Ngoài đại diện của 27 thành viên Liên hiệp Châu Âu, Chương trình Đối tác Phương Đông còn có sự hiện diện của 6 quốc gia phía Đông của EU. Trong số đó, Armenia, Azerbaijan, Georgia và Ukraine được đại diện ở mức cao nhất, còn phái đoàn Belorussia và Moldova do các phó thủ tướng dẫn đầu.
Ngăn chặn sự “lấn sân” của Nga trong khu vực
Đối tác Phương Đông là đề xướng chung của Thụy Điển – Czech, khởi đầu vào mùa xuân 2008 và theo các chuyên gia chính trị, quá trình này đã được thúc đẩy bởi sự hình thành của Liên minh vùng Xích đạo của các nước Nam Âu, cũng như xung đột Nga – Georgia.
Thông qua chương trình Đối tác Phương Đông lần này, EU muốn đề xướng và đặt mục tiêu phát triển các mối quan hệ song phương với các quốc gia kể trên, như ký kết các hiệp định thành lập các khối mới, thiết lập các khu vực tự do kinh doanh, đơn giản hóa vấn đề thị thực và củng cố những lĩnh vực liên quan đến an toàn năng lượng. Được biết, EU sẽ giúp đỡ các đối tác Phương Đông trong việc nâng cao các định chế của họ, ngoài ra, từ nay đến năm 2013, sẽ ủng hộ 600 triệu EURO cho những phát triển kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, mục đích chính của Đối tác Phương Đông, theo diễn đạt của phó thủ tướng Cộng hòa Czech Alexandr Vondra trong phát biểu với hãng Reuters, là để EU ngăn chặn sự hình thành của một khoảng chân không trong khu vực, ở nơi mà Liên bang Nga cũng có những lợi ích lớn. Mà trong số những lợi ích đó, thì lợi ích trong vấn đề năng lượng – vũ khí mới của sự bá quyền Nga, luôn là nỗi ám ảnh đối với các nước láng giềng và Liên hiệp Châu Âu.
Hợp tác dài hạn và trách nhiệm trong vấn đề năng lượng
Như thế, Đối tác Phương Đông được kỳ vọng là sẽ mang lại những giải pháp khả dĩ trong vấn đề an toàn năng lượng, đảo bảo cho Châu Âu những nguồn năng lượng độc lập đối với Liên bang Nga.
Như lời tân thủ tướng Hungary Bajnai Gordon, sự hợp tác đối tác Phương Đông có thể là cú hích cho đề án Nabucco, lâu này vốn bị chỉ trích là chỉ tồn tại trên giấy tờ, và gặp rất nhiều khó khăn trong sự cạnh tranh với các đề án khí đốt khác của Nga, như Hải lưu Phía Nam.
Hungary là một điển hình trong khu vực Đông Âu, tâm điểm về địa chính trị của các mối quan hệ Đông – Tây, đồng thời cũng là nơi trung chuyển về năng lượng giữa Nga và các nước Liên hiệp Châu Âu. Đối với nước này, Nabucco là đề án năng lượng chiến lược quan trọng nhất để tạo ra một “hành lang năng lượng” phía Nam, đảm bảo những nguồn năng lượng đầy đủ và không phụ thuộc Nga cho Đông và Tây Âu.
Do đó, thủ tướng Hungary hy vọng rằng, những quốc gia thuộc “Đối tác Phương Đông” – như Ukraine, Moldova, Belorussia và các nước vùng Caucasus - cũng đồng thời là đối tác của Hungary và các nước Châu Âu trong đề án Nabucco, và vì thế, sự hiện diện của họ sẽ củng cố nỗ lực hợp tác dài hạn, có trách nhiệm trong vấn đề năng lượng.
Đề án Nabucco: vô vàn nan đề!
Vì những lý do trên, có thể coi Đối tác Phương Đông là một nội dung rất quan trọng trong tổng thể của kỳ Hội nghị tiểu thượng đỉnh lần này, mà tâm điểm vẫn là vấn đề năng lượng và đề án Nabucco.
Nó là sự tiếp nối của Hội nghị Thượng đỉnh Nabucco tại Budapest vào cuối tháng 1-2009, khi ông Mirek Topolánek, tổng thống Cộng hòa Czech, chủ tịch luân phiên của EU cho rằng, các vấn đề tồn đọng tại Budapest sẽ phải được bàn bạc và thảo luận vào đầu tháng Năm tại Praha.
Và hơn nữa, Hội nghị lần này cũng phải trả lời cho một số câu hỏi chưa được giải đáp tại kỳ Hội nghị Thượng đỉnh về khí đốt cách đây 2 tuần tại Sofia, Bulgaria.
Những vấn đề khiến các quan chức Bruxelles và các đối tác của đề án Nabucco phải đau đầu vẫn còn nhiều!
Chẳng hạn, về nguồn khí đốt cho Nabucco, một đối tác rất quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ luôn đặt ra những điều kiện khó xử cho EU, như họ muốn “chế ngự” một tỉ lệ lớn khí đốt và đòi phải được gia nhập Liên hiệp Châu Âu, nếu EU muốn họ tham gia Nabucco. Đấy là còn chưa nói đến việc gần đây, viễn dẫn những khó khăn riêng, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị EU cho họ “thời gian suy nghĩ”, và động thái này khiến Nabucco lâm vào cảnh chậm trễ đáng kể.
Trong trường hợp không thể tính đến nguồn khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ, thì mua trực tiếp từ Iran còn hữu hiệu hơn về mặt kinh tế, nhưng đây là giải pháp không được chấp nhận về chính trị.
Các nước Trung Á có vị trí hàng đầu trong việc cung cấp khí đốt cho Nabucco như Azerbaijan sẵn sàng vận chuyển khí đốt, còn Turkmenistan sẵn sàng bán khí đốt cho Châu Âu, nhưng hiện tại họ tuyên bố đã bán hết cho Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Nga Gazprom và tính về dài hạn thì Trung Quốc sẽ là đối tác chính của họ, nên không còn gì cho Nabucco được.
Trong khi đó, các đề án khí đốt cạnh tranh của Nga như Hải lưu phía Bắc và Hải lưu phía Nam đã được hoàn tất về kỹ thuật và chỉ chờ thực hiện mà không gặp phải bất cứ khó khăn gì, theo như tuyên bố của ông Dmitry Peskov, phụ trách Báo chí của thủ tướng Nga Vladimir Putin.
Điều được coi là “hiểm họa” mới nhất đối với Nabucco, là người Nga có thể lọt vào “sân sau” của đề án này, khi các tập đoàn năng lượng thân Điện Kremlin đã mua được một phần đáng kể các cổ phiếu của hai hãng năng lượng tham gia Nabucco là OMV (Áo) và Mol (Hungary). Phía Hungary cho rằng nếu Nga “lấn sân” được ngay trong Ban lãnh đạo Nabucco, thì đó là dấu chấm hết cho những toan tính tìm một giải pháp khí đốt độc lập cho Liên hiệp Châu Âu!
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.
Hoàng Nguyễn, từ Budapest
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn