“TẦM QUAN TRỌNG CỦA THỜI ĐIỂM VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TƯƠNG LAI...”
Chủ nhật - 03/05/2020 03:23
(NCTG) 30 năm và 8 ngày - đó là khoảng thời gian mà Orbán Viktor, Kövér László, Németh Zsolt và Kósa Lajos, các yếu nhân của Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) đã liên tục ngồi trong Quốc hội Hungary, kể từ ngày 2-5-1990. Trong số các thành viên của nghị viện đầu tiên kể từ khi nước Hung theo con đường tự do và dân chủ, chỉ còn họ, bốn người, qua tám nhiệm kỳ!
Tổng thống Göncz Árpád (trước) và Thủ tướng Antall József (sau), những con người làm nên nền Đệ tam Cộng hòa Hungary - Ảnh: Szalay Zoltán (Fortepan)
Sự kiện này đã được chính giới Hungary kỷ niệm sau tròn ba thập niên, nhưng mỗi phe một kiểu! Không có sự tham dự của các dân biểu đối lập, Quốc hội Hung - mà các thành viên của liên minh cầm quyền cánh hữu chiếm hơn 2/3 - đã thông qua một tuyên bố chính trị do tám nghị sĩ phe cầm quyền FIDESZ-KDNP đề xuất, trong số đó có Thủ tướng Orbán Viktor và Chủ tịch Quốc hội Kövér László.
Mang tên “Về sự phục hồi thể chế đại diện cho nhân dân của Hungary cách đây ba mươi năm”, đây quả thực là một văn bản mang tính chính trị: bên cạnh việc khẳng định ngày 2-5-1990 - được coi là ngày mở đầu của nền tự do mà Hungary đã giành lại được, tuyên bố nhắc nhiều đến những thất bại của quá trình thay đổi thể chế, về những nỗ lực tranh giành quyền lực hậu cộng sản, nguy cơ tụt hậu, v.v...
Tuyên bố cho rằng, quá trình đó chỉ được khép lại với bản Hiến pháp (Đạo luật Cơ bản) - cũng do một Quốc hội mà nhóm cầm quyền chiếm 2/3 thông qua - được đi vào thực thi từ ngày 1-1-2012. Tuy nhiên, ngược lại, cũng không ít người cho rằng biến cố nói trên đã chấm dứt nền Đệ tam Cộng hòa Hungary, được ra đời ngày 23-10-1989 trong quá trình thay đổi thể chế, và đã cáo chung với thể chế Orbán...
Dù nhìn ở góc độ nào đi nữa, mốc thời gian 2-5-1990 cũng là một dấu son sáng ngời trong lịch sử hiện đại Hungary! Đó là ngày mà Quốc hội mới, được bầu ra bởi lá phiếu tự do, dân chủ của cử tri sau 41 năm dưới thể chế độc tài cộng sản, đã họp phiên đầu tiên và tuyên bố hoàn tất sự thay đổi thể chế với những tên tuổi lớn như Antall József, Tölgyessy Péter, Tamás Gáspár Miklós… hay Göncz Árpád.
Đó cũng là dịp mà đội ngũ tinh hoa của chính quyền cộng sản Hungary trước đó, nhưng đã hiểu được “làn gió đổi mới” nên kịp thay đổi, và thông qua chuỗi đàm phán “Bàn tròn Đối lập” kéo dài nhiều tháng, đã tham gia tích cực vào quá trình cải tổ, và có thể xuất hiện trước quốc dân mà không phải hổ thẹn. Lịch sử ghi nhận xứng đáng những đóng góp của Németh Miklós, Horn Gyula hay Pozsgay Imre.
58 đảng đã tham gia cuộc bầu cử được tổ chức hai vòng vào ngày 25-3 và 8-4-1990, mà theo nhận định của sử gia Mink András trong một tổng kết, “trong lịch sử hiện đại Hungary, đây là cuộc bầu cử đầu tiên có thể coi là tự do và dân chủ, căn cứ quyền bầu cử mang tính chất phổ thông, bình đẳng và thông qua bỏ phiếu kín, cũng như phần thông tin ít nhiều cũng đảm bảo sự bình đẳng về khả năng”.
