Khảo cổ học Hungary: HY VỌNG PHÁT HIỆN VÀ PHỤC DỰNG HÀI CỐT VUA MÁTYÁS (Phần 2)

Thứ hai - 01/02/2021 19:49

(NCTG) Nghiên cứu của giới khảo cổ về vua Mátyás, và thông qua đó, về một đại gia đình rất có tầm ảnh hưởng của 2 dân tộc Hungary và Romania, và qua đó, có tác động đến cả vùng Trung Âu, có thể khiến giới học sinh và người yêu sử cảm thấy thú vị hơn với những kiến thức nhiều khi khô cứng trong nhà trường.

Vua Mátyás và người vợ thứ hai, Hoàng hậu người Ý Beatrice d'Aragona

Vua Mátyás và người vợ thứ hai, Hoàng hậu người Ý Beatrice d'Aragona

Xem Phần 1 của bài viết.

Đại gia đình xuất chúng

Dòng họ đại quý tộc Hunyadi ở vùng Erdély (vùng đất lịch sử của Vương quốc Hungary, nay là Transilvania thuộc Romania) mở đầu với Hunyadi János (1407-1456), vị võ tướng, nhiếp chính vương đi vào lịch sử bằng cái tên “Người diệt Thổ” (törökverő) với chiến thắng lẫy lừng tại TP. Nándorfehérvár (nay là Belgrade, Serbia) năm 1456, khiến Đế quốc Ottoman phải từ bỏ ý định chinh phục Hungary và Châu Âu trong hơn 70 năm.

Con thứ của ông, Hunyadi Mátyás lên ngôi khi chưa đầy 15 tuổi trong tình huống rất gây cấn sau cái chết của người anh Hunyadi László, bị giảo hình do sự thông đồng của giới lãnh chúa, quý tộc và vua Hungary László Đệ ngũ. Tuyên bố đăng quang được giới lãnh chúa thực hiện trên sông Danube lạnh giá vào ngày 24-1-1458, nhưng vị vua nhỏ khi đó còn bị bắt giam ở Praha, và Vương miện Thánh thì bị đánh cắp và cất ở Vienna.
 
Hunyadi János (phải), “Người diệt Thổ”
Hunyadi János (phải), “Người diệt Thổ”
 
Hunyadi János (phải), “Người diệt Thổ”
“Khóc thương Hunyadi László” (1859), họa phẩm của danh họa Madarász Viktor (1830-1917). Trưởng nam của Hunyadi János bị giết hại, mở đường cho người em, Hunyadi Mátyás lên ngôi vua

Sau khi lên ngôi, tuy còn rất nhỏ, vua Mátyás đã xây dựng một chế độ tập quyền vững mạnh, “thanh toán” các bè đảng lãnh chúa, chấm dứt tình trạng “sứ quân” và nắm trọn quyền lực trong tay. Để làm được điều đó, ông cho thành lập “Đạo quân đen” (Fekete Sereg) rất tinh nhuệ gồm nhiều “lính đánh thuê” ngoại quốc, đây là đạo quân thường trực và chuyên nghiệp đầu tiên của nước Hung, nổi tiếng khắp Châu Âu trong 30 năm.

Vua Mátyás đã lãnh đạo nhiều chiến dịch thành công chống quân Thổ, đồng thời ông còn đưa quân chinh phục Tiệp và Phương Tây với ý đồ giành ngôi vị Hoàng đế của Đế chế Đức - La Mã. Quan niệm rằng cần mở rộng bờ cõi để có được một liên minh có thể cự nổi với Đế quốc Ottoman mạnh hơn Hungary rất nhiều, nhưng đáng tiếc là sự ra đi của ông vào năm 1480 mà không có người nối dõi đã khiến Hung lụn bại sau đó.

Người con bất hạnh

Cả đời, vua Mátyás có quan hệ với rất nhiều phụ nữ nhưng cả hai vợ của ông - Hoàng hậu người Tiệp Podjebrád Katalin (Kateřina z Poděbrad) qua đời năm 15 tuổi do chứng sốt hậu sản, và Hoàng hậu người Ý Aragóniai Beatrix (Beatrice d'Aragona), người đã tạo cảm hứng khiến ông trở thành một Mạnh Thường Quân hàng đầu, người bảo trợ cho văn hóa và nghệ thuật thời đó - đều không sinh hạ được cho ông con trai nối dõi.
 
Vua Mátyás cùng cha, Hunyadi János tại “Pantheon của dân tộc Hungary” ở Quảng trường Anh hùng (Budapest)
Vua Mátyás cùng cha, Hunyadi János tại “Pantheon của dân tộc Hungary” ở Quảng trường Anh hùng (Budapest)
 
Tòa thánh đường quan trọng nhất của nước Hung ở TP. Székesfehérvár, nơi đăng quang và yên nghỉ của các quân vương thời Trung cổ, đã bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ
Tòa thánh đường quan trọng nhất của nước Hung ở TP. Székesfehérvár, nơi đăng quang và yên nghỉ của các quân vương thời Trung cổ, đã bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ

Hoàng tử Corvin János chào đời như kết quả mối tình “thoảng qua” của vua Mátyás với một người tình ở Vienna, bà Edelpeck Borbála (Barbara Edelpöck), khi vị quân vương mất vợ đầu được 6 năm. Khi ông lên 3 tuổi, vua Mátyás quyết định kết hôn với bà Aragóniai Beatrix nhưng vì sau đó, hai vợ chồng không có con nên Corvin János mặc dù ra đời ngoài giá thú, nhưng được cha coi là người con chính thức, có thể thành thái tử.

Được cha yêu thương và phong cho nhiều tước vị (vua Mátyás còn sẵn sàng từ bỏ Coatia khi đó thuộc Vương quốc Hungary để người con được kế vị ông), tuy nhiên Corvin János không được lựa chọn khi vua cha băng hà. Sau đó, Hungary dưới triều đại 2 vị vua gốc Ba Lan (Ulászló Đệ nhị và Lajos Đệ nhị) đã suy sụp trước sự tranh giành quyền lực của giới lãnh chúa, dẫn đến trận thua thảm bại trước Thổ ở Mohács ngày 28-8-1526.

Thất bại tại Hungary, Corvin János qua sống ở Croatia, nơi ông giữ cương vị tể tướng, đồng thời cũng là vua tể trị xứ Bosnia. Do phải đối mặt thường xuyên với sự đe dọa từ quân Thổ, ông cho cải biến tu viện ở TP. Lepoglava thành một pháo đài, và chọn chỗ yên nghỉ cho mình ở đó. Corvin Kristóf - con trai ông với người vợ thứ 2, bà Frangepán Beatrix - thành viên cuối cùng của dòng họ Hunyadi cũng cùng cha yên nghỉ tại đây.
 
Corvin János, người con bất hạnh
Corvin János, người con bất hạnh

Cho dù trong đời không hoàn thành được ý nguyện của người cha do những tranh giành và mối quan hệ rất phức tạp của giới lãnh chúa, quý tộc Hung và ngoại quốc, Corvin János không được đội lên đầu Vương miện Thánh (Szent Korona) như thân phụ, và đời sau không thể biết rằng nếu ông được thừa kế ngai vàng, nước Hung có tan rã trước quân Thổ, như đã? Điều an ủi, là giờ đây, qua ông, hậu thế có thể tìm lại được cha ông...

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Vua Mátyás
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn