TỈ PHÚ CHARLES SIMONYI: DU HÀNH VŨ TRỤ ĐỂ TẬN HƯỞNG VẬN TỐC

Thứ sáu - 17/04/2009 13:41

Cuối tháng 3-2009 vừa qua, báo chí quốc tế đã đưa nhiều tin về chuyến "du lịch vũ trụ" thứ hai của một tỷ phú người Mỹ, ông Charles Simonyi, từng là nhà thiết kế phần mềm lừng danh của hãng Microsoft.

Tỉ phú Charles Simonyi

Được biết, để có được chuyến "du ngoạn" không trung này, ông đã phải bỏ ra 35 triệu USD, khoản tiền không hề nhỏ trong tình ảnh nền kinh tế và tài chính thế giới đang khủng hoảng nặng nề.

Vậy, Charles Simonyi là ai, vì sao ông đeo đuổi sở thích đặc biệt và tốn kém này?

Đọc văn học Hungary từ vũ trụ

Charles Simonyi (tên khai sinh là Simonyi Károly), sinh năm 1948 tại Budapest, là con trai của GS TS, VS Simonyi Károly (1916-2001), nhà vật lý lớn của nước Hung, tác giả cuốn “Lịch sử Vật lý” lừng danh được coi là “Thánh Kinh” về lịch sử vật lý. Thân phụ ông còn là người thày của nhiều thế hệ du học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hungary.

Năm 1966, khi mới 18 tuổi, Charles Simonyi di cư sang Đan Mạch; hai năm sau, ông sang Mỹ, tiếp tục theo học Toán và Tin học tại Đại học Berkeley, rồi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford. Bắt đầu nghiên cứu Tin học tại hãng Xerox PARC, Somonyi là người phát triển chương trình soạn thảo văn bản đầu tiên mang tên Bravo (cho loại máy điện toán cá nhân Alto), cho phép người sử dụng có thể kiểm tra “diện mạo” của văn bản trước khi in (WYSIWYG).

Charles Simonyi những năm thời trẻ

Năm 1981, ông gia nhập tập đoàn Microsoft và tại đó, ông đứng đầu nhóm lập trình và thiết kế các chương trình Word và Excel. Những năm tháng mà Simonyi làm việc tại Microsoft cũng đồng thời là giai đoạn hoàng kim nhất của hãng, trong sự phát triển đó, có phần đóng góp không nhỏ của Simonyi trên cương vị “tổng công trình sư” của hãng.

Năm 2002, Simonyi đột ngột rời bỏ Microsoft và cùng một đồng nghiệp là Gregor Kiczales (GS Đại học British Columbia), hai người thành lập hãng Intentional Software Company.

Là một tỉ phú và một nhà khoa học, nhưng Simonyi có sự quan tâm đặc biệt đến nghệ thuật và giáo dục, ông đã bỏ nhiều khoản tiền lớn để hỗ trợ các chương trình khoa học, nghệ thuật. Năm 2004, ông thành lập Quỹ Nghệ thuật và Khoa học mang tên mình với số vốn 50 triệu USD.

Tuy sống ở nước ngoài hơn 4 thập niên và cũng đã mang quốc tịch Mỹ từ nhiều năm nay, nhưng Charles Simonyi vẫn coi mình là người Hung, ông có mối quan hệ mật thiết với quê hương nơi ông chào đời. Vì thế, cách đây tròn 2 năm, khi Simonyi lần đầu tiên đặt chân lên vũ trụ cùng các du hành gia Nga trên con tàu Soyuz-10 thì báo chí Hungary đã nhất loạt "giật tít" "Người Hungary thứ hai vào vũ trụ" (người đầu tiên là Farkas Bertalan, vào vũ trụ năm 1980 trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Liên Xô và các nước XHCN cũ).

Mặc dù lên vũ trụ trên tư cách một công dân Mỹ, nhưng phù hiệu của Charles Simonyi vẫn có cả quốc kỳ Hungary

Và, gần đây nhất, điều cảm động đối với các đồng hương Hungary là trong buổi thử nghiệm MaSat-1 (vệ tinh nhân tạo đầu tiên của Hungary, sẽ được phóng lên vũ trụ cuối năm nay hoặc mùa xuân sang năm), từ Trạm Quỹ đạo Quốc tế (ISS), Simonyi đột ngột cho hay, ông muốn đọc một trích đoạn trong "Tấn thảm kịch con người" (Az ember tragédiája, 1862) của Madách Imre (1823-1864). Tác phẩm lớn này của nền văn học cổ điển Hungary có đoạn mà Simonyi rất tâm đắc: "Thử hỏi mục đích của con người là gì? Mục đích, là chấm dứt chiến tranh; mục đích, là giành giật giữa sự sống và cái chết; và mục đích chính là chiến thắng bản thân...".

Du hành để tìm tòi, nghiên cứu và chiêm ngưỡng Trái đất

Ngay chuyến phi hành vũ trụ đầu tiên kéo dài 13 ngày vào năm 2007 cũng đã khiến Charles Simonyi phải móc hầu bao 25 triệu USD để thực hiện sở nguyện của mình. Thực ra, Simonyi có thể làm điều đó một cách dễ dàng: thời ấy, ông được tờ tạp chí “Forbes” liệt vào Top 400 người Mỹ giàu có nhất (thứ hạng 374) với gia sản hơn 1 tỉ USD.

Charles Simonyi và phi hành đoàn "hạ cánh an toàn" trong chuyến du hành đầu (năm 2007)

Tuy nhiên, đối với Simonyi, những chuyến "ngao du" trên khoảng không đầy kỳ bí không phải là một thói chơi ngông của kẻ lắm tiền. Từ nhỏ, Simonyi đã khao khát tìm hiểu và mơ ước có ngày được vào vũ trụ. Năm 1963, ông giành chiến thắng trong cuộc thi dành cho các "du hành gia trẻ tuổi" với sự tham dự của giới thanh thiếu niên của nước XHCN, và phần thưởng ông được nhận là một chuyến đi Moscow, gặp gỡ các nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Liên bang Xô-viết, thời đó được cả thế giới tôn vinh như những anh hùng.

Và, trong hai chuyến phi hành, ngoài sự háo hức của con người được lên không trung, Simonyi đã tận dụng từng giây phút để thực hiện nhiều công trình nghiên cứu đa dạng, phục vụ các mục đích y học, sinh học và kỹ thuật điện tử. Ngoài ra, đúng với sở trường của mình, ông còn xem xét hệ thống máy tính trên tàu vũ trụ, tìm cách để nó hoạt động hiệu quả hơn, cũng như, còn tranh thủ chụp ảnh vũ trụ, viết nhật ký điện tử (blog) và trò chuyện với giới trẻ...

Cũng như ở chuyến đi đầu, một nội dung đặc biệt và được cư dân Hungary để tâm nhất trong chuyến du hành lần này của Charles Simonyi là cuộc giao lưu với các học sinh trường Trung cấp Viễn thông Puskás Tivadar (Budapest). Qua sóng truyền thanh, giới trẻ Hungary có thể đặt câu hỏi cho nhà du hành vũ trụ, và những câu trả lời - nhiều khi rất "đời thường" - của ông từ boong của Trạm Quỹ đạo Quốc tế đã tạo được cảm giác thú vị đối với cử tọa.

Chẳng hạn, như lời ông thổ lộ, các du hành gia vũ trụ có cảm giác phải sống trong một không gian khép kín, nhưng đồng thời, họ cũng được hưởng một sự tự do vô bờ bến vì có thể được thấy mọi nẻo của Trái đất. Các du hành gia trên vũ trụ cũng luôn bận bịu với những hoạt động nghiên cứu, không hề có thời gian rảnh rỗi để đọc sách hay chuyện phiếm. Ông Simonyi cũng bác bỏ một huyền thoại, theo đó, cơ thể các du hành gia phải chịu tải ở mức ‘quá quắt” trong trạng thái không trọng lượng.

Học sinh trường Puskás Tivadar (Budapest) "giao lưu" với Charles Simonyi

Trả lời câu hỏi điều gì khiến ông khó chịu nhất trong chuyến đi, Charles Somonyi cho hay: tất nhiên rất khó làm quen với trạng thái không trọng lượng vì nếu các đồ vật không được cố định, chúng sẽ bay lơ lửng, rất khó nắm bắt. Tuy nhiên, với Simonyi, khả năng tắm giặt hạn chế, cũng như không có đồ uống lạnh hàng ngày, lại là những điều khiến ông "ấm ức" nhất. Ông cho biết thêm: dù là một quốc gia nhỏ bé (bằng một phần ba diện tích Việt Nam), nhưng vẫn có thể thấy Hungary từ vũ trụ, thậm chí, có thể phân biệt được hai con sông chính của xứ sở này, Duna (Danube) và Tisza. Simonyi cũng thấy được từ vũ trụ những hồ ao có màu xanh rất đẹp, theo ông có thể đó là nạn nhân của ô nhiễm công nghiệp. Nhà tỉ phú còn tiết lộ một bí mật nho nhỏ: những tấm ảnh màu mè, đẹp đẽ chụp từ vũ trụ và đăng trên sách báo hẳn đã được "tân trang", tô màu sau khi chụp, chứ nhìn từ Trạm Quỹ đạo Quốc tế thì khác hẳn.

Rốt cục, đối với Charles Simonyi, "du hành vũ trụ thú nhất là vận tốc: vài phút trước mới lơ lửng trên New York, giờ đã về Hung rồi!”.

Ước vọng chinh phục vũ trụ

Kể từ thời khắc 12-4-1961 khi du hành gia Liên Xô Yury Gararin thực hiện chuyến bay đầu tiên trên con tàu Vostok-1 và mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ, cho đến nay, đã có 490 nhà du hành vũ trụ từ 37 quốc gia có dịp đặt chân lên vũ trụ với khoảng thời gian tổng cộng là 32.542 ngày 40 giờ 6 phút (tương đương 81,9 năm). Giữ kỷ lục về thời gian "lưu trú" trên vũ trụ là du hành da Nga Sergei Krikalyov với 803 ngày 9 giờ 39 phút trong 6 chuyến du hành vũ trụ của ông. Ngoài những nhà du hành vũ trụ, một số ký giả, nghị sĩ và cả cố vấn tổng thống đã có mặt trong những chuyến đi này.

Du lịch vũ trụ là một "dịch vụ" khá chạy trong thời gian gần đây, với giá 20-35 triệu USD cho một tour 7-12 ngày trên Trạm Quỹ đạo Quốc tế. Tuy nhiên, có thể trong một thời gian dài, Charles Simonyi sẽ là người cuối cùng tận dụng được khả năng này: trong tương lai, các du hành gia "tài tử" sẽ khó có điều kiện lên vũ trụ vì con số các nhà du hành vũ trụ làm việc tại trạm vũ trụ sẽ được tăng từ 3 lên 6 người.

Trước Charles Simonyi 27 năm, Farkas Bertalan (1949) là du hành gia người Hung đầu tiên bay vào vũ trụ ngày 26-5-1980 trong vòng 8 ngày. Một buổi tối, từ không trung, ông đã tham gia chương trình đọc truyện cổ tích cho trẻ em (Esti mese) trên truyền hình và trở thành thần tượng của giới thanh thiếu niên, nhi đồng.

Dầu sao đi nữa, vẫn phải đáp ứng nhu cầu tìm "cảm giác lạ" của không ít du khách. Nhiều hãng đã cho thiết kế loại máy bay có thể tạo ra trạng thái không trọng lượng cho du khách, hệt như khi lên vũ trụ. Giá cả những chuyến bay kiểu này tương đối "mềm" (100-200 ngàn USD), nhưng nếu được thực hiện "đại trà", có thể giảm tới 20.000 USD. Ngoài ra, một số khả năng hấp dẫn khác cũng đã được dự tính và chỉ cần đủ lượng người quan tâm là có thể đi vào thực hiện: dạo chơi ngoài vũ trụ (giá 15 triệu USD), còn bay quay Chị Hằng thì phải trả 100 triệu USD!

Trở lại trường hợp của Charles Simonyi, những chuyến lên vũ trụ "như đi chợ" của ông từng khiến tỉ phú Bill Gates, có thời là "sếp" của ông tại tập đoàn Microsoft, cũng "nổi hứng bất tử" và tỏ ý muốn theo bước người cựu cộng sự của mình. Tuy nhiên, Simonyi thì có lẽ đã bằng lòng với hai chuyến đi này và không có kế hoạch cho chuyến thứ ba, vì lý do đã nói ở trên, và nhất là vì ông mới kết hôn và "phải dành thời gian cho gia đình mình", như lời chia sẻ của ông trước lúc lên đường cách đây mươi ngày...

(*) Bài viết đã trích đăng trên "Tiền Phong".

Trần Lê


 
 Từ khóa: Charles Simonyi
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn