Quốc tang 6/10: “LỜI NGUYỀN” KINH KHỦNG CỦA MỘT NỮ QUÝ TỘC HUNGARY
Thứ năm - 06/10/2022 18:06
(NCTG) 6/10 là một trong hai Quốc tang thường niên của Hungary, bên cạnh 4/11 là ngày mà vào năm 1956, Liên Xô đã xua quân đội và chiến xa sang Hung dập tắt mong mỏi dân chủ của người dân xứ này. Đây là thời điểm mà vào năm 1849, 13 sĩ quan cao cấp nhất tham gia cuộc cách mạng và cuộc chiến giành độc lập dân tộc cho Hungary bị chính quyền Áo tử hình tại vùng Arad (hiện thuộc lãnh thổ Romania).
Hoàng đế Franz Joseph (1830-1916) trong lễ đăng quang năm 1848: theo huyền thoại, ông và gia tộc đã phải chịu tai họa do một nữ quý tộc Hungary nguyền rủa - Ảnh tư liệu
Kossuth Lajos, vị Nhiếp chính của Vương quốc Hungary độc lập mùa xuân năm 1849 đã gọi sự kiện bi hùng này là “con đường khổ nạn” của nước Hung. Bên cạnh 13 vị tuẫn tiết ở Arad, Thủ tướng của chính phủ độc lập - bá tước Batthyány Lajos - cũng bị tử hình tại Budapest tại một nhà tù khổng lồ, hiện là Quảng trường Tự do (Szabadság tér), nằm cạnh Quảng trường Kossuth nơi tọa lạc Tòa nhà Quốc hội.
Liên quan tới cái chết đau thương của các vị anh hùng này - mà người chịu trách nhiệm chính là Hoàng đế Áo Franz Joseph khi đó mới 19 tuổi, người sau này trở thành quân vương của nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung từ năm 1867 - có một huyền thoại cho tới giờ vẫn được nhắc đến: phu nhân của bá tước Batthyány Lajos, bà Zichy Antónia, trong cơn phẫn uất tột cùng đã buông lời nguyền rủa Hoàng đế Áo.
“Cầu mong thiên đường và địa ngục hãy làm tan nát hạnh phúc của ông ta! Cầu mong toàn thể gia tộc của ông ta bị diệt vong khỏi trái đất này! Cầu mong Đức Chúa trời hãy triệt hạ chính những kẻ gần gũi nhất với trái tim ông ta! Hãy để cho cuộc sống của ông ta không là gì khác ngoài sự hủy diệt, và để cho con cái của ông ta phải chết một cách thê thảm!” là những lời cay đắng và nghiệt ngã của vị nữ quý tộc.
Chồng bà, vị thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Hungary độc lập trong cuộc cách mạng 1848 là người có quan điểm mềm dẻo với Đế quốc Áo: ông không cho rằng Hungary nên tách rời khỏi Áo vì nước Hung còn yếu, không thể cự nổi quân đội Nga hoàng và cũng không có khả năng được sự thừa nhận của các quốc gia khác. Khi ông bị bắt, bà vẫn được đưa con cái vào thăm và tin chắc rằng ông sẽ được thả.
Tháng 9/1849, bá tước Batthyány Lajos bị kết án tử hình. Lần cuối, bà Zichy Antónia được thấy chồng là vào ngày 5/10: khả năng là lúc đó, bà đã mang cho chồng một thanh kiếm nhỏ để rọc giấy, để vị bá tước tự sát bằng cách đâm vào động mạch cổ. Dù không chết, nhưng vào ngày hôm sau, Batthyány Lajos ở trạng thái yếu đến mức không thể xử giảo hình được, và do đó đội hành quyết đã phải bắn chết ông.
Trong 7 lần vào thăm chồng tại nhà tù Neugebäude - từng là một pháo đài, doanh trại quân đội Áo và là nơi giam giữ các chiến sĩ cách mạng Hungary, về sau bị phá đi để trở thành Quảng trường Tự do như hiện tại - bà Zichy Antónia không nghĩ là chồng bà sẽ bị tử hình. Sau cái chết đau thương của ông, bà phải rời Pest, rồi đi khỏi quê hương, qua Geneva (Thụy Sĩ) và chỉ trở lại Hungary sau 10 năm khi được ân xá.
Có thể hiểu được nỗi căm hận của bà với Gia tộc Habsburg, mặc dù trong những năm sau, mối quan hệ Hung - Áo đã dần dần bớt căng thẳng. Khi con trai bà làm quen với nữ bá tước Marie Louise von Wallersee (cháu gái của Hoàng hậu Áo Elisabeth, được xem là người phụ nữ đẹp nhất Châu Âu hậu bán thế kỷ 19, hay được biết tới với “biệt danh” Sisi) và muốn lấy làm vợ, bà đã tuyệt nhiên cấm đoán cuộc hôn nhân.
“Chúng ta không lấy vợ của một gia tộc sát nhân!”, bà viết trong thư gửi con trai, và dọa rằng nếu hôn nhân vẫn diễn ra, bà sẽ tự sát ngay trong ngày cưới. Rốt cục, mọi việc đã diễn ra theo ý bà và tới cuối đời, vị nữ quý tộc vẫn không thể tha thứ cho Hoàng đế Franz Joseph vì cái chết của chồng bà. Lời nguyền của bà Zichy Antónia, vẫn theo các huyền thoại, đã khiến gia tộc Habsburg mất đi đúng 13 thành viên!
Trong số đó, có những nhân vật quen biết, đã phải chịu cái chết “bất đắc kỳ tử”, như Thái tử Rudolf (bị coi là tự sát vì tình năm 1889, nhưng cũng có thuyết cho là bị hãm hại), hoặc chính Hoàng hậu Sisi, Vương hậu của Hungary, bị ám sát bên hồ Geneva năm 1898. Cái chết kinh khủng nhất là của Thái tử Franz Ferdinand cùng vợ vào ngày 28/6/1914 do bị ám sát, đã gây nên Đệ nhất Thế chiến sau đó tròn 1 tháng!
Lời lý giải tự nhiên cho “lời nguyền” này tương đối đơn giản: do Gia tộc Habsburg quá đông đảo và thông qua kết hôn, có đại diện ở khắp Châu Âu, nên xác suất họ bị tai nạn, mất tích... cũng cao tương ứng. Ngoài ra, muốn giữ dòng máu “thuần khiết”, trong nhiều thế hệ, không ít thành viên Gia tộc Habsburg đã có hôn nhân cận huyết, dẫn đến những dị tật và dễ kéo theo những cái chết có vẻ bất thường, khó lý giải.
Trở lại với Quốc tang 6/10 và bá tước Batthyány Lajos, nhiều năm sau khi qua đời, ông cùng vợ và thân nhân đã được an táng trọng thể tại một trong những lăng mộ đẹp nhất và trang trọng nhất ở Nghĩa trang Danh nhân (đường Kerepesi - Fiumei). Hậu thế nhớ đến ông như “một vị anh hùng tử đạo vì nghĩa lớn và cao đẹp, người đã dâng linh hồn mình về cho Chúa, nhưng ký ức của ông sẽ sống mãi trong tim chúng ta” (*).
Cùng với ông, ký ức những anh hùng của cách mạng 1848 sẽ “sống cho đến hơi thở cuối cùng của người Hung cuối cùng” (*).
Ghi chú:
(*) Lời bá tước, chính khách, nhà văn Teleki László (1811-1861) trên một tờ báo Pháp năm 1848.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...