TIẾNG NÓI NÂNG ĐỠ NỖI BƠ VƠ

Thứ ba - 26/11/2024 21:27

(NCTG) "Mười bảy năm tôi đi xa, rồi tôi trở về, tôi đã từng thấy bơ vơ ở ngay giữa lòng Hà Nội. Tôi nhớ những giọt nước mắt nuốt vào trong của mình... Cuối những ngày như thế, nằm trong bóng tối, tôi ao ước đến cháy lòng được nghe lại "tiếng nói" năm xưa đã nâng đỡ tôi qua những nỗi bơ vơ".

Những âm thanh của một thời quá khứ... - Minh họa: Internet

Những âm thanh của một thời quá khứ... - Minh họa: Internet

Trời Hà Nội ngày xưa hay bây giờ, tôi để ý thấy, cứ đến ngưỡng 6 giờ chiều đều sập xuống rất nhanh. Nắng quái rực lên rồi nhanh chóng tắt mất, để lại bóng tối nhoà nhạt trườn dần trên mặt đất.

Những lúc ấy, tôi luôn cảm thấy bơ vơ.

Mỗi buổi 6 giờ chiều, nếu tôi không ở trong căn nhà nhỏ của mình, cho dù là ngày xưa hay bây giờ, cho dù tôi còn là đứa trẻ hay đã trưởng thành từ lâu, tôi đều thấy sợ hãi. Thậm chí nỗi sợ vang lên trong đầu tôi như một loại sóng rung rất mạnh. Nó khiến xung quanh đều rung theo một tần số bất thường.

Ngày còn bé, mỗi lần như thế, tôi lại nghe văng vẳng giọng người phát thanh viên từ chiếc đài rọt rẹt của nhà ai đó hoặc cùng lúc rất nhiều nhà ai đó, tạo thành âm thanh cộng hưởng của tinh thần: "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...". Tức thì, một làn sóng thân thuộc mạnh mẽ hơn cuốn tôi về tổ ấm.

Nơi ấy, giờ đó là giờ cơm nước, bố mẹ con cái quây quần nấu nướng, giục nhau tắm rửa, sắp mâm so đũa, ngồi hể hả chuyện trò. Dứt bữa cơm đạm bạc, đang rửa bát trong bếp là đã thấy tiếng đài vang lên chậm rãi, êm ấm. Nếu là một tối thứ Bảy thì đợi chờ háo hức phải biết: Chương trình "Vì an ninh Tổ quốc" với giọng "kể chuyện cảnh giác" của nghệ sĩ Nghi Xuyên. Những đêm mất điện, lũ trẻ con chúng tôi tụ tập quanh cột điện đầu khu, ngóng lên cái loa phát thanh, nghe hết "Kể chuyện cảnh giác" đến "Sân khấu truyền thanh" rồi mới ai về nhà nấy. Sáng chủ nhật thì có "Chuyện kể ở đại đội" với giọng đọc Phạm Đông; rồi đợi nghe Văn Hiệp trong vai "Người sưu tầm kể chuyện"...

Nơi ấy, đến cả những buổi trưa tôi đi học về, giở bọc chăn ủ nồi cơm thơm thơm mẹ để phần, bữa trưa vội vàng cũng diễn ra cùng chương trình Phân phối lưu thông với mẩu tiểu phẩm vui vui. Rồi "Ba mươi phút dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam" - cái giọng mời mọc cũ kỹ nhưng trân trọng cũng làm tôi mong đợi thế! Tôi thích cảm giác an toàn trong tổ ấm khi "tiếng nói" của đài bao quanh ôm ấp, mặc cho ngoài kia, gió mùa đang về.

Dạo ấy, hình như người người nghe đài, nhà nhà nghe đài, thế nên mới có cách xác định thời gian bằng quãng "từ Vươn thở đến Tiếng thơ"!

Tôi có nhóm bạn tập toẹ nghe ca nhạc quốc tế trên đài, hồi cuối những năm 80, đầy háo hức. Nào "The Beatles", nào "ABBA", nào "Modern Talking"... Những giờ ra chơi, chúng còn hì hục viết thư lên đài yêu cầu bài hát này album kia, để rồi một hai tuần sau vui sướng khoe đã nghe thấy họ xướng tên mình trên đài cũng một ca khúc. Nghe mà tim đập hồi hộp, lâng lâng suốt cả một tuần. Cô bạn Nguyệt Thanh của tôi ngày ấy mê các anh Thomas Anders và Dieter Bohlen đến độ buổi trưa cả nhà ăn cơm mà đài phát giọng hát của họ là cô nàng nhất định đòi... tắt đài để "các anh ấy được nghỉ"...

