Đại diện các quốc gia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nabucco lần thứ hai
Được biết, có 20 đoàn đại biểu tham dự kỳ hội nghị lần này, trong đó các quốc gia sẽ tham gia dự án Nabucco – gồm Áo, Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và CHLB Đức - được đại diện ở cấp thủ tướng, phó thủ tướng, hoặc bộ trưởng các Bộ Năng lượng, Kinh tế. Ông Mirek Topolánek, thủ tướng Cộng hòa Czech, Chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Châu Âu, cũng có mặt tại hội nghị, cùng người phụ trách Năng lượng của EU. Ngoài ra, toàn bộ ban lãnh đạo dự án Nabucco, cũng như các chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu cũng hiện diện trong các cuộc thảo luận.
Hội nghị lần này đặt ra và hy vọng tìm thấy câu trả lời cho những vấn đề căn bản đến việc thực hiện dự án Nabucco, như những nước nào sẽ tham gia cung cấp khí đốt. Đây là câu hỏi được coi là quan trọng nhất, theo bình luận của Hãng Thông tấn Nga Ria Novosty. Bởi lẽ, cho dù ngày càng nhiều chính khách Châu Âu cho rằng đường ống Nabucco sẽ trở thành hiện thực (vào khoảng năm 2015), nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ.
Thoạt đầu, Iran - nước đứng thứ nhì thế giới về trữ lượng khí đốt - đã được coi là một trong những quốc gia cung cấp khí đốt khả dĩ - nhưng nước cộng hòa Hồi giáo này, vì những lý do chính trị (chủ yếu là những ngại ngần và phản đối của Hoa Kỳ), cuối cùng đã bị loại. Hai quốc gia Uzbekistan và Kazahstan cũng ngày càng được ít nhắc tới, như vậy còn lại Azerbajan và Turkmenistan.
Phát biểu trước khi hội nghị khai mạc, thủ tướng Hungary Gyurcsány Ferenc, người đã có thời kỳ tỏ ra muốn
"leo dây" giữa hai người không lồ Nabucco và Hải lưu Xanh (Nga), cho biết ông chờ đợi ở hội nghị không chỉ những tuyên bố mang tính nguyên tắc, và còn cả những thỏa thuận tài chính cụ thể. Điều quan trọng nhất, theo thủ tướng Hung, là EU phải góp vốn đầu tư, chứ không chỉ nguồn tín dụng và ban đầu, ông cho rằng vài trăm triệu Euro cũng đủ. Theo những thỏa thuận sơ bộ, thủ tướng Hung hy vọng các phái đoàn sẽ thông qua một tuyên bố chính trị đã được bàn thảo.
Phát ngôn viên chính phủ Hungary Budai Bernadett thì cho rằng, ưu tiên hàng đầu của chính sách năng lượng Hungary và Châu Âu phải là nâng cao sự an toàn trong cung ứng năng lượng, giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng một chiều (chủ yếu là từ phía Nga) và đảm bảo những nguồn năng lượng khác để có khả năng lựa chọn. Nỗ lực này càng có ý nghĩa, nhất là trong khung cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt mới đây giữa Nga và Ukraine cùng các nước có liên quan.
Tuy nhiên, kết quả của hội nghị dường như đã không được như ý của Ban lãnh đạo Hungary, mặc dù đây là lần đầu tiên, đề án Nabucco đã có "nhúc nhích" theo hướng thực tế, theo nhận định của ông Vladimir Socor, chuyên gia về vùng Trung Âu. Trong số mới nhất của "Eurasia Daily Monitor", ông Socor nhấn mạnh: dầu sao đi nữa, tại Hội nghị ở Budapest, đã định hình một số khuôn khổ về pháp lý và điều tiết để kết thúc các cuộc đàm phán liên quan đến việc xây dựng hệ thống khí đốt này.