Vấn đề này được phía Nga nhắc đi nhắc lại trong vòng 3 thập niên nay, và càng trở nên gay gắt vào cuối năm ngoái, trong hồ sơ Ukraine. Tất nhiên, như mọi câu chuyện lịch sử, câu chuyện “lời hứa” này cũng có chút uẩn khúc, và cần hiểu rõ hơn các sự kiện diễn ra vào thời điểm 1989-1990 để nhìn nhận tại sao lại có góc nhìn như vậy từ phía Moscow.
Huyền thoại về “lời hứa cổ xưa” này được Tổng thống Nga Vladimir Putin khơi lại tháng 12 năm ngoái và “làm to chuyện” trong cuộc họp báo tổ chức ngày 23/12/2021. Ông nói, vẻ giận giữ, NATO đã hứa rằng “không một đốt tay về phía Đông” (“not one inch eastward”) từ những năm 90 thế kỷ trước. “Vậy mà điều gì đã xảy ra? Họ đã lừa dối chúng tôi một cách trắng trợn”.
Thử xem tổng thống Nga nói về sự “lừa dối” nào?
Thời kỳ 1989-1990, một số hội nghị thượng đỉnh và gặp gỡ Mỹ-Xô đã diễn ra với chủ đề chính là thống nhất nước Đức. Trong một dịp như vậy, Ngoại trưởng Mỹ bấy giờ là James Baker đã nói rằng nếu Moscow đồng ý với kịch bản thống nhất nước Đức và nước Đức mới trở thành thành viên của NATO, thì đổi lại NATO sẽ không mở rộng sự hiện diện quân sự của mình sang phía Đông.
Trong các cuộc đàm phán 2+4 gồm 2 nước Đức và 4 cường quốc Liên Xô - Mỹ - Anh - Pháp, Tổng bí thư Mikhail Gorbachev chấp thuận việc nước Đức thống nhất (còn sự mở rộng về phía Đông của NATO thật ra không hề được đưa vào chương trình nghị sự của 2+4). Tuy nhiên, giới tinh hoa chính trị Nga thì luôn “lu loa” rằng việc mở rộng NATO sang vùng Đông Âu (từ năm 1999) là sự “phản bội”, “lừa dối”, v.v...
Tuy nhiên, bản thân điều này khá khập khiễng và có thể bị bác bỏ từ nhiều hướng.
Thứ nhất, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014, chính Gorbachev cũng thừa nhận rằng khái niệm “sự mở rộng về phía Đông” khi đó được áp dụng cho lãnh thổ Đông Đức chứ không phải khu vực Đông Âu. Nói cách khác, theo ý của James Baker, quân đội NATO sẽ không đồn trú tại biên giới Đức - Ba Lan - Cộng hòa Czech, tức là biên giới của Hiệp ước Warsaw đương thời.
Vào thời điểm ấy, Liên Xô và Hiệp ước Warsaw vẫn tồn tại và hẳn nhiên, chưa thể hình dung việc kết nạp các thành viên của khối này vào NATO. Mặt khác, ngoại giao Nga - Xô quá “nhà nghề” nên không thể có chuyện một sự kiện có ý nghĩa quan trọng sống còn như vậy, nếu được cam kết tại một cuộc thảo luận mà họ lại không yêu cầu đưa vào thành văn bản thỏa thuận.
Thứ ba, NATO là một tổ chức tồn tại trên cơ sở sự đồng thuận nên Hoa Kỳ không thể thay mặt các thành viên khác đưa ra cam kết về việc chấp nhận một quốc gia trở thành thành viên NATO hay không. Tất nhiên, nếu muốn, Mỹ có thể dùng quyền phủ quyết, nhưng nếu vậy, đó vẫn là cam kết của riêng Washington mà thôi.
Thứ tư, khó có thể tưởng tượng rằng phái đoàn Liên Xô không biết rằng ngay trong nội bộ Hoa Kỳ, người đứng đầu Bộ Ngoại giao cũng không thể một mình đưa ra quyết định. Cũng vô lý nếu Moscow không thấy được rằng ngay cả trong NATO cũng chưa không có sự đồng thuận về sự thống nhất nước Đức: Pháp và Anh tỏ ra qua ngại về điều này.
Và vượt lên tất cả, NATO cũng không thể đi vào bất cứ thỏa thuận nào cam kết không kết nạp thành viên nữa, bởi vì theo quan điểm của tổ chức này, việc tham gia NATO phải được quyết định chủ yếu bởi quốc gia muốn gia nhập theo con đường dân chủ, và sau đó được các thành viên hiện có của liên minh chấp thuận.
Theo quan điểm của Nga, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã tiến hành sự bành trướng dữ dội về phía Đông, còn NATO thì cho rằng phải coi đây là việc các nước Phương Đông lựa chọn hội nhập với Phương Tây và đó là quyền “dân tộc tự quyết” không ai có thể ngăn cản của họ. Bất đồng cơ bản này là nguồn cội của những xung đột hiện tại giữa Nga và Phương Tây, đang “kết tinh” ở hồ sơ Ukraine.