đã bị Cerny khắc họa một cách đầy mâu thuẫn và hết sức khiêu khích!

* SLOVAKIA VÀ BULGARIA CĂM PHẪN

Chẳng hạn, Bulgaria được thể hiện như... một hệ hố xí bệt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ (ngụ ý nước này từng bị Thổ xâm chiếm trong vòng 5 thế kỷ), còn Slovakia thì là một khúc lạp xường, được quấn quanh bởi những dải có 3 màu quốc kỳ Hungary (ám chỉ mối quan hệ ngoại giao căng thẳng gần đây giữa Hungary và Slovakia trong vấn đề dân tộc - bởi lẽ, một phần diện tích đáng kể của Slovkia trước kia đã từng thuộc Hungary).

Tác phẩm "bên xấu" Bulgaria

Nhiều quốc gia khác cũng không thoát khỏi cái nhìn mỉa mai của nhà nghệ sĩ 41 tuổi này. Cộng hòa Pháp được mô tả như một đất nước đặc trưng bởi những cuộc tổng đình công, Romania là một tòa lâu đài của ác quỷ Dracula, còn Hà Lan - "vùng đất thấp" – thì bị chìm trong nước biển, chỉ lô nhô những tháp nhà thờ Hồi giáo. Hungary được thể hiện như một trái dưa hấu khổng lồ, và Vương quốc Anh - một thứ "năng lượng ẩn" - thì không được đưa vào quần thể (có lẽ vì xứ sở này quá thờ ơ trước EU).

Trước mắt, đã có hai nước Bulgaria và Slovakia chính thức lên tiếng phản ứng trước sự thể hiện nghệ thuật mang tính “bôi nhọ” này. Ngày 15-1, ngoại trưởng Slovakia, ông Kubis, thông báo cho thứ trưởng Ngoại giao Czech Alexander Vondra rằng Bratislava sẽ xem xét nghiêm túc đề tài này và chờ sự phản ứng của các quốc gia thành viên EU khác, sau đó họ sẽ quyết định. Trước đó 2 ngày, thông qua đại sứ Czech tại Sofia, Bulgaria cũng đã gửi công hàm phản đối Praha vì sự khắc họa mà họ coi là "quá lố" và đầy tính xúc phạm của David Cerny.

Để trả lời, thứ trưởng Ngoại giao Czech cho hay: nếu phía Bulgaria và Slovakia vẫn tiếp tục duy trì lời "phàn nàn" này, Czech sẽ cho hạ phần biểu tượng của hai đất nước.

* NHÂN DANH "QUYỀN TỰ DO SÁNG TẠO"

Khi bê bối bùng nổ, trong một tuyên bố đưa ra tối 13-1, David Cerny đã lập tức xin lỗi chính phủ Czech và cho biết, ông sẵn sàng hoàn trả khoản tiền 50 ngàn Euro. Người nghệ sĩ này cho hay: "Chúng tôi đã không thông báo cho họ [thủ tướng Mirek Topolánek, thứ trưởng Ngoại giao Alexander Vondra, ngoại trưởng Karel Schwarzenberg và các cơ quan hữu quan Czech] về sự thực của những gì đã diễn ra và như thế, chúng tôi đã đánh lừa họ. Chúng tôi có tính đến chuyện sự thực sẽ được phơi bày, nhưng trước đó chúng tôi muốn thử xác định xem, Châu Âu có khả năng tự trào hay không?"

Hình tượng Slovakia (và Hungary), dưới con mắt Cerny

Trước đó, Cerny đã cho biết: thoạt tiên, sự thực ông đã muốn cùng làm việc với 27 nghệ sĩ thuộc 27 quốc gia EU, nhưng rồi vì vô số những lý do này khác nên ông đã không thể đạt thỏa thuận với từng người. Bởi vậy, ông phải đặt ra những tên giả, điều mà theo phát biểu của ông trong lễ ra mắt chính thức của tác phẩm tại Bruxelles ngày 15-1, "là một trong những chiến lược của nghệ thuật đương đại". Cerny còn khẳng định: "Phép khoa trương trào lộng và sự bí ẩn là một trong những thương hiệu của nền văn hóa Czech".

Đáng nói là thứ trưởng Ngoại giao Czech Vondra - người bị đặt vào tình thế rất khó xử vì chính ông đã cắt băng khánh thành quần thể tượng tại Bruxelles và vì vậy, ông đã phải thay mặt Cộng hòa Czech nói lời xin lỗi - vẫn có ý kiến bênh vực người nghệ sĩ. Theo vị chính khách, “Entropa” là một tác phẩm nghệ thuật và người nghệ sĩ có quyền tự do sáng tạo bất khả xâm phạm. Với những nước đã có phản ứng, ông Vondra cho biết Cộng hòa Czech tôn trọng các quyết định đó và nếu được yêu cầu, họ sẽ cho hạ những mô hình đã gây bê bối. Tuy nhiên, "Entropa là một tác phẩm nghệ thuật, không hơn không kém!", ông Vondra nhấn mạnh.

"... một tác phẩm nghệ thuật, không hơn không kém" (!?) - Romania với sự khắc họa ma quỷ của Cerny

Ngoài ra, Praha còn đổ thêm dầu vào lửa khi ra tuyên bố: sau khi hiện diện tại đại sảnh tòa nhà chính của EU (nơi diễn ra các phiên họp của bộ trưởng và giới chuyên gia các nước EU), "Entropa" sẽ được trưng bày tại tòa nhà mới của Nhà hát Quốc gia Czech để cư dân Czech và giới du khách có điều kiện chiêm ngưỡng. Vài tờ báo đã cho rằng đây là "mẹo" mới nhất nhằm thu hút khách nước ngoài tới thủ đô Praha.

Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn được đặt ra là: nếu ngoài Bulgaria và Slovakia, các quốc gia thành viên khác của EU cũng không đồng tình với việc đất nước họ được thể hiện theo cách của Cerny, thì quần thể kiến trúc kia còn lại những gì? Và rộng hơn thế nữa, đâu là giới hạn của quyền tự do sáng tạo, nhất là trong những trường hợp nhạy cảm chính trị như thế này (hoặc, như trong một ví dụ điển hình gần đây, khi báo chí Đan Mạch đăng tải các bức vẽ biếm họa đấng tiên tri Mohammed khiến một cuộc khủng hoảng chính trị đã xảy ra giữa Copenhagen với các nước Hồi giáo)?

(*) Bài viết đã được đăng trên chuyên trang "Tuần Việt Nam" của "VietNamNet".

Nhật Minh, theo [index]


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn