Hungary không bỏ Nabucco, nhưng chấp nhận "Hải lưu phía Nam" trước, vì "nước Nga đã nhanh hơn" (lời cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc trong cuộc hội đàm với người đồng nhiệm, tổng thống Dmitry Medvedev) - Ảnh: Móricz Simon ("Tự do Nhân dân")
Mang tên “Khí đốt tự nhiên vì Châu Âu. An ninh và đối tác”, kỳ hội nghị thượng đỉnh lần này là nơi gặp gỡ của giới lãnh đạo các nước cung cấp khí đốt từ vùng vịnh Caspian, Trung Á và Cận Đông, cũng như các nước trung chuyển và tiêu thụ khí đốt trong vùng Balkans và EU.
Tuy nhiên, việc thủ tướng Nga Vladimir Putin quyết định tẩy chay hội nghị vào giây phút cuối đã làm giảm thiểu những hy vọng mà BTC đặt ra, theo đó, sẽ có sự hợp tác theo hướng “xích lại gần nhau” giữa “người khổng lồ khí đốt”’, Liên bang Nga, và Liên hiệp Châu Âu, 4 tháng sau cuộc khủng hoảng năng lượng giữa Nga và Ukraine khiến cả Châu Âu lâm vào cảnh bất an về khí đốt.
Vắng mặt thủ tướng Putin, Liên bang Nga được đại diện bởi bộ trưởng Năng lượng Sergei Shmatko. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, ông José Manuel Barroso; đặc phái viên phụ trách về năng lượng vùng Á – Âu của chính phủ Hoa Kỳ, ông Richard Morningstar nguyên thủ Katar, ông Hamad bin Khalifa cũng có mặt tại hội nghị.
Ngoài ra, nhiều nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ, cũng như nhiều đặc phái viên chính phủ và chuyên gia đến từ các nước Balkans, Pháp, Áo, CHLB Đức, Kazahstan và Turkmenistan cũng sẽ là khách của tổng thống Bulgaria Georgy Parvanov trong vòng 2 ngày.
Hội nghị cũng có sự tham gia của đại diện các tập đoàn năng lượng từ Đức, Pháp, Iran…, trong khuôn khổ một diễn đàn doanh nghiệp.
Mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh lần này, như cái tên của nó cũng chỉ rõ, là tạo nên thế cân bằng giữa Nga và EU, tiến đến hợp tác trên tinh thần bình đẳng và đối tác. Trong tình trạng hiện tại, thực sự, đây là nỗ lực làm giảm sự phụ thuộc của Đông Âu và nhiều nước khác ở Liên hiệp Châu Âu vào khí đốt Nga.
Có thể thấy rõ điều này qua ví dụ của nước chủ nhà Bulgaria.
Là một quốc gia hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào Liên bang Nga về năng lượng, Bulgaria có lẽ là nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng Nga – Ukraine đầu năm nay. 96% lượng khí đốt cần thiết của quốc gia này được nhập từ Nga và trong vòng 2 tuần đầu năm, khi Liên bang Nga khóa đường khí đốt sang nước này, Bulgaria đã thiệt hại chừng 85 triệu Euro. Trong dịp đó, song song với việc kêu gọi Nga phải bồi thường (ví dụ, dưới hình thức bán khí đốt giá rẻ), thủ tướng Bulgaria đã đề xuất việc quốc gia này phải giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.
Trước mắt, để đa dạng hóa những nguồn khí đốt, Bulgaria tuyên bố rằng không những sẽ nhận nguồn khí đốt Nga từ hệ thống Hải lưu phía Nam, vào Châu Âu qua lòng Biển Đen, mà quốc gia này còn gia nhập dự án Nabucco do EU ủng hộ và xây dựng, đưa khí đốt từ vùng Caspian qua Châu Âu mà bỏ qua nước Nga.
Ngoài ra, Sofia còn không hưởng ứng một kế hoạch của Nga, theo đó, Hải lưu phía Nam sẽ thiết lập hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại Bulgaria để đưa khí đốt Nga sang các quốc gia lân cận như Hy Lạp, Macedonia và Thổ Nhĩ Kỳ. Quyết định này của chính phủ Bulgaria đã khiến thủ tướng Nga Putin tẩy chay kỳ hội nghị thượng đỉnh này.
Cho dù mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc khí đốt Nga đã được đặt ra từ lâu, nhưng Châu Âu vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trong khi tập đoàn dầu khí Nga đang làm mưa làm gió thì từ nhiều năm nay, thì Nabucco vẫn thuần túy là một đề án mặc dầu đã được bàn bạc thường xuyên, vì những khó khăn về tài chính và phương thức hợp tác.
Các hệ thống dẫn dầu mang tên “Hải lưu” do tập đoàn Gazprom xây dựng và đang tìm kiếm các đối tác ở Châu Âu, đều được coi là địch thủ của hệ thống Nabucco được EU và Hoa Kỳ ủng hộ, tuy nhiên chúng lại được sự hưởng ứng ở mức độ nhất định của Hungary - một quốc gia mà vị trí địa chính trị ở Đông Âu khiến nó có tầm quan trọng đặc biệt -, cũng như nhiều nước khác, vì họ cho rằng Nabucco trước mắt mới chỉ tồn tại trên giấy tờ.
Đặc biệt, hệ thống dẫn khí mang tên “Hải lưu phía Nam” của tập đoàn Gazprom (Nga), dự tính sẽ đi vào hoạt động vào năm 2013-2015, dẫn khí đốt từ Nga - bỏ qua Ukraine, sang các quốc gia vùng Nam Âu như Serbia, Bulgaria… để nối với vào trung tâm khí đốt hướng ra phương Tây ở Áo, thực sự là mối lo ngại của các quan chức Bruxelles.
Nỗi quan ngại này cũng được xác nhận bởi kết quả không thật khả quan của Hội nghị thượng đỉnh Nabucco tổ chức tại Hungary vào cuối tháng Giêng năm nay, với mục tiêu nâng cao sự an toàn trong cung ứng năng lượng, giảm thiểu sự phụ thuộc năng lượng một chiều (chủ yếu là từ phía Nga) và đảm bảo những nguồn năng lượng khác để có khả năng lựa chọn.
Mặc dù trong dịp đó, lần đầu tiên, đề án Nabucco đã có "nhúc nhích" theo hướng thực tế: một số khuôn khổ về pháp lý và điều tiết đã được định hình để kết thúc các cuộc đàm phán liên quan đến việc xây dựng hệ thống khí đốt Nabucco, nhưng xung quanh việc Nabucco sẽ trở thành hiện thực vào năm 2015 (như nhiều chính khách Châu Âu hứa hẹn), vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.
Hoàng Nguyễn
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn