TRƯNG CẦU DÂN Ý, SỰ THỂ HIỆN Ý NGUYỆN CHÍNH TRỊ TRỰC TIẾP CỦA NGƯỜI DÂN

Chủ nhật - 09/03/2008 22:45

(NCTG) Trưng cầu dân ý (TCDY) là một hình thức dân chủ trực tiếp, khi “dân ý”, “dân nguyện” được thể hiện ở mức độ cao nhất trong một số vấn đề nhất định, mà các cử tri không cần thông qua các đại diện của họ (giới dân biểu Quốc hội và Chính quyền tự quản địa phương).

Bỏ phiếu tại một trường tiểu học, 9-3-2008 - Ảnh: Szabó Bernadett ("Tự do Nhân dân")

Vấn đề TCDY đã được đưa ra tại Hungary từ rất sớm, và nhiều lần, từ thời cách mạng dân chủ năm 1848, nhưng phải đến năm 1920, cuộc TCDY đầu tiên (về việc người dân Sopron muốn thành phố này sẽ thuộc về Áo, hay vẫn là lãnh thổ Hungary) mới được tổ chức.

Trong khoảng thời gian dài từ năm 1918 đến năm 1990, sự tồn tại của những thể chế dân chủ ở Hungary quá ngắn ngủi, không đủ để quyết định vấn đề TCDY; ấy là chưa nói đến chuyện, các thể chế toàn trị cánh hữu và cộng sản, xuất phát từ tính chất của chúng, không bao giờ chấp nhận TCDY. Là một trong những đòi hỏi của các nhóm đối lập trước 1989, TCDY – trên cương vị một hình thức thực hiện quyền lực trực tiếp của người dân - chỉ xuất hiện chính thức sau mốc 1989, khi đạo luật số XVII. (năm 1989) đã quy định cụ thể vấn đề này.

*

Tại Hungary, những nguyên tắc và thể lệ của TCDY (và các đề xướng nhân dân) được đặt nền móng bởi bản Hiến pháp, và được quy định cụ thể trong một bộ luật riêng. TCDY có thể mang tính địa phương, hoặc quốc gia; một cuộc TCDY tầm quốc gia có thể mang tính quyết định (tức là Quốc hội có bổn phận thực hiện ý dân), hoặc lấy ý kiến (để người dân có thể thể hiện sở nguyện của họ và Quốc hội không bị bắt buộc - về mặt pháp lý - phải theo ý nguyện của dân, nhưng chắc chắn các quyết định của Quốc hội sẽ bị ảnh hưởng bởi "dân ý").

Điều kiện để một kỳ TCDY có kết quả là hơn 50% số phiếu bầu hợp lệ - nhưng ít nhất 25% số phiếu bầu của tất cả cử tri - phải có cùng một hồi âm cho câu hỏi được đặt ra.

Căn cứ Hiến pháp Hungary, đối tượng của TCDY và các đề xướng nhân dân có thể là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Có một số câu hỏi không thể đưa ra làm đối tượng TCDY, như các vấn đề liên quan đến ngân sách, thuế má, thuế quan, lệ phí; các bổn phận xuất phát từ những hiệp định quốc gia có hiệu lực; các vấn đề liên quan đến nhân sự và cơ cấu tổ chức thuộc thẩm quyền Quốc hội; chương trình của Chính phủ; việc giải tán Quốc hội hoặc các cơ quan đại diện Chính quyền tự quản địa phương; việc tuyên bố trạng thái giới nghiêm, khẩn cấp, v.v…; việc sử dụng các cơ quan công lực; việc công bố ân xá…

TCDY có thể được tổ chức bởi sự đề đạt của tổng thống, của chính phủ Hung, của ít nhất hai phần ba số dân biểu Quốc hội hoặc của dân chúng. Quốc hội Hungary có bổn phận quyết định tổ chức TCDY tầm quốc gia và mang tính quyết định, khi có tối thiểu 200.000 cử tri cùng đề xuất một vấn đề gì đó và đề xuất của họ phù hợp với các điều khoản trong pháp luật; khi đó, Quốc hội - vốn là cơ quan lập pháp -, buộc phải chuyển sang vai trò hành pháp. Ở trường hợp này, trong vòng 15 ngày, Quốc hội phải ra quyết định và trong vòng 15 ngày tiếp theo, tổng thống cộng hòa phải đưa ra sắc lệnh tổ chức TCDY. Kết quả của TCDT là bắt buộc đối với Quốc hội: trong vòng 3 năm, Quốc hội không được đưa ra những quyết định, đạo luật đi ngược lại với kết quả TCDY.

*

Trong vòng gần 20 năm của nền Cộng hòa mới, Hungary đã nhiều lần tổ chức TCDY, đa phần là về những vấn đề trọng đại của (chính trường) đất nước, như:

- thể thức bầu tổng thống cộng hòa; việc đưa các tổ chức đảng khỏi công sở, nơi làm việc; việc Đảng Cộng sản (Đảng Công nhân Xã hội MSZMP) Hungary phải liệt kê “gia sản” thuộc sở hữu của đảng, hoặc do đảng quản lý; giải tán Đội Cảnh vệ Công nhân (được MSZMP dựng lên thay các nhóm an ninh sau biến cố 1956, nhưng chưa được sử dụng bao giờ) (năm 1990);

- vấn đề Hungary gia nhập Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO (năm 1997) và Liên hiệp Châu Âu (năm 2003),

- chấm dứt quá trình tư hữu hóa những cơ sở y tế vốn thuộc sở hữu nhà nước hoặc chính quyền tự quản, và về việc tạo điều kiện để “Hung kiều” được tái nhập tịch Hung một cách dễ dàng hơn (năm 2004).

Tuy nhiên, phải đợi đến ngày 9-3-2008, mới có một lần đầu tiên mà TCDY được tổ chức trong các vấn đề được coi là “thường thật”, “cơm áo gạo tiền” của người dân. Xuất phát từ “sáng kiến” của thủ lĩnh đối lập Orbán Viktor tháng 9-2006 (nhằm mục đích rõ rệt là “lật đổ chính phủ”), mùa thu năm 2007, liên danh đối lập FIDESZ và KDNP đã đặt ra 3 câu hỏi, hướng người dân vào các vấn đề bị phê phán nhiều nhất của chương trình “chấn hưng Hungary” do nội các MSZP – SZDSZ đề ra sau kỳ bầu cử 2006: phí khám bệnh (cho mỗi gần gặp bác sĩ và mỗi ngày nằm viện), và phí “hỗ trợ giáo dục”.

Thủ tướng Gyurcsány Ferenc (sau khi kết quả sơ bộ TCDY 2008 được công bố): "Mục đích ban đầu của cuộc TCDY là "tống cổ" chính phủ. Trong nghĩa ấy, TCDY đã thất bại vì không đạt được mục đích chính trị..."

Theo những thông tin sơ bộ ngay sau kỳ TCDY ngày 9-3-2008, phe đối lập đã chiến thắng vẻ vang: tỉ lệ người dân bỏ phiếu đòi bỏ các loại phí nói trên cao ở mức áp đảo và thủ tướng Hung đã chính thức tuyên bố rằng ngay trong ngày mai, ông sẽ đệ lên Quốc hội dự thảo sửa đổi các điều luật có liên quan, để thực hiện ý nguyện của người dân được thể hiện qua kỳ TCDY này. Ông Gyurcsány Ferenc cũng khẳng định: ngân sách quốc gia không có cách nào bù lại những khoản thu bị xóa bỏ và chính phủ cũng không có ý bù cho ngành Y tế và Giáo dục.

Chính giới và người dân Hungary sẽ còn thời gian để nghiền ngẫm và phân tích “lợi”, “hại” của kết quả kỳ TCDY 2008. Một điều dễ thấy: người dân, khi bị đụng đến “miếng cơm manh áo” - nhất là khi nội các của ông Gyurcsány Ferenc đã thực hiện điều đó một cách khá thô bạo, khốc liệt vào mùa thu năm 2006 -, họ sẽ phản ứng và khi đó, ngay cả những quyết sách có thể hợp lý về lâu dài, nhưng trái lòng dân (như các loại phí hỗ trợ y tế và giáo dục), cũng có thể thất bại!

Nếu như vậy, đây cũng là một bài học cho tất cả giới chính khách: nghệ thuật lãnh đạo, chẳng những là phải mang đến cho dân những gì họ thực sự cần, mà còn phải để cho họ hiểu và đồng thuận với những quyết định của chính giới!

Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn