(NCTG) “... cứa tận sống lưng không phải tiếng bom đạn, pháo bắn rung chuyển bụi mù trong kia: bám đuổi theo tôi chính là những lời cuối đầy thương yêu mà tuyệt vọng ấy, như thoát ra từ dưới lớp đất đắp vội kia, xa dần rồi chìm dần nhẹ như hơi thở cuối nhưng lại vang vọng ám ảnh rất lâu”.
Chiến tranh là vô nghĩa và hủy diệt - Ảnh: Puy du Fou
Puy du Fou là khu giải trí biểu diễn thực cảnh lớn nhất về đề tài lịch sử ở Pháp, nằm ở vùng Vendée phía Tây đất nước. Trên lãnh địa lâu đài cổ Puy du Fou được bảo tồn, công viên giải trí này ra đời năm 1989, phát triển kế thừa từ đội diễn kịch đêm tình nguyện Cinescenie nhằm tái hiện lịch sử địa phương.
Dần dần, khu vực này được thiết kế như một khu làng thực cảnh mô phỏng bối cảnh sống qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau của Pháp và vùng Vendée. Mỗi phần biểu diễn tái hiện lịch sử diễn ra tại một khu dựng cảnh với diễn viên, động vật hoang dã được thuần dưỡng chăm sóc ở chính công viên, và kết hợp những kỹ thuật sân khấu ngày càng hiện đại.
Cùng gia đình tới thăm khu giải trí lịch sử này, “Những tình nhân (trận) Verdun” (Les Amoureux de Verdun) là nội dung tôi xếp cuối cùng trong danh sách ưu tiên. Vì đề tài Thế chiến thứ nhất với trận Verdun (*) nhiều tổn thất tôi đã nghe và có biết ít nhiều, nên có phần... ngại xem trong khuôn khổ một chuyến đi nghỉ thư giãn.
Thế rồi, tôi lại rẽ vào xem một mình (do một số chương trình khuyến cáo không phù hợp với trẻ nhỏ nên gia đình tôi bàn nhau đi luân phiên). Mười lăm phút đi ngoằn ngoèo trong hầm tối, tiếng bom đạn ù tai. Lối đi rung chuyển tái hiện áp lực đạn pháo, chỗ bụi mờ, nơi ẩm ướt nước rỉ chảy loang ẩm thấp, tối tăm.
Ngay sát hai bên hầm, những cảnh sinh hoạt, ăn ngủ, nhắm bắn, cứu thương diễn ra sống động. Khi thì giật mình vì từ đâu xuất hiện một người lính chạy ngược đường hò hét, lúc gặp tiếng rên rỉ khi y tá khâu vết thương... đều là diễn viên đóng ngay bên mình. Tất cả không thể chân thực hơn, nặng nề, đáng sợ, làm tôi rảo bước nhanh.
Rồi chùng xuống nhẹ bớt tiếng đạn pháo, là khung cảnh dựng lớn nhất trải rộng của đêm Noel đã đi vào lịch sử năm 1914. Khi giữa trận chiến đang khốc liệt, các bên ngừng bắn để hưởng vài giờ ngày lễ yên bình hiếm hoi. Phút giây rũ bỏ vai trò trận mạc, những thanh niên hai bên chiến tuyến tiến lại bên nhau, giữa trận địa giá tuyết, chia chung ngụm rượu ấm lòng mừng Giáng sinh. Tiếng hát bao trùm không gian.
Tôi đi vội qua hầm, qua cả khung cảnh ấy, muốn thoát khỏi không khí đặc quánh tiếng ồn và khói mù tối tăm, ẩm ướt. Đến độ chỉ nghe thấp thoáng âm thanh vang vọng giữa các vách hầm. Đó là lời đọc trao đổi thư của anh lính nơi chiến trường và vợ ở quê nhà. Những trích đoạn lấy từ hơn 120 bức thư của lính trận Verdun gửi về gia đình, vợ con.
Bối cảnh trước ngày Giáng sinh, khi tiếng bom đang dội, thì anh trả lời nàng đầy dịu dàng “ở đây yên tĩnh lắm, anh ổn cả” nhưng rồi “đừng nói với em là anh bị thương”, “ở đây anh được chăm sóc tốt lắm” khi đi ngang góc bệnh xá chật thương binh. Càng đi sâu, lời chia sẻ của người lính càng khó giấu nổi lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi... tôi không nghe được hết.
Bước ra khỏi hầm, tôi thở phào vì đã kết thúc chặng thăm quan không mấy nhẹ nhõm này. Âm thanh ngừng bặt, những rung lắc khói bụi tan biến, ánh sáng chợt chan hòa, rừng cây bao phủ. Nhưng rồi, tôi chợt nhật ra đang đi giữa một cánh đồng đầy mộ, chi chít những cây thánh giá liêu xiêu dựng vội bằng cành cây… Chẳng có gò mộ, thi thoảng treo chiếc mũ sắt rỉ, hay phủ tấm quốc kỳ nhàu nhĩ xám bùn.
Trong sự tĩnh lặng đối lập ấy, chỉ còn có thứ duy nhất tiếp nối từ hầm tối. Đó là lời thư thống thiết của chàng lính trẻ. “Ôi em yêu... anh mệt quá... giá mà anh được thấy em... nhưng đã quá muộn rồi... em yêu... khi em đọc những dòng này... thì anh đã đi rồi… hãy hôn con giùm anh... anh lạnh quá... nước Pháp muôn năm…”. Và tiếng nói tắt dần.
Tôi đã ra khỏi một đoạn xa, mà nhận ra cứa tận sống lưng không phải tiếng bom đạn, pháo bắn rung chuyển bụi mù trong kia. Bám đuổi theo tôi chính là những lời cuối đầy thương yêu mà tuyệt vọng ấy, như thoát ra từ dưới lớp đất đắp vội kia, xa dần rồi chìm dần nhẹ như hơi thở cuối nhưng lại vang vọng ám ảnh rất lâu.
Khi ra về, tìm hiểu, tôi mới biết phần dàn dựng này được giải nhất sáng tạo giải trí thế giới “Thea Award for Outstanding Achievement” tại Los Angeles (2016), gần 1 năm sau khi nó khai trương. Và được đánh giá như tiết mục tả thực và ám ảnh đáng nhớ nhất của khu tái hiện lịch sử này.
Theo cách này, chiến tranh đã được các tác giả lưu dấu trong lòng hậu thế, không hào hùng cũng chẳng có thắng bại. Mà khắc sâu nhất là phần “Người” của người lính, với những cảm xúc thương yêu hy vọng, nâng đỡ qua chiến trận.
Tôi không nhớ đến một vị tướng ghi công hiển hách hay người lính anh dũng hy sinh. Tôi chỉ nhớ rằng sự tàn khốc của cuộc chiến khiến một chàng trai không về được với người yêu dấu, một người cha không kịp hôn đứa con nhỏ... Để mất mát lớn nhất, còn đọng lại dai dẳng , chính là những sinh mạng nằm lại nơi trận địa, là những chia cắt, trống trải trong lòng người lẻ loi bước ra từ cuộc chiến.
Ngày nay ở Pháp, trận Verdun luôn được nhắc đến như một trong những ký ức tiêu biểu nhất về Thế chiến thứ nhất, nhưng là với khía cạnh con người, tố cáo sự tổn thất nặng nề về sinh mạng, cho cả hai bên. Cách một xã hội nhìn nhận và tưởng nhớ quá khứ, nói lên nhiều điều về hướng nhìn về tương lai của họ.
Ghi chú:
(*) Verdun - địa danh phía Tây Bắc nước Pháp - nơi diễn ra trận chiến khốc liệt và thiệt hại nặng nề nhất trong Đệ nhất Thế chiến giữa quân đội Pháp và phe Đồng minh chống lại quân Đức. Trận chiến diễn ra trong 10 tháng, chỉ vỏn vẹn trong một khu vực khoảng 2km2, nhưng huy động luân chuyển rất nhiều binh lính. Quân Pháp và Đồng minh đã chống cự thành công, nhưng số người thiệt mạng lên đến 700 ngàn, gần như chia đều cho hai bên.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...