Rốt cục, sáu đảng sau có thành viên trong Quốc hội - MDF, SZDSZ, FKGP, MSZP, FIDESZ và KDNP - và “bản đồ chính trị” vẫn tiếp diễn trong vòng hai thập niên sau đó tại Hungary. “Đảng MDF (Diễn đàn Dân chủ Hungary) giành được đa số phiếu và do đó, (Chủ tịch đảng) Antall József được thành lập nội các”, giáo trình học môn Quốc tịch dành cho người ngoại quốc muốn nhập tịch Hung nói ngắn gọn.
Một dòng ấy đương nhiên không khiến ai có thể hiểu được ý nghĩa của một sự kiện, mà “tàng thư” của nó có thể lên tới hàng ngàn, hàng vạn cuốn sách. Ngay từ trong “trứng nước”, nền dân chủ non trẻ của Hungary đã hàm chứa trong lòng nhiều bất đồng, về quan niệm và hướng đi, bởi những tính cách khác biệt, đòi hỏi phải có những nhân nhượng, thỏa hiệp nhiều khi “bằng mặt mà không bằng lòng”.
Nhưng đáng nói là khi đó, Hungary đã có những gương mặt lớn, để làm nên những khoảnh khắc lớn. Đó là khi vị thủ tướng cuối cùng của thời cộng sản, người đóng vai trò đáng kể trong biến chuyển dân chủ của nước Hung - ông Németh Miklós có thể thanh thản nói rằng, ông và nội các cũ có thể từ nhiệm hôm 2-5 mà “không có vị đắng, vì tôi coi đây là thành quả những công việc mà chúng ta đã thực hiện”.
Đó là khi Göncz Árpád - vị chính khách được người dân Hungary yêu mến nhất trong ba thập niên này, Tổng thống Cộng hòa Hung trong hai nhiện kỳ đầu, nhưng khi ấy còn ở cương vị Chủ tịch Quốc hội mới - đã thổ lộ khi được chọn là nguyên thủ quốc gia: “Thật cảm động, hoàn toàn nhận thức được về tầm quan trọng của thời điểm và trách nhiệm tương lai của tôi, tôi xin cám ơn niềm tin của Quý vị”.
Và đây là những lời trân trọng ông dành cho Antall József, vị thủ tướng đầu tiên của nền Đệ tam Cộng hòa Hungary - người được đặt tên cho con đường ở ngay trước trụ sở Nghị viện Châu Âu tại thủ đô Brussels: “Tôi biết ông József Antall - trước khi ông ấy là ông Antall József - khi ông còn rất trẻ. (...) Trong cả khoảng thời gian này, tôi có cơ hội được biết về những đức tính đạo đức và trí tuệ của ông”.
Trên cương vị người đề cử, Göncz Árpád ca ngợi: “Tôi luôn luôn ngạc nhiên về kiến thức lịch sử, hiến pháp và pháp luật rất sâu sắc của ông. (...) Sở dĩ tôi nói tất cả những điều này là để dựa trên trải nghiệm cá nhân của tôi, có lẽ gần hơn so với những trải nghiệm chính trị thuần túy của Quý vị, có thể khẳng định rằng tôi coi ông József Antall hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ được giao”. (Vỗ tay kéo dài.)
Cuối cùng là lời đáp của tân Thủ tướng Antall József, mà trong đó, trước hết ông đề nghị hãy cho ông niềm tin: “Tôi mong muốn, nếu Quý vị tin tưởng và nhận biết rằng, không có bất cứ tham vọng cá nhân nào dẫn dắt tôi (...). Tôi không có bất cứ khao khát công danh sự nghiệp gì...”. Mạng tin index.hu nhận xét rằng, những lời ấy giờ nghe lại thật xa xăm, như thể chúng đến từ một thế giới gần như xa lạ!
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...