HOA GÓI

Thứ năm - 28/05/2009 22:15

(NCTG) Hôm nay ngày mồng Một tháng 5 Âm lịch. Mẹ dậy từ sớm đi mua hoa quả tươi về cúng.

Một góc chợ Hôm - Ảnh: Internet

Ngay gần nhà tôi mới mở một cửa hàng siêu thị nhỏ thuộc hãng phân phối đồ tiêu dùng lớn gần bậc nhất châu Âu: hãng Tesco của Anh. Mua hoa quả trong siêu thị có cái sướng là „được chọn giống như ở Việt Nam„, khác ở chỗ không cần mặc cả, sẵn giá tiền, cứ tính theo cân mà trả, còn muốn đứng chọn bao nhiêu lâu, đổi bao lần tùy thích.

Ngoài những hoa quả theo mùa của châu Âu (hiện nay đang mùa dâu tây) còn có nho xanh nhập từ châu Phi sang, xoài chua đến từ Bangladesh, chuối của Madagasca, cam quýt của Tây Ban Nha, dưa hấu dán mác Thổ Nhĩ Kỳ...

Thế giới hội nhập, các cụ tổ tiên có lẽ cũng chẳng cần đi nhiều để nếm lộc cùng con cháu. Ăn sáng xong mẹ sai tôi ra vườn cắt hoa hồng vào nhà cắm thắp hương. Bàn thờ Phật phải cúng hoa hồng đỏ. Bàn thờ ông bà và cô mất lúc còn trẻ có thêm cả hồng bạch nữa. Đang loay hoay cắm thêm mấy cành lá măng vào bình hoa cho đẹp bỗng dưng mẹ hỏi: „Con còn nhớ hồi trước có hoa gói cúng đĩa không?”.

Tôi hơi chững người lại suy nghĩ đôi chút rồi bỗng nhiên những kỷ niệm cách đây hàng mấy chục năm dần dần tràn về.

*

Tôi nhớ hồi bé, hay được theo mẹ ra chợ Hôm. Nói cho chính xác, tôi không phải thích đi chợ mà chỉ thích „dính theo đuôi mẹ”. Thời bao cấp, bố mẹ đi làm suốt ngày, mấy khi con cái được bố mẹ đưa đi chơi nên theo mẹ đi chợ cũng là một chương trình rồi còn gì.

Hai quầy hàng to tướng chiếm ngay đầu cổng chợ bày bán toàn gà hấp lá chanh vàng óng, vịt quay, thịt lợn quay thơm phức, xôi gấc đỏ, xôi đậu xanh đóng thành hình oản hoa. Mặc dù còn bé, tôi đã có khái niệm đấy là những món ăn ngon, cao cấp, dùng khi có đám cưới, đám tang, cỗ bàn. Rất tiếc, mẹ ít khi dừng lại ở hai cửa hàng này. Biết có đòi cũng chẳng được, tôi thường không nhìn ngó gì lũn cũn theo chân mẹ vào phía bên trong.

Chợ Hôm đi vào càng sâu càng mất đi vẻ hào nhoáng như bên ngoài cổng chợ. Khu bán rau còn đỡ chứ sang khu bán cá đã thấy mùi tanh nồng nặc. Nhưng tôi sợ nhất khu bán thịt gà, thịt vịt. Hàng chồng những cái bu nan nhốt chặt cứng gà ta lông nâu, gà tây to hơn lông trắng, nhốt ngan, nhốt ngỗng, nhốt vịt... Chúng cứ kêu toang toác nhức cả tai. Lại còn những lồng nhốt gà con và nhốt chim bồ câu, chim ri, chim xẻ trông rất đáng thương. Tôi thường chẳng dám nhìn chúng và cứ nghĩ chúng còn bé thế mà tại sao người ta lại ăn chúng nhỉ. Trời mưa cũng như trời nắng, đi vào khu này đường lúc nào cũng lép nhép bởi thói quen của các bà đi chợ thích đồ tươi. Chọn con gà nào xong là giữ chân, giữ đầu, cắt tiết ngay tại trận. Nước vặt lông gà đổ lênh láng, lẫn với máu tiết gà và lông gà vịt bay tung lung!

Vào những ngày „đặc biệt”- tôi gọi như vậy vì thời đó chưa biết khái niệm mồng Một, hay Rằm là gì - sau khi mua bán trong chợ xong hai mẹ con dừng lại ở khu bán các đồ cúng. Khu này nằm bên kia đường của cổng chợ, là tập hợp của một nhóm các bà già bán hàng bày trên các loại thúng. Có lẽ chỉ người già mới làm được nghề bán hương hoa cho nhẹ nhàng.

Hàng bán oản, bán đồ hóa vàng xanh đỏ nhiều màu sắc là nơi tôi thích ngắm nghía vì thấy cái gì cũng ngồ ngộ: từ đôi hài mũi nhọn hoắt cong lên đến cái mũ cánh chuồn giống vương miện của hoàng tử, rồi quần áo dài đính các hạt óng ánh.

Những hàng này mẹ cũng không hay mua. Bao giờ mẹ cũng chỉ mua hoa quả, loại „mùa nào thức nấy”. Hoa quả cúng khác với loại ăn bình thường ở chỗ chưa được chín hẳn: chuối hơi xanh vàng, không có đốm đen, na và hồng xiêm phải còn cứng vì thắp hương xong sẽ được „ban lộc” ăn lúc chín tới, đặc biệt mẹ hay chọn quả có lá. „Hoa quả mà có lá xanh chứng tỏ còn tươi, mới hái và bày cho đẹp mắt”, mẹ tôi nói vậy.

Kết thúc quá trình chọn lựa, cân đong, mặc cả thêm bớt ở hàng hoa quả, bước cuối cùng của mẹ con tôi là hàng hoa gói. Vâng, đúng là Hà Nội thời trước có tồn tại một loại mặt hàng có tên: hoa gói. Tôi không nhớ chính xác hàng hoa gói chỉ phục vụ dịp Rằm, mồng Một thôi hay bán tất cả các ngày. Chỉ biết bà bán hàng hoa gói cho hai mẹ con tôi là một bà cụ già giống như tất cả các bà cụ già thường thấy thời bấy giờ: gầy, lưng còng, quần đen, áo cánh nâu, chít khăn mỏ quạ, mặt mày nhăn nheo, miệng bao giờ cũng bỏm bẻm nhai trầu.

Có lần tôi đã hỏi mẹ tại sao bà ấy lại nhai trầu làm gì thì được trả lời cho tốt răng, tôi sợ quá bảo thế thà tối nào cũng chịu khó đánh răng còn hơn. Gánh hàng của bà bao giờ cũng đặt dưới gốc cây đa đối diện cổng chợ Hôm. Cảnh vật và con người chắc có tương quan với nhau: cây đa đó cũng già nua như bà cụ. Rễ cây ngoằn ngoèo bò nổi cục trên mặt đất, thân cây lồi lõm, tiện cho chỗ cắm hương vào mà chẳng cần bát. Lá đa dầy, tạo một bóng mát thật dễ chịu vào những ngày hè nóng nực. Thêm vào đó là hương thơm mát dịu của những bông hoa xinh xắn nằm trong cái thúng nan của bà.

Bà cụ nở nụ cười thân mật với mẹ tôi là khách quen, lộ ra hàm răng đen lẫn với màu trầu đỏ quạch. Chẳng cần hỏi, bà cũng đã biết ý mẹ muốn gì. Bàn tay đen đúa với những khớp đầu ngón tay đã biến dạng hơi co quắp của bà thoăn thoắt bốc hoa. Hoa đầu tiên được đưa lên miếng lá dong trên tay bà là một bông Hồng nhung. Loại hồng này có mầu đỏ thẫm, không có cành to tướng thẳng tắp như giống hồng trồng trên Đà Lạt nhập từ Hà Lan về bây giờ. Hồng nhung trông chẳng khác mấy giống hồng leo hàng rào nhưng lại có hương thơm thật đậm đà, tình cảm.

Kế đến bà bốc thêm một chùm Thiên lý còn hơi xanh, một chùm Hoa sói mầu trắng nhỏ li ti. Vài nụ hoa bưởi, bà hào phóng bốc cho cả dăm bông hoa bưởi đã nở tròn cả cánh cuộn ra ngoài. Hai bông hoa mà tôi hay chú ý đến nhất để bà đừng quên (nhưng chưa lần nào bà quên cả) là hai bông Ngọc lan và Hoàng lan. Ngọc lan có mầu trắng tinh khiết, hương thơm nhè nhẹ còn Hoàng lan lại mầu vàng nhạt và hương thơm mát. Hoa mầu nào cũng đẹp và hương nào cũng thơm nhưng tôi nhớ mãi về Hoàng lan vì sau có đọc truyện „Dưới bóng Hoàng lan” của nhà văn Thạch Lam. Câu chuyện đơn giản mang lại cảm giác buồn lãng mạn cũng như chính loài hoa này vậy.

Gói hoa dầy lên khi bà cụ điểm vào một cành Mẫu đơn có cả lá. Hoa Mẫu đơn đỏ hay được trồng trong sân chùa, mọc thành chùm gồm những bông hoa nhỏ, không có hương vị gì nhiều nhưng trẻ con hay thích dứt ra để mút mút cái cọng hoa có vị ngòn ngọt ở đầu lưỡi. Nghe nói có truyền thuyết về hoa Mẫu đơn, đẹp nhưng khảng khái, không chịu tuân thủ bà chúa bạo lực Võ Tắc Thiên, thà bị „đi đầy kiếp phong trần chứ không làm vương giả chốn kinh đô”.

Bốc hoa xong, bà cụ nhẹ nhàng ấp cái lá dong lại để che chở cho những bông hoa nhỏ bé, buộc cả chiều ngang lẫn chiều dọc bằng một cái lạt mỏng. Chưa hết, bà còn lồng thêm một cái lạt nữa vào giữa để làm tay cầm. Hoa gói đem về cúng bàn thờ phải cầm riêng, không được để chung với những thứ „trần tục” của cái làn đi chợ.

Mẹ thường giao cho tôi „trọng trách” cầm hoa chắc để cho tôi khỏi quá „rỗi việc”. Mà nếu không, một tay xách làn, một tay dắt con thì tay đâu nữa mà cầm hoa? Ngồi đằng sau mẹ trên xe đạp đi về nhà, tôi phải cố giang tay ra một chút để cái gói hoa ấy đừng chạm vào đâu, nhất là đừng có chui vào giữa những nan hoa xe như có lần tôi đã tình cờ đút chân vào. Đầu óc đã tính toán khi mẹ cúng xong sẽ được mút cái vị ngọt của hoa Mẫu đơn, bứt được những cánh Hồng nhung ra ngâm trong nước để làm nước hoa, Ngọc lan gài lên tóc còn Hoàng lan để lên trên gối ở đầu giường…

*

Bấy lâu nay, tôi ít thích nhắc đến mình người Hà Nội. Ai hỏi chỉ ầm ừ cho qua chuyện, tránh trả lời trực tiếp. Nhận làm gì để người ta lại mang chuyện „người Hà Nội vặt hoa anh đào và dẫm đạp lên lễ hội hoa” ra bàn tán, hoặc „người thủ đô gì mà vứt rác, phóng uế bừa bãi”.

Bỗng dưng hôm nay nhớ lại chuyện hoa gói thấy lòng vui vui lên. Người Hà Nội - hy vọng không chỉ của thời xưa - cũng nghĩ ra điều ngọt ngào và tinh tế để tô điểm thêm cho cuộc sống đấy chứ?

Đặng Phương Lan, Budapest ngày 26-5-2009


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn