VỊ VUA CUỐI CÙNG CỦA TRIỀU ĐẠI ÁRPÁD (Phần 1)

Thứ bảy - 19/09/2020 12:15

(NCTG) András Đệ tam (1265-1301) được biết đến như vị vua cuối cùng của triều đại Árpád (Árpád-ház), và cái chết của ông vào ngày 14-1-1301 đồng nghĩa với việc triều đại đầu tiên trong lịch sử quân chủ Vương quốc Hungary - khởi đầu bằng sự đăng quang của vị vua lập quốc Szent István vào mùa Giáng sinh năm 1000 - đã chấm dứt.

András Đệ tam trong lễ đăng quang ngày 23-7-1290

András Đệ tam trong lễ đăng quang ngày 23-7-1290

Một dòng vỏn vẹn như vậy - xuất hiện trong giáo trình tóm lược của chương trình “sát hạch” dành cho người ngoại quốc muốn nhập tịch Hungary - hẳn nhiên không cho chúng ta biết nhiều về cuộc đời hết sức lý thú và đầy thăng trầm khổ ải của ông!

Nguồn gốc “lờ mờ”

Cho đến giờ, vẫn chưa đủ bằng cứ - và có lẽ sẽ không bao giờ đủ! - để phá tan mọi tồn nghi, theo đó András Đệ tam có thể không phải dòng dõi Árpád, và do đó vị vua cuối cùng của triều đại Árpád không phải ông, mà là người tiền nhiệm của ông, László Đệ tứ (1262-1290), người lên ngôi vua năm mới 10 tuổi và cai trị nước Hung trong vòng 18 năm (1272-1290).

Để hiểu được “nghi án” này, cần trở về quá khứ, thời vua András Đệ nhị (1176-1235), tác giả đạo luật “Triện vàng” (Aranybulla) quen biết. Năm 55 tuổi, sau khi người vợ thứ hai qua đời, ông kết hôn với một thiếu nữ Ý khoảng 23 tuổi, tên là Estei Beatrix (tên Ý là Beatrice d'Este). András Đệ nhị qua đời cuối tháng 9-1235, sau 30 năm trị vì Vương quốc Hungary (1205-1235).

Trước khi ông qua đời, vợ thứ ba của ông, hoàng hậu Estei Beatrix tuyên bố bà đang mang thai một đứa con. Tuy nhiên, hoàng thái tử Béla, trưởng nam của András Đệ nhị nghi ngờ rằng, hài nhi này không phải của cha mình, mà là của một đại quý tộc Hung tên là Apodfia Dénes. Do đó, ngay sau khi cha qua đời, Béla đã cho bắt giam mẹ kế, bà Estei Beatrix.
 
András Đệ tam trong con mắt hậu thế
András Đệ tam trong con mắt hậu thế

Ác cảm của hoàng thái tử Béla với người vợ thứ ba của cha không phải khi đó mới có, mà đã có cội nguồn từ trước đó hơn 1 năm, khi Béla cùng các em phản đối việc András Đệ nhị tục huyền với Estei Beatrix. Về sau, khi nối nghiệp cha với niên hiệu Béla Đệ tứ, ông còn cho chọc mù mắt Apodfia Dénes, người mà ông cho là đã tư thông với mẹ ghẻ mình.

Trở lại việc hoàng hậu Estei Beatrix bị nhốt trong ngục, rất may cho bà là khi đó, có đoàn sứ giả của hoàng đế Đức sang Hung viếng András Đệ nhị. Mặc đồ đàn ông, Estei Beatrix liều mình trà trộn vào đoàn sứ giả và chạy trốn được sang Đức. Sau khi sinh con vào năm 1236, bà lui về ở ẩn và sinh sống bằng khoản trợ cấp mà vị Giáo hoàng khi đó ban cho.

Đứa con chào đời nơi tha hương được mẹ đặt cho cái tên István, ý nói nó thuộc dòng dõi Árpád. Sau khi bà Estei Beatrix qua đời vào năm 1254 (*), István mồ côi cả cha lẫn mẹ khi vừa mới vào độ tuổi trưởng thành. Không được Béla Đệ tứ coi là em trai, István trải qua nhiều gian nan cho tới khi ông kết hôn được với một phụ nữ thuộc gia đình quý tộc ở Venice (Ý).
 
Tấm biển ở con phố mang tên hoàng hậu Estei Beatrix (Beatrice d'Este) dẫn tới ngôi nhà được coi là của Juliet tại TP. Verona (Ý)
Tấm biển ở con phố mang tên hoàng hậu Estei Beatrix (Beatrice d'Este) dẫn tới ngôi nhà được coi là của Juliet tại TP. Verona (Ý)

Mặc dù tại Vương quốc Hungary, hoàng tử István bị coi là không thuộc dòng dõi Árpád, “dân tộc của những vị vua thiêng liêng”, nhưng sống ở xứ người, ông vẫn tự xem mình là hậu duệ của vị đại thủ lĩnh thời kỳ chinh phục đất nước này. Năm 1265, cặp vợ chồng István sinh một con trai đặt tên là András, chính là vua András Đệ tam về sau này!

(*) Tới thăm ngôi nhà được coi là của Juliet ở TP. Verona - nơi có chiếc ban-công huyền thoại được đại văn hào Anh William Shakespeare mô tả trong vở bi kịch nổi tiếng “Romeo and Juliet” như là nơi mà cặp tình nhân gặp gỡ - hiếm ai biết rằng một con phố nhỏ dẫn tới ngôi nhà mang tên vị hoàng hậu Hungary, bà Estei Beatrix: Vicolo Beatrice d’Este (Regina d’Ungheria).

Nguyễn Hoàng Linh - Còn tiếp


 
 Từ khóa: András Đệ tam
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn