Một phiên họp toàn thể của Quốc hội Hungary
Nói đến Quốc hội, trước hết, người viết xin đi vào một thực tế là các dân biểu Đông Âu sinh sống ra sao, làm việc thế nào, v.v…
Lương lậu rủng rỉnh
“Chẳng phải cố gì cả, mà tiền thì như nước. Lương bổng vượt bậc, công việc tối thiểu, đủ thứ bổng lộc… Như thế mới là sống chứ!” - một bài báo mang tựa đề “Không chỗ làm việc nào tốt hơn Quốc hội” đăng trên tờ “Báo Tự do” (Slovakia) đã phàn nàn như vậy khi “phanh phui” về thu nhập của các nghị sĩ nước này.
Là một quốc gia thuộc loại “đội sổ” ở Đông Âu, trong năm ngoái, các nghị sĩ Slovakia chỉ hội họp vỏn vẹn 90 ngày, mà nhận được mức lương hơn 43 ngàn Euro hàng năm. Bài báo trên “công phẫn” khi nhắc đến chuyện trong năm 2009, Quốc hội sẽ chỉ còn 70 ngày họp, nhưng lương của nghị sĩ thì dĩ nhiên vẫn được tăng.
Chỉ cần làm một phép so sánh nhỏ để thấy rằng trong trường hợp Slovakia, làm đại biểu Quốc hội “sướng” ở chỗ nào. Năm ngoái, sau khi đã được tăng lương, giới bác sĩ xứ này nhận mức lương trung bình 1.346 Euro hàng tháng - tuy nhiên, để được thu nhập như một bác sĩ, một nghị viên chỉ cần… ngồi họp 3 ngày trong Quốc hội!
Nhìn sang các nước láng giềng, tình hình cũng không có khác biệt gì đáng kể. Trong khi các nghị sĩ Cộng hòa Czech phải ngồi họp chừng 130 ngày (số liệu năm 2008) để được mức lương cơ bản “còm cõi” là 2.303 Euro hàng tháng, thì giới dân biểu Ba Lan được tới 2.972 Euro, trong khi họ chỉ phải hội họp có 83 ngày trong các phiên toàn thể và các ủy ban Quốc hội mà họ tham dự.
Họp hành ít vậy, nhưng theo báo chí, không ít nghị viên cũng “trốn việc” kha khá. Kỷ lục tại Slovakia trong năm ngoái là một dân biểu vắng mặt tới… 46 lần (trên tổng số 90 buổi họp), nhưng ông này cũng chỉ bị trừ 2 tháng lương. Đứng trên góc nhìn của những thường dân có thu nhập thấp, bài viết đã dẫn diễn đạt rất “cay đắng”: các nghị sĩ “nếu muốn ốm hay nghỉ phép thì cũng chả có vấn đề gì: chỉ cần một giấy chứng nhận, hoặc đơn thuần họ nhờ một đồng nghiệp… ký hộ trên phiếu điểm danh”.
Dĩ nhiên, mức thu nhập trên “không là gì” so với số tiền mà các nghị sĩ chuyên trách của Tây Âu kiếm được bằng “nghề chính trị” của họ. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận rằng nửa thập kỷ gia nhập Liên hiệp Châu Âu mới chỉ khiến các quốc gia Đông – Trung Âu trở thành những nước có nền kinh tế và thu nhập loại “thường thường bậc trung” (nếu không muốn nói là dưới trung bình) trong 27 nước EU, thì việc giới dân biểu khu vực này có được thu nhập gấp 3-6 mức lương một kỹ sư lành nghề như vậy, đủ để họ “yên tâm” với công việc.
Ấy là chưa kể đủ thứ bổng lộc khác mà họ được thanh toán khi đi lại, thuê nhà (nếu không phải cư dân thủ đô), điện thoại, Internet, bưu điện, văn phòng, thư ký… Tại Hungary, có những dân biểu được nhận khoản “bù trừ” gần tương đương với lương bổng, khiến công luận nước này không ít phen bất bình, rằng “tiêu gì mà lắm thế?”
Làm cho bà chủ tịch Quốc hội Szili Katalin đã có lần phải than vãn: “Quý vị mà thắc mắc về lương bổng của tôi, thì quý vị đã làm một việc sai chỗ, sai thời điểm rồi!” Bởi lẽ, theo bà, chẳng những thu nhập của bà, mà thu nhập của mọi dân biểu khác đều rất công khai, đường đường chính chính, theo luật định hẳn hoi (dĩ nhiên, luật do… chính các nghị viên thông qua!), và bất cứ ai muốn kiểm tra đều có thể theo dõi chi tiết trên trang chủ của Quốc hội.
Uy quyền như đại biểu Quốc hội
Thu nhập đầy đủ là một yếu tố khiến các dân biểu Đông Âu có thể… đường hoàng trong đời sống và công việc của mình. Tuy nhiên, để thực hiện được sự ủy thác của các cử tri, lẽ tất nhiên là các đại biểu phải có được cái “uy” trong tư cách, lời nói và việc làm, và đây là điều giới dân biểu Đông Âu có không thiếu.
Là những nghị sĩ chuyên trách, có thể toàn tâm toàn ý cho công việc, nên dân biểu Đông Âu được hưởng quyền miễn trừ hết sức rộng rãi, không chỉ trong công việc, trên tư cách đại biểu, trong khuôn viên nhà Quốc hội, mà còn trong đời sống cá nhân: họ không thể bị bắt bớ, khám xét, truy tố hình sự… trong khi quyền miễn trừ của họ không bị Quốc hội tước bỏ, hoặc chính bản thân họ từ bỏ. Tất nhiên, không phải ai cũng ý thức và chừng mực được với “đặc quyền” này, nhưng về căn bản, đa số đã sử dụng nó khá hữu hiệu trong sự giám sát các cơ quan hành pháp.
Về phương tiện làm việc, trong khuôn khổ không lấy gì làm dư dả của các xã hội Đông Âu, giới nghị sĩ được đảm bảo mọi công cụ cho công việc của mình: văn phòng, thư ký, xe cộ… Để “hiện đại hóa” tác phong làm việc của các dân biểu, Hungary từng vận động giới nghị sĩ đi học các khóa sử dụng mạng Internet miễn phí, và phát laptop cho từng người, kèm những địa chỉ điện thư (e-mail) công khai để mối quan hệ giữa các “ông nghị” và cử tri trở nên mật thiết hơn, “cập nhật” hơn.
Tiếp cận tự do, kịp thời và đầy đủ thông tin là một yếu tố cốt lõi xác định sự hiệu quả trong công việc của các nghị sĩ. Trong đại đa số các trường hợp, thông qua nhiều kênh (tiếp xúc cử tri, giám sát và tìm hiểu tại cơ sở, thông qua các nguồn tin chính thức và bán chính thức), các đại biểu Quốc hội Đông Âu đều có thể nhận được mọi thông tin mà họ muốn, trong quá trình giám sát hoạt động của chính phủ và bộ máy hành pháp.
Một điểm không kém phần quan trọng là lời nói và hành động của các dân biểu luôn có trọng lượng, được báo chí và công luận lưu tâm. Trong những trường hợp cần thiết, đích thân giới truyền thông có thể làm nhiệm vụ tìm gặp các cơ quan hoặc cá nhân hữu trách, để đối chứng hoặc cật vấn xem họ có ý kiến ra sao về những gì mà đại biểu đề xuất.
Chính sự tích cực và năng nổ trong hoạt động xã hội của giới nghị viên và báo chí đã khiến đời sống chính trị và nghị trường của Đông Âu luôn sôi nổi và màu sắc, ngay cả trong những “tối kiến” mà đôi khi nhiều dân biểu cũng phạm phải.
Về khoản này, có thể nhắc đến ở đây, chẳng hạn, đề xuất của một nhóm dân biểu Hạ viện Ba Lan, muốn Cộng hòa Ba Lan trở lại thể chế quân chủ và “tấn phong” Đức Chúa Jesus làm vua, để nhấn mạnh tính Công giáo của Quốc gia này. Hoặc, “vui vẻ” hơn nữa, là đề xuất của dân biểu Artur Zawisza (cũng Ba Lan) nhằm cấm đoán phái đẹp mặc minijupe, son phấn “đậm đà” hoặc trưng diện các loại áo hở cổ, ngực… quá rộng, với mục đích hạn chế gái mại dâm ngoài đường phố.
Đã có “uy”, lại có thực quyền trong hoạt động độc lập tại cơ sở (khu vực bầu cử), cũng như trên nghị trường (khi cần phê chuẩn các đạo luật, thông qua các vấn đề lớn của đất nước) nên nhìn chung, giới dân biểu Đông Âu luôn là đối thủ đáng gờm của cơ quan hành pháp, khiến các thành viên chính phủ không thể chỉ làm láo, hứa suông.
Là nghị viên, ai lại cầm giấy đọc?
Nhìn qua công việc của các nghị sĩ Đông Âu thì cũng có thể thấy, họ không đến nỗi rảnh rỗi hoặc quá… lè phè, hàng năm đi làm vài tháng để được nhận mức lương hậu hĩnh, như bài viết trên tờ báo nọ có đề cập. Ngược lại, công việc của họ đầy tính trách nhiệm và nặng nề.
Ngoài những phiên họp Quốc hội, giới dân biểu phải thường xuyên “đi sâu đi sát” và tiếp xúc cử tri ở khu vực bầu cử mà họ trú ngụ. Liên tục tìm hiểu và tiếp cận những vấn đề của địa phương, tiếp thu những ý kiến (thường là cay độc và mang tính phê bình) của cư dân, họ phải luyện cho mình khả năng điềm đạm và minh triết của các nhà ngoại giao thứ thiệt. Chỉ cần sa sẩy đôi chút, là có thể bị cư dân khu vực bãi nhiệm!
Để chuẩn bị cho các kỳ họp, các nghị viên phải “ngốn” và xử lý thuần thục một lượng thông tin khổng lồ, để có thể đúc kết trong các bài phát biểu kéo dài ít phút trên nghị trường. Thông thường, họ phải nói “vo”, cùng lắm có mẩu giấy chỉ để phác thảo dàn ý và một số dữ liệu, chứ ai cầm giấy ê a đọc thì “mang tiếng” lắm. Đời sống nghị trường Đông Âu đòi hỏi khả năng ứng khẩu tức thì, cách diễn đạt trong sáng, gọn ghẽ, bặt thiệp và hiệu quả của các diễn giả. Các cử tri, thông qua báo chí, truyền thông, rất đánh giá điều đó, coi đây là một yếu tố của nghề nghiệp, của sự chuyên nghiệp, nghiêm túc trong công việc, là là điều kiện tiên quyết để một nghị sĩ được bầu chọn.
Như tại đa số các nền dân chủ ở Châu Âu, hoạt động nghị trường Đông Âu cũng được đặc trưng bởi những cuộc thảo luận sôi nổi, nhiều khi gay gắt và đôi lúc trở nên “một mất một còn” của các dân biểu thuộc hai phe cầm quyền và đối lập. Điều này được coi là rất bình thường, bởi lẽ, ngoài các nhiệm vụ mang tính đại diện cho ý nguyện cử tri, Quốc hội còn có những chức năng chính trị, thể hiện các quan điểm và góc nhìn quan trọng nhất của xã hội.
Người Việt chúng ta, lần đầu chúng kiến một phiên họp Quốc hội Đông Âu, có thể sẽ ngạc nhiên trước cảnh một vị bộ trưởng, hay thậm chí một thủ tướng có thể bị đả kích rất dồn dập và cay nghiệt. Hoặc giả, để phản đối, các nghị sĩ đối lập có thể đồng thanh bỏ ra ngoài phòng họp để đi dạo, hút thuốc, tán gẫu hoặc… trả lời phỏng vấn báo chí về quan điểm của họ, một điều họ… được phép làm, căn cứ Điều lệ Quốc hội.
Tất nhiên, làm việc trong khuôn khổ tự do nhiều khi… quá trớn như vậy, nghị trường Đông Âu ít khi có cảnh “nhất trí cao”: mọi sự đồng thuận thường chỉ đạt được sau một quá trình thảo luận, bàn bạc kéo dài và không ít bận, tính hiệu quả của Quốc hội đã được đặt ra. Ngay cử tri lắm lúc cũng phải ngạc nhiên và… chau mày, vì cùng viện cớ đại diện cho ý nguyện của họ, mà quan điểm của các dân biểu lại có khoảng cách xa đến thế!
Âu cũng là một đặc điểm của nền dân chủ nghị trường mà sau hai thập niên tìm tòi và học hỏi, các xã hội Đông Âu đã tiếp thu và phát triển đến mức khá cao, cho dù còn xa mới hoàn thiện. Tuy nhiên, một điều không thể chối cãi: chính vì dân trí cao, thông tin dồi dào, cập nhật và không bị hạn chế, nên giới nghị sĩ khu vực này ngày càng phải nỗ lực để đáp ứng nhu cầp của những cử tri đã ủy nhiệm họ.
Và như thế, cũng có thể nói rằng, chính sự giám sát của cử tri với các dân biểu là yếu tố rất có trọng lượng trong quá trình lập pháp và giám sát sự hoạt động của cơ quan hành pháp do họ thực hiện…
Xem Phần 2 của bài viết.
(*) Bài viết đã đăng trên chuyên san "Tuần Việt Nam" của mạng tin "VietNamNet".
Nguyễn Hoàng Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn