(NCTG) Trái tim của Fryderyk Chopin tại Vương cung thánh đường Holy Cross, Warszawa luôn là nơi khiến du khách (có phần hơi hiếu kỳ) muốn tới thăm và chụp tấm hình. Có người còn tò mò bảo, sao người ta không để hẳn ra cho thiên hạ ngắm (mà lại đặt chìm trong vách tường nhà thờ).
Cây cột nơi lưu giữ trái tim Chopin
Thế mới là chuyện khiến chính người Ba Lan cũng bán tin bán nghi, không biết có phải trái tim Chopin ở đó thực không? Tuy nhiên, “nghi án” đó đã bị bác bỏ bởi vào năm 2017, một cuộc “khám nghiệm” được thực hiện đã cho thấy, quả thực trái tim của người nhạc sĩ tài danh vẫn còn đó.
Hơn thế nữa, nó ở trong trạng thái rất tốt, do được ngâm trong Konyak! Tất nhiên, việc “đụng chạm” vào nó bị loại trừ vì có thể gây hư hại đến báu vật của Ba Lan, thậm chí, các chuyên gia còn thông báo rằng, sớm nhất là phải tới năm 2065 mới có thêm một vụ “xem xét” như thế.
Đối với Ba Lan, Chopin không chỉ là một nhà soạn nhạc vĩ đại, ông còn là một anh hùng dân tộc, biểu tượng của cuộc chiến tự do gian nan của dân tộc này. Cho dù sau cuộc khởi nghĩa 1830-1831 của giới quý tộc Ba Lan, ông di cư qua quê nội, và không bao giờ về lại cố hương.
Qua đời năm chưa đầy 39 tuổi, Chopin yên nghỉ tại nghĩa trang Pére-Lachaise (Paris), tuy nhiên nguyện vọng của ông trong di chúc là trái tim của ông phải được trở về quê mẹ. Em gái ông, Ludwika là người thực hiện điều đó, sau khi người nhạc sĩ tài danh qua đời ngày 17/10/1849.
Rất khó nhọc mới có thể chuyển được trái tim Chopin về lại Ba Lan, nếu có thể tin được những câu chuyện thời đó, như chuyện cô em gái Ludwika phải giấu nó dưới váy. Đó là thời kỳ loạn lạc, khi Công xã Paris bị đàn áp, và nước Ba Lan bị chia cắt bởi ba cường quốc của Châu Âu.
Trong Đệ nhị Thế chiến, khi cuộc khởi nghĩa Warszawa nổ ra vào năm 1944, trái tim lọt vào tay một sĩ quan SS cao cấp của Đức. May thay, ông này lại mê nhạc Chopin, nên đã gìn giữ và giấu nó trong một doanh trại quân đội, để rồi trao trả cho nhà thờ vào thời gian cuối cuộc chiến.
Việc tách trái tim khỏi cơ thể và bảo quản riêng tại nơi khác khi ai đó qua đời là điều có thể lạ vào thời nay, nhưng không hiếm cách đây 1,5 thế kỷ. Trường hợp của Chopin, phải chăng lý do vì ông quá yêu quê hương, nên muốn thân thể ở lại quê nội nhưng lòng thì phải “hồi cố hương”?
Nghe thì rất lãng mạn và rất phù hợp với hình ảnh một đại nhạc sư của Trường phái Lãng mạn đầu thế kỷ 19, nhưng thực tế lại... thô thiển hơn nhiều! Trong đời, Chopin luôn lo lắng là ông sẽ bị chôn sống (điều không hiếm khi xảy ra vào thời đó), và khi tỉnh dậy thì đã ở dưới lòng đất!
Do đó, trong giờ phút hấp hối trên giường bệnh, ông nài nỉ em gái và các bác sĩ, hãy hứa rằng trái tim ông phải được tách ra khỏi cơ thể... cho chắc! Và vì thế, từ bấy đến giờ, cùng tập thư từ gửi về cho người thân, trái tim Chopin yên nghỉ ở đó, trong một cây cột của Nhà thờ Thánh Giá.
Lý giải dài dòng như thế, không bằng đưa lại một câu trong “Phúc âm Ma-thi-ơ” (chương 6): “Vì của cải các con ở đâu, thì lòng (trái tim) các con cũng ở đó”. Đây chính là câu được khắc bên ngoài cây cột, mà bên trong là trái tim của một trong những người con Ba Lan vĩ đại nhất: Chopin!
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...