Một thế hệ lớn lên nhờ chiếc đài này, "tiếng nói" này, ngày ngày tiếp nhận thông tin, xây cho mình ước mơ bé nhỏ và cả những hoài bão lớn lao. Những giọng nói vang ra từ chiếc loa lớn ngoài sân hay từ chiếc đài cũ đã trở thành giọng người thân của ta từ lúc nào! Những giọng nói truyền thông điệp ấm, cho cảm giác an tâm, như thể ta đã về nhà cuối chặng đường dài...

Tôi cứ lơ mơ nhớ hình ảnh ông nội, đêm đêm lắp tai nghe, nằm như bất động bên cạnh cái đài. Cái đài của ông đẹp lắm, có vỏ da rất sang. Tôi hồi hộp theo dõi bàn tay ông kéo ăng-ten, vặn vặn cái núm dò sóng. Đôi khi ông ra sân lịch kịch sắp xếp dọn dẹp gì đó thì tôi vội nhổm dậy, bổ tới cái đài, vớ cái dây tai nghe màu ngà, nhét đầu tai nghe tròn tròn vào tai mình, lịm đi khi nghe thấy giọng cô Kim Cúc cất lên khẽ khẽ. Giọng đọc chỉn chu, kéo dài và vút lên nhè nhẹ ở cuối mỗi câu thoại khiến tôi như mê đi. Tôi không còn là tôi bé nhỏ nhút nhát ở một góc Khu tập thể Bách Khoa này nữa mà vụt sải bước xa xôi theo giọng kể êm đềm khuya khoắt.

Trong hàng trăm truyện ngắn tôi được nghe qua đài, tôi ấn tượng nhất với "Có một đêm như thế" của tác giả Phạm Thị Minh Thư. Giọng đọc khẽ khàng của nghệ sĩ dẫn tôi vào vùng đầm à uôm tiếng ếch nhái một đêm sơ tán. Mặt trăng đỏ. Tiếng cá quẫy. Bông loa kèn toả hương góc vườn. Một cô gái có cái trán cao và dáng người vươn thanh mảnh như cành hoa. Một chàng trai chuẩn bị ra trận. Một cậu bé đeo kính cận nặng, băn khoăn với biết bao nhiêu câu hỏi về thế giới... Họ đã bên nhau, đêm ấy. Tất cả không khí thời chiến, tất cả cảm giác về thời bao cấp, tất cả những nghẹn ngào trong sáng của tuổi thơ tôi... chỉ một buổi "Đọc truyện đêm khuya" hôm ấy đã khắc vào lòng trọn vẹn.

Cách đây vài năm, tình cờ nghe qua mạng giọng đọc quen thuộc đó lại nắn nót đọc truyện ngắn của tôi, tôi chộn rộn xao xuyến mãi. Cứ như thể một điều ước không tưởng đã thành hiện thực! Tôi mang cảm giác hãnh diện đi giữa mọi người, mỉm cười một mình. Hồi hộp nghĩ, liệu có ai đó, một đứa trẻ nào đó đang nghe câu chuyện của tôi qua đài để mà nghĩ ngợi ngây thơ, để mà ngẫm suy sâu sắc? Như tôi đã từng.

Sau "Đọc truyện đêm khuya" thường có "Tiếng thơ" hoặc "Nhạc không lời". Bấy giờ, tiếng thở khẽ của đêm đã sâu, tiếng thở vất vả mà trong lành của những giấc ngủ thời bao cấp nhiều lo toan giản dị đã vang lên lẫn vào giọng ngâm ấm buồn. Giọng ngâm thơ ngày ấy gieo vào tôi một nỗi buồn kỳ diệu lắm! Nó nôn nao thương nhớ khiến tôi muốn khóc lên mà không hiểu vì sao. Nó cũng khiến tôi len lén tự hào vì mình cũng có một nỗi niềm không lý giải, như thể mình đã lớn hơn, đã khác bọn nhóc cùng trang lứa.

Về sau, khi đã lớn thật, đã tự mình làm thơ, tôi đâm ra... sợ nghe ngâm thơ. Mỗi khi tiếng đàn tranh, tiếng sáo bầu ngân lên, tôi không còn thấy thơ đâu nữa. Chỉ thấy mình như đứa trẻ bị bỏ rơi, kẹt lại thời thơ ấu mà đã không còn ông nội, không còn bố, không còn nhiều người đã từng làm nên tháng ngày hạnh phúc vô lo cũ. Tôi bơ vơ ngay cả trong ký ức nghe đài miên man của mình.

Mười bảy năm tôi đi xa, rồi tôi trở về, tôi đã từng thấy bơ vơ ở ngay giữa lòng Hà Nội. 

Tôi nhớ những giọt nước mắt nuốt vào trong của mình... Cuối những ngày như thế, nằm trong bóng tối, tôi ao ước đến cháy lòng được nghe lại "tiếng nói" năm xưa đã nâng đỡ tôi qua những nỗi bơ vơ.

(*) Tác giả là TS. Giáo dục học, nhà văn, nhà thơ, dịch giả, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.

Thụy Anh, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn