75 năm trước: HUNGARY CHIA TAY VĨNH VIỄN NHỮNG VÙNG ĐẤT LỊCH SỬ TRIANON

Thứ năm - 10/02/2022 15:42

(NCTG) Tròn 75 năm trước, ngày 10/2/1947, Vương quốc Hungary và đại diện các cường quốc chiến thắng trong Đệ nhị Thế chiến đã đặt bút ký Hiệp định Hòa bình Paris. Bên cạnh khoản bồi thường chiến tranh 300 triệu USD, Hungary đánh mất vĩnh viễn hơn hai phần ba diện tích mà nước này từng có trước Trianon (1920).

Hiệp định Hòa bình Paris 1947, Trianon thứ hai của dân tộc Hungary - Ảnh tư liệu

Hiệp định Hòa bình Paris 1947, Trianon thứ hai của dân tộc Hungary - Ảnh tư liệu

Các hiệp định hòa bình được ký tại Paris vào ngày 10/2/1947 định mệnh đó khép lại Thế chiến thứ hai, cuộc chiến khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, tại một số nước thuộc phe bại trận như Hungary, Phần Lan, Bulgaria, Ý và Romania. Đối với Hungary, cơ sở của hiệp định này là thỏa thuận đình chiến mà chính phủ lâm thời nước này đã ký với Liên Xô ngày 20/1/1945.

Căn cứ thỏa thuận đó, Vương quốc Hungary tuyên chiến với đồng minh Đức quốc xã, đồng thời chấp nhận chi trả 300 triệu USD bồi thường chiến tranh cho Liên Xô (200 triệu USD), Nam Tư (70 triệu USD) và Tiệp Khắc (30 triệu USD). Khoản tiền lớn này được chia làm 6 phần bằng nhau, trả trong 6 năm, bằng lượng hàng hóa và với mức giá do “bên thắng cuộc” quy định.

Bên cạnh đó, thỏa thuận còn buộc Hungary phải trả các phí tổn liên quan tới việc cung ứng cho các thành viên Ủy ban Kiểm tra Đồng minh và Hồng quân Xô-viết đồn trú ở Hungary. Về sau, khi Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết, 300 triệu USD được quy thành khoảng 370 tấn vàng, và trị giá bằng một phần ba các khoản chi của nước Hungary trong các năm 1947-1948.
 
Chia tay vĩnh viễn với những vùng đất lịch sử
Chia tay vĩnh viễn với những vùng đất lịch sử

Như đã biết, với kết quả các hội nghị quốc tế họp ở Vienna năm 1938 và 1940, Vương quốc Hungary giành lại được một phần đáng kể của hai phần ba diện tích đất nước mà họ đã đánh mất vào ngày 4/6/1920 ở Trianon (Pháp). Tuy nhiên, với Hiệp định Hòa bình Paris 1947, không chỉ phần đất này, mà Hungary còn tiếp tục đánh mất thêm 3 làng ở gần Bratislava (Tiệp Khắc).

Chỉ trong một điểm duy nhất, sự trừng phạt với nước Hung năm 1947 “nhẹ” hơn so với Hiệp định Hòa bình Trianon 1920: thay vì 35 ngàn, quân đội Hung được phép tồn tại ở mức 70 ngàn, Hungary được phép duy trì binh chủng không quân (tối đa 5 ngàn quân nhân) và các loại vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, điều khủng khiếp đối với nước Hung còn nằm ở một điểm “nhỏ” khác.

Ấy là, Hiệp định buộc tất cả các lực lượng vũ trang Đồng minh phải rời Hungary trong vòng 90 ngày kể từ khi hòa ước có hiệu lực pháp luật, ngoại trừ một số đơn vị Hồng quân có quyền ở lại nước Hung để duy trì các tuyến giao thông tiếp viện cho vùng chiếm đóng của Liên Xô ở Áo. Mười năm sau, Áo trở thành quốc gia trung lập và quân đội Liên Xô lẽ ra phải rời Hungary.
 
Số phận người dân thuộc “phe bại trận” bị đày ải - Ảnh tư liệu
Số phận người dân thuộc “phe bại trận” bị đày ải - Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, Moscow đã “nhanh trí” và trù liệu tất cả: vào đúng ngày Hiệp định Quốc gia Áo được ký kết hôm 15/5/1955 khiến nước này thoát khỏi ách chiếm đóng của Liên Xô, một văn bản khác cũng được ký nhằm cột chặt các xứ cộng sản ở Đông Âu vào Điện Kremlin: Hiệp ước quân sự và chính trị Warszawa, cho phép Hồng quân tiếp tục đồn trú tại vùng Đông - Trung Âu.

Như thế, ở một góc độ nhất định, sau mốc thời gian 1945, Thế chiến thứ hai vẫn còn đeo đuổi nước Hung trong nhiều thập niên đằng đẵng và chỉ thực sự chấm dứt vào ngày 19/6/1991, khi người lính Liên Xô cuối cùng - trung tướng Viktor Silov, tư lệnh Liên quân các lực lượng vũ trang tác chiến - chiến thuật Liên Xô khu vực phía Nam - rời đất nước này tại cửa khẩu Záhony.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Trianon
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn