Bức tranh toàn cảnh của Feszty Árpád: LỊCH SỬ OAI HÙNG CỦA DÂN TỘC HUNG

Thứ tư - 15/06/2022 19:05

(NCTG) Gần hai ngàn nhân vật của lịch sử Hungary được mô tả trong một bức tranh toàn cảnh (körkép) hoành tráng với diện tích 1.760 m², cao 15m, dài 120m và có đường kính 38m, là tác phẩm của danh họa Feszty Árpád (1856-1914) hiện được trưng bày tại Công viên Di sản Lịch sử Quốc gia Ópusztaszer. Đây cũng là tác phẩm hiếm hoi trên thế giới với hiệu ứng cyclorama còn lại cho tới bây giờ.

Phần trung tâm của đại cảnh chinh phục đất nước của dân tộc Hungary mô tả 7 thủ lĩnh các bộ lạc Hung nhìn vọng về bồn địa Árpád trước khi đặt chân tới vùng đất bây giờ là Hungary.

Phần trung tâm của đại cảnh chinh phục đất nước của dân tộc Hungary mô tả 7 thủ lĩnh các bộ lạc Hung nhìn vọng về bồn địa Árpád trước khi đặt chân tới vùng đất bây giờ là Hungary.

Năm 1891, Feszty Árpád ở tuổi 35 trong chuyến qua Paris đã có dịp tham quan bức tranh toàn cảnh “Lịch sử một thế kỷ” của 2 họa sĩ Édouard Detaille và Alfonse de Neuville về lịch sử nước Pháp từ thời Khai sáng đến Đệ tam Cộng hòa, và ông cảm thấy phấn chấn trước ý tưởng sẽ vẽ một bức hoành tráng về sự tích Đại hồng thủy trong sách “Kinh Thánh”.

Tuy nhiên, vợ ông - ái nữ của Jókai Mór, tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của nước Hung - thì hoảng hốt trước ý tưởng này: cũng là một họa sĩ, bà biết một cuộc “đầu tư” như vậy tốn kém biết bao nhiêu! Chính Jókai Mór cũng khuyên Feszty Árpád nên chọn một đề tài kinh điển của lịch sử Hungary: sự chinh phục đất nước của dân tộc Hungary diễn ra vào cuối thế kỷ 9.

Như vậy, chủ đề của tác phẩm trong tương lai nhanh chóng được ấn định: “Sự hiện diện của người Hung” (A magyarok bejövetele) tại vùng bồn địa Kárpát, sau nhiều thế kỷ lang bạt tại các thảo nguyên Á - Âu như một dân tộc du mục (bán du mục), sự kiện đã làm thay đổi hoàn toàn lịch sử và cục diện khu vực Trung Âu thời Trung cổ, như nhiều sử gia quan niệm.
 
02

Để nghiên cứu trước khi phác họa đề tài lịch sử thiêng liêng này của Vương quốc Hungary một cách chân thực, Feszty Árpád đã đến tận Đèo Verecke nằm trên dãy núi Kárpát gần TP. Munkács (nay là Munkachevo thuộc Ukraine), được cho là nơi các thủ lĩnh tiên khởi của Hungary đã dẫn gần nửa triệu người Hung tiến vào vùng bồn địa Kárpát.

Feszty Árpád đã bỏ rất nhiều công sức để tìm hiểu những vấn đề mà khoa học còn bỏ ngỏ, về lịch sử lập quốc của người Hungary như lối sống, nền văn hóa, tín ngưỡng, ngôn ngữ, tập tục... của các bộ lạc Hung thời đó. Ông đã tới ngọn đồi ở vùng Kendereske (gần TP. Munkács) và lấy đó làm nơi phác họa những hình ảnh về quá trình chinh phục đất nước.

Nhiều hoạt cảnh hào hùng của huyền sử Hungary, như sự xuất hiện của 7 thủ lĩnh, đoàn người Hungary đưa xe ngựa vào vùng Kárpát, nghi thức hiến tế bạch mã của thầy phù thủy Táltos, cảnh dựng lều trại và đoàn quân hùng hậu của các “mã cung thủ” Hung khiến Châu Âu hoảng hồn bởi tài cưỡi ngựa bắn cung siêu việt... đã được họa sĩ “lên chương trình”.
 
03

Báo chí Hung được biết về tin này, và liên tục đưa tin về tiến độ của tác phẩm, khiến “Sự hiện diện của người Hung” chiếm được sự quan tâm đặc biệt của người Hung, khi đó đang chuẩn bị cho dịp Đại lễ Thiên kỷ (kỷ niệm 1.000 năm sự chinh phục đất nước - honfoglalás 895-1895). Thời hạn để hoàn tất bức tranh cũng được ấn định: Quốc khánh 20/8/1893.

Thời điểm ấy, cũng đồng thời là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Hungary: cũng vào 20/8 năm 1083, 45 năm sau ngày qua đời, vị vua lập quốc István Đệ nhất được Tòa thành Vatican phong thánh, cùng 2 vị khác, và đó là những vị thánh đầu tiên của Vương quốc Hungary. Tuy nhiên, tới ngày đó, Feszty Árpád chỉ kịp hoàn tất một phác thảo nhỏ cỡ 1x8m!

Mặc dù, vì rất được công chúng háo hức quan tâm, để “dọn chỗ” cho tác phẩm rất lớn 15x200m theo dự định, Hội đồng Thủ đô Budapest đã cho dựng một tòa nhà triển lãm mang tên Nhà vòm (Rotunda), ở địa điểm mà hiện tại là Bảo tàng Mỹ thuật Hungary (Szépművészeti Múzeum), với đường kính 40m, tường cao 16m, sức chứa đồng thời cho 236 người.
 
04

Hơn thế nữa, Hội đồng Thủ đô còn chấp nhận chi trả mọi kinh phí để hoàn thiện bức tranh. Do đó, Feszty Árpád đã phải huy động nhiều đồng sự - trong số đó có cả vợ ông - tham gia vẽ và tô màu cho các đại cảnh trong tranh, như bầu trời, phong cảnh, các (nhóm) nhân vật, lều trại du mục... để tiến độ cam kết trong hợp đồng thi công khỏi bị lỡ quá nhiều.

Báo chí đương thời đưa tin, vô số bạn hữu của danh họa là các nhà văn, diễn viên, nhạc sĩ... còn đến “giải sầu” cho giới họa sĩ đang lao động nghệ thuật căng thẳng cả ngày lẫn đêm. Điều thú vị là nhiều nhân vật trong tranh đã được mô phỏng từ giới nghệ sĩ, nhân sĩ... đương thời, và hình ảnh Đại vương công Árpád chính là họa sĩ Feszty Árpád trong thực tế!

Bên cạnh đó, hình ảnh thầy phù thủy Táltos trong huyền sử Hungary, được coi là mô phỏng từ chính người vợ của họa sĩ. Mùa xuân 1894, tranh được hoàn tất, và lễ khai mạc diễn ra vào ngày 13/5/1894. “Sự hiện diện của người Hung” vô cùng được ưa thích, và trở thành điểm thu hút chính trong loạt kỷ niệm Triển lãm Thiên kỷ của Hungary, diễn ra vào năm 1896.
 
06

Đáng nói là sau khi kết thúc tác phẩm, Feszty Árpád cảm thấy có lỗi do không làm kịp theo thời hạn, và sau khi thanh toán các hóa đơn, ông còn bị “lỗ” 10 ngàn Forint. Bức tranh về sau đó đã có số phận ly kỳ, ngay từ khi nó được mang qua London dự Triển lãm Thế giới năm 1999, và mặc dù chi phí chuyển chở hết sức tốn kém, nhưng tranh không được quan tâm.

Lý do là khán giả ngoại quốc không hiểu và không đánh giá được nội dung bức tranh, vốn là đề tài hết sức đặc thù của Hungary. Tranh cũng bị hư hại nhiều khi di chuyển về lại Hungary năm 1909, và phải phục chế. Ngày 30/5/1909, triển lãm trọng thể lần thứ hai của bức tranh được khai mạc, nhưng do thời thế thay đổi, tranh không còn được ưa chuộng như xưa.

Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, trong một cuộc oanh tạc thủ đô Budapest, tòa nhà triển lãm và bức tranh một lần nữa bị hư hại nặng, và bức vải bố còn không được bảo vệ trước mưa và tuyết. Sau Hiệp định Hòa bình Paris 1947 khiến Hungary đánh mất vĩnh viễn hơn hai phần ba diện tích mà nước này từng có trước Trianon, số phận bức tranh càng trở nên hẩm hiu.
 
05

Feszty István, cháu trai của họa sĩ, người duy nhất có thể cứu vãn bức tranh, do đường biên giới thay đổi nên trở thành “người ngoại quốc”, và con gái họa sĩ, bà Feszty Masa cũng không có cơ hội làm việc này. Về sau, tranh bị tháo ra từng phần và cuộn lại, rồi cất giữ trong các kho khác nhau, và chỉ được khởi đầu phục chế từng bước vào thập niên 70 thế kỷ trước.

Thời điểm đó cũng là lúc chính quyền Hungary cho thành lập Công viên Di sản Lịch sử Quốc gia Ópusztaszer, và một nhà triển lãm được xây dành cho bức tranh. Tuy nhiên, mọi khó khăn vẫn còn: năm 1979, việc xây dựng bị đình trệ nên một lần nữa, tranh lại bị đem cuộn rồi cất kho tới năm 1991, khi một nhóm bảo tồn Ba Lan trúng thầu dự án phục chế tác phẩm này.

Kể từ năm 1995, nhân kỷ niệm 1.100 năm chinh phục đất nước của dân tộc Hungary, họa phẩm để đời của Feszty Árpád được triển lãm trở lại tại Nhà vòm (Rotunda) với phần hiệu ứng âm thanh và địa hình nhân tạo, trở thành điểm tham quan chính thu hút khách của công viên mang tính biểu tượng này, mà bất cứ ai quan tâm tới lịch sử Hungary cũng cần tới thăm viếng...

Chùm ảnh của Trần Lê (NCTG):
 
000
 
01
 
02
 
04
 
08
 
05
 
09
 
11
 
14
 
15

15
 
17

20
 
19
 
22
 
21

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Feszty Árpád
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn