Dmitry Medvedev, “Sa hoàng” của dân Nga trong tương lai
Tại Hungary, cố nhiên ông Medvedev đã có cuộc trao đổi với thủ tướng Gyurcsány Ferenc của Hung về vấn đề Kosovo, tuy nhiên, đề tài chính được hai bên quan tâm lại là vấn đề khí đốt. Cần nhớ rằng ông Medvedev là chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn dầu khí Quốc gia Nga Gazprom, và trong phái đoàn của ông, không chỉ có ngoại trưởng Sergei Lavrov, mà còn có tổng giám đốc Gazprom Aleksei Miller.
Trong các cuộc hội đàm, được đưa ra bàn thảo là vai trò và sự tham gia của Hungary trong hệ thống dẫn khí đốt từ Nga - bỏ qua Ukraina, sang các quốc gia vùng Nam Âu như Serbia, Bulgaria… để nối với vào trung tâm khí đốt hướng ra phương Tây ở Áo. Trước đây, Tập đoàn khí đốt Mol của Hungary đã ký kết với Gazprom một thỏa thuận nguyên tắc về việc Hungary sẽ cộng tác xây dựng một hệ thống dẫn khí như vậy – mang tên “Hải lưu phía Nam” -, nhưng tuần trước, tại Moscow, đoàn đại biểu Hung chưa đạt được những thỏa thuận chi tiết với phía Nga nên trong hôm nay, các cuộc đàm phán đã tiếp diễn.
Nếu đôi bên đạt được kết quả trong cuộc bàn bạc chiều nay, ngày thứ Tư tới, Thủ tướng Hung sẽ triệu tập phiên họp bất thường của Ủy ban Kinh tế nhằm đưa ra kết luận Hungary có cần thiết phải tham gia hệ thống dẫn khí “Hải lưu phía Nam” hay không? Bởi lẽ, các hệ thống dẫn dầu mang tên “Hải lưu” do tập đoàn Gazprom xây dựng và đang tìm kiếm các đối tác ở Châu Âu, đều được coi là địch thủ của hệ thống “Nabucco” được EU và Hoa Kỳ ủng hộ, cho dù theo ý kiến của Hungary và nhiều nước khác, “Nabucco” trước mắt mới chỉ tồn tại trên giấy tờ.
Trên cương vị người đứng đầu trong tương lai, và là người đang nắm giữ tập đoàn năng lượng lớn nhất của nước Nga là Gazprom, chuyến công du của phó thủ tướng Medvedev tại Hungary, dù chỉ kéo dài vài giờ, vẫn có một ý nghĩa lớn. Trước hết, nó khẳng định mối quan hệ hữu hảo mà chính phủ Hungary dã khéo léo thiết lập với Liên bang Nga trong những năm gần đây, và khẳng định Hung là một mắt xích không thể bỏ qua của Nga trên con đường “bành trướng” sang Châu Âu. Thứ nhì, nó cũng nhấn mạnh rằng, quan hệ ngoại giao giữa Nga và Hungary - trước kia thường bị những yếu tố chính trị làm ảnh hưởng - giờ chủ yếu đã chuyển sang bình diện kinh tế, tài chính.
Điều này càng đúng nếu chúng ta nhìn lại chân dung người kế nghiệp Putin trong tương lai, ông Medvedev, người vẫn được coi là một nhà kỹ trị, một nhà kinh doanh, hơn là một chính khách thực thụ (vì hầu như chưa bao giờ ông giữ một chức vụ chính thức nào thông qua bầu bán thực sự). Sinh năm 1965 tại Leningrad (nay là Saint Petersburg) trong một gia đình trí thức khá giả mà cả cha lẫn mẹ đều là giảng viên đại học, ông Medvedev tốt nghiệp Luật khoa tại Đại học Quốc gia Leningrad năm 1987, rồi trong thời gian 1990-1995, ông trở thành cố vấn cho một nhân vật cải tổ cấp tiến thời đó là giáo sư, Thị trưởng Leningrad Anatoly Sobchak, từng là thày của Medvedev thời đại học. Trong thời gian này, Medvedev đã làm quen với Vladimir Putin, một “môn đệ” khác của Sobchak, người về sau đã biến Medvedev từ một nhân vật trí thức, kỹ trị, thành một chính khách để rồi nâng ông lên vị trí kẻ kế nghiệp.
Thời kỳ 1999-2003, Medvedev giữ chức Phó văn phòng của nội các Yeltsin, rồi Chánh văn phòng nội các Putin, cho đến khi được bổ nhiệm chức Phó thủ tướng thứ nhất vào mùa thu năm 2005. Tuy nhiên, bước đường công danh của Medvedev chỉ lên tới đỉnh điểm vào tháng 12-2007: 2 ngày sau khi kết quả bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) được công bố, lãnh đạo 4 đảng thân Điện Kremlin đã tuyên bố coi ông Medvedev là ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống Nga tháng 4-2008.
Đáng chú ý là trong số 4 đảng đó, có Đảng Nước Nga Thống nhất vừa chiến thắng tuyệt đối trong kỳ bầu cử Hạ viện, và người đứng đầu bảng cử của Nước Nga Thống nhất – đương kim tổng thống Vladimir Putin -, đã lập tức tuyên bố ủng hộ Medvedev trên cương vị kẻ kế nghiệp. Như thế, nếu không có gì quá bất thường, sự đề cử và chiến thắng của Medvedev trong cuộc bầu cử sắp tới có thể coi là hoàn toàn chắc chắn.
Một vấn đề cũng được đặt ra: trong chuyến công du nhằm mục đích tuyên bố sự ủng hộ của Liên bang Nga đối với Serbia, việc phó thủ tướng Nga ghé Hungary có ảnh hưởng gì đến quan điểm của nước này trong vấn đề Kosovo?
Tuy chưa đứng vào hàng các nước đầu tiên thừa nhận Kosovo, nhưng như phát biểu của ngoại trưởng Hung thứ Năm tuần trước, chắc chắn Hungary sẽ làm điều đó trong vòng vài ba tuần nữa. Cho dù, mới đây, cộng đồng sắc tộc Serbia tại Hungary đã tuyên bố không chấp nhận việc Kosovo tuyên bố độc lập và đề nghị chính phủ Hung chớ thừa nhận Kosovo – thủ lĩnh người Serbia tại Hungary đã chính thức đề xuất điều này trong lá thư gửi tổng thống, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội và ngoại trưởng Hung.
Chuyến đi của ông Medvedev tại Hungary khả năng là sẽ không có gì ảnh hưởng đến quan điểm nói trên của chính giới Hung. Ngay báo chí Hungary, theo những nguồn tin riêng, tại chỗ, cũng đưa một số tin, bài về việc – cho dù biểu tình phản đối -, nhưng một bộ phận lớn trong cư dân Serbia đã coi vấn đề Kosovo là “sự đã rồi” và không nên tiếp tục dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Kosovo; với họ, Kosovo là vấn đề tình cảm quan trọng đối với Serbia, nhưng họ thà “để mất” Kosovo, đổi lại, được sống yên ổn, được “xuất ngoại” Châu Âu vẫn hơn là “một mình chống lại cả thế giới”.
Chính giới Hung, nói chung, cũng không bình luận quan điểm ủng hộ Serbia và phê phán Kosovo của Nga. Điều này cũng phù hợp với quan điểm chung đã được các thành viên EU thông qua, theo đó, việc thừa nhận Kosovo hay không là vấn đề cá nhân và EU cũng không coi đó là một tiền lệ nhất thiết phải theo trong các vấn đề độc lập và ly khai của các sắc tộc, các miền đất khác.
Trần Lê tổng hợp theo báo chí Hungary
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn